Luận Văn Đánh giá hàm lượng kim loại nặng (As, Cd, Pb, Cu, Zn) trong môi trường đất tại làng nghề đúc nhôm, c

Thảo luận trong 'Môi Trường' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    172
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    PHẦN 1
    ĐẶT VẤN ĐỀ

    1.1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI
    Đất là một thành phần quan trọng của môi trường, là một tài nguyên vô giá mà tự nhiên đã ban tặng cho con người. Đất là tư liệu sản xuất đặc biệt, là đối tượng lao động độc đáo, là một yếu tố cấu thành của hệ sinh thái Trái Đất. Trên quan điểm sinh thái học, đất là một tài nguyên tái tạo, là vật mang của nhiều hệ sinh thái khác trên trái đất. Với sức ép ngày càng tăng về dân số đã kéo theo sự phát triển mạnh về công nghiệp, đô thị hoá, việc làm và giao thông, làm cho tài nguyên đất bị khai thác mạnh và sự suy thoái môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng. Con người tác động vào đất cũng chính là tác động vào các hệ sinh thái mà đất “mang” trên mình nó. Như vậy, tuỳ thuộc vào phương thức đối xử của con người đối với đất mà đất có thể phát triển theo chiều hướng tốt và cũng có thể phát triển theo chiều hướng xấu. Cho nên việc bảo vệ môi trường đất, duy trì sức sản xuất lâu dài của đất là một trong những chiến lược quan trọng của nước ta trong việc sử dụng hợp lý và lâu bền các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
    Ngày nay, Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nói chung, khu vực nông thôn nói riêng, các làng nghề có tác dụng rất lớn đối với sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân lao động. Chỉ riêng các tỉnh đồng bằng sông Hồng đã có 203 làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển, đồng thời có tới 523 làng nghề mới được hình thành trong thời gian gần đây. Nhưng sự phát triển các làng nghề trong thời gian qua còn mang tính tự phát, tình trạng ô nhiễm môi trường trong các làng nghề và các cơ sở sản xuất tại nông thôn ngày càng gia tăng.
    Tỉnh Bắc Ninh với 61 làng nghề trong đó có làng nghề đúc nhôm, chì Văn Môn có nhiều loại hình sản phẩm phong phú, đa dạng, với hình thức sản xuất linh hoạt đã tạo ra một lượng lớn hàng hoá, giải quyết công ăn việc làm và mang lại thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội của xã Văn Môn nói riêng và của tỉnh Bắc Ninh nói chung. Tuy vậy, làng nghề Văn Môn cũng có những đặc trưng chung đối với các làng nghề khác như sự phát triển của làng nghề còn mang tính tự phát, không có quy hoạch, trình độ công nghệ còn thấp, lao động giản đơn, chưa được đào tạo đầy đủ cơ bản, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Ý thức bảo vệ môi trường của dân làng nghề chưa cao, sản xuất chạy theo lợi nhuận và kinh tế, bất chấp độc hại, nguy hiểm gây ô nhiễm môi trường, thiếu các chính sách đồng bộ từ các cơ quan quản lý trung ương tới địa phương về hỗ trợ sản xuất và quản lý môi trường tại làng nghề.
    Tất cả các mặt hạn chế nêu trên đã tác động không chỉ tới sự phát triển chung của làng nghề mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng môi trường và sức khoẻ cộng đồng. Mặt khác, do sản xuất quy mô nhỏ nằm rải rác trên khắp địa bàn xã đã tạo nên những nguồn thải nhỏ, khó tập trung và hầu như chưa được xử lý nên đã tác động tới môi trường đất toàn vùng. Vì vậy, để góp thêm tư liệu phân tích đánh giá hiện trạng môi trường đất ở các làng nghề tại tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi tiến hành đề tài: “Đánh giá hàm lượng kim loại nặng (As, Cd, Pb, Cu, Zn) trong môi trường đất tại làng nghề đúc nhôm, chì Văn Môn – Yên Phong - Bắc Ninh”.

    1.2. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA ĐỀ TÀI
    1.2.1. Mục đích của đề tài
    - Xác định hàm lượng các kim loại nặng tổng số (As, Cd, Cu, Pb, Zn) trong môi trường đất tại làng nghề đúc nhôm, chì Văn Môn – Yên Phong - Bắc Ninh.
    - Đánh giá hiện trạng hàm lượng kim loại nặng trong đất tại Văn Môn.
    1.2.2. Ý nghĩa của đề tài
    - Khuyến nghị cho UBND xã Văn Môn về tình trạng ô nhiễm kim loại nặng (KLN) trong môi trường đất từ đó xã có giải pháp hợp lý để xử lý chất thải rắn, chất thải lỏng.
    - Nâng cao nhận thức cho những người trực tiếp có liên quan đến sản xuất của làng nghề, cũng như tăng thêm vốn hiểu biết về phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong các hoạt động sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
    - Góp phần tích cực vào việc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
    - Góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chất thải cho xã Văn Môn nói riêng và cho tỉnh Bắc Ninh nói chung, để thực hiện chỉ thị và quy chế quản lý chất thải của Chính phủ đã ban hành.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...