Báo Cáo Đăng ký đất đai – lập hồ sơ địa chính - cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Xã Ninh Sơn, huyện

Thảo luận trong 'Địa Lý' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    PHẦN I
    ĐẶT VẤN ĐỀ
    Như chúng ta đã biết, trong mọi thời đại đất đai luôn là một tài nguyên vô cùng quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người, là điều kiện để hình thành, tồn tại và phát triển của mọi loài sinh vật trên trái đất. Vì thế người ta xem đất đai như là một tư liệu sản xuất đặc biệt không thể thay thế, là thành phần quan trọng của môi trường sống, là địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng. Đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội thì đất đai là tư liệu sản xuất trực tiếp của kinh tế nông lâm - ngư nghiệp, là chỗ đứng chân để phát triển kinh tế công nghiệp và dịch vụ, là nhu cầu thiết yếu cho sinh hoạt của con người.
    Hơn nữa đất đai không thể tự sinh ra trong khi đó nhu cầu về đất đai ngày càng lớn, đặc biệt là đất khu công nghiệp và đất khu công nghệ cao. Trong những năm gần đây việc sử dụng đất chưa hợp lý gây lãng phí, tình hình sử dụng đất không đúng mục đích, còn xảy ra nhiều tranh chấp về đất đai, việc quản lý về đất đai còn lỏng lẻo, các vụ việc sai trái về đất đai thường xuyên tiếp diễn. Do vậy các nhà quản lýđất đai cần có các quy hoạch, kế hoạch tổng thể nhằm sử dụng đất hợp lý mang lại hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và ổn định chính trị.
    Để làm được điều này thì cần phải nắm chắc được tổng thể quỹ đất, diện tích từng loại đất, từng chủ sử dụng, mục đích sử dụng và những biến động của nó, công tác đăng kí đất đai đáp ứng phần nào yêu cầu trên.Thông qua đăng kí đất đai - lập hồ sơ địa chính - cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhà nước có những kế sách, chiến lược cho việc quản lý và sử dụng đất đi vào nề nếp, ổn định và lâu dài trong tương lai.Và công tác này cũng là một nội dung rất quan trọng trong việc quản lý nhà nước về đất đai.
    Xuất phát từ yêu cầu thực tế trên, trong thời gian thực tập tại xã Ninh Sơn huyện Việt Yên, qua tìm hiểu và được làm việc với cán bộ địa chính xã, em thấy vấn đề đăng kí đất đai - lập hồ sơ địa chính - cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một vấn đề cấp thiết và nóng bỏng hiện nay. Công việc này đã và đang được thực hiện tại xã nhằm đáp ứng được yêu cầu quản lý đất đai ở cơ sở.
    Xuất phát từ những yêu cầu trên đây. Được sự phân công của khoa Địa chính - Trường ĐH Nông Lâm, dưới sự hướng dẫn của Thầy giáo: Nguyễn Hải Âu em đã thực hiện đề tài : “Đăng ký đất đai – lập hồ sơ địa chính - cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” tại Xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, Tỉnh Bắc Giang
    Nội dung nghiên cứu của đề tài là dựa trên những văn bản pháp luật, các biểu mẫu do Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các văn bản của uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, uỷ ban nhân dân Huyện Việt Yên quy định. Ngoài ra còn kết hợp với sổ sách chuyên môn về đất đai ở cấp cơ sở, các kiến thức đã học và tình hình thực tế ở địa phương phục vụ cho việc nghiên cứu đề tài và triển khai trên thực tế.

    I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU CỦA ĐỀ TÀI
    1. Mục đích
    Đăng ký đất đai - lập hồ sơ địa chính nhằm nắm chắc một cách đầy đủ chính xác về diện tích, loại đất, hạng đất mục đích sử dụng, chủ sử dụng . của từng thửa đất để nhà nước làm cơ sở quản lý thống nhất toàn bộ quỹ đất theo quy hoạch kế hoạch chung, đảm bảo cho mỗi loại đất, diện tích đất được sử dụng một cách hợp lý, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
    Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chứng thư pháp lý xác nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của người sử dụng đất. Thông qua giấy chứng nhận người sử dụng đất có cơ sở thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của nhà nước. Đồng thời để người sử dụng đất yên tâm đầu tư sản xuất, sử dụng đất có hiệu quả cao kết hợp với việc bảo vệ và cải tạo để sử dụng ổn định, lâu dài.
    2.Yêu cầu
    Chấp hành đầy đủ các chính sách nhà nước về đất đai, các văn bản, các quy phạm, quy định của ngành địa chính.
    Phải bám sát với yêu cầu của công tác đăng ký đất đai - lập hồ sơ địa chính - cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, làm theo đúng quy trình do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
    Thực hiện đầy đủ mọi thủ tục hành chính pháp lý cần thiết cho quá trình đăng kí đất đai và đảm bảo chính xác theo đúng hiện trạng được giao và hiện trạng sử dụng đất. Trên cơ sở đó tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và lập hồ sơ địa chính.
    Kết quả của việc thực hiện đề tài này phải được cơ sở công nhận và đưa vào quản lý sử dụng.
    II. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
    1. Nội dung của đề tài
    Tìm hiểu tình hình cơ bản của địa phương.
    Tìm hiểu và tham gia công tác đăng ký đất đai - lập hồ sơ địa chính - cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
    Kết quả của đề tài.
    Kết luận và kiến nghị.
    2. Phương pháp nghiên cứu
    Nghiên cứu những văn bản pháp luật của nhà nước những quy định cụ thể của ngành địa chính ở các cấp có liên quan đến đề tài.
    Tổ chức xây dựng phương pháp và thực hành đề tài cơ sở. Từ đó rút ra những tồn tại và yêu cầu đặt ra trong tình hình hiện nay ở địa phương.
    Trong quá trình thực hiện hoàn thiện hồ sơ địa chính – cấp GCNQSD đất tổ công tác chúng tôi đã thực hiện một số phương pháp sau:
    + Phương pháp điều tra thống kê để thu thập thông tin về mỗi thửa đất ở của chủ sử dụng đất như: hình thể, vị trí, kích thước, ranh giới, tên chủ sử dụng, diện tích và nguồn gốc sử dụng.
    + Phương pháp điều tra trực tiếp: Trong quá trình kiểm tra hồ sơ có những hồ sơ chưa rõ về một trong các yếu tố về thửa đất hay địa chỉ chủ sử dụng tổ công tác chúng tôi tiến hành kiểm tra, khảo sát, đo đạc thực địa và chứng minh các nội dung nghi vấn.
    + Phương pháp điều tra gián tiếp: Việc điều tra được thực hiện thông qua tổ công tác, thực hiện tổ chức kê khai đăng ký qua các tài liệu bản đồ và sổ mục kê, so sánh giữa các giấy tờ trong bộ hồ sơ để đưa ra các kết luận cụ thể.
    II. VAI TRÒ CỦA ĐĂNG KÝ ĐẤT, LẬP HỒ SƠ ĐỊA CHÍNH, CẤP GCNQSD ĐẤT TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẤT ĐAI
    Trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, đăng ký đất, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSD đất là những nội dung quan trọng trong 13 nội dung quản lý nhà nước về đất đai được quy định tại khoản 2 điều 6 luật đất đai năm 2003:
    a) Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và tổ chức thực hiện các văn bản đó: Luật quy định những nguyên tắc lớn, những chính sách quan trọng và giao cho Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương quy định tiếp những chính sách cụ thể phù hợp với từng vùng, từng địa phương.
    b) Xác định địa giới hành chính, lập và quản lý sổ địa chính, lập bản đồ hành chính. Đây là một biện pháp quan trọng để xác định quyền sử dụng, quyền biến động đất đai. Nó tạo lập những cơ sở pháp lý cần thiết để người sử dụng đất và cơ quan quản lý đất thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của mình.
    c) Khảo sát đo đạc, đánh giá, phân hạng đất, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất: Đây là biện pháp đầu tiên trong quản lý nhà nước về đất đai từ đó nắm được khả năng sinh lời của đất.
    d) Quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Là một trong những căn cứ pháp lý, kỹ thuật quan trọng cho việc điều tiết các quan hệ đất đai như: Giao đất, thu hồi đất, chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất .
    đ) Quản lý việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất: Đây là một khâu quan trọng trong nội dung quản lý nhà nước, nó phản ánh cụ thể chính sách của nhà nước trong việc điều chỉnh các quan hệ đất đai thời kỳ đổi mới.
    e) Đăng ký quyền sử dụng đất, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp GCNQSD đất:
    Đây là một biện pháp quan trọng để xác định quyền sử dụng đất, quản lý biến động đất. Nó tạo lập cơ sở pháp lý cần thiết để người sử dụng đất và các cơ quan quản lý đất thực hiện đúng các quyền hạn và nghĩa vụ của mình.
    g) Thống kê, kiểm kê đất đai: Các số liệu này dùng để đánh giá hiện trạng sử dụng đất, điều tra cơ bản tài nguyên đất và phục vụ nhu cầu sử dụng dữ liệu về đất đai trong nghiên cứu khoa học và đào tạo.
    h) Quản lý tài chính về đất đai: Công việc này giúp cơ quan có thẩm quyền quản lý việc sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính của các chủ sử dụng đất.
    i) Quản lý và phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản.
    k) Quản lý, giám sát thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất:
    Để việc quản lý và sử dụng đất đạt kết quả cao thì việc quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất là việc làm rất cần thiết, từ đó có thể giúp người sử dụng đất thực hiện đầy đủ các quyền của mình, đồng thời phải thực hiện các nghĩa vụ của mình đối với nhà nước.
    l) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai và xử lý các vi phạm đất đai: Đây là biện pháp để thúc đẩy quá trình thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật đất đai, phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực từ đó có những đề xuất phù hợp với điều kiện cụ thể.
    m) Giải quyết tranh chấp về đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo các vi phạm trong quản lý và sử dụng đất: Đây là biện pháp nhằm điều chỉnh các quan hệ đất đai theo yêu cầu mà pháp luật đã định.
    n) Quản lý các hoạt động dịch vụ công về đất đai: Nhà nước có chính sách đầu tư cho việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng hệ thống quản lý đất đai hiện đại, đủ năng lực, bảo đảm quản lý đất đai có hiệu lực và hiệu quả.
    Hồ sơ địa chính là hệ thống chứa đựng những thông tin cần thiết về các mặt: Tự nhiên, kinh tế xã hội, pháp lý của đất đai đã được thiết lập trong quá trình đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký ban đầu và đăng ký biến động đất đai, cấp GCNQSD đất. Đây là cơ sở khoa học và pháp lý để nhà nước thực hiện việc quản lý chặt chẽ và thường xuyên về đất đai.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...