Thạc Sĩ Đánh giá khả năng nảy mầm và phát triển của Dầu Song nàng ( Dipterocarpus dyeri Pierre) thuộc họ Dầu

Thảo luận trong 'Khoa Học Tự Nhiên' bắt đầu bởi Bích Tuyền Dương, 20/11/12.

  1. Bích Tuyền Dương

    Bài viết:
    2,590
    Được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU

    1.1. ĐẶT VẤN ĐỀ
    Tây Ninh là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng chuyển tiếp giữa đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh phía Bắc miền Đông Nam Bộ và vùng Tây Nguyên; là tỉnh có đường biên giới phía Tây Nam tiếp giáp Campuchia. Phía Bắc và phía Tây giáp tỉnh CôngPôngChàm và SVâyRiêng – Campuchia; phía Nam giáp tỉnh Long An; phía Đông giáp tỉnh Bình Dương, Bình Phước; phía Đông Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh. Là một tỉnh biên giới, nên rừng ở Tây Ninh có vị trí vô cùng quan trọng, ngoài chức năng cung cấp gỗ, phòng vệ đầu nguồn, phòng hộ biên giới còn có giá trị rất lớn về cảnh quan môi trường, di tích lịch sử, văn hoá. Tổng diện tích rừng đặc dụng của tỉnh vào năm 2005 là 32.281 ha (chiếm 45,7% diện tích đất lâm nghiệp), bao gồm diện tích của Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (18.806 ha), khu
    rừng văn hoá lịch sử Chàng Riệc (11.438 ha), rừng lịch sử Núi Bà và Giống Lâm nghiệp (1.855 ha), Căn cứ Đồng Rùm (32 ha), Căn cứ huyện ủy Châu Thành (150 ha). Trong các khu rừng đặc dụng trên, thì Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát có ý nghĩa về mặt môi trường như điều tiết nguồn nước trong mùa mưa và mùa khô, về kinh tế là nơi cung cấp nguồn thực phẩm cho cộng đồng địa phương và là nơi có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái. Rừng Lò Gò – Xa Mát vừa có các kiểu rừng lá rộng thường xanh, rừng nửa rụng lá, rừng khộp
    vừa có những trảng cỏ ngập nước theo mùa với những loài động thực vật đặc trưng có tính đa dạng sinh học cao. Trong các khu rừng còn tồn tại một vài khoảnh rừng thuần loại cây họ Dầu như Dầu Song nàng còn gọi là Dầu sang nàng Dipterocarpus dyeri Pierre, Dầu cát Dipterocarpus costatus Gaertn, Dầu lông Dipterocarpus intricatus Dyer, Dầu trà beng Dipterocarpus obtusifoliu Teijsmann ex Miquel. Hiện nay, tại các khu đất không có rừng, đất sản xuất nông nghiệp trên phân khu phục hồi sinh thái biên giới đang được chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất lâm nghiệp; tại các khu đất này Ban quản lý Vườn Quốc Gia Lò Gò
    - Xa Mát cho tiến hành trồng các loại cây như Vên vên Anisoptera cochinchinensis Pierre, Sao đen Hopea odorata Roxburgh, Dầu rái Dipterocarpus alatus Roxb ex G.Don, Keo bông vàng Acacia auriculiformis A.Cunn. ex Benth.; Keo Tai tượng Acacia mangium Willd. Số loài được sử dụng trồng tái sinh rừng chưa đa dạng về chủng loại, cây họ Dầu chỉ có hai loài là Sao đen và Dầu rái, một số cây có xuất xứ ngoại lai như Keo bông vàng, Keo tai tượng. Công tác chọn giống cây trồng rừng mới chưa được đầu tư đúng mức, việc sử dụng các giống cây ở tại Vườn quốc gia để gieo trồng còn hạn chế. Do đó, trong việc quản lý, bảo vệ và phục hồi rừng đòi hỏi cần nghiên cứu điều kiện sống, đặc điểm một số loài cây để sử dụng cho việc gieo ươm và trồng tại các khu đất trống ởVườn quốc gia. Trong đó các khoảnh rừng thuần loại có thể được sử dụng để trồng trong khu rừng phục hồi, trong các cây họ Dầu thì cây Dầu Song nàng Dipterocarpus dyeri Pierre thuộc họ Dầu Dipterocarpaceae là loài cây cần có sự quan tâm và đầu tư đúng mức vì:
    - Cây Dầu Song nàng Dipterocarpus dyeri Pierre hình thành rừng có trữ lượng cao. Gỗ cây Dầu Song nàng Dipterocarpus dyeri Pierre được xếp vào cấp IV có nhiều đặc tính cơ lí tốt, lõi cứng và nặng có giá trị lớn trong xây dựng, trong sử dụng thông thường gỗ không cần bảo quản bằng thuốc chống mối. Ngoài ra gỗ còn được sử dụng phổ biến để sản xuất hàng xuất khẩu. Nhựa cây được dùng trong làm thuyền.
    - Trong Sách đỏ Việt Nam phần II [3], cây Dầu Song nàng Dipterocarpus dyeri Pierre được xếp vào loại sẽ nguy cấp; nơi cư trú của cây đang bị tàn phá và thu hẹp, cây bị khai thác mạnh và có xu hướng bị tiêu diệt ở từng vùng lớn.
    - Chưa có công trình nào nghiên cứu về sự tái sinh tự nhiên cũng như việc phát triển của cây Dầu Song nàng Dipterocarpus dyeri Pierre trong vườn ươm tại Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát để có thể làm cơ sở cho việc bảo vệ và phát triển giống cây này tại vườn.
    Với những lý do trên cùng với những hiểu biết về cây Dầu Song nàng, chúng tôi chọn đề tài: “ Đánh giá khả năng nảy mầm và phát triển của Dầu Song nàng ( Dipterocarpus dyeri Pierre) thuộc họ Dầu ( Dipterocarpaceae Blume) trong vườn ươm tại Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát - tỉnh Tây Ninh” để nghiên cứu sâu hơn về khả năng tái sinh ngoài tự nhiên cũng như khả năng phát triển trong điều kiện gieo ươm. Từ đó giải quyết các vấn đề phục hồi rừng và góp phần bảo vệ hệ sinh thái và duy trì đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia.

    1.2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
    - Đối tượng nghiên cứu: Cây Dầu Song nàng Dipterocarpus dyeri Pierre tái sinh tự nhiên ở Vườn Quốc Gia Lò Gò – Xa Mát – tỉnh Tây Ninh và được nhân giống trong vườm ươm.
    - Phạm vi nghiên cứu: Với khoảng thời gian một năm, chúng tôi chỉ có thể tập trung nghiên cứu các vấn đề sau:
    + Nghiên cứu hoàn cảnh sống và phân bố của cây Dầu Song nàng trong Vườn Quốc Gia Lò Gò - Xa Mát tỉnh Tây Ninh.
    + Phân tích hóa lí đất mặt tại nơi có cây Dầu Song nàng phân bố để biết hàm lượng các chất dinh dưỡng cần cho sự sinh trưởng và phát triển của cây ngoài tự nhiên; từ đó chọn các vùng đất trống phù hợp để trồng tái sinh rừng.
    + Nghiên cứu khả năng tái sinh ngoài tự nhiên của cây Dầu Song nàng để đóng góp dữ liệu cho việc xây dựng các kỹ thuật bảo vệ rừng và xử lý lâm sinh trong các hoạt động lâm sinh.
    + Nghiên cứu hình thái, giải phẫu các bộ phận cơ quan của cây Dầu Song nàng để thấy rõ các đặc điểm giải phẫu hình thái thực vật của cây.
    + Phân tích hình thái so sánh và tra cứu theo các khóa tra để định danh tên khoa học của loài.
    + Nghiên cứu hạt giống, nảy mầm và các giai đoạn sinh trưởng – phát triển của cây Dầu Song nàng trong vườm ươm với các điều kiện ánh sáng khác nhau để chọn ra công thức ươm gieo tốt nhất làm chuẩn, phục vụ cho công tác trồng rừng ở địa phương.

    1.3. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
    - Xác định tên khoa học của cây Dầu Song nàng và vị trí phân loại trong hệ thống sinh tiến hóa.
    - Mô tả các đặc điểm hình thái, minh họa bằng hình ảnh các bộ phận của cây như thân, lá, hoa, quả .
    - Thu mẫu, làm tiêu bản cây Dầu Song nàng để mô tả các đặc điểm giải phẫu các bộ phận thân, lá, rễ của cây
    Dầu Song nàng và minh họa bằng hình chụp vi phẫu các bộ phận.
    - Xác định khả năng tái sinh của Dầu Song nàng trong tự nhiên và các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tái sinh của cây con.
    - Thực nghiệm để xác định được các điều kiện thích hợp cho cây con phát triển ở giai đoạn vườm ươm. Từ đó tìm ra phương thức ươm gieo tốt nhất.

    1.4. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN
    Cung cấp tư liệu khoa học về cây Dầu Song nàng Dipterocarpus dyeri để phục vụ cho việc trồng và khôi phục rừng. Tìm hiểu khả năng tái sinh ngoài tự nhiên và ảnh hưởng của các nhân tố sinh thái để có các biện pháp lâm sinh phù hợp, xác định độ che phủ ánh sáng thích hợp trong vườm ươm làm cơ sở cho việc ươm và trồng cây sau này.

    1.5. BỐ CỤC CỦA LUẬN VĂN
    Chương 1: Mở đầu.
    Chương 2: Tổng quan tài liệu
    Chương 3: Phương pháp nghiên cứu.
    Chương 4: Kết quả và thảo luận.
    Chương 5: Kết luận và kiến nghị
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...