Thạc Sĩ Cơ sở lý luận và thực tiễn khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay

Thảo luận trong 'Chưa Phân Loại' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU

    1. Tính cấp thiết của đề tài

    Thi hành án dân sự là một loại hoạt động của Nhà nước nhằm đưa bản án, quyết định dân sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được thực hiện trên thực tế. Thông qua thi hành án dân sự, những phán quyết của Tòa án nhân danh Nhà nước về mặt dân sự, sẽ được thi hành, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, góp phần giữ vững kỷ cương, phép nước, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, thi hành án nói chung, thi hành án dân sự nói riêng đã trở thành một nguyên tắc hiến định. Điều 136 Hiến pháp năm 1992 quy định: "Các bản án và quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành".
    Sau hơn mười năm kể từ khi nhiệm vụ quản lý và tổ chức thi hành án dân sự được chuyển từ Tòa án nhân dân sang Chính phủ (tháng 6 năm 1993), hệ thống các cơ quan thi hành án đã được hình thành và phát triển trong cả nước; thi hành án dân sự bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận, làm giảm đáng kể số lượng án tồn đọng. Đáng chú ý, nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng lâu năm đã được tổ chức thi hành dứt điểm; một số án đặc biệt lớn, tính chất hết sức phức tạp, có ảnh hưởng lớn về kinh tế, cũng như trật tự an toàn xã hội cũng đã được Nhà nước quan tâm chỉ đạo như vụ Epco - Minh Phụng, phải thi hành án 4.000 tỷ đồng, vụ Tân Trường Sanh phải thi hành án trên 1.000 tỷ đồng . Kết quả đạt được nói trên phản ánh sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành tư pháp nói chung, cũng như đội ngũ cán bộ thi hành án dân sự nói riêng, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của các ngành hữu quan trong thi hành án dân sự.
    Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, thi hành án dân sự còn bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, vẫn còn tình trạng các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được nghiêm chỉnh thi hành, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tồn tại lớn nhất trong thi hành án dân sự hiện nay là tình trạng án tồn đọng kéo dài, số lượng ngày càng tăng, nhưng chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm.
    Thực tiễn thi hành án dân sự cũng đã đặt ra nhiều vấn đề vướng mắc đòi hỏi khoa học luật tố tụng dân sự phải nghiên cứu giải quyết như khái niệm thi hành án dân sự, án tồn đọng trong thi hành án dân sự, sự phối hợp giữa các cơ quan thi hành án với các ngành hữu quan trong việc giải quyết án tồn đọng, vấn đề hợp tác quốc tế trong thi hành án dân sự nói chung, khắc phục án tồn đọng nói riêng . Trong khi đó, xét về mặt lý luận, những vấn đề nói trên chưa được quan tâm nghiên cứu một cách thỏa đáng và còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.


    Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài: "Cơ sở lý luận và thực tiễn khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay" mang tính cấp thiết, không những về lý luận, mà còn là đòi hỏi thực tiễn nhằm khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự ở Việt Nam.


    2. Tình hình nghiên cứu đề tài
    Thi hành án dân sự là một lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, đã được một số cơ quan, nhà luật học ở trong nước quan tâm nghiên cứu. Viện Nghiên cứu Khoa học Pháp lý - Bộ Tư pháp phối hợp với Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh đã có đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ: "Những cơ sở lý luận và thực tiễn về chế định Thừa phát lại", mã số 95-98-114/ĐT; Cục Quản lý Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ: "Mô hình quản lý thống nhất công tác thi hành án", mã số: 96-98-027/ĐT; Bộ Tư pháp chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước: "Luận cứ khoa học của việc đổi mới tổ chức và hoạt động thi hành án ở Việt Nam trong giai đoạn mới"; tác giả Nguyễn Công Long có công trình: "Các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự", (Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2000); tác giả Nguyễn Thanh Thủy có công trình: "Hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự ", (Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2001); tác giả Lê Kim Dung có công trình: "Civil Execution in ViêtNam; Reality Problems and Suggestion Towrds a WellFunctioning System" (Thi hành án dân sự Việt Nam; thực trạng, vấn đề và những gợi ý hướng tới một hệ thống hoàn thiện), (Luận văn thạc sĩ Luật học, 2002); tác giả Lê Xuân Hồng có công trình: "Xã hội hóa một số nội dung thi hành án dân sự", (Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2002); tác giả Trần Anh Tuấn có công trình: "Thi hành quyết định trọng tài tại Việt Nam", (Luận văn thạc sĩ Luật học, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002); tác giả Nguyễn Quang Thái có công trình: "Đổi mới tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự ở Việt Nam", (Luận văn thạc sĩ Luật học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 2003); tác giả Lê Anh Tuấn có công trình: "Đổi mới thủ tục thi hành án dân sự Việt Nam", (Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2004). Ngoài ra, có một số bài viết liên quan đến thi hành án dân sự được đăng trên Tạp chí Dân chủ và pháp luật, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, Tạp chí Luật học, Bản tin Thi hành án dân sự .
    Các công trình nói trên đã đề cập đến các khía cạnh khác nhau về thi hành án dân sự, nhưng chưa có công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống về án tồn đọng trong thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay.
    3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn
    3.1. Mục đích của luận văn

    Mục đích của luận văn là trên cơ sở lý luận và thực tiễn giải quyết án tồn đọng trong thi hành án dân sự, nêu ra những giải pháp mang tính hệ thống để khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự một cách khách quan, công bằng, chính xác, góp phần ổn định trật tự xã hội.
    3.2. Nhiệm vụ của luận văn
    Để đạt được mục đích trên, tác giả luận văn đã đặt ra và giải quyết các nhiệm vụ sau:
    - Làm sáng tỏ khái niệm, đặc điểm thi hành án dân sự; khái niệm, đặc điểm, hậu quả án tồn đọng trong thi hành án dân sự; ý nghĩa của việc khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự.
    - Đánh giá thực trạng án tồn đọng trong thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay và làm rõ nguyên nhân của án tồn đọng; tình hình khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự, những hạn chế của việc khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự và nguyên nhân của chúng.
    - Phân tích các quan điểm và đề xuất hệ thống các giải pháp nhằm khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay.
    4. Phạm vi nghiên cứu của luận văn
    Khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự là vấn đề rất rộng và phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực. Trong khuôn khổ của một luận văn thạc sĩ, tác giả tập trung nghiên cứu khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự dưới gốc độ lý luận chung về nhà nước và pháp luật, thông qua số liệu của các cơ quan thi hành án từ năm 1993 đến nay.
    5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
    5.1. Cơ sở lý luận
    Cơ sở lý luận của luận văn là hệ thống quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân, về thi hành án dân sự nói chung, khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự nói riêng.
    5.2. Phương pháp nghiên cứu
    Cơ sở phương pháp luận của luận văn là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Trong khi thực hiện đề tài, tác giả sử dụng các phương pháp: hệ thống, phân tích, tổng hợp, lịch sử, cụ thể, lôgíc, kết hợp với các phương pháp khác như so sánh, khảo sát thực tiễn.
    6. Những đóng góp mới về khoa học của luận văn
    Đây là công trình chuyên khảo đầu tiên trong khoa học pháp lý Việt Nam ở cấp độ luận văn thạc sĩ Luật, nghiên cứu một cách toàn diện, có hệ thống về cơ sở lý luận và thực tiễn khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự ở Việt Nam. Có thể xem những nội dung sau đây là những đóng góp mới về khoa học của luận văn:
    1- Làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự ở Việt Nam.
    2- Đánh giá đúng thực trạng án tồn đọng trong thi hành án dân sự, phân tích, làm rõ nguyên nhân của thực trạng đó. Phân tích tình hình khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự, trong đó làm rõ những kết quả đạt được, những hạn chế của việc khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự và nguyên nhân của chúng.
    3- Phân tích những quan điểm và các giải pháp có tính khả thi nhằm khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự ở Việt Nam.
    7. Ý nghĩa của luận văn
    Kết quả nghiên cứu và những kiến nghị của luận văn có ý nghĩa quan trọng đối với việc khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay. Thông qua kết quả nghiên cứu và các kiến nghị, tác giả mong muốn đóng góp phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển của kho tàng lý luận thi hành án dân sự và tổng kết nghiên cứu thực tiễn khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự. Với việc đề xuất các giải pháp khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự, tác giả hy vọng sẽ góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay.
    Luận văn có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho công tác nghiên cứu, giảng dạy về khoa học pháp lý nói chung, khoa học thi hành án dân sự nói riêng và cho các cán bộ làm công tác thi hành án dân sự.
    8. Kết cấu của luận văn
    Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục; luận văn gồm 3 chương, 9 tiết
     
Đang tải...