Thạc Sĩ Chính sách phát triển nhà ở xã hội đối với người có thu nhập thấp ở Thành phố Hồ Chí Minh

Thảo luận trong 'Khoa Học Xã Hội' bắt đầu bởi Quy Ẩn Giang Hồ, 9/10/13.

  1. Quy Ẩn Giang Hồ

    Quy Ẩn Giang Hồ Administrator
    Thành viên BQT

    Bài viết:
    3,084
    Được thích:
    23
    Điểm thành tích:
    38
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU

    1. Tính cấp thiết của đề tài
    Nhà ở là một trong những sản phẩm chủ yếu của hoạt động xây dựng. Ở đó vừa là không gian cư trú, nơi đảm bảo môi trường sống, tái tạo sức lao động và là môi trường văn hoá, giáo dục, tổ ấm hạnh phúc của mọi gia đình, là thước đo sự phồn vinh và tiến bộ xã hội. Đối với mỗi quốc gia, nhà ở không chỉ là nguồn tài sản có giá trị mà còn thể hiện trình độ phát triển, tiềm năng kinh tế và góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn. Có nhà ở thích hợp và an toàn là nhu cầu thiết yếu, là nguyện vọng chính đáng của mỗi công dân, trong đó có các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội.
    Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều cố gắng trong việc tạo dựng nhà ở cho các đối tượng khó khăn về chỗ ở trong xã hội, những văn bản, những chính sách đã được ban hành nhằm khuyến khích các cá nhân tự tạo dựng nhà ở, các thành phần kinh tế tham gia tạo dựng nhà ở để giải quyết nhu cầu bức thiết của các đối tượng trong xã hội. Thành phố Hồ Chí Minh được coi là đơn vị luôn đi đầu trong việc cố gắng giải quyết những bức xúc về nhà ở trên địa bàn thành phố. Trong những năm qua, chính quyền thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết vấn đề nhà ở cho các đối tượng gặp khó khăn về nhà ở trong thành phố nhưng do không có chính sách hỗ trợ trực tiếp về nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, các hộ nghèo tại khu vực đô thị, trong khi đó các doanh nghiệp chỉ chú trọng phát triển các dự án nhà ở thương mại để bán cho các đối tượng có thu nhập cao và các hộ gia đình khá giả, vì vậy các đối tượng có khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị (gồm cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được hưởng lương từ ngân sách; người lao động thuộc các thành phần kinh tế ) không đủ khả năng tài chính để cải thiện chỗ ở.
    Việc thông qua Luật Nhà ở và Nghị định 90/2009/NĐ-CP ngày 6 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc ra đời những chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nhà ở cho các đối tượng khó khăn trong xã hội của thành phố. Trong đó quy định chi tiết việc thực hiện cơ chế Nhà nước hoặc các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội để cho một số đối tượng có thu nhập thấp gặp khó khăn về nhà ở thuê hoặc thuê mua. Tuy nhiên, quá trình triển khai chính sách phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 90/2006/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã nảy sinh một số những vướng mắc, trong đó nguyên nhân cơ bản là do chi phí đầu tư xây dựng các dự án nhà ở đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn và dài hạn, lãi suất cùng những chi phí phát sinh luôn đẩy giá thuê nhà lên cao khiến rất nhiều đối tượng thu nhập thấp không thể tiếp cận được quỹ nhà ở xã hội này.
    Nhằm tìm hiểu rõ hơn về hình thức nhà ở, thực trạng về chính sách nhà ở và định hướng phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2020, em chọn đề tài “Chính sách phát triển nhà ở xã hội đối với người có thu nhập thấp ở Thành phố Hồ Chí Minh” làm luận văn thạc sĩ kinh tế, chuyên ngành kinh tế chính trị.
    2. Tình hình nghiên cứu liên quan tới đề tài
    Đã có nhiều công trình, sách báo, tài liệu nghiên cứu về vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp dưới nhiều góc độ khác nhau như:
    Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Hoàng Nhân (1999) với đề tài “Vấn đề nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh, thực trạng và giải pháp”. Nghiên cứu này dựa vào việc phân tích các chương trình nhà ở đã được thành phố thực hiện trong giai đoạn 1990-2000, phân tích những thuận lợi, khó khăn, từ đó định hướng và đề xuất giải pháp phát triển nhà ở đến năm 2010.
    Nghiên cứu của tác giả Lê Chí Hiếu (2000) với đề tài “Đa dạng hóa các hình thức đầu tư nhà ở tại Thành phố Hồ Chí Minh” tác giả đã phân tích các mô hình ở Thành phố Hồ Chí Minh, so sánh với nhu cầu thực tế và yêu cầu phát triển trong 10 năm (tới năm 2010), từ đó đề ra một số phương thức đầu tư đa dạng, hiệu quả hơn trong điều kiện các nguồn lực hạn chế.
    Nghiên cứu của tác giả Lê Huy Hữu (2010) với đề tài “Thực trạng và giải pháp nhà ở người có thu nhập thấp tại Thành phố Hồ Chí Minh” tác giả nghiên cứu các chính sách, văn bản pháp lý về nhà ở cho người có thu nhập thấp. Đồng thời tác giả đã khái quát thực trạng nhà ở của người có thu nhập thấp. Từ đó, tác giả đã đề xuất giải pháp cho từng thành phần liên quan như Nhà nước, doanh nghiệp, người có thu nhập thấp,
    Hai nhà nghiên cứu TS. Hoàng Xuân Nghĩa và PGS.TS. Nguyễn Khắc Thanh đã nghiên cứu và cho xuất bản cuốn sách chuyên khảo “Nhà ở cho người có thu nhập thấp ở các đô thị lớn hiện nay – Kinh nghiệm Hà Nội” đề cập đến vấn đề thời sự nóng bỏng thu hút sự quan tâm của cả xã hội – vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp ở các đô thị lớn hiện nay. Từ đó góp phần tìm lời giải cho bài toán nhà ở cho người có thu nhập thấp ở các đô thị lớn nói chung và Hà Nội nói riêng.
    Ngoài ra, Nhóm tác giả của Viện nghiên cứu kiến trúc, Bộ Xây dựng với đề tài “Các giải pháp đồng bộ phát triển nhà ở thu nhập thấp tại các đô thị Việt Nam” đã nghiên cứu tại các đô thị lớn của Việt Nam là Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Đà Nẵng, TP. HCM qua quá trình nghiên cứu lý luận và thực tiễn đã tổng kết được một bước các cơ sở khoa học về kiến trúc và công nghệ xây dựng và giải quyết vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội hiện tại. Đề xuất các giải pháp đồng bộ từ khâu quy hoạch, sử dụng đất, các giải pháp kiến trúc, công nghệ xây dựng, các cơ chế, chính sách tài chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thiện nơi ở cho người thu nhập thấp.
    Nhìn chung, các công trình nghiên cứu đã đề cập đến những vấn đề lý thuyết về phát triển nhà ở xã hội, chỉ ra tầm quan trọng của của chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp, tình hình phát triển nhà ở thu nhập thấp tại một số địa phương nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, một số vấn đề các công trình nghiên cứu chưa đề cập đến hoặc còn hạn chế, chưa hệ thống như: khái niệm, tiêu chí đánh giá người thu nhập thấp, tiêu chuẩn thiết kế nhà thu nhập thấp, công tác kiểm tra đánh giá hiệu quả chính sách, xử lý vi phạm trong việc xét duyệt bán cho thuê nhà ở xã hội, thực trạng thực hiện chương trình chính sách nhà ở xã hội, các giải pháp phát triển bền vững nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại TP. HCM. Đó cũng chính là đối tượng, nhiệm vụ của đề tài “Chính sách phát triển nhà ở xã hội đối với người có thu nhập thấp ở Thành phố Hồ Chí Minh”.

    3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
    Mục tiêu nghiên cứu là: Trình bày khái quát những cơ sở lý luận về nhà ở xã hội và chính sách nhà ở xã hội đối với người có thu nhập thấp trong nền kinh tế thị trường. Trên cơ sở đó, phân tích và đánh giá những chính sách, quy định của Nhà nước và của Thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề đầu tư phát triển, quản lý quỹ nhà ở xã hội đối với người có thu nhập thấp. Đề xuất các giải pháp phát triển nhà ở xã hội đối với người có thu nhập thấp đến năm 2020.
    Nhiệm vụ của luận văn là:
    Thứ nhất: Trình bày cơ sở lý luận và thực tiễn về chính sách nhà ở xã hội đối với người có thu nhập thấp.
    Thứ hai: Phân tích và đánh giá thực trạng về nhà ở xã hội và chính sách nhà ở xã hội đối với người có thu nhập thấp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
    Thứ ba: Đưa ra những quan điểm, mục tiêu, định hướng và giải pháp phát triển nhà ở xã hội đối với người có thu nhập thấp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.
    4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
    Đối tượng nghiên cứu của đề tài luận văn là chính sách phát triển nhà ở xã hội và vai trò của nó đối với người có thu nhập thấp ở Thành phố Hồ Chí Minh trên bình diện chính sách vĩ mô của nhà nước về nhà ở; các chính sách và các quy định của Thành phố Hồ Chí Minh về nhà ở xã hội đối với người có thu nhập thấp.
    Phạm vi nghiên cứu về nội dung của đề tài luận văn là: Nhà ở và chính sách xã hội đối với người có thu nhập thấp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
    Phạm vi về không gian và thời gian là: Những chính sách và quy định về tạo lập, phát triển quỹ nhà ở xã hội đối với người có thu nhập thấp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2003 đến nay.
    5. Phương pháp nghiên cứu
    Phương pháp luận thực hiện đề tài nghiên cứu được sử dụng là: phương pháp duy vật biện chứng, phương pháp duy vật lịch sử, phương pháp trừu tượng hóa khoa học; trình bày các cơ sở lý thuyết về nhà ở, chính sách nhà ở và các mối quan hệ trong việc thực thi chính sách nhà ở đối với người có thu nhập thấp trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
    Phương pháp định lượng: Phương pháp thống kê mô tả, phương pháp phân tích và tổng hợp, phương pháp chuyên gia ; thu thập và tổng hợp lại các số liệu kinh tế để giải quyết mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn đã và đang đặt ra đối với việc thực thi chính sách nhà ở đối với người có thu nhập thấp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Các số liệu được sử dụng đều là những số liệu được thu thập, công bố bởi các cơ quan Nhà nước, các sở, ban ngành trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, trên các tạp chí, các trang website chuyên ngành.
    6. Bố cục của luận văn
    Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo. Nội dung của luận văn kết cấu gồm 3 chương:
    Chương 1: Cơ sở lý luận về nhà ở và chính sách nhà ở xã hội
    Chương 2: Thực trạng phát triển nhà ở xã hội đối với người có thu nhập thấp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
    Chương 3: Giải pháp phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp ở Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...