Thạc Sĩ Cơ sở lý luận về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính nhà nước theo yêu cầu cải cách hành c

Thảo luận trong 'Hành Chính' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    172
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Tính cấp thiết của đề tài

    Ở bất cứ lĩnh vực nào, chế độ nào nhân tố con người hết sức quan trọng, đóng vai trò quyết định để đạt được mục tiêu. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm "Sửa đổi lề lối làm việc" đã khẳng định: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc - công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém, có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong". Chính vì vậy, sự nghiệp cách mạng hơn 70 năm qua, Đảng ta luôn đề ra chiến lược, nghị quyết để xây dựng, đào tạo cán bộ. Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đề ra chủ trương cải cách hành chính, nhằm xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại; trong đó nội dung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính có đủ phẩm chất và năng lực là một nội dung quan trọng. Vì cán bộ, công chức hành chính là nguồn nhân lực nòng cốt trong quản lý và tổ chức thực hiện công việc của Nhà nước. Hệ thống các cơ quan nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hay không phụ thuộc vào năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức hành chính. Do vậy, "xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước vừa có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cao, vừa giác ngộ về chính trị, vừa có tinh thần trách nhiệm, tận tụy công tâm, vừa có đạo đức liêm khiết khi thừa hành công vụ" [17, tr. 132] là nhiệm vụ cấp thiết của các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

    Bình Phước là tỉnh miền núi, nông nghiệp, biên giới và đa sắc tộc được tái lập từ 01/01/1997, với xuất phát điểm rất thấp về kinh tế - xã hội và chỉ số phát triển con người. Lực lượng cán bộ, công chức nhìn chung còn thiếu về cơ cấu đào tạo, yếu về chuyên môn, chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển trong tình hình mới.
    Mặc dù 12 năm qua, các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương đã ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đào tạo, thu hút, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung; nhưng:

    Một bộ phận cán bộ, công chức của tỉnh chưa thật sự ổn định, tính chuyên nghiệp hóa còn thấp, còn nhiều hạn chế về năng lực quản lý xã hội, quản lý kinh tế, pháp luật, hành chính, kỹ năng thực thi công vụ; công tác quản lý điều hành. Một số ngành mũi nhọn còn thiếu cán bộ có tính chuyên môn sâu như: lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo Bên cạnh đó, hiện tượng chảy máu chất xám đã xuất hiện ở một số ngành, tình trạng vừa thiếu người có năng lực, tận tụy với công việc, lại thừa người thụ động không làm được việc vẫn chưa được khắc phục có hiệu quả [52].

    Nhận thức rõ nguồn nhân lực có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, nguồn nhân lực với tư cách là chủ thể của mọi hoạt động, có vai trò tích cực nhất, mang tính chất quyết định đến việc khai thác và sử dụng các nguồn lực khác. Vấn đề làm thế nào để xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công chức hành chính có đủ năng lực trình độ, phẩm chất đạo đức và các yếu tố hội đủ để đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh Bình Phước là vô cùng cấp thiết. Chính vì vậy, Tôi chọn đề tài: "Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính nhà nước theo yêu cầu cải cách hành chính của tỉnh Bình Phước hiện nay" làm luận văn tốt nghiệp thạc sĩ.

    2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài

    Do tầm quan trọng của cán bộ, công chức hành chính nhà nước, cho đến nay, có nhiều đề tài khoa học nghiên cứu về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước nói chung, cán bộ, công chức hành chính nói riêng như:

    "Luận cứ khoa học cho việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp, hóa hiện đại hóa đất nước" của PGS.TS Nguyễn Phú Trọng và PGS.TS Trần Xuân Sầm, Nxb Chính trị quốc gia, 2003; các tác giả của công trình nghiên cứu này nghiên cứu lịch sử phát triển của các khái niệm về cán bộ, công chức, viên chức; góp phần lý giải, hệ thống hóa các căn cứ khoa học của việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung. Từ đó đưa ra những kiến nghị về phương hướng, giải pháp nhằm củng cố, phát triển đội ngũ này cả về chất lượng, số lượng và cơ cấu.

    "Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng đòi hỏi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân"
    của TS. Thang Văn Phúc và TS. Nguyễn Minh Phương, 2004. Trên cơ sở nghiên cứu các quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam về vai trò, vị trí người cán bộ cách mạng, cũng như yêu cầu đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức; tìm hiểu những bài học kinh nghiệm về việc tuyển chọn và sử dụng nhân tài trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, cũng như kinh nghiệm xây dựng nền công vụ chính quy hiện đại của các nước trong khu vực và trên thế giới. Từ đó xác định hệ thống các yêu cầu, tiêu chuẩn của cán bộ, công chức đáp ứng đòi hỏi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

    "Hệ thống công vụ và xu hướng cải cách của một số nước trên thế giới"
    của các tác giả TS. Thang Văn Phúc, TS. Nguyễn Minh Phương, Nguyễn Thu Huyền, Nxb Chính trị quốc gia, 2004. Đây là công trình nghiên cứu về tổ chức nhà nước, bộ máy hành chính, lịch sử nền công vụ, chế độ quản lý công chức ở tám nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới: Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Liên bang Nga, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Vương quốc Anh, Mỹ. Công trình giới thiệu chế độ, chính sách của mỗi nước nhằm cải cách nền công vụ như: chế độ tuyển chọn, đào tạo, đánh giá, lương bổng, phụ cấp, sử dụng nhân tài, công tác chống tham nhũng .

    "Về chế độ công vụ Việt Nam" do PGS.TS Nguyễn Trọng Điều chủ biên, Nxb Chính trị quốc gia, 2007; đây là công trình nghiên cứu sâu về công chức, công vụ và các cơ sở khoa học để hoàn thiện chế độ công vụ ở Việt Nam hiện nay; đề tài phân tích một cách toàn diện và có hệ thống về lý luận và thực tiễn của chế độ công vụ và cải cách công vụ Việt Nam qua từng thời kỳ, có tham chiếu các mô hình công vụ của các nhà nước tiêu biểu cho các thể chế chính trị khác. Qua đó, luận giải và đưa ra lộ trình thích hợp cho việc hoàn thiện chế độ công vụ Việt Nam trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

    Đề tài Thạc sĩ: "Nâng cao năng lực quản lý nhà nước của cán bộ, công chức chính quyền cấp xã ở tỉnh Hà Tĩnh hiện nay" của tác giả Trần Ánh Dương (2006), đi vào nghiên cứu về công chức chính quyền cấp xã.
    "Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của hệ thống chính trị cấp tỉnh, thành phố (Qua kinh nghiệm của Hà Nội)" của Thạc sĩ Cao Khoa Bảng, Nxb Chính trị quốc gia, 2008; chuyên nghiên cứu về đối tượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Hà Nội, từ đó đề ra luận cứ khoa học và kinh nghiệm thực tiễn góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của hệ thống chính trị thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý trong giai đoạn hiện nay.

    Những công trình khoa học này cung cấp nhiều tư liệu quý báu về cơ sở lý luận, về kiến thức, kinh nghiệm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước nói chung và công chức hành chính nói riêng để tác giả tham khảo trong quá trình nghiên cứu đề tài của mình. Tuy nhiên, chưa có công trình nào nghiên cứu vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính nhà nước tỉnh Bình Phước.

    3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn
    Luận văn nghiên cứu những vấn đề lý luận liên quan đến khái niệm, vị trí, vai trò của cán bộ, công chức hành chính nhà nước trong công cuộc cải cách hành chính hiện nay và thực trạng số lượng, chất lượng cán bộ, công chức hành chính nhà nước Tỉnh Bình Phước giai đoạn 2006 - 2008.

    4. Mục đích, nhiệm vụ của luận văn
    * Mục đích
    Đề xuất một số quan điểm và giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ công chức hành chính thực sự vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh Bình Phước hiện nay.
    * Nhiệm vụ
    Để đạt được mục đích trên, luận văn có nhiệm vụ:
    - Phân tích cơ sở lý luận về cán bộ, công chức hành chính; xác định khái niệm, đặc điểm, vị trí, vai trò của cán bộ, công chức hành chính, tính tất yếu khách quan, yêu cầu và các điều kiện đảm bảo của việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính.
    - Phân tích thực trạng cán bộ công chức, đánh giá ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân ưu điểm, hạn chế của đội ngũ cán bộ, công chức hành chính hiện nay của tỉnh Bình Phước.
    - Đề xuất và luận chứng những quan điểm, giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính tỉnh Bình Phước hiện nay.

    5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận văn
    * Cơ sở lý luận
    Luận văn dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ; chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh.
    * Phương pháp nghiên cứu
    Luận văn sử dụng phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, phương pháp phân tích và tổng hợp, so sánh, lôgic, kết hợp nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn.

    6. Những đóng góp về khoa học của luận văn
    Trên cơ sở phân tích lý luận về cán bộ, công chức nói chung, các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, tổng quan công cuộc cải cách hành chính, luận văn nêu ra quan điểm về khái niệm và đặc điểm cán bộ, công chức hành chính nhà nước; vị trí, vai trò của cán bộ, công chức hành chính trong công cuộc cải cách hành chính, xây dựng và phát triển đất nước.

    7. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
    - Góp phần hệ thống các quan điểm của Đảng, Nhà nước về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, cán bộ, công chức hành chính nói riêng.
    - Nêu ra quan điểm về khái niệm, đặc điểm của cán bộ, công chức hành chính nhà nước; từ đó xác định các yêu cầu và điều kiện xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính đáp ứng công cuộc cải cách hành chính hiện nay.
    - Đề xuất một số các giải pháp có giá trị thực tiễn cao nhằm mục đích xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính nhà nước tỉnh Bình Phước đảm bảo chất lượng, số lượng và cơ cấu hợp lý.

    8. Kết cấu của luận văn
    Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung luận văn gồm 3 chương, 7 tiết.

    MỤC LỤC
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...