Luận Văn Đặc điểm của đầu tư trực tiếp nước ngoài

Thảo luận trong 'Đầu Tư' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    170
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Đặc điểm của đầu tư trực tiếp nước ngoài
    LỜI NÓI ĐẦU

    Thực hiện công cuộc đổi mới hơn mười năm qua, Việt Nam đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế, đặc biệt kinh tế đối ngoại. Đó là sự tham gia vào các diễn đàn quốc tế phát triển vùng, tiểu vùng, khu vực và toàn cầu, gia nhập ASEAN, APEC, ký Hiệp định khung với Liên minh Châu Âu, là quan sát viên của WTO.

    I. KHÁI NIỆM VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI

    1. Những khái niệm chung

    1.1.Khái niệm về đầu tư nước ngoài


    Đầu tư nước ngoài là một hoạt động kinh tế đối ngoại quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế của các nước trên thế giới. Hoạt động đầu tư nước ngoài trong từng giai đoạn lịch sử, mang những đặc điểm riêng phụ thuộc vào sự phát triển sản xuất, phụ thuộc vào thực tiễn ở mỗi quốc gia. Do vậy, quan niệm về đầu tư nước ngoài cũng được nhìn nhận khác nhau trong luật pháp của mỗi nước.
    Khái niệm chung nhất thường được các nước sử dụng là: Đầu tư nước ngoài là một hình thức của hoạt động kinh tế quốc tế, trong đó diễn ra việc di chuyển vốn từ nước này sang nước khác nhằm mục đích kinh doanh thu lợi nhuận. Vốn di chuyển này được gọi là vốn đầu tư nước ngoài. Nó có thể là vốn của một tổ chức quốc tế như: Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), hoặc số vốn đó có thể thuộc một quốc gia hay của một cá nhân. Vốn đầu tư nước ngoài này có thể bằng tiền (ngoại tệ mạnh, tiền nội địa), có thể bằng hiện vật cụ thể như sức lao động, công nghệ, bí quyết công nghệ, sáng chế, nhãn hiệu, uy tín hàng hoá, . và các phương tiện đầu tư đặc biệt khác như cổ phiếu, vàng bạc, đá quý.
    Về hình thức đầu tư nước ngoài có rất nhiều cách phân loại. Nhưng hiện nay việc phân loại được thực hiện dựa chủ yếu vào phương thức đầu tư. Theo cách phân loại này có thể thấy đầu tư nước ngoài được biểu hiện chủ yếu dưới bốn hình thức sau đây:
    - Đầu tư trực tiếp nước ngoài
    - Đầu tư gián tiếp
    - Tín dụng quốc tế
    - Tài trợ phát triển chính thức

    1.2. Khái niệm về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI - Foreign Direct Investment)
    Theo quan niệm có tính tổng quan, đầu tư trực tiếp nước ngoài là một hình thức di chuyển vốn trên thị trường tài chính quốc tế, trong đó, công ty (thường là công ty đa quốc gia) tạo ra hoặc mở rộng chi nhánh ở nước khác, đầu tư để mở rộng thị trường, thiết lập quyền sở hữu từng phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư và giữ quyền quản lý các quyết định kinh doanh cùng các đối tác nước sở tại cùng chia sẻ rủi ro và hưởng lợi nhuận.
    Số vốn đóng góp tối thiểu này được quy định tuỳ theo luật của từng nước. Ví dụ Luật đầu tư nước ngoài của Việt Nam quy định số vốn đóng góp tối thiểu của phía nước ngoài phải bằng 30% vốn pháp định của dự án đầu tư. ở Mỹ tỷ lệ quy định này là 25%. Quyền quản lý, điều hành trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phụ thuộc vào mức độ góp vốn.
    Đối với các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài thì doanh nghiệp hoàn toàn do nhà đầu tư nước ngoài điều hành công việc sản xuất kinh doanh. Lợi nhuận của nhà đầu tư nước ngoài thu được phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Phần lợi nhuận hoặc thua lỗ được chia theo tỉ lệ đóng góp vốn trong vốn pháp định sau khi đã nộp thuế lợi tức cho nước sở tại.
    Đầu tư trực tiếp nước ngoài được thể hiện qua các hình thức như:
    - Đóng góp vốn để xây dựng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hoàn toàn mới. Chẳng hạn, ở Việt Nam đã và đang hình thành một số pháp nhân mới trên cơ sở đầu tư trực tiếp nước ngoài như Công ty liên doanh sản xuất ô tô Hoà bình, liên doanh sản xuất ô tô DAEWOO, Trung tâm thương mại Daena .
    - Mua lại một phần hoặc toàn bộ các xí nghiệp, cơ sở kinh tế đang hoạt động, trang bị thêm, tổ chức lại quá trình sản xuất kinh doanh đã có hiệu quả kinh tế cao hơn. Ví dụ ở Mỹ, theo các chuyên gia Mỹ đánh giá trong giai đoạn 1951-1991 Nhật đã đầu tư vào Mỹ là 148,6 tỷ USD, qua đó đã mua lại nhiều công ty, xí nghiệp có nguy cơ phá sản, giúp cải thiện tình hình thanh toán và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh tại các cơ sở kinh tế này.
    - Mua cổ phiếu của các công ty với số lượng lớn, giá trị cao, biến công ty này thành công ty của mình.
    Ở Việt Nam, luật đầu tư nước ngoài được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua từ năm 1987, và được sửa đổi bổ sung bốn lần, lần đầu vào tháng 6/1990, lần thứ hai vào tháng 12/1992, lần thứ ba vào tháng 11/1996 và lần thứ tư vao tháng 05/2000, theo hướng ngày càng thích hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào Việt Nam.
    Theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì: Đầu tư trực tiếp nước ngoài là việc các tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền nước ngoài hoặc bất kỳ tài sản nào được Chính phủ Việt Nam chấp nhận để hợp tác với Việt Nam hoặc tự mình kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam. Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam quy định đầu tư trực tiếp nước ngoài được thể hiện qua ba hình thức chủ yếu sau:
    - Hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh
    - Doanh nghiệp liên doanh
    - Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài

    v Hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh: Đây là một hình thức đầu tư trực tiếp trong đó hợp đồng hợp tác hợp tác kinh doanh được ký kết giữa hai hay nhiều bên (gọi là các bên hợp tác kinh doanh) để tiến hành một hoặc nhiều hoạt động kinh doanh ở mức nhận đầu tư trong đó quy định trách nhiệm và phân chia kết quả kinh doanh cho mỗi bên tham gia mà không cần thành lập xí nghiệp liên doanh hoặc pháp nhân. Hình thức này không làm hình thành một công ty hay xí nghiệp mới. Mối bên vẫn hoạt động với tư cách pháp nhân độc lập của mình và mỗi bên thực hiện nghĩa vụ của mình theo quy định trong hợp đồng. Kết quả hoạt động phụ thuộc vào sự tồn tại và thực hiện nghĩa vụ của mỗi bên hợp doanh.
    Luật còn quy định thêm trong quá trình hoạt động kinh doanh, bên Việt Nam nộp thuế áp dụng cho doanh nghiệp trong nước, bên nước ngoài nộp thuế theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
    Hợp đồng hợp tác kinh doanh có thể được kết thúc trước thời hạn nếu thoả mãn đủ các điều kiện quy định trong hợp đồng. Hợp đồng cũng có thể được kéo dài khi có sự đồng ý của Bộ kế hoạch và Đầu tư.

    v Doanh nghiệp liên doanh:
    Đây là hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài, qua đó pháp nhân mới được thành lập gọi là doanh nghiệp liên doanh. Doanh nghiệp mới này do hai bên hoặc nhiều bên hợp tác thành lập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng liên doanh hoặc hiệp định ký kết giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước ngoài. Doanh nghiệp liên doanh cũng có thể được thành lập do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài trên cơ sở hợp đồng liên doanh. Nhằm tiến hành các hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân. Pháp nhân mới thành lập theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn trong đó phần góp vốn của nước ngoài không hạn chế mức tối đa, nhưng mức tối thiểu theo quy định của luật không dưới 30% vốn pháp định.
    Mỗi bên tham gia vào doanh nghiệp liên doanh là một pháp nhân riêng. Như doanh nghiệp liên doanh là một pháp nhân độc lập với các bên tham gia. Khi các bên đã đóng góp đủ số vốn quy định vào liên doanh thì dù một bên có phá sản, doanh nghiệp liên doanh vẫn tồn tại.
    Số người tham gia hội đồng quản trị lãnh đạo doanh nghiệp của các bên phụ thuộc vào tỉ lệ góp vốn. Hội đồng quản trị là cơ quan cao nhất lãnh đạo liên doanh. Hội đồng quản trị quyết định theo nguyên tắc nhất trí đối với các vấn đề quan trọng như: duyệt quyết toán thu chi tài chính hàng năm và quyết toán công trình, sửa đổi bổ sung điều lệ doanh nghiệp, vay vốn đầu tư, bổ nhiệm, miễn nhiệm tổng giám đốc, phó tổng giám đốc thứ nhất và kế toán trưởng . Lợi nhuận và rủi ro của doanh nghiệp liên doanh này được phân chia theo tỉ lệ góp vốn của mỗi bên trong vốn pháp định.
    Luật đầu tư nước ngoài Việt Nam còn quy định thời gian hoạt động của liên doanh thông thường từ 30 năm đến 50 năm, trong trường hợp đặc biệt không quá 70 năm. Doanh nghiệp liên doanh giải thể khi hết thời hạn hoạt động trừ khi việc kéo dài thời gian hoạt động đã được cơ quan quản lý Nhà nước về hợp tác và đầu tư chuẩn y. Đồng thời doanh nghiệp liên doanh cũng có thể kết thúc hoạt động sớm hơn trong một số các trường hợp đặc biệt như: Gặp bất khả kháng, một hoặc các bên liên doanh không thực hiện nghĩa vụ quy định trong hợp đồng .

    v Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài:
    Đây là doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu của tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài, được hình thành bằng toàn bộ vốn nước ngoài và do tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài thành lập, tự quản lý, điều hành và hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh. Doanh nghiệp này được thành lập dưới dạng các công ty trách nhiệm hữu hạn, là pháp nhân Việt Nam và chịu sự điều chỉnh của Luật đầu tư nước ngoài Việt Nam.
    Vốn pháp định cũng như vốn đầu tư do nhà đầu tư nước ngoài đóng góp. Vốn pháp định ít nhất bằng 30% vốn đầu tư của doanh nghiệp.
    Ngoài ra luật đầu tư nước ngoài Việt Nam cũng quy định thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể được đầu tư theo các phương thức đặc biệt như doanh nghiệp chế xuất, hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO), hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) .

    v Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT: Build - Operate - Transfer) là một phương thức đầu tư trực tiếp được thực hiện trên cơ sở văn bản được ký kết giữa nhà đầu tư nước ngoài (có thể là tổ chức, cá nhân nước ngoài) với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở Việt Nam để xây dựng kinh doanh công trình kết cấu, hạ tầng trong một thời gian nhất định, hết thời hạn, nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho Nhà nước Việt Nam.
    Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao thường được thực hiện bằng vốn nước ngoài 100%, cũng có thể được thực hiện bằng vốn nước ngoài và phần góp vốn của Chính phủ Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân Việt Nam. Trong hình thức đầu tư này, các nhà đầu tư có toàn quyền tổ chức xây dựng, kinh doanh công trình một thời gian đủ thu hồi vốn đầu tư và có lợi nhuận hợp lý, sau đó có nghĩa vụ chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam mà không thu bất kỳ khoản tiền nào.

    v Hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO: Build - Transfer - Operate Centraet) là phương thức đầu tư dựa trên cơ sở văn bản ký kết giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng. Sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công trình cho Nhà nước Việt Nam. Nhà nước Việt Nam sẽ dành cho nhà đầu tư quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hợp lý.

    v Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT: Build - Transfer) là một phương thức đầu tư nước ngoài trên cơ sở văn bản ký kết giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyên của Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng. Sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công trình đó cho Nhà nước Việt Nam, Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hợp lý.

    v Doanh nghiệp chế xuất: là doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu được thành lập và hoạt động theo quy định của Chính phủ về doanh nghiệp chế xuất.
     
Đang tải...