Thạc Sĩ Đảng bộ miền Nam lãnh đạo sự nghiệp giáo dục ở vùng giải phóng 1961 – 1975

Thảo luận trong 'Lịch Sử Đảng' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU


    1. Tính cấp thiết của đề tài


    Trong quá trình lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến xây dựng, phát triển nền giáo dục cách mạng. Sự nghiệp giáo dục cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng gắn liền với sự nghiệp gải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cùng với đấu tranh trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, ngoại giao, đấu tranh trên lĩnh vực giáo dục là một bộ phận quan trọng của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng lãnh đạo sự nghiệp giáo dục cách mạng vừa đấu tranh chống nền giáo dục nô dịch của đế quốc, thực dân vừa duy trì, phát triển truyền thống giáo dục Việt Nam để xây dựng nền giáo dục cách mạng mang tính dân tộc, tính nhân dân sâu sắc. Sự nghiệp giáo dục cách mạng của Đảng là một mặt trận trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước, giáo dục cách mạng từng bước trưởng thành cùng với những thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc.

    Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, giành được chính quyền về tay nhân dân nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Những ngày đầu khó khăn, Đảng đã xác định “chống giặc dốt” là một trong những nhiệm vụ cấp bách của chính quyền cách mạng lâm thời. Trong chín năm kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp (1945 – 1954), Đảng tiến hành lãnh đạo sự nghiệp giáo dục cách mạng trên phạm vi cả nước, phong trào chống nạn mù chữ thu hút hàng triệu người đi học với nhiều hình thức tổ chức lớp học sinh động sáng tạo. Hệ thống giáo dục phổ thông được cải tổ và xây dựng bước đầu nhằm thực hiện mục tiêu của nền giáo dục dân chủ nhân dân với phưong châm “tôn trọng nhân phẩm,rèn luyện chí khí, phát triển tài năng để phụng sự đoàn kết và góp phần vào cuộc tiến hóa chung của nhân loại”[ Phan Ngọc Liên giáo dục và thi cử ,tr.263] đã đào tạo, bồi dưỡng một lực lượng đông đảo đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực chuyên môn; phẩm chất chính trị và đạo đức tốt phục vụ cho nhu cầu công tác trong kháng chiến chống Pháp. Những người được đào tạo đã cống hiến cho cho sự nghiệp giáo dục kháng chiến và anh dũng hy sinh trong chiến đấu.

    Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975), Đảng tiếp tục giữ vững, phát huy sự nghiệp giáo dục cách mạng trong điều kiện chiến tranh, xem đây là bộ phận quan trọng trong toàn bộ quá trình lãnh đạo sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Đảng bộ miền Nam lãnh đạo sự nghiệp giáo dục cách mạng bảo vệ, phát huy những thành quả giáo dục kháng chiến Nam Bộ, nhằm nâng cao trình độ văn hoá cho nhân dân, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ bổ sung lực lượng cho cách mạng. Sự nghiệp giáo dục cách mạng tập hợp được quần chúng nhân dân để đào tạo nâng cao dân trí, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc hướng về cách mạng, bảo vệ phát huy truyền thống văn hoá dân tộc. Dù trong điều kiện chiến tranh gian khổ, ác liệt nhưng nhờ sự ủng hộ tích cực của các tầng lớp nhân dân, Mặt trận và chính quyền cách mạng các cấp, sự nghiệp giáo dục cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ miền Nam ở vùng giải phóng những năm 1961 – 1975 liên tục được giữ vững, củng cố và phát triển cả về quy mô, chất lượng. Sự nghiệp giáo dục cách mạng miền Nam không chỉ nâng cao dân trí, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ mà còn tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tin theo Đảng, hướng theo cách mạng; đấu tranh với địch trên mặt trận văn hoá, tư tưởng, góp phần tích cực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

    Sau Hiệp định Giơnevơ (7/1954), Đảng đã bố trí một số cán bộ, giáo viên ở lại miền Nam tiếp tục sự nghiệp giáo dục, đồng thời đội ngũ giáo viên ở miền Bắc chi viện thường xuyên ngày càng đông đảo cho vùng giải phóng miền Nam. Ngoài ra, Đảng bộ miền Nam còn tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tại chỗ ở các địa phương với sự phát triển hệ thống trường sư phạm rộng khắp. Thực hiện sự nghiệp giáo dục cách mạng miền Nam trong điều kiện chiến tranh ác liệt, Đảng bộ miền Nam linh họat bố trí địa điểm tổ chức lớp học, tìm tòi hình thức, phương pháp, giáo dục thích hợp, xây dựng nội dung chương trình phù hợp, nhằm từng bước giáo dục nâng cao trình độ cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

    Việc nghiên cứu Đảng bộ miền Nam lãnh đạo sự nghiệp giáo dục cách mạng ở vùng giải phóng nhằm rút ra những kinh nghiệm lịch sử, khẳng định vai trò giáo dục cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là một yêu cầu cấp thiết có ý nghĩa quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn. Từ những suy nghĩ trên, tác giả quyết định chọn đề tài: “Đảng bộ miền Nam lãnh đạo sự nghiệp giáo dục ở vùng giải phóng 1961 – 1975” làm luận văn tốt nghiệp thạc sĩ, với lòng yêu ngành khoa học Lịch sử Đảng, mong muốn góp phần vào việc tổng kết lịch sử kháng chiến chống Mỹ.


    2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài

    Thời gian gần đây có nhiều công trình của cá nhân, tập thể nghiên cứu sự nghiệp giáo dục cách mạng của Đảng ở miền Nam trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Song những công trình này nghiên cứu sự lãnh đạo của Đảng nói chung đối với sự nghiệp giáo dục và chỉ đề cập dưới dạng lịch sử giáo dục, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách hệ thống, cụ thể Đảng bộ miền Nam lãnh đạo sự nghiệp giáo dục ở vùng giải phóng trong kháng chiến chống Mỹ. Có thể kể một số công trình sau:

    Đề tài trọng điểm cấp Bộ (đã in thành sách 2004 ) “Giáo dục cách mạng ở miền Nam giai đoạn 1954 – 1975 Những kinh nghiệm và bài học lịch sử”, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

    Nhiều tác giả (2002),“Giáo dục Nam bộ thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945 – 1954”, Nxb Trẻ.

    Phạm Minh Hạc (1992), “Sơ thảo giáo dục Việt Nam 1945 – 1992),” Nxb Giáo dục, Hà Nội.

    Hội khoa học kinh tế Việt Nam – Trung tâm Thông tin và Tư vấn phát triển (2005), “Giáo dục Việt Nam 1945 – 2000”, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

    Có một số luận văn thạc sĩ Lịch sử Đảng, nghiên cứu về giáo dục và đào tạo nghiên cứu những giai đoạn khác nhau ở các địa phương Trung Bộ và Nam Bộ:

    Phạm Kim Dung (1998), “Đảng bộ Sa Đéc (Đồng Tháp) thực hiện chiến lược giáo dục 1975 – 1986”, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

    Trần Văn Dũng (2001), “Đảng bộ tỉnh Bình Định lãnh đạo sự nghiệp giáo dục đào tạo 1991 – 2000”, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

    Lê Vũ Hùng (2000), “Đảng bộ Đồng Tháp với chiến lược phát triển giáo dục (1976-1986)”, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

    Lê Văn Nê (2002) “Đảng bộ tỉnh Bến Tre lãnh đạo sự nghiệp phát triển giáo dục – đào tạo (1986 – 2000)”, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

    Ngoài ra, Lịch sử Đảng bộ các tỉnh miền Nam ít nhiều có đề cập đến sự nghiệp giáo dục cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những công trình nghiên cứu trên là tài liệu quí giá, bổ ích, có giá trị khoa học lịch sử mà luận văn đã kế thừa.

    Nghiên cứu “Đảng bộ miền Nam lãnh đạo sự nghiệp giáo dục ở vùng giải phóng 1961 – 1975” là vấn đề khá mới mẻ, hạn chế về nguồn tư liệu. Do vậy, trong khuôn khổ luận văn thạc sĩ khó có thể trình bày đầy đủ toàn diện. Thực tế, Đảng bộ miền Nam lãnh đạo sự nghiệp giáo dục giáo dục cách mạng ở vùng giải phóng những năm 1961 – 1975 chắc chắn phong phú hơn nhiều so với những kết quả luận văn nghiên cứu được.


    3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu luận văn

    Đảng lãnh đạo sự nghiệp giáo dục là nội dung rộng lớn. Do vậy, luận văn chỉ giới hạn nghiên cứu Đảng bộ miền Nam lãnh đạo sự nghiệp giáo dục những năm 1961 – 1975 ở vùng giải phóng, mà không nghiên cứu toàn bộ quá trình lãnh đạo sự nghiệp giáo dục của Đảng trên phạm vi cả nước, cũng như cả thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam.


    4. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn

    – Mục đích

    Thông qua thời gian lịch sử cụ thể 1961 – 1975, luận văn làm rõ những chủ trương, chính sách của Đảng bộ miền Nam trong việc lãnh đạo sự nghiệp giáo dục cách mạng. Đặc biệt là quá trình thực hiện duy trì, phát triển giáo dục cách mạng trong điều kiện kèm kẹp, đánh phá ác liệt của Mỹ-ngụy, đưa sự nghiệp giáo dục cách mạng miền Nam hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình.

    – Nhiệm vụ

    Trình bày sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ miền Nam thực hiện nhiệm vụ giáo dục cách mạng ở vùng giải phóng trong tổng thể sự lãnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trên cơ sở đó, phân tích làm sáng tỏ những sáng tạo của Đảng bộ miền Nam trong việc đề ra các chủ trương, giải pháp giáo dục cách mạng miền Nam. Bước đầu đúc rút những kinh nghiệm của Đảng bộ miền Nam trong quá trình lãnh đạo công tác giáo dục cách mạng ở vùng giải phóng 1961 – 1975.


    5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

    Luận văn được thực hiện trên cơ sở các quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những quan điểm đường lối của Đảng về giáo dục- đào tạo, đảm bảo tính đảng, tính khoa học trong quá trình nghiên cứu; kết hợp chặt chẽ phương pháp luận macxít và hiện thực lịch sử.

    Luận văn thuộc khoa học lịch sử chuyên ngành Lịch sử Đảng nên chủ yếu sử dụng phương pháp lịch sử – lôgíc, ngoài ra còn kết hợp sử dụng phương pháp phân tích – tổng hợp, so sánh – đối chiếu.


    6. Đóng góp mới và ý nghĩa luận văn

    Luận văn hệ thống lại những đường lối, chủ trương của Đảng bộ miền Nam lãnh đạo sự nghiệp giáo dục cách mạng ở vùng giải phóng; làm rõ nội dung lãnh đạo thông qua tổ chức bộ máy giáo dục, đào tạo đội ngũ giáo viên, chỉ đạo tổ chức thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm của Đảng bộ miền Nam; phân tích, đúc rút nhũng kinh nghiêm, làm rõ vai trò sự nghiệp giáo dục cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng phát triển kinh tế – xã hội hiện nay ở Nam Bộ

    Luận văn góp phần tổng kết những kinh nghiệm, phương pháp lãnh đạo giáo dục cách mạng của Đảng bộ miền Nam trong điều kiện chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Kết quả nghiên cứu của luận văn chỉ là bước đầu chắc chắn còn nhiều hạn chế thiếu sót, nhưng cũng gợi mở những vấn đề cần tiếp tục bổ sung, nghiên cứu sự nghiệp giáo dục cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ.


    7. Kết cấu luận văn

    Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm 2 chương 5 tiết.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...