Thạc Sĩ Đảng lãnh đạo công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài từ năm 1986 đến năm 2005

Thảo luận trong 'Lịch Sử Đảng' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU


    1. Tính cấp thiết của đề tài


    Cách đây hàng trăm năm đã có những người Việt Nam đầu tiên ra nước ngoài sinh sống. Từ đó đến nay đã hình thành một cộng đồng người Việt Nam gồm khoảng 2,7 triệu người ở gần 90 nước và vùng lãnh thổ. Về căn bản, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang phát triển theo chiều hướng ổn định, hòa nhập vào xã hội nơi cư trú và có nhiều hoạt động thiết thực nhằm duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về quê hương đất nước. Hiện tượng trên là một biểu hiện thông thường, phù hợp với quy luật chuyển dịch dân cư trên thế giới. Vì những lý do khách quan và chủ quan của từng nước, sự di chuyển dân cư này diễn ra nhiều hay ít ở những thời kỳ khác nhau, nhất là trong những thời kỳ biến động lịch sử đặc biệt như đấu tranh giai cấp quyết liệt hay chiến tranh. Ngày nay, khi mà thế giới đang chuyển biến nhanh chóng trong xu thế toàn cầu hóa, quy luật này có thể trở nên phổ biến hơn, theo đó cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ có những phát triển mới về số lượng cũng như về tính đa dạng.

    Vì những mục đích khác nhau tất cả các nước có người dân của mình sinh sống ở nước ngoài đều có chính sách bảo hộ, hỗ trợ, vận động bộ phận dân cư này. Đây không chỉ là việc làm có ý nghĩa về mặt tình cảm dân tộc, có tác động về chính trị, văn hóa, xã hội và an ninh quốc gia, mà việc huy động tiềm năng của bộ phận dân cư này vào mục tiêu xây dựng đất nước có ý nghĩa kinh tế to lớn. Riêng đối với Việt Nam, lịch sử công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã gắn liền với lịch sử cách mạng dân tộc từ gần một thế kỷ nay, đặc biệt được quan tâm và thúc đẩy từ khi Đảng ra đời, in đậm dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ đã trực tiếp tiến hành tổ chức và lãnh đạo công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Do những tác động khách quan và điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể từ sau khi đất nước thống nhất đến trước thời kỳ đổi mới (1975 – 1986), một phần không nhỏ những người rời Tổ quốc ra nước ngoài sinh sống thường có tư tưởng hận thù, chống lại chế độ mới và họ thường ra đi bằng con đường vượt biên trái phép. Vì vậy, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài chưa được quan tâm, thậm chí còn nhiều bất cập; có khi là sự phân biệt, đối xử, cảnh giác.

    Bước vào thời kỳ đổi mới, sự nhìn nhận của Đảng về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài có những nét mới, đánh giá cao lòng yêu nước của đồng bào, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào xây dựng khối đoàn kết cộng đồng (văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986), từng bước tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện để đồng bào hướng về Tổ quốc.

    Tình hình thế giới đang có những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp. Tình hình cách mạng trong nước cũng đang phát triển không ngừng, đòi hỏi mọi mặt công tác nói chung và lĩnh vực công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài của Đảng nói riêng phải vươn lên đáp ứng những đòi hỏi của tình hình mới. Vì thế, cần nghiên cứu một cách có hệ thống quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Từ thực tế hoạt động công tác này rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm thúc đẩy công tác tiến lên một bước về chất, đáp ứng tầm phát triển của cách mạng. Việc nêu lên những cơ sở lý luận từ những hoạt động thực tiễn phong phú trong gần nửa thế kỷ qua, đặc biệt từ 1986 trở lại đây không chỉ nhằm làm phong phú thêm thực tiễn mà còn cần thiết để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao trong hoàn cảnh công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài không ngừng được đổi mới nhằm theo kịp những chuyển biến nhanh chóng về mọi mặt.

    Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài có ý nghĩa chiến lược, góp phần tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng; bảo vệ an ninh từ xa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống lại đất nước của bọn phản động người Việt ở nước ngoài; tăng cường quan hệ hữu nghị giữa nước ta với các nước, củng cố vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; khai thác mọi tiềm năng và lợi thế của kiều bào phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

    Chọn đề tài “Đảng lãnh đạo công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài từ năm 1986 đến năm 2005” làm đề tài luận văn thạc sỹ khoa học lịch sử, chuyên ngành lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là góp phần tạo sự chuyển biến đối với công tác này trong tình hình mới. Qua đó, đánh giá một cách khách quan những thành tựu, hạn chế của công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần bổ sung, hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng là hết sức cần thiết. Những kinh nghiệm rút ra từ việc lãnh đạo thực hiện công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong những năm 1986-2005 có tác dụng thiết thực phục vụ cho việc tổng kết sự lãnh đạo của Đảng trong những năm đổi mới đất nước.


    2. Tình hình nghiên cứu

    Thực tiễn công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài gần một thế kỷ qua bộc lộ tình hình sau: Trong khi những hoạt động thực tiễn là hết sức phong phú và hiệu quả thì việc nghiên cứu về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và về công tác đối với cộng đồng chưa được quan tâm đầy đủ, chưa theo kịp sự phát triển của tình hình. Công tác hồ sơ tư liệu, ghi chép lịch sử, sự kiện không liên tục, chặt chẽ, việc đúc kết, tổng kết để nêu lên những bài học kinh nghiệm chưa được chú trọng thúc đẩy. Thực tế là cho đến nay có rất ít các công trình nghiên cứu về lĩnh vực công tác này kể cả ở trong nước và ngoài nước.

    Nghiên cứu những vấn đề về người Việt Nam ở nước ngoài có các công trình:

    “Thuyền nhân Việt Nam định cư hay hồi hương” của Vũ Ngọc Bình, Nxb Chính trị quốc gia, năm 1996. Trong cuốn sách, tác giả chủ yếu nghiên cứu những vấn đề về người tị nạn trên thế giới; về thuyền nhân Việt Nam và quá trình ra đi cũng như hồi hương của họ; về luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam đối với thuyền nhân. Cuốn sách đã thống kê nhiều số liệu về người tị nạn trên thế giới và thuyền nhân Việt Nam. Đặc biệt những số liệu về người Việt Nam vượt biên bằng đường biển, số người hồi hương, số người còn trong các trại tị nạn ở Hồng Kông và một số nước Đông Nam Á, số người đã được đi định cư ở nước thứ ba từ năm 1975 đến năm 1996. Tư liệu được tác giả lấy từ các nguồn của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR), Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).

    Cuốn “Người Việt Nam ở nước ngoài” của tác giả Trần Trọng Đăng Đàn, Nxb Chính trị quốc gia, năm 1997. Đây là một chuyên khảo nghiên cứu công phu với hệ thống tư liệu phong phú, sinh động đề cập đến nhiều vấn đề trên các mặt, các lĩnh vực khác nhau trong đời sống kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội của người Việt Nam ở nước ngoài từ trước cho đến những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Tác giả trình bày bản khảo cứu về người Việt Nam ở nước ngoài theo từng vùng kiều cư: Tây Âu, Bắc Mỹ, Liên Xô trước đây và Đông Âu, Ôtxtrâylia và Đông Nam Á; theo từng nhóm người: trí thức, sinh viên, doanh nghiệp, văn nghệ sĩ, lao động

    Bên cạnh đó, các đề tài: “Thực trạng và một số giải pháp thu hút đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài”; “Công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài thực tiễn và một số cơ sở lý luận” của ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài đã từng bước nghiên cứu vấn đề. Đề tài thứ nhất chủ yếu nghiên cứu về tiềm năng và môi trường đầu tư liên quan tới người Việt Nam định cư ở nước ngoài, kinh nghiệm một số nước trong việc thu hút đầu tư của kiều dân. Nhóm tác giả đã nêu lên thực trạng đầu tư tại Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời đánh giá những kết quả đã đạt được, những tồn tại yếu kém và nguyên nhân; từ đó đề ra một số giải pháp nhắm thu hút đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài vào Việt Nam. Đề tài thứ hai trình bày lược sử công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài từ năm 1930 đến năm 2002. Tiếp đó là phân tích một số vấn đề nổi cộm trong công tác như: tổ chức, cốt cán và phong trào Việt kiều yêu nước, đấu tranh chống bọn phản động người Việt, huy động đóng góp của kiều bào, thông tin văn hóa cho cộng đồng và nêu ra một số kinh nghiệm trong việc thực hiện chính sách của Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

    Liên quan tới chủ đề, thời gian qua, còn có một số bài đăng trên các tạp chí Cộng sản, Quê hương, Thông tin đối ngoại; trên các báo Nhân Dân, Đại đoàn kết, Tiền phong Đáng chú ý là các bài viết của tác giả Nguyễn Phú Bình như: “Tiềm năng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài” (Tạp chí Quê hương, số 10, năm 2004), “Công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài và những bài học thực tế” (Tạp chí Cộng sản, số 2, tháng 1-2005), “Những chuyển biến tích cực trong công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài năm 2005”(Tạp chí Cộng sản, số 2+3, năm 2006) Trên sách, báo của người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều bài đề cập đến khía cạnh này hay khía cạnh khác của vấn đề Đảng lãnh đạo công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng chưa có các công trình nghiên cứu khoa học, hệ thống. Một số tác giả người nước ngoài cũng đã có những công trình về người Việt Nam ở nước ngoài hoặc liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài. Tác giả Trần Trọng Đăng Đàn, trong cuốn Người Việt Nam ở nước ngoài cho biết ở Pháp có nhà dân tộc học Georges Boudarel, giáo sư đại học Pari VII, đã có một công trình nghiên cứu về người Việt Nam ở nước ngoài và hoàn cảnh lưu vong của họ. ỞMỹ, ký giả Sonni Efron đã thực hiện một phóng sự điều tra về thực trạng của cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ sau 15 năm, đăng trên tờ “Los Angeles Times” năm 1990. Tại các nước thuộc Liên Xô trước đây và Đông Âu có giáo sư, tiến sĩ N.I.Niculin- nhà Việt Nam học nổi tiếng đã để gần như suốt cả cuộc đời hơn 40 năm nghiên cứu khoa học của mình cho Việt Nam trong đó có nhiều công trình nghiên cứu về Việt kiều tại đây

    Nhìn chung ở từng chừng mực về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài từ năm 1986 đến năm 2005 đã được đề cập trong những công trình kể trên. Tuy nhiên cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào chuyên về Đảng lãnh đạo công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài từ năm 1986 đến năm 2005.


    3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn

    * Mục đích của luận văn:

    Nhận thức rõ vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết giữa người Việt Nam ở trong nước với cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

    * Nhiệm vụ của luận văn:

    -Làm rõ thực trạng tình hình, vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước.

    -Nghiên cứu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với một lĩnh vực công tác mới và rất quan trọng là công tác với người Việt Nam ở nước ngoài. Nêu bật quan điểm, chủ trương đúng đắn và nhất quán của Đảng đối với đồng bào Việt Nam định cư ở nước ngoài.

    -Khẳng định những thành công, hạn chế và kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài.


    4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn

    - Đối tượng nghiên cứu của luận văn là quá trình lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài từ năm 1986 đến năm 2005.

    - Phạm vi của luận văn là tập trung nghiên cứu nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài từ 1986 đến 2005. Các lĩnh vực công tác khác có liên quan mật thiết đến công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài như công tác vận động quần chúng của Đảng, Chiến lược đại đoàn kết dân tộc cũng được đề cập trong luận văn với mục đích so sánh hỗ trợ để nêu bật đặc thù của công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài của Đảng.


    5. Cơ sở lý luận, nguồn tư liệu, phương pháp nghiên cứu

    - Luận văn dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận và đại đoàn kết dân tộc. Các quan điểm lớn của Đảng và Nhà nước cũng như các chủ trương, chính sách về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cũng là cơ sở lý luận của công trình nghiên cứu. Về mặt thực tiễn, luận văn dựa trên thực tiễn mọi mặt đời sống của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và thực tiễn công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài từ 1986 đến 2005.

    - Nguồn tư liệu để thực hiện luận văn này bao gồm:

    + Các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VI, VII, VIII, IX; những chỉ thị, nghị quyết, quyết định, nghị định của Trung ương, Bộ Chính trị và Chính phủ về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; về đại đoàn kết dân tộc; về Mặt trận; về dân vận trong thời kỳ đổi mới.

    + Những công trình nghiên cứu khoa học có liên quan đã được công bố.

    + Báo Nhân Dân, báo Đại đoàn kết, tạp chí Cộng sản, báo Tiền phong, tạp chí Quê hương điện tử .

    - Luận văn sử dụng phương pháp lịch sử và phương pháp lô gích là chủ yếu. Đồng thời kết hợp sử dụng một số phương pháp khác như thống kê, so sánh, đối chiếu nhằm làm nổi bật quá trình lãnh đạo công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài của Đảng từ 1986 đến 2005.


    6. Đóng góp mới về khoa học của luận văn

    - Trình bày có hệ thống, làm rõ tính đúng đắn, nhất quán trong đường lối, chủ trương, chính sách và tổ chức thực hiện công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài của Đảng từ 1986 đến 2005.

    - Bước đầu nêu lên một số kinh nghiệm thực tiễn góp phần làm tốt hơn công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới.


    7. Bố cục luận văn

    Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung luận văn được gồm 2 chương 5 tiết.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...