Tài liệu CỔ NHÂN HỌC (Human paleontology) NGUỒN GỐC VÀ SỰ TIẾN HÓA CỦA LOÀI NGƯỜI VỀ SINH HỌC VÀ VĂN HÓA

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    172
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    CỔ NHÂN HỌC (Human paleontology) NGUỒN GỐC VÀ SỰ TIẾN HÓA CỦA LOÀI NGƯỜI VỀ SINH HỌC VÀ VĂN HÓA

    2.2. Những dạng hóa thạch họ người (Hominidae) đầu tiên.

    Sau khi tìm hiểu về bộ Primates, chúng ta sẽ nói về tổ tiên xa xưa dẫn đến nhánh phát triển của người. Trong vòng 3 thập kỷ gần đây nhiều chứng cứ mới được phát hiện làm sáng tỏ thêm giai đoạn lịch sử các hominid trong đó có những dạng tiền thân của con người. Vào kỳ Mioxen thượng các dạng hominid đã phát triển phong phú ở Đông Phi. Có thể kể ra một số nhóm dưới họ sau:

    - Proconsul. Lần đầu tiên răng và xương của Proconsul được H.Gordon phát hiện ở châu Phi vào năm 1927 (Consul là tên của con hắc tinh tinh -Simpanze- được nuôi và diễn trò ở một nhà hát music-hall ở Luân Đôn, H.Gordon đã dí dỏm đặt tên cho mẫu vật là Proconsul nghĩa là trước Consul hay là tổ tiên của Consul). Những phát hiện về sau này tới tận năm 1984 đã ráp được bộ xương khá hoàn chỉnh của Proconsul và xác định đó là loài vượn cổ sống cách ngày nay khoảng 18 triệu. Proconsul sống trên cây, di chuyển chậm, có thể chuyền từ cành này sang cành khác, treo trên cây nhờ tay và không có đuôi. Kết quả so sánh kỹ các chi tiết cấu tạo cho thấy Proconsul là tổ tiên chung của người và vượn.

    - Ramapitec (Ramapithecus) là hoá thạch đầu tiên được chấp nhận là đại diện nguyên thủy của họ người (Hominidae) được tìm thấy vào những năm 1934 – 1937 trên đồi Xivalik (Bắc An Độ, có tuổi Miocen-Pliocen, sau này còn tìm thấy ở Pakistan. Ramapitec tồn tại cách nay khoảng 14 triệu năm với 2 loài: R-hariensis (Miocen) và R-brevirostris (Pliocen). Ramapitec đã đứng thẳng và đi bẳng hai chân - một đặc điểm sinh học cơ bản của con người – chưa? Nhiều nhà nghiên cứu căn cứ vào việc các di cốt của Ramapitec được phát hiện trong những cảnh quan cổ xưa quang đãng, không phải là rừng nên nhiều khả năng Ramapitec đã đi thẳng. Trong một thời gian dài Ramapitec được coi là tổ tiên của loài người, nhưng khi phân tích mẫu răng và hàm bằng phương pháp cổ sinh học cho thấy Ramapitec giống với đười ươi nhiều hơn với hắc tinh tinh, thử hoạt tính protein và phản ứng kháng nguyên cũng xác nhận điều đó. Các hội nghị quốc tế về nguồn gốc loài người những năm 1981 và 1982 đã cho rằng Ramapitec có nguồn gốc Á-Au không phải là tổ tiên trực tiếp của người và cả đười ươi.

    Một dạng khác của Ramapitec là những di cốt Kêniapitec (Kenyapithecus wickeri) do Luy Liki (Lowis Leakey) phát hiện ở Đông Phi vào năm 1961 có niên đại 15 triệu năm cách ngày nay và Kenyapithecus africanus được phát hiện sau đó (cũng ở Kênia), có niên đại là 20 triệu năm. So sánh với Ramapitec thì có rất nhiều điểm tương đồng nên Kêniapitec được gộp trong nhóm dưới họ Ramapithecinae.

    - Ôreôpitec (Oreopithecus). Năm 1872 lần đầu tiên một số răng của Ôreôpitec được phát hiện trong các địa tầng Miocen-Pliocen ở Toscan (Italia). Đến năm 1958 một bộ xương khá đầy đủ của nó (Oreopithecus bamboli Gervais) được tìm thấy ở phía nam của TP.Toscan. Hình thái đốt xương chậu, xương đùi, xương gót chân đã tương đối đặc trưng cho sự đi thẳng. Cấu tạo hàm răng với cung hàm uốn tròn cạnh, nanh giảm kích thước, không có khoảng trống bên (diastème), dung tích sọ 400cm3, phần mặt bớt dô. Tất cả những đặc trưng đó là bằng chứng để xếp Ôreôpitec nằm trong họ người (homo).

    - Gigantôpitec (Gigantopithecus blacki Koenigswald). Trong những năm 1934-1935 phát hiện được một số răng, đến những năm 1956-1958 mới phát hiện được 3 xương hàm dưới trong hang đá vôi ở Quảng Tây (Trung Quốc), niên đại sơ hoặc trung kỳ Pleistocen. Tiếp đó năm 1968 phát hiện thêm một xương hàm dưới ở đồi Xivalik (Bắc An), niên đại 6-8 triệu năm (Miocen-Pliocen). Ở Việt Nam răng của Gigantôpitec cũng được phát hiện năm 1965 ở hang Thẩm Khuyên (Lạng Sơn), hang Thẩm Òm (Nghệ An). Nói chung cả răng và xương hàm của Gigantôpitec (cá thể đực) đều rất lớn, gấp đôi người hiện đại. Nhưng Gigantôpitec cũng có rất nhiều đặc điểm giống người như tiền hàm hai mấu, nanh không nhô cao lắm, không có khoảng trống bên.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...