Thạc Sĩ Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lãnh đạo đổi mới giáo dục phổ thông từ năm 1991 đến 2001

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU


    1. Tính cấp thiết của đề tài


    Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò quan trọng của GD - ĐT trong sự nghiệp cách mạng.

    Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” mà “dốt thì dại, dại thì hèn”. Vì vậy ngay từ buổi đầu mới giành được chính quyền, Người kêu gọi: “Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí”[51, tr.36].

    Thấm nhuần tư tưởng của Người, trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam, GDPT được Đảng ta nhìn nhận là một bậc giáo dục có tầm quan trọng đặc biệt, vừa là “bản lề”, vừa là “xương sống” của toàn bộ quá trình hình thành và phát triển nhân cách của lứa tuổi nhi đồng, thiếu niên và thanh niên, giúp các em từ bước đi chập chững, từ nhận biết đơn sơ lên lắm bắt được nhiều kiến thức cơ bản về văn hóa chữ, văn hóa làm người và định hướng được cuộc sống của mình là phục vụ sự nghiệp của Đảng, của dân tộc. Vì vậy từ ngày nước nhà được độc lập, đặc biệt là trong hơn nửa thập kỷ qua, sự nghiệp phát triển GDPT đã đạt được những thành tựu to lớn: Quy mô không ngừng được mở rộng; chất lượng ngày một được nâng cao và từng bước đáp ứng tốt hơn yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực cho sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Với vị trí và vai trò to lớn đó, Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về cải cách giáo dục lần thứ 3 (năm 1979) đã chỉ rõ: “Giáo dục phổ thông là nền tảng văn hóa của một nước, là sức mạnh tương lai của một dân tộc. Nó đặt cơ sở vững chắc cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[64, tr.23].

    Là một tỉnh miền núi, nằm ở vùng cửa ngõ Tây Bắc của Tổ quốc, tỉnh Hòa Bình là nơi tụ hội nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm Văn hóa - Giáo dục của vùng Tây Bắc. Với đặc điểm địa lý giáp với đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội, Hòa Bình được biết đến không chỉ nổi tiếng với công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, mà còn nổi tiếng với một nền văn hóa đặc sắc, cái nôi “văn hóaHòa Bình”.

    Là mảnh đất có chiều dày lịch sử, phát huy truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất của dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã kề vai, sát cánh làm nên những trang sử hào hùng, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Bước vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, với tinh thần “đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và đổi mới”, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục vượt lên mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT - XH của tỉnh, phấn đấu trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và vùng Tây Bắc, đặc biệt từng bước xây dựng thị xã Hòa Bình trở thành thành phố Hòa Bình trên trục đô thị Hà Nội - Hà Đông - Lương Sơn - Hòa Bình.

    Nhận thức vai trò to lớn của GDPT trong hệ thống giáo dục quốc dân cũng như phát triển GDPT nhằm “Nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh và công bằng xã hội” [88, tr.314], trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã thường xuyên chăm lo, tạo điều kiện để GDPT từng bước được đổi mới và phát triển vững chắc. Do vậy, từ chỗ 99% dân số mù chữ, đội ngũ giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất trường lớp nghèo nàn, lạc hậu (năm 1945), đến nay, tỉnh đã đạt chuẩn quốc gia về PCGDTH - CMC và PCGD THCS, đội ngũ giáo viên các ngành học, bậc học không chỉ lớn về số lượng mà còn mạnh cả về chuyên môn; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học ngày càng hiện đại, bộ mặt ngành giáo dục ngày càng đổi mới.

    Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sự nghiệp đổi mới GDPT ở Hòa Bình trong những năm qua còn nhiều yếu kém, bất cập, thể hiện ở chỗ: chất lượng giáo dục các cấp học, bậc học, ngành học còn thấp và chưa đồng đều; việc dạy và học ở vùng KT - XH khó khăn còn hạn chế; cơ sở vật chất còn thiếu thốn, lạc hậu. Bên cạnh đó, năng lực trình độ tổ chức quản lý của đội ngũ cán bộ, giáo viên còn thấp so với yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho xã hội. Đây là những vấn đề đặt ra cần phải giải quyết.

    Từ những vấn đề nêu trên, việc thực hiện các mục tiêu, chiến lược phát triển KT - XH của Đảng bộ tỉnh trong giai đoạn (2001 - 2005), trong đó GDPT đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực, càng trở nên có ý nghĩa quan trọng và cấp bách hơn bao giờ hết. Không ngừng đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng GDPT trong thời gian tới cũng như góp tiếng nói chung vào mục tiêu chiến lược phát triển KT - XH của Đảng bộ tỉnh Hòa Bình là đòi hỏi của thực tiễn. Vì vậy, tôi chọn đề tài: “Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lãnh đạo đổi mới giáo dục phổ thông từ năm 1991 đến 2001” làm đề tài luận văn thạc sỹ, chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.


    2. Tình hình nghiên cứu của đề tài

    Xuất phát từ vị trí, vai trò của GD - ĐT nói chung, GDPT nói riêng đối với sự phát triển KT - XH của đất nước, trong những năm qua, các tổ chức, học giả trong và ngoài nước rất quan tâm, đã công bố một số công trình nghiên cứu, bài viết bàn về thực trạng, phương hướng phát triển sự nghiệp GDPT.

    - Tổ chức Văn hóa - Khoa học - Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO), Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) với dự án: “Nghiên cứu tổng thể giáo dục - đào tạo, phân tích nguồn nhân lực VIE89/022” và dự án: “Báo cáo đánh giá tình hình giáo dục và đào tạo của Việt Nam hiện nay”, được tiến hành trong 2 năm (1991-1992).

    - Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, giới nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành về GD - ĐT đã đã tìm hiểu, nghiên cứu trên nhiều góc độ khác nhau như: Tác phẩm “Vấn đề giáo dục” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Giáo dục, Hà Nội (1990); “Sự nghiệp giáo dục trong chế độ xã hội chủ nghĩa” của Phạm Văn Đồng, Nxb Sự thật, Hà Nội (1978); “Phát triển mạnh mẽ giáo dục và đào tạo phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” của tổng bí thư Đỗ Mười, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội (1991) .Các tác giả là những người giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước; hệ thống những quan điểm, tư tưởng của Đảng về GD - ĐT.

    - Đảng Cộng sản Việt Nam với các Nghị quyết chuyên đề bàn về thực trạng và phương hướng đổi mới GD - ĐT như: NQTW 4 (khóa VII), NQTW 2 (khóa VIII), NQTW 6 (khóa IX). Những tài liệu này là một hệ thống những quan điểm, tư tưởng khoa học, bao gồm cả khái niệm, mục đích, nội dung, cách dạy, cách học, cách quản lý, cách lãnh đạo ngành giáo dục. Đây là cơ sở lý luận cho đường lối chính sách giáo dục đã và đang tiến hành ở nước ta, cho nền khoa học giáo dục Việt Nam, cho chiến lược xây dựng con người mới của đất nước Việt Nam XHCN.

    Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu của tập thể, cá nhân nhà khoa học như: Ban Khoa giáo Trung ương, Bộ GD - ĐT; các đồng chí đã từng là lãnh đạo ngành GD - ĐT như: Tác phẩm “ Phát triển giáo dục, phát triển con người phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”, Nxb Khoa học xã hội (1996) của Phạm Minh Hạc; “ Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”, Tạp chí Cộng sản, số tháng 9 (2002) của Trần Hồng Quân; “Đổi mới về nhận thức vị trí, vai trò của giáo dục và đào tạo”, Tạp chí nghiên cứu giáo dục số 1 (1992) của Nguyễn Minh Hiển cũng là cơ sở quan trọng giúp cho người viết có được cái nhìn rõ nét về định hướng chiến lược phát triển GD - ĐT ở Việt Nam cũng như quá trình tổ chức thực hiện đường lối phát triển GD - ĐT của Đảng để từ đó khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp đổi mới GD - ĐT.

    - Cho đến nay, chưa có tác giả nào nghiên cứu một công trình về GD - ĐT Hòa Bình (đặc biệt là GDPT) như một công trình khoa học chuyên khảo. Đây là vấn đề đặt ra mà người viết nhận thấy cần phải đi sâu nghiên cứu. Thông qua các Báo cáo chính trị của đại hội Đảng bộ, HĐND và UBND tỉnh Hòa Bình, các báo cáo tổng kết của Sở GD - ĐT Hòa Bình, người viết tìm hiểu quá trình lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đối với sự nghiệp đổi mới GD - ĐT nói chung, GDPT nói riêng trên các mặt: đề ra chủ trương, đường lối, tổ chức thực hiện, kết quả, trong giai đoạn (1991- 2001).


    3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài

    - Nghiên cứu và trình bày có hệ thống quá trình lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hòa Bình về GDPT từ năm 1991 đến 2001 (chủ trương, đường lối, biện pháp thực hiện đổi mới GDPT).

    - Đánh giá khách quan, khoa học về thành tựu, hạn chế và nguyên nhân quá trình lãnh đạo đổi mới GDPT của Đảng bộ tỉnh Hòa Bình.

    - Rút ra một số kinh nghiệm về sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đối với sự nghiệp đổi mới GDPT trong giai đoạn (1991- 2001) góp phần phục vụ cho việc đổi mới GDPT trong giai đoạn hiện nay.


    4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu đề tài

    * Đối tượng nghiên cứu:

    - Sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hòa Bình về sự nghiệp đổi mới GDPT.

    - Thực tiễn đổi mới GDPT của tỉnh thể hiện ở ba bậc: Tiểu học, THCS, THPT.

    - Những kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn trên.

    * Phạm vi nghiên cứu:

    Nghiên cứu quá trình lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hòa Bình về đổi mới GDPT và kết quả thực hiện trong giai đoạn (1991- 2001).

    * Về thời gian:

    Luận văn nghiên cứu sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hòa Bình về đổi mới GDPT trong 10 năm đổi mới (từ năm 1991 đến năm 2001); từ thời điểm tại kỳ họp thứ IX, Quốc hội khóa VIII quyết định tái lập tỉnh Hòa Bình (8 - 1991) đến Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XIII tháng (1 - 2001).


    5. Cơ sở lý luận, phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu

    * Cơ sở lý luận:

    Dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới GDPT. Đây là cơ sở lý luận cho việc nghiên cứu quá trình lãnh đạo của Đảng bộ Hòa Bình đối với GDPT (1991 - 2001).

    * Phương pháp nghiên cứu:

    Luận văn sử dụng các phương pháp lịch sử, phương pháp lôgíc và kết hợp sử dụng một số phương pháp khác như: phương pháp phân tích, tổng hợp; phương pháp thống kê, so sánh, điền dã để thực hiện đề tài.

    * Nguồn tư liệu:

    Trong khuôn khổ luận văn thạc sỹ lịch sử, tác giả sử dụng nguồn tư liệu chủ yếu sau:

    - Về kinh điển: Tác giả chọn lựa các bài nói, bài viết của Các Mác, Ăng ghen, Lênin và Hồ Chí Minh bàn về giáo dục.

    - Các Văn kiện, Nghị định, Chỉ thị, Quyết định của Đảng và Nhà nước; của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Hòa Bình về GDPT.

    - Một số bài phát biểu, bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ GD - ĐT; Tỉnh ủy, Sở GD - ĐT tỉnh Hòa Bình.

    - Các văn bản, báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về GDPT.

    - Các báo cáo của Sở GD - ĐT tỉnh Hòa Bình, Phòng Giáo dục các Huyện, Thị xã trong tỉnh.

    - Các công trình, bài viết của các chuyên gia nghiên cứu, các luận văn, luận án về lĩnh vực GDPT đã được công bố.

    - Các tài liệu, sách báo nước ngoài của các tổ chức, học giả bàn về GD - ĐT ở Châu Á, Việt Nam trong những năm gần đây.

    - Các bài báo, Tạp chí số ra hàng ngày, hàng tháng được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng


    6. Đóng góp mới về khoa học của đề tài

    - Trình bày một cách hệ thống quá trình lãnh đạo tổ chức thực hiện đổi mới GDPT của Đảng bộ tỉnh Hòa Bình trong giai đoạn (1991 - 2001).

    - Rút ra một số kinh nghiệm từ quá trình trên.

    - Đề xuất một số giải pháp, kiến nghị góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả GDPT của tỉnh trong thời gian tới, từng bước đáp ứng tốt hơn yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục cho sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước nói chung, phát triển KT - XH của tỉnh Hòa Bình nói riêng.


    7. Kết cấu luận văn

    Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục; nội dung chính của luận văn được chia thành 2 chương 6 tiết.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...