Đánh giá quá trình nghiên cứu khoa học của trung tâm nghiên cứu giáo dục dân tộc

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    THÔNG TIN CHUNG

    Chủ nhiệm đề tài: Đào Nam Sơn
    Đơn vị công tác: Trung tâm nghiên cứu giáo dục dân tộc (NCGDDT)
    Thư điện tử: [email protected]
    Thời gian thực hiện: Từ tháng 6/2009 đến 6/2010

    Mục tiêu nghiên cứu

    Mô tả lại hoạt động nghiên cứu khoa học của Trung tâm NCGDDT với những hoạt động triển khai và những kết quả thu được, đánh giá và rút ra một số bài học kinh nghiệm, kiến nghị định hướng công tác nghiên cứu khoa học của Trung tâm trong thời gian tới với yêu cầu thiết thực và hiệu quả hơn.

    Phương pháp nghiên cứu

    Phương pháp hồi cứu tư liệu, phương pháp thống kê, phương pháp miêu tả (với các thủ pháp phân tích và tổng hợp).

    KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

    - Khái quát sơ lược về sự hình thành và phát triển của Trung tâm nghiên cứu giáo dục dân tộc. Tổ chức tiền thân đầu tiên là Tổ nghiên cứu dạy chữ dân tộc (1954). Năm 1961, Phòng chữ dân tộc được chuyển về trực thuộc Viện Khoa học giáo dục. Năm 1963, Vụ giáo dục dân tộc thành lập, thuộc Bộ Giáo dục. Năm 1966, Vụ giáo dục dân tộc đổi thành Vụ giáo dục miền núi thuộc Bộ giáo dục. Năm 1972, Vụ Giáo dục miền núi đổi thành Ban Dân tộc thuộc Viện Khoa học giáo dục giáo dục. Năm 1982, Ban dân tộc đổi thành Ban Nghiên cứu giáo dục dân tộc thuộc Bộ Giáo dục. Năm 1987, Ban Nghiên cứu giáo dục dân tộc nhập vào Viện Khoa học giáo dục Việt Nam với tên gọi là Trung tâm Nghiên cứu giáo dục dân tộc và miền núi. Năm 2003, Trung tâm Nghiên cứu giáo dục dân tộc và miền núi tách khỏi Viện, trực thuộc Bộ giáo dục và đào tạo, mang tên là Trung tâm Nghiên cứu giáo dục dân tộc. Năm 2007, trên cơ sở một bộ phận của Trung tâm Nghiên cứu giáo dục dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập Vụ Giáo dục dân tộc. Năm 2008, Trung tâm Nghiên cứu giáo dục dân tộc lại nhập về Viện Viện Chiến lược và chương trình giáo dục (sau đổi tên là Viện Khoa học giáo dục Việt Nam). Đến tháng 4/2010, trung tâm có 25 cán bộ với nhiệm vụ nghiên cứu về loại hình trường lớp vùng dân tộc, nội dung phương pháp, chính sách giáo dục và tâm lý học sinh dân tộc.

    - Xác định mục tiêu lâu dài của ngành giáo dục đối với vùng dân tộc là: (1) Nâng cao dân trí cho một vùng dân trí chậm phát triển. (2) Đào tạo một đội ngũ cán bộ người dân tộc có phẩm chất chính trị tốt, trình độ cao đảm đương được nhiệm vụ ở vùng dân tộc. (3) Góp phần bảo tồn và phát triển ngôn ngữ và văn hoá của đồng bào các dân tộc để xây dựng một một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

    - Tổng kết về kết quả họat động của Trung tâm Nghiên cứu giáo dục dân tộc: a/ Cách thức hoạt động của Trung tâm nghiên cứu giáo dục dân tộc qua các thời kỳ: + Thời kỳ thứ nhất (từ khi thành lập đến 1965): Thời kỳ này hoạt động giáo dục mới dựa trên cơ sở trực giác và kinh nghiệm. + Thời kỳ thứ hai (1965-1983): Theo cách chia này, thời điểm mở đầu thời kỳ này là thời điểm cơ quan đổi tên từ Vụ giáo dục dân tộc thành Vụ Giáo dục miền núi. Mấy năm đầu cơ quan tập trung tiến hành điều tra cơ bản, tổng kết điển hình tiên tiến ở các vùng dân tộc. Các hoạt động ấy đã dẫn tới kết luận: Nền giáo dục cả nước là thống nhất, nhưng không đồng nhất, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc của nền giáo dục thống nhất, các vùng có thể có mục tiêu ưu tiên và phương pháp riêng. Những kết luận trên về giáo dục dân tộc đến nay vẫn là những kết luận đúng đắn mang tầm chiến lược. + Thời kỳ thứ 3 (từ năm 1983 đến nay): Thời điểm mở đầu thời kỳ này là thời điểm chuyển giao từ Ban giáo dục miền núi thành Ban Nghiên cứu giáo dục dân tộc. Cơ quan đã đạt nhiều thành tựu rất quan trọng trong việc: đổi mới về chương trình, nội dung và phương pháp dạy học, xây dựng hệ thống trường lớp đặc thù ở vùng dân tộc, thực hiện nhiệm vụ quốc gia về phổ cập giáo dục, xây dựng các văn bản pháp quy về giáo dục dân tộc, xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Trung tâm để đảm đương được nhiệm vụ đặt ra. Thời kỳ 1 và thời kỳ 2 đảm đương vai trò tạo dựng nền móng, định hướng phát triển cho các thời kỳ tiếp theo. Thời kỳ từ 1983 trở lại đây là thời kỳ phát triển và ngày càng nâng cao hơn về chất lượng nghiên cứu, tham mưu triển khai và hoạch định chính sách với giáo dục ở vùng dân tộc. b) Tổng kết những thành tựu cơ bản trong hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu giáo dục dân tộc theo các lĩnh vực sau: + Đóng góp vào việc đổi mới về chương trình, nội dung và phương pháp dạy học; + Đóng góp trong việc xây dựng chương trình, tài liệu và triển khai dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh dân tộc; + Đóng góp trong việc xây dựng hệ thống trường lớp đặc thù ở vùng dân tộc; + Phát triển Trường Phổ thông dân tộc nội trú; + Phát triển lớp ghép; + Phát triển trường nội trú dân nuôi; + Đóng góp vào việc thực hiện nhiệm vụ quốc gia về phổ cập giáo dục; + Đóng góp vào việc xây dựng chính sách phát triển giáo dục ở vùng dân tộc

    - Nhóm đề tài đã tiến hành trưng cầu ý kiến và đưa ra kết quả của việc xin ý kiến địa phương và tổ chức hội thảo khoa học trưng cầu ý kiến các cán bộ lão thành đã có thời gian làm việc ở Trung tâm và các chuyên gia am hiểu về giáo dục dân tộc. Các ý kiến trả lời đều thừa nhận những đóng góp của Trung tâm trên các phương diện như nội dung báo cáo của đề tài. Như vậy, về phía địa phương, đóng góp của trung tâm trong việc phát triển ngôn ngữ dân tộc được đánh giá cao nhất (86%). Đóng góp về nâng cao chất lượng học tiếng Việt được đánh giá thứ ba (78%). Đóng góp vào Phổ cập giáo dục tiểu học cũng được thừa nhận ở mức trên trung bình (65%). Đóng góp vào việc cũng cố và phát triển trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), và phát triển lớp ghép ở mức trung bình (55%). Đóng góp vào việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng về giáo dục dân tộc được đánh giá rất cao (82%).

    - Nhận định về những đóng góp của Trung tâm: (a) Về phương diện nghiên cứu lý luận giáo dục dân tộc như: dạy ngôn ngữ thứ hai, dạy ngôn ngữ mẹ đẻ, giáo dục lớp ghép, đổi mới nội dung phương pháp giáo dục ở vùng dân tộc theo hướng phù hợp với đối tượng học sinh dân tộc đồng thời gắn bó với đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng. (b) Về quản lý nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề của thực tiễn giáo dục đặt ra, góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục dân tộc, thiết thực đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội ở vùng dân tộc. (c) Để lại một khối lượng sản phẩm nghiên cứu khá đồ sộ và phong phú. (d) Trong mấy chục năm phát triển, Trung tâm và các tổ chức tiền thân đã để lại những bài học sâu sắc trong nghiên cứu và quản lý nhà nước về giáo dục dân tộc.

    - Nhận định về những điểm chưa làm được của công tác nghiên cứu khoa học của Trung tâm: (a) Chưa bao quát hết các mảng nội dung cần nghiên cứu về giáo dục dân tộc. (b) Một số nghiên cứu khoa học chưa triệt để hoặc đã nghiên cứu nhưng chưa được ứng dụng trong thực tế. (c) Chưa đẩy mạnh nghiên cứu dự báo.

    - Xác định những nguyên nhân của những thành công, những điểm chưa làm được của Trung tâm Nghiên cứu giáo dục dân tộc: a) Nguyên nhân của những thành công: + Nắm vững quan điểm của Đảng về vấn đề dân tộc có thể xem là nguyên nhân quan trọng đầu tiên quyết định sự thành công của Trung tâm trong công tác nghiên cứu khoa học và tham gia quản lý nhà nước (khi có chức năng kép). + Khi là đơn vị trực thuộc Viện, khi là đơn vị trực thuộc Bộ, Trung tâm NCGDDT luôn nhận được sự quan tâm sát sao của các cấp lãnh đạo và của các cơ quan hữu quan.+ Trong nhiệm vụ được giao, Trung tâm NCGDDT đã biết tổ chức lực lượng, đoàn kết nội bộ, cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ kinh nghiệm, chân thành học hỏi những thế hệ đi trước, khắc phục những mặt còn non yếu, quyết tâm cao trong nhiệm vụ. + Cán bộ của Trung tâm phần lớn sinh ra, trưởng thành ở vùng dân tộc nên có những hiểu biết sâu sắc về vùng dân tộc. Phần lớn có năng lực vận động cộng đồng tham gia xây dựng giáo dục. b/ Nguyên nhân của những điểm chưa thành công: + Vùng dân tộc là vùng phát triển giáo dục gặp nhiều khó khăn, vốn rất đa dạng và có phần nhạy cảm đòi hỏi một năng lực cao trong quản lý và nghiên cứu. + Giáo dục dân tộc vốn là lĩnh vực tồn tại ở nhiều cấp học, nhiều ngành học. Một khi không khẳng định được tính cần thiết của một khoa học về giáo dục dân tộc, thì vấn đề dân tộc như bị hoà lẫn vào các ngành học, cấp học khác. + Sự thay đổi về tổ chức bộ máy, quá nhiều, trong hơn 50 năm, Trung tâm đã có tới 9 lần đổi tên thay đổi chức năng, nhiệm vụ và một lần chia tách.

    - Những bài học kinh nghiệm: a/ Nắm vững thực tiễn giáo dục vùng dân tộc, phát hiện điển hình, coi trọng việc đúc rút kinh nghiệm, tập trung nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn tìm ra hướng đi phù hợp. b/ Tôn trọng tính đặc thù của từng vùng dân tộc và từng dân tộc để xác định các mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục phù hợp. c/ Tăng cường hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm và nhận được sự giúp đỡ. d/ Tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cộng đồng tham gia các hoạt động phát triển giáo dục. e/ Tập hợp trí tuệ chuyên gia để xây dựng sự nghiệp giáo dục dân tộc. f/ Biết học từ quá khứ. g/ Phát huy nội lực.

    - Đề xuất một số khuyến nghị: + Cần hoàn thiện và khẳng định vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ của Trung tâm nghiên cứu giáo dục dân tộc trong mối tương quan với cơ quan Vụ Giáo dục dân tộc và các Trung tâm khác thuộc Viện. + Xây dựng Chiến lược Nghiên cứu khoa học công nghệ về giáo dục dân tộc trong mối tương quan với Chiến lược phát triển giáo dục – đào tạo đến năm 2020 và 2030 theo tinh thần nâng cao yêu cầu nghiên cứu dự báo. + Xác định nguồn kinh phí ổn định, bền vững bảo đảm yêu cầu nghiên cứu khoa học công nghệ về giáo dục dân tộc. Định hướng khai thác các nguồn tài lực trong đó có tài lực quốc tế, tài lực của các lực lượng xã hội và các nhà hảo tâm cho các hoạt động nghiên cứu triển khai.

    TỪ KHÓA: 1/ Giáo dục dân tộc; 2/ Nghiên cứu khoa học; 3/ Nghiên cứu giáo dục dân tộc; 4/ Trung tâm nghiên cứu giáo dục dân tộc ; 5/ Lớp ghép; 6/ Trường phổ thông dân tộc nội trú; 7/ Chính sách giáo dục dân tộc.

    Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: [email protected] 

    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...