Cơ sở lý luận của việc xây dựng luật giáo dục đại học

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Mã số: B2007-37-46

    Nhóm nghiên cứu: CNĐT- ThS.Lê Thị Kim Dung; Thành viên: Vụ Pháp chế; Vụ Giáo dục Đại học; Văn phòng Bộ; Học viện Quản lý Giáo dục; Vụ Công tác lập pháp VPQH.
    Thời gian thực hiện: từ tháng 6/2005 đến tháng 6/2007

    Mục tiêu nghiên cứu: 1/Đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật về giáo dục đại học, xác định một số yêu cầu cơ bản và các công việc cần thiết phục vụ cho công tác xây dựng Luật Giáo dục Đại học; 2/Đề xuất những qui định có tính nguyên tắc và giải pháp thực tiễn để định hướng cho công tác ; 3/Xây dựng đề cương chi tiết Luật Giáo dục Đại học.

    Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp biện chứng; phương pháp luận về xây dựng Luật Giáo dục Đại học; phương pháp nghiên cứu thực tiễn; Thống kê

    KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

    1. Về lý luận

    Làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến lí luận và thực tiễn vai trò của pháp luật trong giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Làm sâu sắc thêm lý luận về xây dựng pháp luật và lý luận về giáo dục áp dụng vào việc xây dựng Luật Giáo dục Đại học, bao gồm các vấn đề về tăng cường quản lý Nhà nước bằng pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo, về mối quan hệ giữa Luật Giáo dục Đại học với Luật Giáo dục 2005, Luật Dạy nghề . Ðó là các cơ sở lý luận về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công tác xây dựng chương trình luật, pháp lệnh và công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ trên cơ đó mà đề xuất những phương hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật về giáo dục đại học.

    Đề tài đã đưa ra được những luận cứ khoa học:

    - Cơ sở thực tiễn: Từ thực trạng hệ thống pháp luật về giáo dục nói chung và pháp luật về giáo dục đại học nói riêng; từ khảo sát thực tiễn về việc xây dựng Luật Giáo dục Đại học; kinh nghiệm xây dựng Luật Giáo dục Đại học của một số nước trong khu vực và trên thế giới để thấy sự cần thiết phải xây dựng Luật Giáo dục Đại học điều chỉnh các hoạt động giáo dục ở các trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

    - Cơ sở lý luận: Đó là các cơ sở lý luận về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công tác xây dựng chương trình luật, pháp lệnh và công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ trên cơ đó mà đề xuất những phương hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật về giáo dục đại học.

    2. Về thực tiễn

    Đưa ra qui trình để xây dựng Luật Giáo dục Đại học: phải thành lập Ban soạn thảo Luật Giáo dục Đại học theo quy định tại Ðiều 25 Luật ban hành văn bản Quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Ban soạn thảo Luật Giáo dục Đại học gồm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo làm Trưởng ban và thành viên là đại diện của các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, cụ thể là: Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Hội đồng Quốc gia giáo dục, Trung ương Hội cựu giáo chức Việt Nam, Trung ương Hiệp hội các trường Ðại học và Cao đẳng ngoài công lập .

    Xác định các công việc cần để tiến hành xây dựng Luật Giáo dục Đại học: cơ quan chủ trì và Ban soạn thảo phải tiến hành một số công việc sau đây:

    Tổ chức hệ thống hoá, đánh giá tình hình văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến đề án; tổ chức khảo sát, điều tra xã hội học, tổng kết và đánh giá thực trạng các quan hệ xã hội có liên quan tới các nội dung cơ bản của Luật Giáo dục Đại học.

    Tổ chức nghiên cứu thông tin, tư liệu có liên quan đến xây dựng và thực hiện Luật Giáo dục Đại học, các văn kiện của Ðảng và Nhà nước về giáo dục và giáo dục đại học (từ năm 1975 đến nay), nghiên cứu kinh nghiệm trong và ngoài nước, vấn đề Luật Giáo dục Đại học ở các nước trong khu vực và trên thế giới.

    Chuẩn bị đề cương chi tiết Dự án Luật Giáo dục Đại học, biên soạn Dự thảo Luật Giáo dục Đại học và chỉnh lý Dự án. Quá trình soạn thảo Luật Giáo dục Đại học và chỉnh lý Dự thảo luôn chú ý đến các quy định của Hiến pháp, các Luật hiện hành và tính đến điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.
    Tổ chức các Hội thảo, toạ đàm, lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo Luật Giáo dục Đại học. Tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan bằng các hình thức thích hợp đối với từng vấn đề của Dự thảo luật và đối với toàn bộ Dự thảo.

    Chuẩn bị tờ trình và các tài liệu liên quan đến đề án Luật Giáo dục Đại học. Tờ trình xác định rõ sự cần thiết ban hành Luật Giáo dục Đại học, mục đích yêu cầu, phạm vi, đối tượng và nội dung chính của Dự thảo Luật Giáo dục Đại học, những vấn đề cần có thêm ý kiến và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau khi dự thảo Luật Giáo dục Đại học.

    Phối hợp với các cơ quan có liên quan chuẩn bị dự thảo các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục Đại học.

    Dự kiến sẽ có 4 loại văn bản dưới Luật của Chính phủ, Bộ và Liên Bộ để triển khai thực hiện Luật Giáo dục Đại học, bao gồm:

    Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục Đại học.

    Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về thành lập trường đại học và tổ chức các cơ sở giáo dục đại học.

    Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học.
    Thông tư liên Bộ hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục Đại học, và một số văn bản quy phạm pháp luật ban hành theo thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo và Bộ trưởng, thủ trưởng một số bộ ngành có liên quan (Quyết định, Thông tư, Chỉ thị) để hướng dẫn và tổ chức thực hiện Luật Giáo dục Đại học.

    Tập hợp các ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị xã hội để chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục Đại học. Gửi Dự thảo Luật Giáo dục Đại học đến Bộ Tư pháp để thẩm định theo quy định tại điều 63 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và giải trình việc tiếp thu trong tờ trình hoặc trong văn bản riêng.

    Gửi Dự thảo Luật Giáo dục Đại học, tờ trình Luật Giáo dục Đại học và các tài liệu có liên quan để Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét, quyết định.

    Kết luận: Luật Giáo dục Đại học ra đời sẽ tạo điều kiện pháp lý để cải tiến mạnh mẽ chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh việc đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục theo hướng khoa học, hiện đại, tiên tiến và thiết thực, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Luật Giáo dục Đại học được ban hành sẽ tạo điều kiện pháp lý đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quản lý giáo dục và cán bộ quản lý giáo dục đại học, phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Luật Giáo dục Đại học được ban hành sẽ tác động mạnh mẽ tới việc xây dựng và ban hành một số chính sách, chế độ đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đại học, tạo động lực thu hút, động viên đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đại học toàn tâm toàn ý phục vụ sự nghiệp giáo dục đại học, tạo cơ sở pháp lý để nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đại học hưởng thụ các quyền và thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tham gia các hoạt động xã hội. Luật Giáo dục Đại học ra đời tác động tới người dạy, người học, tới tổ chức và cá nhân, công dân và xã hội quan tâm nhiều hơn đến sự nghiệp giáo dục đại học, phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, xây dựng xã hội học tập, đồng thời tăng cường kỷ luật trong giáo dục đại học, khắc phục căn bệnh hình thức và các tiêu cực trong giáo dục đại học. Luật Giáo dục Đại học ra đời góp phần thực hiện quốc sách hàng đầu là phát triển sự nghiệp giáo dục, góp phần thực hiện điều 35 và 36 của Hiến pháp hiện hành, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, thực hiện mục tiêu của giáo dục là hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đào tạo những người lao động có nghề, năng động và sáng tạo,có niềm tự hào dân tộc,có đạo đức, có ý chí vươn lên góp phần làm cho dân giàu nước mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.

    Nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng Luật Giáo dục Đại học trong thời gian tới như sau:

    - Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan lập dự kiến xây dựng luật, pháp lệnh trong đó có công tác xây dựng Luật Giáo dục Đại học trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dự luật, pháp luật của Quốc hội trong nhiệm kỳ tới.

    - Sau khi Quốc hội thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì soạn thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình xây dựng Luật Giáo dục Đại học.

    - Thành lập Ban soạn thảo gồm trưởng ban là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và thành viên khác là đại diện của các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện các cơ quan khác Bộ tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bô Khoa học và Công nghệ, một số trường đại học, cao đẳng. Ban soạn thảo phải có ít nhất là chín người. Thành viên Ban soạn thảo phải là người am hiểu các vấn đề chuyên môn liên quan đến dự án Luật Giáo dục Đại học và có điều kiện tham gia đầy đủ các hoạt động của Ban soạn thảo.

    - Nhiệm vụ của Ban soạn thảo: có trách nhiệm tổ chức việc soạn thảo và chịu trách nhiệm về chất lượng, tiến độ soạn thảo dự án Luật Giáo dục Đại học trước Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trưởng Ban soạn thảo (Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) thành lập Tổ biên tập giúp việc cho Ban soạn thảo và chỉ đạo Tổ biên tập chuẩn bị đề cương, biên soạn và chỉnh lý dự án Luật Giáo dục Đại học.

    - Nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tổng kết việc thi hành pháp luật về giáo dục nói chung và pháp luật về giáo dục đại học nói riêng; Khảo sát, đánh giá thực trạng xã hội liên quan đến nội dung chính của dự án Luật Giáo dục Đại học; tổ chức đánh giá tác động và xây dựng Báo cáo đánh gía tác động của dự án Luật Giáo dục Đại học; tổ chức nghiên cứu thông tin, tư liệu, điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có liên quan đến nội dung dự án Luật Giáo dục Đại học; tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý; chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định để Chính phủ trình Quốc hội về dự án Luật Giáo dục Đại học.

    - Xây dựng kế hoạch soạn thảo các văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục Đại học khi Luật Giáo dục Đại học được Quốc hội thông qua; tuyên truyền, phổ biên các nội dung của Luật Giáo dục Đại học đến các đối tượng thi hành Luật.

    3. Khuyến nghị

    Để những đề xuất trên có thể được thực thi vào thực tiễn công tác soạn thảo Luật Giáo dục Đại học, Nhà nước, các bộ, ngành và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm đến công tác hoàn thiện thể chế và tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nói chung và hoạt động giáo dục đại học nói riêng. Tập trung thời gian và đảm bảo những điều kiện cần thiết để khẩn trương tiến hành soạn thảo, xây dựng Luật Giáo dục Đại học để Chính phủ trình Quốc hội thông qua có chất lượng và đúng tiến độ thời gian theo quy định.

    TỪ KHÓA: 1/Luật Giáo dục; 2/Luật Giáo dục Đại học; 3/Xây dựng văn bản Pháp luật; 4/Quản lý giáo dục; 5/Giáo dục đại học; 6/Văn bản quy phạm pháp luật.


    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...