Chuyên Đề Chuyên đề sự hình thành viện kiểm sát nhân dân và vị trí, vai trò của vksnd

Thảo luận trong 'Khảo Cổ Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    CHUYÊN ĐỀ SỰ HÌNH THÀNH VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN VÀ VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA VKSND

    1.1.
    Sự hình thành cơ quan Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy nhà nước ta
    1.2. VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TRONG TIẾN TRÌNH CẢI CÁCH TƯ PHÁP
    NỘI DUNG:
    1.1.1.
    Sự hình thành cơ quan Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy nhà nước ta
    Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện chính trị - pháp lý quan trọng, là cơ sở để hàng loạt các thiết chế của một Nhà nước mới được tạo lập. Ngay sau khi giành được độc lập, việc xây dựng và củng cố chính quyền là một trong những công việc quan trọng, trong đó có việc xây dựng các cơ quan tư pháp nhằm bảo vệ thành quả của cách mạng. Hệ thống cơ quan tư pháp ngay trong những năm đầu thành lập được định hướng xây dựng thể hiện là một nền tư pháp cách mạng. Trong bối cảnh của những ngày đầu thành lập nước, hệ thống cơ quan tư pháp được tổ chức rất đa dạng, linh hoạt phục vụ nhiệm vụ cách mạng. Chức năng công tố nhà nước được giao cho nhiều cơ quan đảm nhiệm như cơ quan Tòa án, Chính phủ, Ủy ban kháng chiến, Ban thanh tra của Chính phủ.Tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp lần đầu tiên được quy định tại Sắc lệnh số 33c ngày 13 tháng 9 năm 1945, đây cũng là cơ sở pháp lý đầu tiên đánh dấu sự ra đời của hệ thống Tòa án trong bộ máy nhà nước ta, là vũ khí tư pháp sắc bén bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân. Theo qui định của Sắc lệnh này, Tòa án quân sự ra đời có chức năng: Xét xử tất cả những người nào phạm vào một việc gì có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trừ những người phạm tội là những binh sĩ thì thuộc thẩm quyền xét xử của nhà binh theo quân luật. Về chức năng công tố được quy định rõ tại Điều 5 Sắc lệnh 33c như sau: Đứng buộc là một ủy viên quân sự hay một ủy viên của Ban trinh sát. Như vậy, lần đầu tiên, chức năng công tố nhà nước được quy định trong một văn bản pháp lý. Lúc này, Tòa án quân sự được thành lập ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam là Tòa án đầu tiên có sự hiện diện của tổ chức Công tố và hoạt động thực hành quyền công tố. Nội dung của quyền thực hành quyền công tố theo quy định của Sắc lệnh này là đưa một người phạm tội ra xét xử tại Tòa án và thực hiện sự buộc tội trước Tòa án.
    Ngày 23 tháng 11 năm 1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 64 thành lập Tòa án đặc biệt tại Hà Nội để xét xử những người là nhân viên của ủy ban nhân dân, các cơ quan của Chính phủ phạm tội. Theo quy định của Sắc lệnh này, chức năng công tố nhà nước được giao cho Ban thanh tra đặc biệt do Chính phủ thành lập đảm nhiệm. Cụ thể là Ban thanh tra đặc biệt có nhiệm vụ giám sát công việc và nhân viên của ủy ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ, có quyền điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ, đình chỉ chức vụ, bắt giam bất cứ nhân viên nào của Ủy ban nhân dân hoặc nhân viên của Chính phủ phạm tội, lập hồ sơ truy tố ra Tòa án đặc biệt và thực hành quyền công tố tại phiên tòa. Thành phần Hội đồng xét xử của Tòa án đặc biệt có Chủ tịch Chính phủ lâm thời làm Chánh án, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Hội thẩm, một ủy viên trong Ban thanh tra đặc biệt thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, buộc tội tại phiên tòa.
    Ngày 14 tháng 2 năm 1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 21 thay thế các sắc lệnh đã ban hành trước đây về Tòa án quân sự, trong đó quy định Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chủ tịch ủy ban hành chính có quyền chỉ định Công cáo ủy viên thực hành quyền công tố, buộc tội tại phiên tòa. Như vậy, về tổ chức, ngoài Chánh án và hai Hội thẩm là ủy viên quân sự và ủy viên chính trị đảm nhiệm, chức năng công tố do một Công cáo ủy viên thực hiện. Ở Bắc Kỳ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chỉ định Công cáo ủy viên, ở Trung Kỳ và Nam Kỳ thì do Chưởng lý Tòa thượng thẩm hoặc Chủ tịch Ủy ban hành chính chỉ định ủy viên Chính phủ ngồi ghế Công cáo ủy viên. Ủy viên Chính phủ ngồi ghế Công cáo ủy viên có thể lấy trong quân đội, trong Ban trinh sát hay trong số các Thẩm phán chuyên nghiệp. Các Công cáo ủy viên trực tiếp đặt dưới quyền giám sát của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hay Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ở Trung Kỳ và Nam Kỳ thì do Chưởng lý Tòa thượng thẩm và Chủ tịch ủy ban hành chính giám sát.
    Trong bối cảnh vừa giành được độc lập, việc thiết lập các cơ quan trong bộ máy nhà nước là yêu cầu rất cấp thiết của chính quyền cách mạng dân chủ nhân dân, đặc biệt là các cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo đảm trật tự xã hội. Bên cạnh việc thiết lập hệ thống Tòa án quân sự và Tòa án binh để xét xử những tội phạm phản cách mạng, những tội vi phạm trật tự quân đội, vi phạm kỷ luật của nhà binh, cần thiết phải thiết lập hệ thống Tòa án thường để xét xử các tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo vệ nhà nước và bảo vệ nhân dân. Xuất phát từ yêu cầu đó, ngày 24 tháng 1 năm 1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 13 về việc tổ chức các Tòa án và các ngạch Thẩm phán (trong đó có Thẩm phán buộc tội). Theo quy định của Sắc lệnh này thì Tòa án thường được tổ chức ở ba cấp là Tòa án sơ cấp, Tòa án đệ nhị cấp và Tòa thượng thẩm. Tổ chức và hoạt động của cơ quan Công tố chỉ được thành lập ở Tòa đệ nhị cấp và Tòa thượng thẩm, không tổ chức thành phần Công tố trong Tòa án sơ cấp vì thẩm quyền của cấp Tòa án này rất hạn chế. Chủ thể thực hiện quyền công tố trong hệ thống Tòa án thường được quy định là các Thẩm phán buộc tội thuộc Tòa án.
    Mặc dù, tổ chức của cơ quan Công tố được đặt trong hệ thống Tòa án, cả Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ xét xử và Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ công tố đều gọi chung là Thẩm phán, đều chịu sự quản lý về mặt nhân sự của Bộ Tư pháp, nhưng trong hoạt động của mình, Thẩm phán buộc tội (công tố viên) độc lập với Thẩm phán xét xử. Ở Tòa đệ nhị cấp, Thẩm phán buộc tội do ông Chưởng lý đứng đầu. Ở Tòa thượng thẩm, tất cả các Thẩm phán buộc tội họp thành một đoàn thể độc lập đối với các Thẩm phán xét xử và duy nhất đặt dưới quyền chỉ đạo của Chưởng lý, Chưởng lý hoàn toàn giữ quyền truy tố các vụ án. Mối quan hệ độc lập này càng được khẳng định rõ tại Sắc lệnh số 51 ngày 17 tháng 4 năm 1946. Điều 17 Sắc lệnh này có quy định: Ông Chánh án có quyền điều khiển và kiểm soát tất cả nhân viên khác trong Tòa án, trừ các Thẩm phán buộc tội.
    Ngày 20 tháng 7 năm 1946, Sắc lệnh số 131 được ban hành quy định về tổ chức Tư pháp Công an, trong đó xác định rõ mối quan hệ giữa Công tố với Tư pháp Công an như sau: Công tố có trách nhiệm phụ trách Tư pháp Công an và các cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra, Tư pháp Công an đặt dưới quyền kiểm soát trực tiếp của Chưởng lý, Biện lý. Biện lý có quyền ra chỉ thị và kiểm soát công việc của tất cả Ủy viên Tư pháp Công an. Việc bổ nhiệm, thăng thưởng và xử phạt hành chính những Ủy viên Tư pháp Công an phải trên cơ sở ý kiến đồng ý của Biện lý và Chưởng lý.
    Trong lĩnh vực tố tụng hình sự, cơ quan Công tố có nhiệm vụ giám sát thi hành án, giám sát hoạt động giam giữ, cải tạo. Trong lĩnh vực tố tụng dân sự, cơ quan Công tố được tiến hành các hoạt động như bảo vệ quyền lợi của người chưa thành niên, của người bị cấm quyền, của các pháp nhân hành chính; có quyền đứng làm chánh tố hay nguyên đơn chính trong các việc kiện về dân sự theo thẩm quyền; bắt buộc phải có mặt trong những phiên xử án dân sự và có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng mọi biện pháp cần thiết để chứng tỏ sự thật của vụ án.
    Ngày 19 tháng 11 năm 1948, Chủ tịch Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 254/SL thành lập chính quyền nhân dân trong thời kỳ kháng chiến. Theo đó giao cho ủy ban kháng chiến hành chính liên khu được sử dụng quyền công tố tại Tòa án đặt dưới quyền công tố tại các Tòa án thường và Tòa án quân sự, sau khi hỏi ý kiến ông Giám đốc Tư pháp liên khu. Quyền công tố này thấp hơn quyền công tố của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chưởng lý.
    Như vậy, trong thời kỳ này, tổ chức của cơ quan Công tố chủ yếu gắn với tổ chức của cơ quan Tòa án, nằm trong tổ chức của cơ quan Tòa án, song vị trí và hoạt động của cơ quan Công tố độc lập so với tổ chức và hoạt động của Tòa án.
    Vào những năm 1950, kết quả của cuộc cải cải tư pháp lúc bấy giờ có ảnh hưởng quan trọng tới hoạt động cơ quan Công tố. Về vị trí của cơ quan Công tố và những chủ thể được giao thực hiện quyền công tố nhà nước so với các quy định được ban hành trước cuộc cải cách tư pháp năm 1950 về cơ bản không thay đổi, quyền công tố nhà nước vẫn được giao cho nhiều cơ quan trong bộ máy nhà nước thực hiện. Tuy nhiên, kết quả cuộc cải cách tư pháp năm 1950 đã ảnh hưởng tới việc quy định thẩm quyền của cơ quan Công tố trong các văn bản pháp luật của nhà nước.
    Sau cuộc cải cách tư pháp năm 1950, tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp được đổi mới và chấn chỉnh một bước, những kết quả cải cách đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan này. Song tổ chức các cơ quan tư pháp trên thực tế còn chưa phù hợp, chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, sự chỉ đạo của ủy ban hành chính đối với các cơ quan tư pháp còn lỏng lẻo. Nhận thức rõ tình hình đó, Chính phủ tiếp tục ban hành các văn bản pháp luật để kiện toàn các cơ quan tư pháp, tăng cường chỉ đạo công tác tư pháp như các Thông tư số 772/TTg ngày 15 tháng 5 năm 1956, Thông tư số 314/TTg ngày 19 tháng 7 năm 1957 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, ngày 5 tháng 12 năm 1957, Bộ Tư pháp ra Thông tư số 141/HCTP quy định về phân công nội bộ trong các Tòa án. Theo quy định của Thông tư thì Tòa án có Chánh án và Công tố ủy viên, ở những nơi nhiều việc có thể có Phó Chánh án, Phó Công tố ủy viên và Thẩm phán. Chánh án và Công tố ủy viên có nhiệm vụ độc lập và đều là Thủ trưởng cơ quan. Thông tư này có giá trị rất quan trọng, đặt nền móng cho việc thành lập Viện công tố độc lập, tách ra khỏi Tòa án.
    Trong điều kiện đất nước có chiến tranh, việc tổ chức bộ máy nhà nước nói chung và bộ máy các cơ quan tư pháp nói riêng linh hoạt như trong thời kỳ đầu về cơ bản là phù hợp với điều kiện của nước ta. Tuy nhiên, sau năm 1954, khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, nước ta thực hiện đồng thời hai cuộc cách mạng, cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Bắc, việc tiếp tục tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp như giai đoạn trước đây tỏ ra không còn phù hợp. Các cấp Tòa án vẫn được đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Tư pháp, cơ quan Công tố vẫn đặt trong Tòa án, trong mỗi Tòa án vẫn còn tình trạng cả Chánh án và ủy viên công tố cùng là lãnh đạo cơ quan, có quyền hạn độc lập nhau, chức năng công tố vẫn được giao cho nhiều cơ quan đảm nhận, thủ tục tư pháp còn quá sơ sài. Trong khi đó vào những năm 1957-1958, ngành tư pháp đã có sự trưởng thành nhất định cả về số lượng và chất lượng, việc tiếp tục tổ chức các cơ quan tư pháp như hiện thời không bảo đảm để xây dựng và duy trì một nền tư pháp dân chủ, vững mạnh.
    Trước sự chuyển biến của tình hình cách mạng, trước yêu cầu tăng cường pháp chế, trước sự trưởng thành của các cơ quan tư pháp đòi hỏi phải có sự đổi mới căn bản, sâu sắc về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong đó có cơ quan Công tố để bảo đảm việc trừng trị bọn phản cách mạng và bọn phạm tội khác được kịp thời, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật cần phải thành lập một tổ chức cơ quan Công tố từ trung ương đến địa phương.
    Tại phiên họp ngày 29 tháng 4 năm 1958, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thông qua Đề án tăng cường thêm một bước Chính phủ và bộ máy nhà nước ở cấp trung ương, trong đó có nội dung thành lập Tòa án tối cao và hệ thống Tòa án; thành lập Viện công tố trung ương và hệ thống Viện công tố, cả hai cơ quan này tách khỏi Bộ Tư pháp. Theo đó, Viện công tố trung ương có quyền hạn và trách nhiệm ngang một bộ và trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Đây là sự kiện trọng đại trong lịch sử phát triển của nền tư pháp cách mạng Việt Nam, là cơ sở cho việc tiến hành cải cách tư pháp một cách sâu rộng cho những năm tiếp theo.
    Ngày 1 tháng 7 năm 1959, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 256-TTg quy định về tổ chức và nhiệm vụ của Viện công tố. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng cho việc thiết lập hệ thống Viện công tố độc lập. Chấm dứt sự phân công cho nhiều cơ quan trong bộ máy nhà nước cùng thực hiện quyền công tố nhà nước, tập trung việc thực hiện quyền công tố nhà nước vào một cơ quan duy nhất đó là Viện công tố trung ương và hệ thống Viện công tố. Sự ra đời của hệ thống Viện công tố độc lập, trực thuộc Hội đồng Chính phủ trong thời kỳ này đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử cải cách nền tư pháp của nước nhà. Đây là cơ sở quan trọng, đặt nền móng cho sự ra đời hệ thống Viện kiểm sát nhân dân sau này.
    Mặc dù đã tồn tại với tư cách là một hệ thống cơ quan độc lập, tổ chức và hoạt động của các Viện công tố địa phương do Viện công tố trung ương quản lý và chỉ đạo nhưng trên thực tế, các Viện công tố địa phương vẫn phải chịu sự lãnh đạo và có trách nhiệm báo cáo tình hình công tác với Ủy ban hành chính cùng cấp. Cơ chế lãnh đạo "song trùng trực thuộc"này là cần thiết trong hoàn cảnh kháng chiến trước đây, nhưng trong tình hình mới đã tỏ ra không còn phù hợp nữa. Thực tiễn lúc đó cho thấy Ủy ban hành chính thường có ảnh hưởng rất lớn và nhiều khi có ý kiến quyết định đối với việc truy tố, xét xử của các cơ quan tư pháp cùng cấp. Kinh nghiệm từ các vụ án xét xử oan, sai trong thời gian này cho thấy nguyên nhân phổ biến bắt nguồn từ ý kiến lệch lạc một chiều giữa Ủy ban hành chính đối với các cơ quan Công an, Công tố và Tòa án. Trong cơ chế đó, rất khó cho Viện công tố duy trì sự độc lập khách quan, chế ước và phát hiện sai lầm trong công tác điều tra, xét xử để điều chỉnh kịp thời. Mặt khác, tổ chức cơ quan Công tố được thành lập năm 1958 cũng mới chỉ là tổ chức của thời kỳ quá độ. Tổ chức đó mới chỉ làm được một phần nhiệm vụ của cơ quan kiểm sát là thực hành quyền công tố, còn phần quan trọng là nhiệm vụ giám sát việc tuân thủ pháp luật thì vẫn chưa thực hiện được.
    Theo quan điểm của V.I. Lênin trình bày trong tác phẩm "Nguyên tắc song trùng lãnh đạo và vấn đề pháp trị" thì tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải có được pháp chế thống nhất. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với việc xây dựng chế độ pháp trị chính là sự can thiệp của địa phương xuất phát từ động cơ tư lợi hoặc cục bộ địa phương chủ nghĩa. Vì vậy, việc áp dụng nguyên tắc "song trùng" lãnh đạo trong lĩnh vực pháp trị, theo đó cơ quan chuyên môn ở địa phương phải đặt đồng thời dưới sự lãnh đạo của cơ quan chủ quản và Ủy ban hành chính, là một sự sai lầm về mặt nguyên tắc. Do đó, theo Lênin, để đấu tranh có hiệu quả với chủ nghĩa cục bộ địa phương thì phải thành lập Viện kiểm sát. Cũng theo Lê-nin, Viện kiểm sát có quyền và phận sự làm một việc thôi: bảo đảm cho pháp trị được hiểu biết thống nhất và thông suốt trong toàn nước cộng hòa, bất kể những đặc điểm của địa phương và sự can thiệp của nhà chức trách địa phương. Để không ngừng thiết lập chế độ pháp trị, Lê-nin cho rằng phải bác bỏ nguyên tắc "song trùng" lãnh đạo trong tổ chức của Viện kiểm sát và qui định nguyên tắc Viện kiểm sát địa phương chỉ đặt dưới sự lãnh đạo của trung ương. Về thẩm quyền, Viện kiểm sát phải được quyền kháng nghị bất cứ quyết định nào của cơ quan chức trách ở địa phương khi có vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, Viện kiểm sát không có quyền đình chỉ việc thi hành các quyết định đó mà chỉ có quyền đưa việc vi phạm pháp luật ra trước Tòa án xét xử. Viện kiểm sát không trực tiếp hành xử một quyền hành chính nào cả.
    Đáp ứng những đòi hỏi khách quan của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và dựa trên cơ sở lý luận của Lênin và vận dụng kinh nghiệm quốc tế, hệ thống cơ quan Viện kiểm sát nhân dân đã được chính thức ra đời. Ngày 31 tháng 12 năm 1959, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thông qua Hiến pháp năm 1959, với 10 chương, 112 điều, trong đó Chương VIII, từ Điều 105 đến Điều 109 qui định các nguyên tắc cơ bản cho việc thành lập hệ thống Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam. Theo Hiến pháp năm 1959, Viện kiểm sát nhân dân có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan nhà nước ở địa phương, các nhân viên cơ quan nhà nước và công dân (Điều 105). Viện kiểm sát nhân dân các cấp chỉ chịu sự lãnh đạo của Viện kiểm sát nhân dân cấp trên và sự lãnh đạo thống nhất của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Điều 107). Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Điều 108).
    Trên cơ sở các qui định của Hiến pháp năm 1959, ngày 26 tháng 7 năm 1960, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960 được ban hành. Luật có 6 chương, 25 điều, đã cụ thể hóa các qui định của Hiến pháp về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân. Theo đó, hệ thống cơ quan Viện kiểm sát nhân dân được thành lập và triển khai tổ chức hoạt động trên thực tế.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...