Thạc Sĩ đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất, chất lượng của một số dòng lúa đột biến và ngh

Thảo luận trong 'Khoa Học Tự Nhiên' bắt đầu bởi Bích Tuyền Dương, 26/7/12.

  1. Bích Tuyền Dương

    Bài viết:
    2,590
    Được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    ĐẶT VẤN ĐỀ.
    1.1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI.
    Cây lúa (Oya sativa L) là cây lương thực lâu đời nhất, phổ biến nhất. Trên thế giới, về mặt diện tích gieo trồng, lúa đứng thứ 2 sau lúa mì; về tổng sản lượng, lúa đứng thứ ba sau lúa mì và ngô. Lúa được trồng ở 112 nước, là lương thực của hơn 54% dân số trên thế giới. Ở một số nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Inđônêsia, Nhật Bản, Việt Nam lúa là cây lương thực chính. Về giá trị kinh tế, lúa gạo là mặt hàng xuất khẩu của một số nước, do lúa gạo là cây lương thực có giá trị dinh dưỡng cao.
    Ở Việt Nam, sản xuất lúa gắn liền với sự phát triển nông nghiệp. Kinh nghiệm sản xuất lúa đã hình thành, tích luỹ và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển của dân tộc. Những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật trong nước và thế giới trên lĩnh vực nghiên cứu sản xuất lúa đã thúc đẩy mạnh ngành trồng lúa nước ta vươn lên bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới. Đến nay nghề trồng lúa ở Việt Nam vẫn không ngừng phát triển và có một vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt từ sau Nghị quyết 10 của TW Đảng ra đời (1988) đến nay, sản xuất lúa ở nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc. Từ một nước thiếu ăn phải nhập khẩu lương thực, hiện nay nước ta không những sản xuất đủ nhu cầu lương thực trong nước đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới sau Thái Lan.
    Tuy nhiên, theo định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, diện tích đất dành cho sản xuất lúa ngày càng giảm. Như vậy để đảm bảo an ninh lương thực và giữ mức xuất khẩu gạo như hiện nay thì sản lượng lúa cả nước cần được nâng cao. Song đến nay, mục tiêu tăng sản lượng bằng con đường mở rộng diện tích canh tác, tăng số vụ/năm không còn tiềm năng khai thác, giải pháp quan trọng nhất là nâng cao năng suất và chất lượng các giống lúa. Để giải quyết vấn đề này cần sự đầu tư có chiều sâu vào nghiên cứu, đẩy nhanh công tác triển khai và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào thực tế sản xuất. Việc đưa ra các quy trình kỹ thuật thâm canh đạt hiệu quả cao cả về kinh tế và môi trường theo hướng sử dụng tối ưu nguyên, nhiên liệu, tài nguyên và tiết kiệm chi phí sản xuất là rất cần thiết để tiến tới xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững.
    Một trong những thành tựu ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào thực tiễn sản xuất đó là việc tạo ra các giống cây trồng mới bằng phương pháp gây đột biến. Ở Việt Nam hiện nay nguồn tia gamma là nguồn phóng xạ chủ yếu được sử dụng trong chọn tạo giống cây trồng bằng phương pháp gây đột biến. Phương pháp sử dụng hóa chất ngày nay bị hạn chế vì độc hại, và có nguy cơ gây ung thư cao. Để tạo ra các giống cây đột biến bằng công nghệ này, tùy theo từng đối tượng cây trồng người ta có thể chiếu xạ trực tiếp các bộ phận của cây như mầm, chồi, hạt phấn, nhụy, hạt giống hay toàn bộ cây ở những giai đoạn khác nhau hoặc, sử dụng các mẩu mô lá, mô thân, mô rễ, mô nụ, hoa . để nuôi cấy, tạo những callus (những khối mô bất định), sau đó chiếu tia xạ vào những callus này.
    Tùy vào liều lượng và thời gian, chiếu xạ sẽ tạo ra những đứt gãy nhiễm sắc thể hoặc những thay đổi về cấu trúc gene. Những mẫu sau khi chiếu xạ có thể được gieo trồng trực tiếp hoặc được mang về phòng thí nghiệm để nhân lên và tái sinh cây. Qua đánh giá, lai tạo, chọn lọc nhiều thế hệ ngoài đồng ruộng những dòng, giống ưu việt sẽ được nhân lên để sản xuất đại trà.
    Viện Di truyền Nông nghiệp là một trong những cơ sở áp dụng rất sớm kỹ thuật hạt nhân trong chọn giống cây trồng. Đến nay, Viện đưa vào sản xuất 12 giống lúa đột biến như DT10, Khang Dân đột biến, Tám thơm đột biến, lúa chịu mặn CM1, các giống lúa nếp DT21, DT22 Trong đó, giống lúa DT10 được tạo ra từ những năm 1990 đến nay vẫn được sử dụng ở các tỉnh phía Bắc với diện tích khoảng 1 triệu ha gieo trồng. Giống Khang dân đột biến hiện đã phát triển hàng vạn hécta và đã được thương mại hóa về bản quyền giống. Một số giống cây trồng khác như ngô, lạc . đã được Bộ NN&PTNT công nhận là giống quốc gia, giống khu vực hóa và được gieo trồng trên hàng vạn hécta trong 20 năm qua.
    Ngoài lúa, ngô, đậu tương, lạc, hiện nay các nhà khoa học đang nghiên cứu để tạo ra những giống hoa đột biến như giống hoa cúc thấp cây, trồng mùa hè, hoa loa kèn bền ngày hơn, hoa hồng nhiều màu sắc, các loại hoa lan ra nở đúng vào dịp Tết .
    Trong thời gian tới sẽ có thêm các giống cây được nghiên cứu chọn tạo bằng phương pháp chiếu xạ gây đột biến như cây bông, khoai tây, khoai lang, dâu tằm, chuối, các cây dược liệu có hàm lượng tinh dầu và hoạt chất sinh học cao. Các loại cây ăn quả như cam, quýt, nhãn, vải không hạt, v.v.
    Đặc biệt, thời gian tới đây, các nhà khoa học còn chủ trương dùng phóng xạ để tiệt sinh côn trùng, cung cấp hàng tỷ côn trùng tiệt sinh cho sản xuất, khống chế ngưỡng an toàn cho các loại dịch sâu hại nguy hiểm nhất nhằm bảo vệ mùa màng, phục vụ cho nông nghiệp.
    Theo dự đoán của giới khoa học Việt Nam, trong thời kỳ tới, tốc độ chọn tạo giống sẽ nhanh hơn nhiều lần, các giống cây trồng mới sẽ có nhiều các đặc tính vượt trội tổ hợp được nhiều đặc tính mà con người hằng mong muốn như kết hợp được năng suất, chất lượng với chống chịu các stress hữu sinh và vô sinh, cải thiện đáng kể hàm lượng các hoạt chất có ích, đa dạng về kiểu dáng, thời gian sinh trưởng ở các giống cây trồng mới.
    So với phương pháp tạo giống cây trồng mới bằng biến đổi gene đang gây nhiều tranh cãi và lo ngại từ nhiều tổ chức y tế, môi trường thế giới, đồng thời thực phẩm biến đổi gene vẫn còn bị hạn chế trong tiêu dùng và xuất khẩu thì, tạo giống cây mới bằng đột biến phóng xạ được đánh giá là phương pháp có tiềm năng, an toàn và thực tế đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
    Bắc Thơm số 7 là giống lúa thuần Trung Quốc được xí nghiệp giống Đông Triều (Quảng Ninh) nhập vào Việt Nam từ năm 1992. Đây được xem là giống lúa có chất lượng với khả năng gieo cấy được cả hai vụ,đẻ nhánh khá, thời gian trổ bông kéo dài, cho hạt cơm thơm và mềm. Tuy vậy, Bắc Thơm số 7 lại là giống cho năng suất không cao (bình quân 35 - 40 tạ/ha) và nhiễm bạc lá nặng. Thời gian sinh trưởng vụ xuân muộn: 135 - 140 ngày, vụ mùa sớm: 115 - 120 ngày. Với mong muốn có thể rút ngắn thời gian sinh trưởng, nâng cao năng suất mà vẫn giữ được những đặc tính tốt của giống Bắc Thơm số 7. Vì vậy, Viện Di truyền Nông nghiệp đã tiến hành gây đột biến bằng phương pháp chiếu xạ từ giống Bắc Thơm số 7, cho đến nay đã tạo được ba dòng đột biến là BT1, BT2, BT3.
    Vì vậy việc đánh giá sinh trưởng, phát triển, năng suất và ảnh hưởng của một số loại phân bón lá lên các dòng đột biến triển vọng này ngoài đồng ruộng là rất cần thiết từ đó có thể phát hiện ra dòng ưu việt. Vì lý do đó chúng tôi quyết định lựa chọn đề tài: “ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG SINH TRƯỞNG, PHÁT TRIỂN, NĂNG SUẤT CỦA MỘT SỐ DÒNG LÚA ĐỘT BIẾN VÀ NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA PHÂN BÓN LÁ CHO DÒNG LÚA ĐỘT BIẾN TRIỂN VỌNG TỪ GIỐNG LÚA BẮC THƠM SỐ 7 TẠI HUYỆN QUỲNH PHỤ TỈNH - THÁI BÌNH”.
    1.2. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU CỦA ĐỀ TÀI
    1.2.1. Mục đích
    - Đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất của các dòng đột biến từ giống lúa Bắc Thơm số 7 và so sánh với giống ban đầu.
    - Nghiên cứu ảnh hưởng của các loại phân bón lá: Đầu trâu 902; Seaweed X.O và Komix lên dòng triển vọng BT1.
    - Xây dựng quy trình sử dụng phân bón lá hợp lý cho dòng đột biến triển vọng.
    1.2.2. Yêu cầu
    - So sánh khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất của 3 dòng đột biến với nhau và với giống Bắc Thơm số 7 ban đầu từ đó phát hiện ra dòng ưu việt.
    - Nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón lá Đầu Trâu lên dòng triển vọng BT1.
    - Nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón lá Seaweed X.O lên dòng triển vọng BT1.
    - Nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón lá ET lên dòng triển vọng BT1.
    1.3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI
    1.3.1. Ý nghĩa khoa học của đề tài
    - Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ cung cấp dẫn liệu khoa học về các dòng đột biến tạo ra từ phương pháp chiếu xạ.
    - Kết quả nghiên cứu là tài liệu tham khảo trong giảng dạy, nghiên cứu về lúa gạo nói chung và các dòng đột biến từ giống lúa Bắc Thơm nói riêng.
    1.3.2. Ý nghĩa thực tiễn của đề tài
    - Kết quả đề tài góp phần giải quyết yêu cầu về chủ động giống có chất lượng cao cho người sản xuất.
    - Những kết quả này góp phần xây dựng quy trình thâm canh cho cây lúa dòng đột biến có triển vọng
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...