Tiến Sĩ Đặc điểm xưng hô của người Hàn và người Việt

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Nhu Ely, 17/4/14.

  1. Nhu Ely

    Nhu Ely New Member

    Bài viết:
    1,771
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    LUẬN ÁN TIẾN SỸ
    NĂM 2014

    MỤC LỤC
    Mở đầu 01
    1. Lý do chọn đề tài 01
    2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 02
    3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 03
    4. Ý nghĩa và đóng góp của luận án 04
    5. Phương pháp nghiên cứu 04
    6. Tư liệu nghiên cứu 05
    7. Cấu trúc của luận án 07
    Chương 1: Một số vấn đề lí luận về xưng hô và từ ngữ xưng hô trong giao tiếp
    ngôn ngữ 08
    1.1. Lịch sử vấn đề 08
    1.2. Cơ sở lí thuyết về xưng hô 14
    1.3.Các nhân tố ảnh hưởng đến vấn đề xưng hô . 24
    Chương 2: Các phương tiện dùng để xưng hô trong tiếng Hàn và tiếng Việt 34
    2.1. Xưng hô bằng đại từ nhân xưng 34 2.2. Xưng hô bằng danh từ chỉ quan hệ thân tộc 39 2.3. Xưng hô bằng tên riêng . 43
    2.4. Xưng hô bằng các từ chỉ chức vụ, nghề nghiệp. 47
    2.5. Xưng hô bằng đại từ chỉ định. 51
    2.6. Xưng hô thay vai. 52
    2.7. Xưng hô bằng các hình thức khác . 52
    2.8. Điểm tương đồng và khác biệt trong cách xưng hô giữa tiếng Hàn
    và tiếng Việt 53
    Chương 3: Hoạt động của từ xưng hô trong tiếng Hàn và tiếng Việt 62
    3.1. Xưng hô trong gia đình. 62
    3.1.1. Xưng hô giữa cha mẹ và con cái 62
    3.1.2. Xưng hô giữa vợ và chồng 78
    3.1.3. Xưng hô giữa anh chị và em. 77
    3.2. Xưng hô ngoài xã hội 79
    3.2.1. Xưng hô trong công ti/cơ quan 80
    3.2.2. Xưng hô trong nhà trường 86
    3.2.3. Xưng hô trong bệnh viện 94
    3.2.4. Xưng hô ở nơi công cộng 100
    3.3. Điểm tương đồng và khác biệt về cách xưng hô trong gia đình
    và ngoài xã hội ở người Hàn Quốc và người Việt 106
    Chương 4: Ứng dụng kết quả nghiên cứu vào việc dạy - học và dịch thuật
    tiếng Hàn cho người Việt Nam 111
    4.1. Phân tích và đánh giá lỗi xưng hô bằng tiếng Hàn của sinh viên Việt Nam. 111
    4.2. Phương hướng và biện pháp khắc phục lỗi xưng hô trong việc
    dạy và học tiếng Hàn đối với sinh viên Việt Nam 118
    4.3. Ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn dạy – học tiếng Hàn 125
    4.4. Những lưu ý khi dịch thuật tiếng Hàn 131
    4.5. Những lưu ý khi xưng hô bằng tiếng Hàn đối với các cô dâu Việt Nam
    kết hôn với chú rể người Hàn Quốc 133
    Kết luận 138
    Danh mục các công trình đã công bố 143
    Tài liệu tham khảo 144
    Phụ lục 151

    MỞ ĐẦU

    1. Lý do chọn đề tài
    Những năm gần đây, tiếng Hàn là một trong những ngoại ngữ được nhiều người Việt Nam yêu thích, số lượng người học tiếng Hàn ngày càng tăng nhanh. Đặc biệt, số lượng cô dâu Việt lấy chồng Hàn là rất lớn.
    Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm giống nhau về lịch sử và văn hoá, cùng chịu sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Tuy nhiên, giữa tiếng Hàn và tiếng Việt có nhiều điểm khác biệt khiến cho người Việt khi học tiếng Hàn đã gặp không ít khó khăn.
    Trong giao tiếp hàng ngày của mỗi dân tộc, xưng hô là hành động ngôn ngữ được sử dụng rất nhiều và không thể thiếu được. Đặc biệt, cách xưng hô (CXH) trong tiếng Hàn rất đa dạng và phức tạp so với tiếng Việt khiến người Việt rất dễ mắc lỗi khi học và sử dụng tiếng Hàn. Để truyền đạt thông tin có hiệu quả nhất đến người nghe, người nói phải biết kết hợp yếu tố ngôn ngữ và yếu tố văn hoá một cách thích hợp. Nếu người nói sử dụng CXH không đúng chuẩn mực thì sẽ bị coi là vô lễ, thiếu lịch sự, dẫn đến hiện tượng “sốc văn hoá” làm đình trệ quá trình giao tiếp.
    Trong thực tế giảng dạy, chúng tôi thấy rằng sinh viên Việt Nam còn mắc nhiều lỗi khi sử dụng các từ ngữ xưng hô bằng tiếng Hàn.
    Các nhà ngôn ngữ học, các nhà văn hóa học đều có nhận xét chung là do ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc và Việt Nam “đồng văn” và cùng chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán, nên trong tiếng Hàn và tiếng Việt, từ xưng hô (TXH) đều rất phong phú, đa dạng, được coi là một hệ thống mở. Chính vì vậy, việc thống kê, đối chiếu TXH trong tiếng Hàn và tiếng Việt sẽ tìm ra được những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai ngôn ngữ phục vụ cho việc học tập và sử dụng chúng trong giao tiếp. Đây không chỉ là vấn đề ngôn ngữ mà có liên quan mật thiết với văn hóa, tập quán dân tộc, rất thú vị nhưng cũng rất phức tạp.
    Xưng hô liên quan mật thiết với đối tượng giao tiếp và hoàn cảnh giao tiếp, nghi thức giao tiếp, chiến lược giao tiếp. Đặc trưng giao tiếp xã hội của người Hàn Quốc và người Việt đều chịu sự chi phối sâu sắc của các quan niệm truyền thống về tôn ti, trật tự, lễ giáo phong kiến Do đó việc nghiên cứu tiếng Hàn và tiếng Việt không thể không chú ‎ý đến vấn đề xưng hô, trong đó bao gồm xưng hô trong gia đình và ngoài xã hội, đồng thời phải đặt vấn đề xưng hô trong bối cảnh giao tiếp ngôn ngữ – văn hóa để có thể hiểu thấu đáo hơn giá trị văn hóa tiềm ẩn trong ngôn ngữ của mỗi dân tộc. Cụ thể là cần xem xét những đặc điểm ngôn ngữ trong cách xưng hô và những ứng xử văn hóa được thể hiện qua CXH của người Hàn trong sự đối chiếu với CXH của người Việt.
    Vấn đề xưng hô và TXH trong các ngôn ngữ nói chung, trong tiếng Hàn và tiếng Việt nói riêng, đã có nhiều công trình nghiên cứu đề cập đến. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có một công trình chuyên khảo nào nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện về đặc điểm cách xưng hô trong sự so sánh - đối chiếu hai ngôn ngữ Hàn -Việt. Chính vì thế, có thể nói vấn đề đối chiếu cách xưng hô của tiếng Hàn và tiếng Việt cho đến nay vẫn còn là lĩnh vực mới mẻ, cần được quan tâm nghiên cứu.
    Chính vì những lý do nêu trên, chúng tôi đã chọn đề tài nghiên cứu cho luận án của mình là “Đặc điểm xưng hô của người Hàn và người Việt”. Chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu về vấn đề xưng hô trong tiếng Hàn một cách hệ thống, toàn diện và sâu sắc hơn nhằm làm sáng tỏ hệ thống từ ngữ xưng hô (TNXH) và quy tắc sử dụng TNXH trong tiếng Hàn. Đồng thời dựa trên kết quả nghiên cứu của các tác giả đi trước, chúng tôi tiến hành đối chiếu để làm nổi bật những điểm giống nhau và khác nhau của CXH trong tiếng Hàn và tiếng Việt.
    Chúng tôi hi vọng kết quả nghiên cứu của luận án có thể giúp ích cho việc dạy và học tiếng Hàn cũng như tiếng Việt với tư cách như một ngoại ngữ, đồng thời phục vụ cho việc dịch thuật tiếng Hàn sang tiếng Việt và ngược lại.
    2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
    Mục đích nghiên cứu chính của luận án là giới thiệu và phân tích bức tranh toàn cảnh về TNXH và cách sử dụng TNXH trong tiếng Hàn. Trên cơ sở đó, luận án đối chiếu chỉ ra những nét tương đồng và khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và tư duy giữa người Hàn Quốc và người Việt được thể hiện qua CXH nhằm phục vụ cho việc học tập, giảng dạy, dịch thuật giữa tiếng Hàn và tiếng Việt sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
    Nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể của luận án như sau:
    - Hệ thống hoá những vấn đề lí luận làm cơ sở nghiên cứu trong phạm vi luận án;
    - Khảo sát các từ ngữ xưng hô và cách xưng hô trong giao tiếp tiếng Hàn;
    - Phân loại các cách xưng hô trong tiếng Hàn;
    - Phân tích và đối chiếu các từ ngữ xưng hô trong tiếng Hàn và tiếng Việt để chỉ ra
    những điểm tương đồng và khác biệt của chúng ;
    - Phân tích các lỗi trong cách sử dụng từ ngữ xưng hô tiếng Hàn của người Việt, chỉ ra
    phương hướng và biện pháp khắc phục;
    - Đề xuất một số ứng dụng khả thi phục vụ cho việc dạy - học tiếng Hàn;
    - Đưa ra những điểm lưu ý khi dịch thuật tiếng Hàn;
    - Chỉ ra những điểm cần lưu ý khi xưng hô bằng tiếng Hàn đối với các cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc.
    3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
    Đối tượng nghiên cứu chính của luận án là hệ thống TNXH trong tiếng Hàn và cách sử dụng chúng trong giao tiếp trong sự đối chiếu với hệ thống từ ngữ xưng hô trong tiếng Việt .
    Phạm vi nghiên cứu của luận án:
    Chúng tôi chỉ nghiên cứu TNXH và CXH theo ngôn ngữ chuẩn, thông dụng trong giao tiếp tiếng Hàn và tiếng Việt. Trong tiếng Hàn, chúng tôi nghiên cứu theo ngôn ngữ chuẩn của thủ đô Seoul, còn đối với tiếng Việt, chúng tôi nghiên cứu ngôn ngữ chuẩn trên cơ sở phương ngữ Bắc Bộ (trọng tâm là tiếng thủ đô Hà Nội). Vì vậy, các TNXH mang sắc thái địa phương trong phương ngữ Bắc Bộ, chẳng hạn như: bu,u, đẻ (mẹ), không được luận án quan tâm.
    Chúng tôi chỉ lựa chọn nghiên cứu những TNXH và CXH chuẩn của người Hàn và người Việt đang được sử dụng phổ biến, thông dụng trong gia đình và ngoài xã hội. Còn những TNXH, CXH cổ kính ngày xưa và của giới trẻ hiện nay sử dụng trên facebook, trên internet cũng không được luận án quan tâm.
    Đối tượng được điều tra (bằng anket) là sinh viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Số lượng gồm 200 sinh viên, mỗi khoá 50 sinh viên, từ năm thứ nhất đến năm thứ tư.
    Đối tượng được phỏng vấn trực tiếp là một số giám đốc công ty Hàn Quốc đang làm việc tại Việt Nam và một số cô dâu Việt Nam lấy chống Hàn Quốc đang sinh sống tại Việt Nam và Hàn Quốc.
    4. Ý nghĩa và đóng góp của luận án
    Về mặt lý luận:
    Việc nghiên cứu tốt đề tài sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm vấn đề lí luận quan trọng đang được hết sức quan tâm trong các công trình nghiên cứu hiện nay - đó là vấn đề đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy trong việc học và sử dụng một ngôn ngữ với tư cách như một ngoại ngữ thông qua cách sử dụng các TNXH. Kết quả nghiên cứu cũng góp phần làm sáng tỏ thêm về vai trò của các vai xã hội trong việc sử dụng ngôn ngữ - một vấn đề rất có tính thời sự đang được các chuyên ngành như Ngôn ngữ học xã hội, Ngôn ngữ học tâm lí và lí thuyết giao tiếp hết sức quan tâm.
    Về mặt thực tiễn:
    Các kết quả nghiên cứu của luận án sẽ giúp cho người Việt học tiếng Hàn hiểu biết sâu sắc hơn về hệ thống TNXH và CXH trong tiếng Hàn, nhờ đó mà việc học tập, sử dụng tiếng Hàn sẽ hiệu quả hơn. Đồng thời các kết quả nghiên cứu còn giúp cho việc dịch thuật và biên soạn các giáo trình dạy tiếng Hàn đạt hiệu quả cao. Những lưu ‎ý được luận án đưa ra sẽ giúp cho các cô dâu Việt lấy chồng Hàn tránh được những lỗi xưng hô với chồng và gia đình nhà chồng do có sự khác biệt về văn hóa giữa hai dân tộc.
    Qua đó luận án góp phần tăng cường sự hiểu biết và hợp tác trên mọi lĩnh vực giữa hai quốc gia Hàn Quốc và Việt Nam.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...