Luận Văn Đánh giá tác động của việc khai thác vàng đến hiện trạng sử dụng đất và sinh kế của người dân xã Tam

Thảo luận trong 'Nông - Lâm - Ngư' bắt đầu bởi Julie Nguyễn, 5/12/13.

  1. Julie Nguyễn

    Julie Nguyễn New Member

    Bài viết:
    970
    Được thích:
    2
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Phần 1
    ĐẶT VẤN ĐỀ

    1.1. Tính cấp thiết của đề tài
    Trong thời đại công nghiệp hóa hiện đại hóa hiện nay, các ngành công nghiệp ngày càng phát triển. Đặc biệt là ngành khai thác khoáng sản với sự phát triển trên thế giới và cả ở Việt Nam. Trong hơn nửa thế kỉ qua, nhu cầu về tài nguyên khoáng sản trên thị trường thế giới đang trở nên cấp thiết, dẫn đến tình trạng khai thác quá mức và cạn kiệt nguồn tài nguyên khoáng sản và đã để lại những hậu quả xã hội và môi trường cho khu vực khai thác. Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú và đa dạng về chủng loại gồm các nhóm khoáng sản nhiên liệu (dầu khí, than); nhóm khoáng sản sắt và hợp kim sắt (sắt, cromít, titan, mangan); nhóm khoáng sản kim loại màu (bôxit, thiếc, đồng, chì-kẽm, antimon, molipden); nhóm khoáng sản quý (vàng, đá quý); nhóm khoáng sản hoá chất công nghiệp (Apatít, cao lanh, cát thuỷ tinh); nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng (đá vôi xi măng, đá xây dựng, đá ốp lát). Trong đó, khoáng sản vàng có giá trị rất cao nhưng trữ lượng lại thấp và đang bị khai thác trong tình trang báo động.
    Việc khai thác khoáng sản nói chung và khai thác vàng nói riêng đã gây nên nhiều vấn đề cho xã hội. Bên cạnh những tích cực của các hoạt động khai thác khoáng sản như đóng góp hằng năm vào GDP của nhà nước với hàng chục nghìn tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho những hộ dân tại khu vực khai thác, nâng cao trình độ dân trí, cũng như vật chất tinh thần của các hộ dân đặc biệt là vùng sâu vùng xa, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho đất nước. Mặt tích cực của hoạt động khai thác là thế nhưng tác động xấu cúa nó vẫn rất nhiều, đó là các tệ nạn xã hội tại vùng khai thác, chiếm nhiều diện tích đất canh tác, làm nhiễm bẫn đất, nước mặt cũng như nước ngầm, ô nhiễm không khí, gây tiếng ồn cho dân cư quanh vùng khai thác. Đặc biệt đối với khai thác vàng chứa chất độc mạnh đó là cyanua gây hại cho môi trường và sức khỏe con người Việc khai thác khoáng sản trái phép vẫn tồn tại như khai thác vàng ở huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông , khai thác cát sỏi trái phép trên sông Hiếu, sông Lam, sông Con, hoạt động khai thác cao lanh trái phép ở Lâm Đồng, Các hoạt động khai thác trái phép không theo quy định và khai thác ồ ạt đã làm giảm suốt nhiều nguồn khoáng sản của nước ta.
    Ngày 1/7/2011, Luật Khoáng sản (sửa đổi) được Kỳ họp thứ 8- Quốc hội khóa XII thông qua chính thức có hiệu lực thi hành, để thay thế Luật Khoáng sản năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản năm 2005 nhưng vẫn còn nhiều bất cập và chồng chéo với các Luật khác (Luật BVMT, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, ) chưa phù hợp với thực tế. Đáng chú ý là trong quản lý và cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản diễn ra ồ ạt trong thời gian qua với tình trạng cấp phép không theo quy hoạch, cấp phép vượt quá quy hoạch và cấp phép chồng chéo với các quy hoạch các ngành kinh tế khác diễn ra khá phổ biến. Các tổ chức cá nhân hoạt động khai thác thường vì lợi ích kinh tế trước mắt không quan tâm nhiều đến tình trạng môi trường và nguồn khoáng sản của đất nước có hạn và quyền lợi của người dân vùng mỏ. Mặt khác, do cơ chế xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản còn quá nhẹ chưa đủ ren đe nên dẫn đến tình trạng trên.
    Quảng Nam là một tỉnh thuộc Trung Trung Bộ, là tỉnh có trữ lượng vàng khá lớn với mỏ vàng Bồng Miêu thuộc xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh. Tam Lãnh là xã miền núi của huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, là một xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp cùng đó là hoạt động khai thác vàng tại mỏ vàng Bồng Miêu đã được khai thác hơn 20 năm qua. Khai thác vàng đã đem lại khả năng phát triển kinh tế xã hội của địa phương như nguồn thu ngân sách tăng, dịch vụ phát triển và tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, tăng thu nhập cho nhân dân. Tuy nhiên việc tổ chức khai thác ồ ạt, không theo quản lý của địa phương và tình trạng khai thác trái phép đã tác động tiêu cực cho đời sống của người dân, ảnh hưởng đến tính chất đất tại địa phương. Đặc biệt chất cyanua được sử dụng trong lọc đãi vàng đã ảnh hưởng rất nhiều đến diện tích đất của địa phương cũng như sức khỏe của người dân.
    Nhận thấy tình hình khai thác trên gây ra nhiều ảnh hưởng không những đến hiện trạng sử dụng đất, sinh kế của địa phương mà còn ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân do các chất độc trong khai thác vàng. Trước tình hình đó, được sự đồng ý của khoa Tài nguyên Đất và Môi trường Nông nghiệp và sự đồng tình và giúp đỡ của thầy TS. Nguyễn Hữu Ngữ, tôi thực hiện đề tài : “Đánh giá tác động của việc khai thác vàng đến hiện trạng sử dụng đất và sinh kế của người dân xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.”
    1.2. Mục đích và yêu cầu của đề tài
    1.2.1. Mục đích
    Mục đích của đề tài là nghiên cứu tình hình khai thác vàng trên địa bàn xã, từ đó đánh giá về sự ảnh hưởng của nó đến tình hình sử dụng đất và sinh kế đến người dân địa phương. Đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm phục hồi, ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tác động của hoạt động khai thác vàng đến đất đai, hạn chế ô nhiễm môi trường và cuộc sống của người dân. Đưa ra ý kiến bản thân trong việc quản lý và khai thác hợp lý vàng để có hiệu quả kinh tế xã hội cho địa phương và cho người dân trong tình hình phát triển đất nước hiện nay.
    1.2.2. Yêu cầu của đề tài
    - Nắm bắt được điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương.
    - Các tài liệu, số liệu điều tra, thu thập phải đảm bảo độ chính xác và có nguồn gốc, đáng tin cậy.
    - Đánh giá được tác động của việc khai thác vàng đến tình hình quản lý và hiện trạng sử dụng đất của địa phương.
    - Đánh giá được tác động của việc khai thác vàng đến sinh kế của người dân.
    - Đề xuất những giải pháp có tính khả thi và có kiến nghị thích hợp để khắc phục hậu quả tiêu cực của hoạt động khai thác vàng gây ra.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...