Thạc Sĩ Đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn Lào Suvănthon Bupphanuvông

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 25/9/14.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỤC LỤC
    MỞ ĐẦU
    1. Ý nghĩa của đề tài 3
    2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 7
    3. Giới hạn vấn đề nghiên cứu 7
    4. Phương pháp nghiên cứu 8
    5. Đóng góp mới của luận án .10
    6. Cấu trúc của luận án 11
    CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 12
    1.1. Về thể loại tiểu thuyết hiện đại trong văn học Lào .12
    1.1.1. Lí luận về tiểu thuyết .12
    1.1.2. Tiểu thuyết hiện đại Lào và những đặc trưng cơ bản của thể loại 18
    1.2. Nghiên cứu tiểu thuyết của Suvănthon 33
    1.2.1. Nghiên cứu tiểu thuyết của Suvănthon ở Lào 33
    1.2.2. Nghiên cứu tiểu thuyết của Suvăthon ở Việt Nam .36
    1.2.3. Nghiên cứu tiểu thuyết của Suvănthon ở một số nước trên thế giới .44
    CHƯƠNG 2: ĐẶC TRƯNG NGHỆ THUẬT TỔ CHỨC NHÂN VẬT VÀ SỰ KIỆN TRONG TIỂU THUYẾT CỦA SUVĂNTHON 46
    2.1. Đặc trưng nghệ thuật tổ chức nhân vật .46
    2.1.1. Phân tuyến nhân vật theo lí tưởng xã hội .47
    2.1.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật người anh hùng – chiến sĩ 54
    2.1.2.1. Huyền thoại hóa khả năng phi thường của nhân vật 56
    2.1.2.2. Lí tưởng hóa vẻ đẹp ngoại hình và phẩm chất của nhân vật 62
    2.1.2.3. Đặt nhân vật trong nhiều mối quan hệ đa chiều . .66
    2.2. Đặc trưng nghệ thuật tổ chức sự kiện 70
    2.2.1. Kết cấu sự kiện theo biến cố lịch sử 72
    2.2.2. Kết cấu sự kiện theo trật tự tuyến tính 76
    2.2.3. Bút pháp nghệ thuât tổ chức sự kiện .80
    2.3. Tiểu kết 82
    CHƯƠNG 3: ĐẶC TRƯNG KHÔNG GIAN, THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT CỦA SUVĂNTHON 84
    3.1. Không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết của Suvănthon 85
    3.1.1. Không gian công cộng 87
    3.1.2. Không gian chiến trường 92
    3.1.3. Không gian thiên nhiên .98
    3.2. Thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết của Suvănthon .101
    3.2.1. Thời gian lịch sử sự kiện .102
    3.2.2. Thời gian đối sánh – quy kết .105
    3.2.3. Thời gian thử thách và hi vọng .109
    3.3. Tiểu kết 111
    CHƯƠNG 4: ĐẶC TRƯNG NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT VÀ CÁC PHƯƠNG THỨC TRẦN THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT CỦA SUVĂNTHON 113
    4.1. Đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật trong tiểu thuyết của Suvănthon113
    4.1.1. Màu sắc dân gian và Phật giáo trong ngôn ngữ tiểu thuyết 114
    4.1.2. Ngôn ngữ đối thoại, độc thoại nội tâm và ngôn ngữ song điệu 119
    4.2. Các phương thức trần thuật trong tiểu thuyết của Suvănthon 132
    4.2.1. Điểm nhìn trần thuật .132
    4.2.2.1. Điểm nhìn của người trần thuật .134
    4.2.2.2. Điểm nhìn không gian, thời gian 136
    4.2.2.3. Điểm nhìn đánh giá tư tưởng, cảm xúc 139
    4.2.2. Các cấp độ trần thuật .141
    4.3. Tiểu kết 145
    KẾT LUẬN 147
    DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ
    TÀI LIỆU THAM KHẢO



    MỞ ĐẦU
    1. Ý nghĩa của đề tài
    1.1. Việt Nam và Lào, hai nước liền kề nhau trên bán đảo Đông Dương, có nhiều mối quan hệ với nhau trong lịch sử. Song quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào chỉ có ở thời kì chống Pháp, chống Mỹ và thời kì đương đại sau khi cả hai nước hoàn toàn được giải phóng, tiến lên xây dựng cuộc sống mới trong hòa bình. Quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào ra đời trên cơ sở hai nước có cùng một cảnh ngộ, cùng kẻ thù chung, cùng một mục tiêu đấu tranh giải phóng dân tộc vì hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Quan hệ Việt Nam – Lào được bắt đầu từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời và dần dần tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam – Lào được phổ biến, lan rộng, thấm sâu vào ý thức cách mạng của nhân dân hai nước. Tình hữu nghị đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào được phản ánh trong văn học rất đậm nét, để lại một dấu ấn khó quên trong tình cảm của nhân dân hai nước. Tuy vậy, nghiên cứu văn học Lào, nhất là văn học hiện đại Lào ở Việt Nam và ở các nước khác trên thế giới hãy còn ít ỏi. Diện mạo văn học hiện đại Lào chưa được các nhà khoa học Việt Nam đi sâu nghiên cứu, giới thiệu, đặc biệt là còn vắng bóng nhiều chuyên khảo về tác giả, tác phẩm, các khuynh hướng, trào lưu văn học của thời kì hiện đại. Từ thực tế đó của ngành nghiên cứu văn học ở Việt Nam, chúng tôi mạnh dạn chọn các sáng tác tiểu thuyết của Suvănthon Bupphanuvông để nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ những bình diện lí luận tiểu thuyết, những đặc trưng nghệ thuật viết tiểu thuyết của Suvănthon, góp phần nhận diện rõ hơn nền văn xuôi hiện đại cách mạng Lào.
    1.2. Tiểu thuyết hiện đại Lào chính thức ra đời năm 1968 với tác phẩm đầu tay – Sỉ nọi (Bé Sỉ) – của nhà nhà văn Khămliêng Phônsêna. Có thể nói, Khămliêng Phônsêna là nhà văn có vai trò đặt nền móng cho sự ra đời của thể loại tiểu thuyết ở Lào. Tuy vậy, người có vai trò trong việc xây dựng và phát triển nền tiểu thuyết hiện đại Lào lại chính là nhà văn Suvănthon. Ông là một cây bút viết khá sung sức, liên tục và thành công.
    Suvănthon Bupphanuvông sinh ngày 13 tháng 4 năm 1925, tại huyện Sêpôn, tỉnh Sạvẳnnạkhệt, trong một gia đình khá giả. Từ bé đã được chăm sóc và thừa hưởng một nền giáo dục khá tốt từ gia đình. Suvănthon chịu ảnh hưởng rất nhiều từ mẹ, người đã gần gũi chăm sóc ông từ thuở bé và truyền cho ông nguồn sức sống mãnh liệt từ kho tàng văn học dân gian qua những câu chuyện kể, những bài hát ru.
    Từ năm 1940 đến năm 1944, Suvănthon sang học Trung học ở Huế (Việt Nam), khoảng thời gian này có tác động rất lớn đến sự nghiệp sáng tác của ông sau này.
    Năm 1945, Suvănthon về nước, tham gia vào phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc. Tháng 2 năm 1946, ông bị bắt và bị giam tại Paksê (tỉnh Chẳmpạsắc). Sau đó, ông trốn tù sang Thái Lan, tham gia phong trào yêu nước Lào ở Thái.
    Từ tháng 8 năm 1948, Suvănthon trở về nước tham gia kháng chiến chống Pháp. Thời gian tham gia hoạt động cách mạng, ông có điều kiện sống chung với đồng chí Caysỏn Phômvihản và được truyền bá tư tưởng Chủ nghĩa Mác một cách sâu sắc. Chính sự trải nghiệm trong hoàn cảnh chiến đấu đã cung cấp cho ông vốn hiểu biết phong phú về cuộc sống của nhân dân và chiến sĩ Lào những năm chiến tranh. Đây là yếu tố hết sức quan trọng, góp phần tạo nên giá trị hiện thực trong sáng tác của ông. Thời gian này, vừa tham gia kháng chiến, ông vừa sáng tác thơ, truyện nhưng không nhiều và chưa có thành tựu.
    Năm 1960, Suvănthon sang học Trường Báo chí ở Việt Nam. Nhà văn có cơ hội tiếp xúc với nền văn học cách mạng của Việt Nam và nền văn học Xô viết qua phần dịch và giới thiệu ở Việt Nam. Suvănthon còn có nhiều dịp được tiếp xúc với các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng ở Việt Nam như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi.
    Sau khi tốt nghiệp, ông về làm việc tại Đài phát thanh Quốc gia Lào, thường phát mục “Câu chuyện truyền thanh”, tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng và truyền thống yêu nước của dân tộc. Ông làm việc say sưa, nhiệt tình và sáng tác nhiều. Nhà văn tâm sự: “Trường học chính của tôi là nơi diễn ra cuộc đấu tranh cách mạng, là thực tế cuộc sống đã lăn lộn, là con đường tự học chứ không phải là các giảng đường” [dẫn theo 19, tr.75]
    Sự nghiệp sáng tác của Suvănthon bắt đầu từ thời kì chống Pháp với thể loại có tính chất thử bút là thơ. Bài thơ đầu tiên của ông là bài “Đất nước Lào”. Đây là một bài thơ giống như một diễn ca lịch sử, mô tả quá trình hình thành, đấu tranh và phát triển của dân tộc.
    Những năm đầu thời kì chống Mỹ, nhà văn viết nhiều truyện ngắn với nhiều đề tài khác nhau như đề tài người phụ nữ tham gia kháng chiến (Y tá, Một quả mìn, Những lời hứa hẹn không quên ), đề tài về sự thức tỉnh của binh sĩ Ngụy trở về với chính nghĩa (Về với mẹ, Anh em gặp lại nhau, Xin đầu hàng, Trở về với chính nghĩa ). Những truyện ngắn này, sau này được in trong tập Đất nước chúng ta (3 quyển); nội dung các truyện tuy chưa đạt đến những giá trị nội dung và nghệ thuật của thể loại truyện, kí thực sự, nhưng đó chính là những phôi thai đầu tiên, chuẩn bị cho sự ra đời của thể loại truyện, kí sau này.
    Năm 1972, nhà văn bắt đầu thử bút và thành công ở thể loại tiểu thuyết. Hồi tưởng lại (tập một) là cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Suvănthon được xuất bản năm 1972, đến năm 1974 xuất bản tập hai và đổi tên thành Hại nhân nhân hại. Đây là bộ tiểu thuyết sự kiện, cốt truyện được triển khai từ những biến cố lịch sử có thật và dựa vào cuộc đời của nhiều nhân vật lịch sử.
    Từ năm 1975, nhà văn cho ra đời liên tiếp nhiều bộ tiểu thuyết dài tập với nội dung và giá trị nghệ thuật cao, đánh dấu một bước tiến mới trong cuộc đời sáng tác của ông. Với hai bộ tiểu thuyết Hai chị em (Tập 1: 1975, Tập 2: 1976, Tập 3: 1977) và tiểu thuyết Tiểu đoàn Hai (Tập 1,2: 1977, Tập 3: 1980, Tập 4: 1983) Suvănthon trở thành tiểu thuyết gia lớn nhất ở Lào.
    Viết về đề tài “Chiến tranh cách mạng”, từ năm 1982 đến năm 1987, nhà văn còn xuất bản bộ tiểu thuyết hai tập Hai bên bờ sông. Tác phẩm tái hiện lại bức tranh hiện thực Lào những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
    Ngoài ra, tác giả cũng thử bút ở đề tài “Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Lào” với hai tiểu thuyết Người con gái của Đảng Trai Lào, gái Lào, trong đó tiểu thuyết Người con gái của Đảng (hai tập) đã được xuất bản năm 1982 - 1984.
    Năm 1990, ông là chủ tịch đầu tiên của Hội nhà văn Lào.
    Như vậy, cũng như đa số các nhà văn Lào, nhà văn Suvănthon trước hết là một người lính, là một người chiến sĩ cách mạng luôn thấm nhuần tư tưởng và đường lối của Đảng; đồng thời là một nhà văn, là người nghệ sĩ tài ba. Những thành công trong tiểu thuyết của ông chính là kết quả của sự cố gắng và niềm say mê nghệ thuật của người chiến sĩ chân chính. Sự ra đời liên tiếp nhiều bộ tiểu thuyết của nhà văn Suvănthon đã góp phần tạo nên diện mạo cho nền tiểu thuyết hiện đại ở Lào. Vì vậy, việc nghiên cứu tiểu thuyết của Suvănthon là rất cần thiết.
    1.3. Một trong những yếu tố khẳng định tài năng và phong cách của nhà văn Suvănthon chính là những đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết với những phương thức và cách thức tổ chức độc đáo mang đặc trưng văn hóa lối sống của dân tộc Lào. Vì vậy, việc nghiên cứu đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết của ông qua các bình diện nghệ thuật cụ thể trong các sáng tác là việc làm cần thiết, để qua đó, người đọc không chỉ thấy được những nét riêng trong nghệ thuật tiểu thuyết của ông, những giá trị tư tưởng được nhà văn phản ánh trong tác phẩm, mà còn hiểu hơn về đặc trưng văn hóa, lối sống, phẩm cách của con người Lào.
    1.4. Mặt khác, trong quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào hiện nay, đề tài nghiên cứu góp phần vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác đặc biệt Việt Nam – Lào trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có lĩnh vực văn hóa, khoa học và công nghệ của hai nước.
    2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
    2.1. Mục đích của luận án là nghiên cứu các sáng tác của Suvănthon để tìm ra những đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn, để thấy được những đặc điểm của tiểu thuyết hiện đại Lào, góp phần vào kho tàng lí luận về thể loại tiểu thuyết hiện đại, một thể loại vẫn đang trong quá trình phát triển phong phú.
    2.2. Trên cơ sở lí thuyết về thể loại tiểu thuyết hiện đại, luận án có nhiệm vụ phân tích, đánh giá các sáng tác tiểu thuyết của Suvănthon trên các bình diện khác nhau của thi pháp tiểu thuyết. Từ đó hệ thống hóa các đặc điểm làm nên phong cách, sắc thái tiểu thuyết của Suvănthon.
    3. Giới hạn vấn đề nghiên cứu
    3.1. Phạm vi văn bản
    Trong tổng số năm bộ tiểu thuyết của nhà văn Suvănthon Bupphanuvông bao gồm: Hồi tưởng lại (2 tập: Tập 1 xuất bản năm 1972 và Tập 2 xuất bản năm 1974), Hai chị em (Tập 1: 1975, Tập 2: 1976, Tập 3: 1977), Tiểu đoàn Hai (Tập 1,2: 1977, Tập 3: 1980, Tập 4: 1983), Hai bên bờ sông (Tập 1: 1982, Tập 2: 1987), Người con gái của Đảng (Tập 1: 1982, Tập 2: 1984), đã có hai bộ tiểu thuyết được dịch ra tiếng Việt gồm: Tiểu thuyết Hai chị em do Lê Ngọ dịch năm 1978, Lý Khắc Cung hiệu đính năm 1997, Nhà xuất bản Phụ nữ; tiểu thuyết Tiểu đoàn Hai do Hùng Phi dịch năm 1984, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Chúng tôi trực tiếp khảo sát các tác phẩm đó trên cả hai thứ tiếng (tiếng Việt và tiếng Lào).
    Ngoài ra, chúng tôi cũng khảo sát thêm một số cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Lào của các nhà văn khác như: tiểu thuyết Sỉ nọi (Bé Sỉ) xuất bản năm 1968 của nhà văn Khămliêng Phônsêna, tiểu thuyết Con đường sống xuất bản năm 1970 của nhà văn Chănthi Đưởnsavẳn, tiểu thuyết Bão táp cuộc đời xuất bản năm 1979 của nhà văn Đao Nửa, tiểu thuyết Tình yêu xuất bản năm 1981 của nhà văn Khămliêng Phônsêna và tiểu thuyết Vượt ngục xuất bản năm 1982 của nhà văn Thoongsợp để so sánh và đối chiếu với các tiểu thuyết của Suvănthon.
    3.2. Phạm vi nghiên cứu
    Đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết của Suvănthon được biểu hiện trên nhiều bình diện khác nhau. Luận án tập trung nghiên cứu ở ba bình diện chủ yếu và đặc sắc trong nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn, bao gồm:
    - Đặc trưng nghệ thuật tổ chức nhân vật và sự kiện
    - Đặc trưng không gian - thời gian nghệ thuật
    - Đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật và các phương thức trần thuật.
    4. Phương pháp nghiên cứu
    - Phương pháp tiếp cận thi pháp học. Theo V.Vinogradov, “thi pháp học là khoa học về các hình thức, các dạng thức, các phương tiện, phương thức tổ chức tác phẩm của sáng tác ngôn từ, về các kiểu cấu trúc và các thể loại tác phẩm văn học” [122, tr.5]. Như vậy, thi pháp học là câu chuyện về hình thức bên trong, hình thức mang tính quan niệm. Phương pháp này còn được hiểu là phương pháp hình thức. “Phương pháp hình thức là phương pháp phân tích các khía cạnh hình thức của tác phẩm văn học nghệ thuật để rút ra ý nghĩa thẩm mỹ của chúng” [24, tr.76]
    Phương pháp tiếp cận thi pháp học được sử dụng trước hết trong việc định hướng nghiên cứu về Đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn Suvănthon. Từ góc nhìn của thi pháp, chúng tôi lựa chọn một số yếu tố mang ý nghĩa thi pháp điển hình trong nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn, đó là các phạm trù: không – thời gian nghệ thuật, hình tượng nhân vật và ngôn ngữ. Ngoài ra, phương pháp tiếp cận thi pháp học còn được sử dụng khi triển khai từng vấn đề nghiên cứu trong đề tài, các vấn đề về lí luận thể loại qua tiểu thuyết của Suvănthon. Từ đó xác định được đặc trưng phong cách nhà văn, phong cách tiểu thuyết của ông, đồng thời khái quát được những vấn đề có tính chất lí luận về tiểu thuyết Suvănthon nói riêng và tiểu thuyết hiện đại Lào nói chung.
    - Phương pháp loại hình: Loại hình là “tập hợp sự vật, hiện tượng cùng có chung những đặc trưng cơ bản nào đó” [dẫn theo 25, tr.287]. Phương pháp loại hình là phương pháp “phân loại các sự vật để xác định danh tính và ý nghĩa của chúng trong hệ thống, đồng thời nhận dạng cấu trúc của hệ thống đó” [25, tr288]. Phương pháp loại hình được sử dụng trong luận án hướng tới việc tìm hiểu cách phân tuyến nhân vật của Suvănthon trong tiểu thuyết, từ đó có thể thấy được nét đặc trưng trong nghệ thuật tổ chức nhân vật của nhà văn. Ngoài ra, phương pháp loại hình còn được vận dụng khi khảo sát các loại hình không – thời gian nghệ thuật, các cấp độ trần thuật, các tín hiệu ngôn ngữ trong tiểu thuyết của ông.
    - Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Phương pháp này được sử dụng khi triển khai nghiên cứu về các vấn đề thuộc phạm trù đặc trưng thể loại tiểu thuyết. Bằng phương pháp liên ngành, chúng tôi nghiên cứu các vấn đề của tiểu thuyết Suvănthon trong mối liên hệ với các yếu tố thuộc phạm trù lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ để thấy được nét đặc trưng khu biệt trong tiểu thuyết hiện đại Lào nói chung và tiểu thuyết của Suvănthon nói riêng trên các phương diện: nhân vật, sự kiện, thời gian, không gian, ngôn ngữ. Đây cũng là một phương pháp nghiên cứu góp phần thể hiện được mối quan hệ giữa văn học, văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử.
    - Phương pháp so sánh: Phương pháp so sánh được sử dụng khi nghiên cứu những đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết của Suvănthon trong mối liên hệ với sáng tác tiểu thuyết của một số nhà văn khác cùng thời ở Lào. Trên cơ sở những tương đồng và khác biệt, chỉ ra những đặc điểm riêng của tiểu thuyết Suvănthon và rút ra những đặc điểm mang tính phổ quát của tiểu thuyết Lào.
    - Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng các phương pháp và thao tác khác như: Phân tích, tổng hợp nhằm làm rõ và minh xác luận điểm nghiên cứu.
    5. Đóng góp mới của luận án
    5.1. Nếu những công trình nghiên cứu trước đây đi vào khảo sát diện mạo chung của văn xuôi hiện đại Lào hoặc một khía cạnh nghệ thuật trong tiểu thuyết của nhà văn Lào Suvănthon Bupphanuvông, thì luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu chuyên sâu về đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn.
    5.2. Luận án là công trình đầu tiên đưa ra những khái quát lí luận về đặc trưng nghệ thuật tổ chức nhân vật và sự kiện, đặc trưng không gian và thời gian nghệ thuât, đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật và phương thức trần thuật trong tiểu thuyết của nhà văn Lào Suvănthon Bupphanuvông. Từ đó làm rõ điểm thống nhất trong nghệ thuật tiểu thuyết của Suvănthon là khả năng phản ánh sâu rộng mang tầm vóc sử thi trên tất cả các phương diện: nhân vật, sự kiện, không gian, thời gian, điểm nhìn . Và khả năng kết hợp khéo léo các giá trị truyền thống và hiện đại trong cách tổ chức tác phẩm của ông.
    5.3. Trên cơ sở khám phá và phát hiện những đặc trưng nghệ thuật trong tiểu thuyết của nhà văn Suvănthon, luận án đưa ra những kết luận có tính chất khái quát về lí luận tiểu thuyết hiện đại Lào trên cả hai phương diện nội dung và thi pháp thể loại. Qua đó, chúng tôi đã chỉ ra được nét đặc trưng của tiểu thuyết Lào là sự ảnh hưởng khá sâu đậm các giá trị của nền văn học truyền thống cũng như các giá trị tư tưởng của văn hóa Phật giáo.
    5.4. Luận án đóng góp một cái nhìn cụ thể, toàn diện và có hệ thống về các phương diện nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn Suvănthon qua sự liên hệ so sánh với các tiểu thuyết của các nhà văn cùng thời ở Lào. Qua đó, công trình góp phần khẳng định tài năng, phong cách và vai trò to lớn của nhà văn trong lịch sử hình thành văn xuôi hiện đại Lào nói chung và tiểu thuyết nói riêng.
    5.5. Qua sự phân tích, tổng hợp những giá trị nội dung và nghệ thuật tiêu biểu trong mỗi đơn vị tác phẩm của Suvănthon, luận án đóng góp một cách nhìn khái quát về lịch sử, văn hóa và con người Lào.
    6. Cấu trúc của luận án
    Ngoài Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, Luận án gồm 4 chương :
    Chương 1: Tổng quan vấn đề nghiên cứu
    Chương 2: Đặc trưng nghệ thuật tổ chức nhân vật và sự kiện trong tiểu thuyết của Suvănthon
    Chương 3: Đặc trưng không gian, thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết của Suvănthon
    Chương 4: Đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật và các phương thức trần thuật trong tiểu thuyết của Suvănthon
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...