Thạc Sĩ Đặc điểm ngôn ngữ giới trong giao tiếp tiếng Việt qua hành vi khen và cách tiếp nhận lời khen

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 22/11/13.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU
    1. LÍ DO LỰA CHỌN ĐỀ TÀI
    1.1. Trong đời sống hằng ngày của con người, khen cùng với chê làm thành một trong những cặp phổ biến về ứng xử giao tiếp. Truyền thống văn hoá của người Việt thường thấy, khen chê hay đi liền với nhau “đã có khen thì phải có chê” thậm chí, người ta còn khuyên phải chê nhiều hơn khen để giúp cho con người tiến bộ: “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Mặc dù vậy, nhưng tâm lí chung của con người thì ai cũng thích khen, nhất là khi người ta luôn hướng tới sự thân thiện, động viên nhau cũng là để tạo ra mối quan hệ tốt đẹp thì khen càng trở nên phổ biến.
    Đối với khen, điều quan trọng là hiệu quả của chúng trong mối tương tác giữa người khen và người tiếp nhận lời khen: từ phía người khen, đó là khen ai, khen ở đâu, khen lúc nào, khen cái gì và khen như thế nào; từ phía người được khen, đó là thái độ tiếp nhận và cách tiếp nhận lời khen. Tất cả sự tương tác ấy được biểu thị chủ yếu bằng ngôn từ.
    Từ góc độ cấu trúc hệ thống, khen trong tiếng Việt là động từ và từ lâu trở thành đối tượng nghiên cứu của Việt ngữ học nói chung, của động từ tiếng Việt nói riêng.
    Từ góc độ ngữ dụng học, với lí thuyết hành vi ngôn ngữ (speech acts), hành vi khen thuộc vào phạm trù ứng xử (behabitives, comportementaux). Theo hướng này, nghiên cứu khen phải chỉ ra được các biểu thức ngôn từ của hành vi khen và tiếp nhận khen (hồi đáp khen) ở các bối cảnh giao tiếp khác nhau.
    Từ góc độ ngôn ngữ học xã hội, hành vi khen được nghiên cứu theo quan hệ tương tác giao tiếp có sự phân tầng về xã hội. Theo hướng này, với tư cách là biến thể, khen và tiếp nhận lời khen được xem xét dưới tác động của các biến xã hội như tuổi, giới, nghề nghiệp, thu nhập, địa vị, học vấn, . của người khen và người tiếp nhận lời khen.
    1.2. Như đã biết, giới theo cách nhìn của ngôn ngữ học xã hội là một trong những biến xã hội quan trọng tác động vào hoạt động giao tiếp của con người. Theo đó, giới tác động vào hành vi khen và tiếp nhận lời khen. Nói cách khác, nếu như trong ngôn ngữ học xã hội có “phong cách ngôn ngữ của mỗi giới” thì tất sẽ có phong cách ngôn ngữ của mỗi giới ở hành vi khen và tiếp nhận lời khen. Tuy nhiên, cho đến nay, mặc dù hành vi khen được nghiên cứu nhiều, nhưng ở Việt Nam lại chưa có một đề tài, luận án nào nghiên cứu chuyên sâu, hệ thống về tác động của nhân tố giới đối với hành vi khen và tiếp nhận lời khen trong tiếng Việt. Đây là lí do để chúng tôi lựa chọn vấn đề Đặc điểm ngôn ngữ giới trong giao tiếp tiếng Việt qua hành vi khen và cách tiếp nhận lời khen làm đề tài luận án.
    Cũng cần nhấn mạnh là, tách giới ra thành một nhân tố riêng để nghiên cứu, luận án hoàn toàn không có ý định cô lập nhân tố này mà đây chỉ là một thủ pháp làm việc, bởi, các nhân tố xã hội luôn tương tác, nhân tố này kéo theo nhân tố kia làm nên một chùm tác động vào hoạt động giao tiếp của con người.
    2. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU HÀNH VI KHEN VÀ TIẾP NHẬN LỜI KHEN TỪ GÓC ĐỘ GIỚI
    2.1. Tình hình nghiên cứu trên thế giới về hành vi khen và tiếp nhận lời khen từ góc độ giới
    Cho đến nay, một trong những thành công lớn nhất của ngôn ngữ học xã hội ở phương Tây là nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và giới (còn được gọi là phương ngữ giới/giới tính). Theo đó, hành vi khen và tiếp nhận lời khen là một trong những nội dung rất được quan tâm. Tuy nhiên, theo hiểu biết của chúng tôi, ở phương Tây chỉ có những công trình nghiên cứu về hành vi khen và hồi đáp khen nói chung; nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và giới, trong đó có đề cập đến hành vi khen và hồi đáp khen/tiếp nhận lời khen mà chưa có công trình riêng nào chuyên nghiên cứu về hành vi khen, hồi đáp khen từ góc độ giới. Vì thế, dưới đây, chúng tôi điểm theo cách hệ thống hóa một số nội dung liên quan.
    Thứ nhất, về mức độ sử dụng hành vi khen của mỗi giới
    Có một câu hỏi đặt ra là đối với hành vi khen, ưu thế thuộc về giới nào, tức là giới nào sử dụng nhiều hơn giới nào? Cho đến nay chưa thể có được những câu trả lời toàn diện về vấn đề này, nhưng cũng đã có được một số nhận định như sau:
    – Trong tương quan so sánh tần suất sử dụng lời khen giữa hai giới, phụ nữ có xu hướng thực hiện hành vi khen nhiều hơn nam giới và không quên khen nhiều đối với người cùng giới (phụ nữ khác). Còn nam giới thì ngược lại: họ rất ít khi đưa ra lời khen với người cùng giới (nam giới) và cũng không thường xuyên đưa lời khen đối với phụ nữ (người khác giới).
    – Những khác biệt trong hành vi khen giữa nam và nữ xuất phát từ mục đích sử dụng lời khen khác nhau: phụ nữ sử dụng lời khen để xây dựng mối quan hệ thân mật trong khi nam giới sử dụng lời khen để đưa ra những đánh giá. Hơn nữa, đối với phần lớn đàn ông, hành vi khen có thể tiềm ẩn khả năng trở thành một hành vi đe dọa thể diện, vì thế, họ có khuynh hướng tỏ thái độ ít tích cực hơn và không có thiện chí thiết lập mối quan hệ bằng cách này.
    – Những hành vi ngôn ngữ của phụ nữ thường hướng vào xây dựng mối quan hệ hòa hợp, vì thế, hành vi khen được giả định như một phương tiện nổi bật để thực hiện chiến lược giao tiếp đó. Chẳng hạn, kết quả nghiên cứu ở New Zealand của Holmes cho thấy, phụ nữ thực hiện khoảng 73% các hành vi khen, trong đó 50% là cho phụ nữ khác (cùng giới) và 23% là cho đối tượng nam giới (khác giới) và họ nhận được khoảng 68.5% các lời khen trong đó 50% là từ các phụ nữ khác và 18.5% là từ nam giới. Các lời khen xảy ra giữa nam giới tương đối ít (8.5%) [113]. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là, liệu kết quả này có chịu ảnh hưởng của việc hầu hết các nhà nghiên cứu đều là nữ nên có thể không có mặt trong các bối cảnh mà các lời khen giữa nam với nam xẩy ra thường xuyên hơn?
    – Nam giới thực hiện lời khen với nữ giới nhiều hơn là đối với người cùng giới (với nam giới). Hiện có hai cách giải thích về hiện tượng này: Cách giải thích thứ nhất cho rằng, đó là do thái độ tích cực của nữ giới đối với các hành vi khen. Phụ nữ luôn đánh giá cao lời khen và họ dường như được “lập trình” để luôn mong muốn nhận được những lời khen. Vì thế, mọi người thực hiện nhiều lời khen hơn đối với nữ giới. Cách giải thích thứ hai dựa trên sự phân tích về mối quan hệ sức mạnh trong xã hội hướng đến vị trí xã hội mang tính chất lệ thuộc của phụ nữ: Lời khen thể hiện sự tán dương, là phương tiện hòa hợp xã hội, hướng đến nhóm người không chiếm ưu thế về mặt xã hội để khích lệ và củng cố lòng tự tin cho họ, mà nữ giới là một trong những nhóm đó.
    – Phải chăng có mối quan hệ giữa quyền lực với lời khen? Nói cách khác, liệu lời khen có hoạt động như một trò chơi quyền lực? Một lời khen có thể được coi như mang tính chất bề trên nếu như người tiếp nhận lời khen cảm thấy rằng nó được thực hiện như một phép khuyến khích chứ không phải dấu hiệu mong muốn một mối liên kết hoặc xuất phát từ sự ngưỡng mộ chân thành? Khi giải thích lí do tại sao mọi người thực hiện lời khen không thường xuyên hơn với nam giới, không ít ý kiến cho rằng, nam giới thường nhìn nhận lời khen như là các hành vi đe dọa thể diện như gây ngượng ngùng, bối rối, hoặc coi lời khen như là chiến lược mang tính chất bề trên, đặt người nói ở vị trí có quyền thế.
    Kết quả nghiên cứu của Woflson (1983) cho thấy, phần lớn lời khen được thực hiện giữa những người phát ngôn cùng độ tuổi và cùng địa vị. Nếu các lời khen xẩy ra trong các cuộc giao tiếp giữa những người không cùng địa vị thì phần lớn lại xuất phát từ những người có địa vị cao hơn [157]. Điều này có vẻ như trái ngược với các quan niệm phổ biến là những người ở địa vị thấp sẽ phải sử dụng nhiều lời khen hơn đối với những người có địa vị cao. Tương tự như vậy, ở New Zealand, các lời khen được thực hiện bởi những người bề trên xẩy ra với tần suất cao hơn so với những người bề dưới. Trong đó, những lời khen liên quan đến công việc, năng lực hoặc sự thành công thì có số lượng nhiều gấp hai lần so với các chủ đề khác như vẻ bề ngoài hoặc vật sở hữu. Các lời khen của những người có địa vị thấp thường chỉ xẩy ra khi những người tham gia giao tiếp có mối quan hệ khá gần gũi và người đưa ra lời khen lớn tuổi hơn. Có lẽ, những lời khen dành cho đối tượng có địa vị cao hơn dường như cũng đòi hỏi sự tự tin từ phía người thực hiện hành vi này.
    Tuy nhiên, cho đến nay, cũng chưa có nghiên cứu nào khảo sát mối tương tác giữa giới và địa vị. Mặc dù mô hình tổng quát là, phụ nữ thực hiện nhiều lời khen hơn với nam giới, nhưng nam giới thậm chí còn có khả năng thực hiện nhiều lời khen với phụ nữ ở địa vị cao hơn. Dường như những người phụ nữ có địa vị cao hơn dễ lĩnh hội các hành vi khen hơn so với nam giới cùng ở địa vị này. Bởi vì, trong xã hội nói chung, phụ nữ được xem là đối tượng lệ thuộc, ít quyền lực và ít ảnh hưởng hơn nam giới. Điều này lại liên quan đến vấn đề “kì thị giới trong ngôn ngôn ngữ”- một nội dung quan trọng của mối quan hệ giữa ngôn ngữ và giới trong ngôn ngữ học xã hội.
    Thứ hai, về chủ đề khen của mỗi giới
    Nếu coi chủ đề là tiêu điểm của lời khen thì câu hỏi đặt ra là, nam và nữ thường khen về vấn đề gì? Câu trả lời là, với cách hiểu lời khen là những đánh giá tích cực của người nói thì về mặt lí thuyết chủ đề có thể khen là một phạm vi vô hạn. Tuy nhiên, trong thực tế, phần lớn các lời khen chỉ tập trung vào một số chủ đề quen thuộc như: vẻ bề ngoài, khả năng, công việc, vật sở hữu hay một vài khía cạnh về nhân cách.
    Theo Wolfson (1983) [157], ở Mĩ, các lời khen thường tập trung vào hai chủ đề chính là vẻ bề ngoài và khả năng (năng lực) của con người. Chẳng hạn:
    – Các lời khen về vẻ bề ngoài có thể xuất hiện ở mọi mối quan hệ thân – sơ, thậm chí, phổ biến ngay trong lần gặp đầu tiên. Hơn nữa, tạm gác lại tính chất châm biếm thì lời khen về vẻ bề ngoài của ai đó được coi là phát ngôn lịch sự tích cực, dễ được chấp nhận hơn. Trong vẻ bề ngoài ấy, trang phục và kiểu tóc luôn là chủ đề nổi trội của các lời khen.
    – Các lời khen về kĩ năng thường tập trung vào sự hoàn thành tốt công việc hoặc các kĩ năng khác như việc nấu một bữa ăn ngon chẳng hạn.
    Hai chủ đề khen này cũng được phổ biến ở New Zealand: lời khen về vẻ bề ngoài chiếm 45%; lời khen về khả năng chiếm 27.5%; lời khen về vật sở hữu (tài sản) chiếm 10,5% ; lời khen liên quan đến tính cách chiếm 13.5%. Một điểm đáng chú ý là, ở Mĩ và New Zealand, nữ giới nhận được nhiều lời khen về vẻ bề ngoài. Đàn ông New Zealand cũng nhận được những lời khen về vẻ bề ngoài (khoảng 40%), nhưng phần lớn các lời khen này là từ nữ giới. Kết quả nghiên cứu được tiến hành tại khuôn viên của một trường đại học của Mĩ cho thấy, nam giới khen về ngoại hình của nữ giới nhiều gấp hai lần so với nữ giới khen ngoại hình của nam giới (52% so với 26%). Phụ nữ thường khá thận trọng trong việc đưa ra lời khen có liên quan đến bề ngoài, vẻ đẹp hình thể của đàn ông bởi đó được coi là vấn đề khá nhạy cảm. Có thể nói, trong khi đàn ông không để ý thậm chí không thích nhận được lời khen về ngoại hình thì nữ giới lại đặc biệt coi trọng các lời khen về vẻ bề ngoài của mình. Kết quả khảo sát của Wolfson cho thấy, trong thói quen giao tiếp của người Mĩ, nam giới hiếm khi đưa ra hoặc nhận được những lời khen về ngoại hình từ những nam giới khác và cũng hiếm khi nhận được những lời khen này từ phụ nữ, nên nhìn chung, đây không phải là một chủ đề thú vị đối với cả nam và nữ. Tác giả cũng lưu ý thêm rằng, những lời khen như vậy thường có ở các nam giới còn trẻ tuổi (hơn là nữ giới cùng độ tuổi này) và đối với nam giới có địa vị cao hơn hoặc đang thực hiện một số công việc mang tính đặc thù thì dường như có phần khắt khe hơn. Như vậy, giới trong quan hệ với tuổi, địa vị là biến xã hội quan trọng trong việc lựa chọn chủ đề khen.
    Thứ ba, về cách khen của mỗi giới
    Nam và nữ khen như thế nào cũng là một nội dung của mối quan hệ giữa hành vi khen và giới. Kết quả nghiên cứu đối với hành vi khen cho thấy có sự lặp đi lặp lại đáng ngạc nhiên của cả chủ đề khen cũng như các từ ngữ chuyên dùng để miêu tả các chủ đề này, đến mức chúng trở thành các mô thức. Dưới đây là một số mô hình khen mà Manes và Wolfson đã tổng kết được qua tư liệu khảo sát ở Mĩ và New Zealand [137]:


    TÀI LIỆU THAM KHẢO
    Tiếng Việt:
    1. Trần Thị Lan Anh (2007), Lời khen và cách thức tiếp nhận lời khen với giới tính trong giao tiếp tiếng Việt, luận văn thạc sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
    2. Diệp Quang Ban (2007), Tìm hiểu phân tích diễn ngôn phê bình, t/c Ngôn ngữ, số 8.
    3. De Beauvoir, S. (1996), Giới nữ. Nguyễn Trọng Định và Đoàn Ngọc Thanh dịch. Nxb Phụ Nữ, Hà Nội.
    4. Chử Thị Bích (2008), Cấu trúc của sự kiện lời nói cho, tặng trong giao tiếp tiếng Việt, luận án tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
    5. Mai Huy Bích (2002), Giới và lí thuyết nữ quyền phương Tây, t/c Khoa học và phụ nữ, số 5.
    6. Mai Huy Bích (2009), Giáo trình xã hội học giới, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
    7. Nguyễn Thị Thanh Bình (2000), Xưng và gọi: bằng chứng về giới trong ngôn từ của trẻ em trước tuổi đến trường ở Hà Nội và Hoài Thị” trong “Ngôn từ, giới và nhóm xã hội từ thực tiễn tiếng Việt”, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
    8. Nguyễn Thị Thanh Bình (2003), “Một số khuynh hướng nghiên cứu về mối liên hệ giới và sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ em”, t/c Ngôn ngữ, số 1.
    9. Lê Thị Bừng (1989), Tâm lí học ứng xử, Nxb Giáo dục, Hà Nội
    10. Nguyễn Huy Cẩn (chủ biên) (2005), Việt ngữ dưới ánh sáng các lí thuyết hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội
    11. Đỗ Hữu Châu (2003), Đại cương ngôn ngữ học, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
    12. Đỗ Hữu Châu (2003), Giáo trình ngữ dụng học, Nxb Đại học Sư Phạm Hà Nội.
    13. Hoàng Cao Cương (2007), Cơ sở kết nối lời tiếng Việt, t/c Ngôn ngữ, số 8.
    14. Nguyễn Đức Dân (1998), Ngữ dụng học, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
    15. Phạm Thị Phương Dung (2004), Các phương tiện ngôn ngữ biểu thị tính lễ phép trong giao tiếp tiếng Việt, luận án tiến sĩ Ngữ văn, Viện Ngôn ngữ học, Hà Nội.
    16. Phạm Vũ Dũng (2002), Văn hóa ứng xử các dân tộc Việt Nam, Lê Như Hoa chủ biên, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
    17. Vũ Tiến Dũng (2003), “Lịch sự trong tiếng Việt và giới tính (qua một số hành động nói)”, luận án tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
    18. Trần Xuân Điệp (2002), Sự kỳ thị giới tính trong ngôn ngữ qua cứ liệu tiếng Anh và tiếng Việt, luận án tiến sĩ Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
    19. Nguyễn Văn Độ (2004), Tìm hiểu mối liên hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
    20. Trần Thị Minh Đức (1996), Tâm lí học đại cương, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
    21. Lê Thị Thùy Giang (2009), Hành vi từ chối và giới nữ, luận văn thạc sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
    22. Nguyễn Thiện Giáp (2000), Dụng học Việt ngữ, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
    23. Nguyễn Thiện Giáp (2006), Những lĩnh vực ứng dụng của Việt ngữ học, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
    24. Nguyễn Thiện Giáp (Chủ biên) (2008), Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
    25. Hoàng Văn Hành (1992), Về nghĩa của các từ biểu thị sự nói năng trong tiếng Việt, t/c Ngôn ngữ, số 1.
    26. Trần Thị Hồng Hạnh (2011), Thành ngữ tiếng Việt từ góc nhìn của ngôn ngữ học nhân chủng, luận án tiến sĩ Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
    27. Cao Xuân Hạo (2007), Mấy vấn đề văn hóa trong cách dùng đại từ nhân xưng trong tiếng Việt, trong “Văn hóa Việt Nam: đặc trưng và cách tiếp nhận”, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
    28. Trần Kim Hằng (2011), Văn hóa ứng xử của người Việt và người Anh: những cặp thoại phổ biến (khen và hồi đáp khen)”, luận án tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp.HCM.
    29. Nguyễn Thị Mai Hoa (2010) “Đặc điểm ngôn ngữ giới tính trong hát phường vải Nghệ Tĩnh”, luận án tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Vinh.
    30. Nguyễn Văn Hiệp (2009), Cú pháp tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
    31.Kiều Thị Thu Hương (2006), Cách đáp lại lời khen trong tiếng Anh và tiếng Việt trên bình diện hội thoại”, t/c Ngôn ngữ, số 1.
    32.Vũ Thị Thanh Hương (1999), Giới tính và lịch sự, t/c Ngôn ngữ, số 8.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...