Đánh giá hiệu quả dạy học song ngữ với trẻ mẫu giáo 5 tuổi trong chương trình giáo dục song ngữ trên

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    THÔNG TIN CHUNG

    Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Thị Phương Thảo
    Đơn vị công tác: Trung tâm nghiên cứu giáo dục dân tộc
    Thư điện tử: [email protected] Điện thoại: 0913066879
    Thư ký đề tài:ThS. Nguyễn Huệ Yên ; Thành viên: ThS. Nguyễn Văn Hùng
    Thời gian thực hiện: Từ tháng 8/2009 đến 8/2010

    Mục tiêu nghiên cứu

    Đánh giá hiệu quả việc rèn luyện kỹ năng nghe nói tiếng mẹ đẻ, tiếng Việt với việc chuẩn bị cho trẻ vào học lớp 1 trong các hoạt động của trẻ mẫu giáo (MG) 5 tuổi học Chương trình giáo dục song ngữ (GDSN) trên cơ sở tiếng mẹ đẻ nhằm đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mầm non (GDMN) ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS).

    Nội dung nghiên cứu

    - Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của việc đánh giá hiệu quả dạy học song ngữ với trẻ MG 5 tuổi trong Chương trình GDSN trên cơ sở tiếng mẹ đẻ.

    - Nghiên cứu đề xuất bộ công cụ và khảo sát đánh giá hiệu quả việc rèn luyện kỹ năng nghe nói tiếng mẹ đẻ, tiếng Việt với việc chuẩn bị cho trẻ vào học lớp 1.

    Phương pháp nghiên cứu

    Đề tài sử dụng một số phương pháp nghiên cứu như sau: 1/ Phương pháp nghiên cứu lý luận, nghiên cứu định tính; 2/ Phương pháp quan sát; 3/ Phương pháp phân tích sản phẩm giáo dục; 4/ Phương pháp chuyên gia.

    KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

    1/ Về lý luận

    - Xác định một số khái niệm có liên quan như: Chất lượng (Chất lượng là sự phù hợp với mục tiêu), Chất lượng giáo dục (chất lượng giáo dục là sự phù hợp với mục tiêu giáo dục); Đánh giá chất lượng giáo dục (là quá trình thu thập thông tin có hệ thống và lí giải về hiện trạng chất lượng, nguyên nhân và khả năng cải tiến; Đánh giá xuất phát từ các mục tiêu, chuẩn mực giáo dục; Đánh giá tạo cơ sở đề xuất những quyết định thích hợp để cải thiện thực trạng, nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học, giáo dục); Tiêu chí, chỉ số chất lượng giáo dục.

    - Đưa ra quan niệm về đánh giá chất lượng GDSN theo cách đánh giá trong Chương trình GDMN (Ban hành kèm theo Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 7 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) là đánh giá sự phát triển của trẻ.

    - Phân tích cơ sở giáo dục học, tâm lí học, ngôn ngữ học của việc đánh giá chất lượng giáo dục với trẻ MG 5 tuổi người DTTS.

    - Quan niệm về GDSN trên cơ sở tiếng mẹ đẻ: Là chương trình được thực hiện từ bậc học mầm non bằng tiếng mẹ đẻ của HS. Đến cuối chương trình, HS có thể trở thành những cá nhân song ngữ và đọc viết được bằng hai thứ tiếng. Ở mầm non (MG 5 tuổi), tiếng mẹ đẻ của trẻ sẽ được dùng làm ngôn ngữ giảng dạy giúp trẻ trong việc chuẩn bị học đọc và hiểu nội dung chương trình. Trọng tâm của giai đoạn này là việc chuẩn bị học đọc, viết bằng tiếng mẹ đẻ (Lớp 1) và phát triển khả năng nghe nói tiếng Việt (Lớp 2) cho trẻ. Kết thúc MG 5 tuổi trẻ sẽ có vốn tiếng Việt khoảng 300-350 từ và sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp với những mẫu câu đơn giản. Các kỹ năng và khả năng được phát triển ở bậc mầm non sẽ giúp trẻ chẩun bị sẵn sàng để bắt đầu Chương trình tiểu học. Chương trình áp dụng một phương pháp tiếp cận linh hoạt theo phương pháp nghiên cứu thực hành để trẻ vẫn tiếp tục được hỗ trợ bởi tiếng mẹ đẻ trong suốt cấp tiểu học.

    - Đưa ra nguyên tắc của GDSN trên cơ sở tiếng mẹ đẻ: Chương trình thực hiện các nguyên tắc, nguyên lí chung về giáo dục đồng thời đảm bảo những nguyên tắc có tính đặc thù sau: i) Xây dựng vững chắc vốn tiếng mẹ đẻ của HS; ii) Chuẩn bị tốt kiến thức và kỹ năng trước khi cho trẻ học bằng tiếng Việt; iii) Thực hiện chuyển kỹ năng giữa học tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt; iv) Sử dụng tiếng mẹ đẻ trong dạy học giúp HS tiếp nhận kiến thức. v) Học tốt bằng cả hai thứ tiếng.

    2/ Về thực tiễn

    - Đưa ra quan điểm tiếp cận về đánh giá chất lượng giáo dục với trẻ MG 5 tuổi, các chỉ số giáo dục đang được sử dụng trong nước. Chương trình quốc gia đã xây dựng bộ chỉ số về đánh giá sự phát triển của trẻ MG 5-6 tuổi thể hiện trên 5 lĩnh vực: 1/ Giáo dục phát triển thể chất; 2/ Giáo dục phát triển nhận thức; 3/ Giáo dục phát triển ngôn ngữ; 4/ Giáo dục phát triển tình cảm và kĩ năng xã hội; 5/ Giáo dục phát triển thẩm mĩ.

    - Đưa ra quan điểm tiếp cận về đánh giá chất lượng giáo dục với trẻ MG 5 tuổi, các chỉ số trong chương trình song ngữ: Chương trình được biên soạn theo các nguyên tắc: Đảm bảo mục tiêu phát triển trẻ toàn diện về thể chất, ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm-xã hội và thẩm mĩ.; Đảm bảo tính khoa học, vừa sức trong lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp với sự phát triển tâm sinh lí của trẻ em dân tộc Mông, Khmer, Jrai; Đảm bảo phù hợp với môi trường văn hóa dân tộc gần gũi, từng bước giúp trẻ thích nghi với môi trường, trường, lớp MG; Tạo điều kiện cho trẻ học qua chơi, qua trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ Mục tiêu của chương trình giúp trẻ 5 tuổi DTTS phát triển về thể chất, tình cảm, ngôn ngữ, trí tuệ, thẩm mĩ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách; chuẩn bị bước vào lớp 1 (Điều 22 Luật giáo dục, 2005). Các phương pháp trong chương trình song ngữ tuân thủ nguyên tắc tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu hứng thú của trẻ theo phương châm “chơi mà học, học bằng chơi”. Đánh giá sự phát triển của trẻ bao gồm đánh giá trẻ hàng ngày và đánh giá trẻ theo giai đoạn.

    - Đề xuất bộ công cụ đánh giá hiệu quả dạy học song ngữ với trẻ 5 tuổi trong Chương trình GDMN trên cơ sở tiếng mẹ đẻ: 1/ Nguyên tắc và căn cứ đề xây dựng bộ công cụ: Chương trình có thúc đẩy được việc học mang tính tương tác, khuyến khích được việc hình thành tri thức ở trẻ và giúp đạt được các mục tiêu về xã hội, trí tuệ, cảm xúc và thẩm mĩ không? Có phù hợp với cuộc sống của trẻ mang tính thực tế và có thể đạt được không? Chương trình có được xây dựng dựa trên kiến thức và khả năng hiện có của trẻ và có tạo hứng thú cho trẻ và cho chính GV không? Chương trình có khuyến khích cách học tích cực của trẻ, cho phép trẻ được lựa chọn, khám phá, khuyến khích trẻ phát triẻn những khả năng cao hơn như tư duy, lập luận, giải quyết vấn đề, đưa quyết định . 2/ Cấu trúc, nội dung bộ công cụ đánh giá: Chuẩn kiến thức, kĩ năng của Chương trình song ngữ với trẻ MG 5 tuổi được xác định theo 4 lĩnh vực: Phát triển thể chất, Phát triển tình cảm xã hội, Phát triển ngôn ngữ và giao tiếp, Phát triển nhận thức. Bộ công cụ gồm 2 nội dung cơ bản: Khả năng tiếng mẹ đẻ và tiếng việt của trẻ. Mỗi ngôn ngữ đều đo trên 5 nội dung cụ thể: N1. Khả năng tiếp nhận và thể hiện qua ngôn ngữ trong giao tiếp; N2. Phát triển nhận thức môi trường xã hội và thể hiện qua ngôn ngữ; N3. Phát triển nhận thức môi trường tự nhiện và thể hiện qua ngôn ngữ; N4. Nghe kể chuyện và hiểu nghĩa/kể lại câu chuyện đã học và thể hiện tình cảm cảm xúc; N5. Nhận biết chữ cái (lớp 1) và vận động tinh. Mỗi nội dung là 20 điểm. Tổng là 100 điểm cho mỗi ngôn ngữ. 3/ Phương pháp khảo sát: Sử dụng cả phương pháp định tính và định lượng.

    - Qua khảo sát đưa ra đánh giá chung: 1/ Về phát triển thể chất: Trẻ khỏe mạnh, cơ thể phát triển cân đối, tăng cả chiều cao và cân nặng; biết giữ gìn sức khỏe và an toàn; thực hiện được các vận động cơ bản và cử động bàn tay, ngón tay một cách khéo léo; phát triển sự khéo léo của bàn tay, ngón tay; sự phối hợp mắt-tay, thực hiện được một số vận động của đôi tay một cách khéo léo; phối hợp vận động nhịp nhàng, định hướng trong không gian. 2/ Về phát triển nhận thức: Trẻ ham hiểu biết thích tìm tòi những sự vật hiện tượng xung quanh; có một số hiểu biết nhất định ban đầu về bản thân, về mối quan hệ trong gia đình, về môi trường tự nhiên-xã hội. 3/Về phát triển ngôn ngữ: Kết quả khảo sát cả lớp 1 và lớp 2 trẻ đều đạt yêu cầu đặt ra về ngôn ngữ. 4/ Về phát triển tình cảm xã hội: Trẻ mạnh dạn, hồn nhiên, lễ phép trong giao tiếp; biết thể hiện cảm xúc và tình cảm; yêu quí bố mẹ, ông ,bà, anh chị em; thích đi học, thích đến trường; chơi hoà thuận với bạn bè, anh chị em; quan tâm chăm sóc vật nuôi, cây trồng; thực hiện một số qui định đơn giản trong sinh hoạt. 5/ Về phát triển thẩm mỹ: Qua khảo sát trẻ cảm nhận được vẻ đẹp trong thiên nhiên, cuộc sống và trong tác phẩm nghệ thuật, thích tham gia vào các hoạt động: hát, vận động theo nhạc, tạo hình, đọc thưo, kể chuyện biết thể hiện cảm xúc sáng tạo thông qua hoạt động đó. Cùng với khảo sát, đề tài cũng tiến hành phỏng vấn CBQL, GV và cộng đồng và cho kết quả khả quan.

    - Đề tài đưa ra một số kết luận: + Trẻ MG 5 tuổi DTTS đã đạt được mục tiêu của chương trình song ngữ học bằng tiếng mẹ đẻ, trẻ tự tin, linh hoạt trong giao tiếp; Hứng thú đến trường, tỷ lệ chuyên cần đạt 100%; + Trẻ MG 5 tuổi ở các lớp thử nghiệm đủ điều kiện vào học lớp 1 song ngữ và có thể theo học tốt ở cả lớp đại trà nếu vì lí do nào đó trẻ không tiếp tục vào học lớp 1 song ngữ.

    3/ Một số khuyến nghị

    - Tính liên thông giữa hai cấp học mầm non và tiểu học là vấn đề cần được quan tâm.

    - Hai cấp học mầm non và tiểu học ở vùng DTTS thường rất gần nhau Sẽ rất hiệu quả nếu có các hoạt động chuyên đề giao lưu về chuyên môn giữa hai cấp học. Các GV tiểu học có thể dự một số hoạt động học của trẻ MG để biết trẻ MG đã học như thế nào. Điều này sẽ giúp GV dạy lớp 1 điều chỉnh về phương pháp và trẻ nhỏ sẽ đỡ hẫng hụt khi chuyển từ MG lên tiểu học.

    - Khi chưa có điều kiện để thực hiện đồng bộ cả chương trình song ngữ thì một số nhân tố của chương trình có thể nhân rộng ra cho tất cả các trường mầm non ở vùng DTTS: sử dụng tiếng mẹ đẻ làm ngôn ngữ giảng dạy; sử dụng phương pháp trực quan hành động để dạy nghe nói tiếng Việt với tư cách ngôn ngữ thứ hai

    - Cần có một chính sách về giáo dục song ngữ cho vùng DTTS tạo cơ hội cho trẻ tiếp cận một nền giáo dục có chất lượng, đảm bảo sự công bằng trong giáo dục. Các điều kiện để có thể thực hiện đồng bộ chương trình song ngữ: chú ý phát triển đội ngũ GV MG là người DTTS; Tập huấn cho GV về tiếng chữ dân tộc, phương pháp dạy tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ thứ hai, phương pháp dạy học tích cực, tạo các góc theo hướng phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tự làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ bằng nguyên vật liệu rẻ tiền dễ kiếm ở địa phương.

    TỪ KHÓA: 1/ Giáo dục dân tộc; 2/ Giáo dục song ngữ; 3/ Dạy học song ngữ; 4/ Trẻ mẫu giáo 5 tuổi; 5/ Chương trình giáo dục song ngữ; 6/ Giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ; 7/ Đánh giá hiệu quả dạy học; 8/ Đánh giá chất lượng giáo dục; 9/ Giáo dục mầm non.

    Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: [email protected] 

    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...