Tiểu Luận chủ trương tập hợp lực lượng cách mạng của Đảng trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (tháng

Thảo luận trong 'Lịch Sử Đảng' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    A. LỜI MỞ ĐẦU.
    Đoàn kết là truyền thống lịch sử quý báu của dân tộc ta. Vì vậy, ngay từ khi mới ra đời, Đảng đã không ngừng củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Từ đó vấn đề tập hợp lực lượng cách mạng tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trở thành nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân ta. Trên cơ sở khối liên minh công – nông, Đảng mở rộng đội ngũ cách mạng đến các giai cấp, tầng lớp khác; thực hiện chính sách Mặt trận dân tộc thống nhất, qua mỗi thời kì lịch sử Mặt trận dân tộc mang những tên goi khác nhau và có hình thức, lực lượng tập hợp khác nhau nhưng vai trò chính là để tập hợp lưc lượng cách mạng. Bài viết dưới đây, nhóm em xin được trình bày chủ trương tập hợp lực lượng cách mạng của Đảng trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (tháng 2 – 1930), Luận cương chính trị (tháng 10 - 1930) và Hội nghi Ban chấp hành Trung ương Đảng VIII (tháng 5 – 1941). B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ.
    I. Quan điểm của Đảng về tập hợp lực lượng trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên tháng 2 năm 1930.
    1. Hoàn cảnh lịch sử.
    - Cuối năm 1929, những người cách mạng Việt Nam trong các tổ chức cộng sản đã nhận thức được sự cần thiết và cấp bách phải thành lập một đảng cộng sản thống nhất, chấm dứt sự chia rẽ trong phong trào cộng sản ở Việt Nam. Ngày 27 – 10 – 1929, Quốc tế cộng sản gửi những người cộng sản Đông Dương tài liệu về việc thành lập một đảng cộng sản. Nhận được tin về sự chia rẽ của những người cộng sản ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc rời Xiêm đến Trung Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản tại Hương Cảng.
    - Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng bao gồm Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ hoạt động của Đảng được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng tháng 2 năm 1930.

    2. Nội dung chủ trương tập hơp lực lượng cách mạng của Đảng trong Cương lĩnh.
    - Quan điểm của Đảng về vấn đề tập hợp lực lượng được đề cập trong Cương lĩnh có nội dung như sau:
    - Đối với việc tập hợp lực lượng tham gia vào cuộc cách mạng chung của cả dân tộc, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã nêu rõ: Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng, đánh đổ bọn đại địa chủ và phong kiến; phải làm cho các đoàn thể thợ thuyền và dân cày (công hội, hợp tác xã ) khỏi ở dưới quyền lực và ảnh hưởng của bọn tư bản quốc gia; phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt để kéo họ đi vào phe giai cấp vô sản. Đối với phú nông, trung nông, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ bộ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào ra mặt phản cách mạng ( như Đảng Lập hiến ) thì phải lật đổ. Cương lĩnh cũng xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, vì vậy phải đoàn kết với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản thế giới, nhất là giai cấp vô sản Pháp.
    - Hình thức tập hợp: thành lập các tổ chức công hội đỏ, nông hội đỏ, thanh niên đỏ, cứu tế đỏ .
    3. Nhận xét chủ trương tập hợp lực lượng cách mạng của Đảng trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên.
    - Có thể thấy, Hồ Chí Minh đã đánh giá đúng thái độ chính trị của các tầng lớp, giai cấp. Từ đó, Cương lĩnh đã xác định : muốn thực hiện nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng thì phải đoàn kết các giai cấp, tầng lớp cùng đứng chung một hàng ngũ đấu tranh chứ đó không phải là nhiệm vụ riêng của một giai cấp, tầng lớp nào.
    [SUP]- [/SUP]Chủ trương tập hợp lực lượng trên đây phản ánh tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của hồ Chí Minh “ Trong khi liên lạc với các giai cấp, phải rất cẩn thận, không khi nào nhượng một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào con đường thoả hiệp. Trong khi tuyên truyền khẩu hiệu “nước An Nam độc lập, phải đồng tuyên truyền và tiến hành liên lạc với giai cấp vô sản thế giới, nhất là giai cấp vô sản Pháp.” [SUP](1) [/SUP]
    - Nhờ việc xác định, đánh giá đúng đắn thái độ chính trị của các tầng lớp, giai cấp trong xã hội Việt Nam lúc đó mà ngay từ khi ra đời Đảng đã quy tụ được lực lượng và sức mạnh của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam. Đó là một đặc điểm và đồng thời là một ưu điểm của Đảng, làm cho Đảng trở thành lực lượng lãnh đạo duy nhất của cách mạng Việt Nam, sớm được nhân dân thừa nhận là đội tiên phong của mình, tiêu biểu cho lợi ích, danh dự, lương tâm và trí tuệ của dân tộc.
    - Quan điểm xác định lực lượng cách mạng trong Cương lĩnh đã phát huy sức mạnh dân tộc, phân hoá và cô lập kẻ thù để thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc.
    II. Quan điểm tập hợp lực lượng cách mạng của Đảng trong Luận cương chính trị ( tháng 10 năm 1930).
    1. Hoàn cảnh lịch sử.
    - Cuối năm 1930 phong trào đấu tranh cách mạng ở Việt Nam dâng cao và diến ra quyết liệt ở khắp ba kì bắc, trung, nam, nhất là phong trào đấu tranh của nông dân ở Nghệ Tĩnh. Tình hình đó đòi hỏi phải có sự chỉ đạo mới của Đảng. Từ ngày 14 đến ngày 30 – 10 – 1930, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương họp lần thứ nhất tại Hương Cảng (Trung Quốc) do đồng chí Trần phú chủ trì.
    - Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng lần I đã thông qua Luận cương chính trị do đồng chí Trần phú soạn thảo.
    2. Nội dung chủ trương tập hợp lực lượng cách mạng của Đảng trong Luận cương chính trị.
    Trong Luận cương chính trị, quan điểm của Đảng về vấn đề tập hợp lực lượng được thể hiện như sau:
    - Luận cương chỉ rõ, giai cấp vô sản vừa là động lực chính của cách mạng tư sản dân quyền, vừa là giai cấp lãnh đạo cách mạng. Dân cày là lực lượng đông đảo nhất và là động lực mạnh của cách mạng. Tư sản thương nghiệp thì đứng về phe đế quốc và địa chủ chống lại cách mạng, còn tư sản công nghiệp thì đứng về phía quốc gia cải lương và khi cách mạng phát triển cao thì họ sẽ theo đế quốc. Trong giai cấp tiểu tư sản, bộ phận thủ công nghiệp thì có thái độ do dự; tiểu tư sản thương gia thì không tán thành cách mạng; tiểu tư sản trí thức thì có xu hướng quốc gia chủ nghĩa và chỉ có thể hăng hái tham gia chống đế quốc trong thời ki đầu. Chỉ có các phần tử lao khổ ở đô thị như những người bán hàng rong, thợ thủ công nhỏ, trí thức thất nghiệp mới đi theo cách mạng mà thôi.
    - Cuối năm 1930 ban thừơng vụ trung ương Đảng ra chỉ thị thành lập Hội phản đế đồng minh để tập trung lưc lượng như đã xác định trong Luận cương tham gia đấu tranh chống kẻ thù chung là đế quốc.
    3. Nhận xét chủ trương tập hợp lực lượng cách mạng của Đảng trong Luận cương chính trị.
    - Từ quan điểm trên ta thấy luận cương đã xác định được động lực và lực lượng chính của cách mạng là giai cấp vô sản, song vẫn còn một số hạn chế như: Luận cương đánh giá không đúng vai trò cách mạng của tầng lớp tiểu tư sản, phủ nhận mặt tích cực của tư sản dân tộc và chưa thấy được khả năng phân hoá, lôi kéo một bộ phận địa chủ vừa và nhỏ trong cách mạng giải phóng dân tộc. Đây là điểm khác với Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng và cũng là hạn chế của Luận cương chính trị. Do đó, luận cương không đề ra được một đường lối chiến lược liên minh dân tộc và giai cấp rộng rãi trong cuộc đấu tanh chống đế quốc xâm lược và tay sai.
    - Sở dĩ Luận cương còn một số hạn chế là bởi: Thứ nhất, Luận cương chính trị chưa tìm ra và nắm vững những đặc điểm của xã hội thuộc địa nửa phong kiến Việt Nam. Thứ hai, do nhận thức giáo điều và máy móc về mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và giai cấp trong cách mạng thuộc địa, đồng thời chịu ảnh hưởng trực tiếp của khuynh hướng “tả” của Quốc tế cộng sản và một số Đảng cộng sản trong thời gian đó.
    Vì thế nên Hội nghị Ban chấp hành trung ương tháng 10 năm 1930 đã không vạch rõ mâu thuẫn chủ yếu của xã hôi Việt nam thuộc địa là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam bị nô dịch với đế quốc thực dân Pháp xâm lược và tay sai của chúng, do đó không nhấn mạnh nhiệm vụ giải phóng dân tộc.
    Từ nhận thức hạn chế như vậy, Ban chấp hành trung ương đã phê phán gay gắt quan điểm dung đắn trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Hội nghị hợp nhất Đảng thông qua tháng 2 năm 1930. Đó là một quyết định không đúng. Sau này trong quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là đến Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng lần VIII ( tháng 5 năm 1941), Đảng đã khắc phục những hạn chế đó và đưa cách mạng đến thành công.
    III. Quan điểm của Đảng về tập hợp lực lượng cách mạng tại Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng VIII (tháng 5 năm 1941).
    1. Hoàn cảnh lịch sử.
    - Năm 1941, chiến tranh thế giới thứ hai lan rộng và sự tham chiến của Liên Xô làm tính chất cuộc chiến tranh thay đổi. Ở trong nước, nhân dân Việt Nam sống dưới hai tầng xiềng xích của Pháp – Nhật. Mâu thuẫn dân tộc gay gắt hơn mức nào hết.
    - Trước tình hình đó, ngày 28- 1 – 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Sau một thời gian chuẩn bị, Người triệu tập và chủ trì Hội nghị trung ương Đảng lần thứ VIII tại Pác Pó từ ngày 10 đến 19 – 5 – 1941.
    2. Nội dung chủ trương tập hợp lực lượng cách mạng của Đảng.
    Vấn đề tập hợp lực lượng cách mạng trong Hội nghị trung ương VIII có nội dung kết hợp xây dựng lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang được thể hiện như sau:
    - Căn cứ vào hoàn cảnh Đông Dương lúc đó, Hội nghị chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước ở Đông Dương, cốt làm sao để thức tỉnh tinh thần dân tộc ở Đông Dương. Trên tinh thần đó, Hội nghị quyết định thành lập ở mỗi nước một mặt trận riêng. Ở Lào thành lập mặt trận Ai Lao độc lập đồng minh, ở Campuchia thành lập mặt trận Cao Miên độc lập đồng minh. Ở Việt Nam, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng lực lượng chính trị. Ban chấp hành trung ương quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, goi tắt là Mặt trận Việt Minh thay cho Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương. Trên cơ sở sự ra đời mặt trận ở mỗi nước sẽ tiến tới thành lập mặt trận chung của ba nước là Đông Dương độc lập đồng minh. Ban chấp hành trung ương quyết định đổi tên các Hội phản đế thành các Hội cứu quốc như : Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Thiếu niên cứu quốc
    - Xây dựng lực lượng vũ trang từ thấp đến cao như các đội tự vệ cứu quốc, các tiểu tổ du kích cứu quốc, các đội du kích. Trung ương Đảng quyết định duy trì lực lượng vũ trang Bắc Sơn và chủ trương thành lập nhưng đội du kích hoạt động phân tán, dùng hình thức vũ trang vừa chiến đấu chống địch, bảo vệ nhân dân, vừa phát triển cơ sở cách mạng, tiến tới thành lập khu căn cứ, lấy vùng Bắc Sơn – Võ Nhai làm trung tâm.
    - Ban chấp hành trung ương còn tăng cường công tác xây dựng Đảng nhằm nâng cao năng lực tổ chức và lãnh đạo của Đảng, đồng thời chủ trương gấp rút đào tạo cán bộ, cán bộ lãnh đạo, cán bộ công vận, nông vận, binh vận, quân sự và đẩy mạnh công tác vận động quần chúng.
    Sau Hội nghị lần thứ VIII Ban chấp hành trung ương Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước đoàn kết thống nhất đánh đuổi Pháp – Nhật, Người nhấn mạnh: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa bỏng”.[SUP](2) [/SUP]
    3. Nhận xét về chủ trương tập hợp lực lượng cách mạng của Đảng.
    -Thực hiện Nghị quyết của Đảng và lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc, các cấp bộ Đảng và Mặt trận Việt Minh đã tích sực xây dựng các tổ chức cứu quốc của quần chúng, đẩy nhanh việc phát triển lực lượng chính trị và phong trào đấu tranh của quần chúng. Ngày 25 - 10 – 1941, Mặt trận Việt Minh tuyên bố ra đời và đã công bố 10 chính sách vừa ích nước vừa lợi dân, nên được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Từ Pác Pó, Việt Minh đã lan toả khắp nông thôn, thành thị, có hệ thống từ trung ương đến cơ sở. lực lượng chính trị quần chúng ngày càng đông đảo và được rèn luyện trong đấu tranh chống Pháp – Nhật theo khẩu hiệu Mặt trận Việt Minh.
    - Chủ trương trên đã khắc phục hạn chế của Luận cương chính trị (10 – 1930) và khẳng định chủ trương đúng đắn trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (2 – 1930), góp phần trực tiếp đưa cách mạng tháng Tám đến thành công.
    - Điểm đặc sắc trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh là xây dựng lực lượng cách mạng với khối đại đoàn kết toàn dân rộng rãi và vững chắc. Tư tưởng ấy được thể hiện trong đường lối xây dựng mặt trận Việt Minh với chủ trương đoàn kết toàn dân để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc. Hồ Chí Minh viết “Chương trình Việt Minh” là một văn kiện kèm theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương VIII trình bày kỹ mục đích, chủ trương của mặt trận Việt Minh, thể hiện đầy đủ tư tưởng đại đoàn kết toàn dân của Người và đồng thời cũng thể hiện tư tưởng của Người về bạo lực cách mạng đó là sử dụng sức mạnh đại đoàn kết của quần chúng nhân dân.
    -Sự điều chỉnh chiến lược trong Hội nghị ban chấp hành trung ương Đảng VIII (5 – 1941), trong đó có chủ trương tập hợp lực lượng cách mạng, phản ánh sự kịp thời, nhạy bén trong chỉ đạo của Đảng, đáp ứng nguyện vọng của cả dân tộc, huy động đến mức cao nhất lực lượng toàn dân tộc thực hiện nhiệm vụ số một là giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do. Đồng thời thể hiện sự trưởng thành của Đảng về nghệ thuật hoạch định đường lối chính trị.
    C. KẾT LUẬN.
    Qua những phân tích trên, có thể thấy rằng Đảng ta đã có đường lối cách mạng đúng đắn, xây dựng được khối đoàn kết dân thống nhất rộng lớn với các hình thức mặt trận và tổ chức quần chúng thích hợp tạo thành một lực lượng quần chúng vĩ đại trong chiến đấu và xây dựng. Lực lượng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng lớn mạnh, đưa dân tộc đi hết thắng lợi này đến thắng lợi khác hay nói cách khác chính nhờ công tác tập hợp lực lượng cách mạng thành công đã góp phần quan trọng quyết định sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam.



    CHÚ THÍCH:
    (1) : Những đoạn trích nội dung Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đều căn cứ theo Văn kiện Đảng toàn tập, sđd, 1998.
    (2) : Hồ Chí Minh : Toàn tập, nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.




































    DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:
    1. Giáo trình đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam, Bộ giáo dục và đaò tạo, nxb, CTQG, Hà Nội, 2009.
    2. Hội đồng biên soạn giáo trình quốc gia các môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Giáo trình lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, nxb. CTQG, Hà Nội, 2004.
    3. “Luận cương chính trị của Đảng cộng sản Đông Dương”, Văn kiện Đảng toàn tập, tâp 2, nxb. CTQG, 1998.
    4. “Trung ương Hội nghị lần thứ tám Đảng cộng sản Đông Dương”, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, nxb. CTQG, Hà Nội, 2000.
    5. http://www.tapchicongsan.org.vn.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...