Thạc Sĩ Chế độ Tổng thống hợp chủng quốc Hoa Kỳ - sự hình thành và phát triển

Thảo luận trong 'Chưa Phân Loại' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Tính cấp thiết của đề tài


    Hoa Kỳ tuy là quốc gia trẻ so với nhiều quốc gia có bề dày lịch sử như Anh, Pháp, Đức, Ý, Trung Quốc . nhưng Hoa Kỳ đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nước, nhiều nhà khoa học muốn nghiên cứu quốc gia này: "Mỹ là nước lớn, giàu và mạnh hàng đầu thế giới, có trình độ phát triển rất cao về nhiều mặt, đã dính mũi vào nhiều nước, gây ra nhiều cuộc chiến tranh và cũng có vai trò to lớn trong việc giải quyết nhiều vấn đề quốc tế" [34, tr. 50]. Hay như tác giả cuốn "Văn minh Hoa Kỳ", Jean-Pierre Fichou viết: "Trong vòng ba thế kỷ, đất nước này đã được gán vai trò là một mô hình mẫu hoặc là vật đối chứng cho toàn cầu, nó đã sáng tạo ra một chế độ độc đáo bằng cách dựng nên một quan niệm khác về cuộc sống" [32, tr. 3]. Hoa Kỳ đặc biệt vì là một trong những nước giàu hàng đầu thế giới, tổng thu nhập GDP của Hoa Kỳ bằng cả của Nhật Bản và Tây Âu cộng lại. Đặc biệt, vì Hoa Kỳ là nước tư bản phát triển nhất, kinh tế Hoa Kỳ được coi là đầu tàu của kinh tế thế giới. Khi nghiên cứu về mô hình nhà nước Cộng hòa Tổng thống, chúng ta không thể không tìm hiểu chế độ Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Tại sao vậy? Vì chế độ Tổng thống Hoa Kỳ là mô hình xuất hiện đầu tiên của chính thể cộng hòa Tổng thống, là "nơi đầu tiên dạng cầm quyền này được thiết lập" [50, tr. 106], là "hình thức chính thể cộng hòa Tổng thống lần đầu tiên trong lịch sử được thiết lập ở Mỹ vào cuối thế kỷ 18" [2, tr. 44] đồng thời là mô hình đặc trưng, tiêu biểu của chính thể cộng hòa Tổng thống. Chế độ Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ cũng là mô hình áp dụng điển hình nhất học thuyết phân quyền trong tổ chức quyền lực nhà nước, hay như PGS.TS Nguyễn Đăng Dung nhận xét tại Giáo trình luật hiến pháp các nước tư bản: "Loại hình này được áp dụng một cách tương đối phổ biến ở các nước tư bản châu Mỹ, mà khuôn mẫu của nó là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ" [9, tr. 131]. Vì những lý do trên tác giả đã chọn "Chế độ Tổng thống hợp chúng quốc Hoa Kỳ - sự hình thành và phát triển" làm đề tài nghiên cứu.

    Trong tình hình hiện nay, Việt Nam đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chúng ta đang rất cần kinh nghiệm, cần lý luận về xây dựng nhà nước pháp quyền của các nước trên thế giới. Chúng ta không phải học tập để sao chép máy móc mà học tập với tinh thần cầu thị, học tập để chúng ta tìm ra và vận dụng những ưu điểm như tác giả Thái Vĩnh Thắng viết trong Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, đó là những "hạt nhân hợp lý trong tổ chức và hoạt động của chính phủ tư sản" [51, tr. 26] vào hoàn cảnh Việt Nam, để xây dựng một Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân do dân và vì dân. Khi nghiên cứu Chế độ Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tác giả mong muốn làm phong phú thêm kiến thức lý luận về nhà nước và pháp luật đồng thời cố gắng tìm những điểm hợp lý và chưa hợp lý của mô hình này để có thể vận dụng một phần nào đó vào Việt Nam: "Chúng ta có thể học hỏi được gì từ quá trình soạn thảo Hiến pháp Mỹ trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền; xây dựng một chính quyền mạnh và có hiệu quả" [21, tr. 9].
    Riêng với Hoa Kỳ, Đảng và Nhà nước đã thực hiện chính sách: "Việt Nam mở rộng giao lưu và hợp tác với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị và xã hội, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi" (Điều 14 Hiến pháp 1992), vì vậy Việt Nam và Hoa Kỳ đã bình thường hóa quan hệ và ký Hiệp ước thương mại Việt - Mỹ. Việc tìm hiểu bộ máy nhà nước Hoa Kỳ cũng như pháp luật Hoa Kỳ là công việc rất cần thiết để bảo vệ lợi ích của quốc gia vì khi chúng ta giao lưu với đối tác nào, với quốc gia nào, chúng ta phải biết người biết ta "tri bỉ tri kỷ, bách phát bách trúng". Ngoài ra, khi chúng ta nghiên cứu những định chế nhà nước Hoa Kỳ là chúng ta đã tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và qua đó, thúc đẩy quan hệ Việt Nam Hoa Kỳ càng tiến triển theo hướng có lợi cho hai nước, cũng như cho khu vực và quốc tế.

    2. Tình hình nghiên cứu
    Trước đây do Mỹ và Việt Nam ở hai bên trận tuyến của cuộc chiến tranh kéo dài hai mươi năm, tiếp theo là chính sách bao vây cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam, nên việc tìm hiểu nghiên cứu về chế độ Tổng thống Hoa Kỳ không được giới nghiên cứu luật học Việt Nam quan tâm nhiều. Sau khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ thì việc tìm hiểu nghiên cứu về nhà nước Mỹ được quan tâm nhiều hơn. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia đã xuất bản một số sách về nhà nước Mỹ do các tác giả Việt Nam dịch như Khái quát về chính quyền Mỹ của TS. Trần Thị Thái Hà và đồng sự dịch năm 1999; Khái quát về lịch sử nước Mỹ, Nguyễn Chiến và đồng sự dịch năm 2000; Lịch sử mới của nước Mỹ, Diệu Hương và đồng sự dịch năm 2003; Quốc hội và các thành viên, Trần Xuân Danh và đồng sự dịch năm 2002 . Nhà xuất bản Văn hóa thông tin xuất bản cuốn Lịch sử nước Mỹ do Lê Minh Đức và đồng sự dịch năm 1994; cuốn Bốn hai đời Tổng thống Hoa Kỳ do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam dịch năm 1998. Các học giả Việt Nam cũng công bố một số công trình nghiên cứu về chính trị và chính quyền Mỹ như Hệ thống chính trị Mỹ do TS. Vũ Đăng Hinh chủ biên; Hoa Kỳ tiến trình văn hóa chính trị do PGS.TS Đỗ Lộc Diệp chủ biên; Thể chế chính trị thế giới đương đại do PGS.TS Dương Xuân Ngọc chủ biên. Luật hiến pháp đối chiếu của PGS.TS Nguyễn Đăng Dung. Một số luận án, luận văn viết về chế độ Tổng thống Hoa Kỳ như Luận văn thạc sĩ luật học "Hệ thống kiềm chế đối trọng trong hiến pháp Mỹ" năm 1998 của tác giả Nguyễn Thị Hiền. Cũng trong năm 1998 sinh viên Hoàng Trung nghĩa làm luận văn tốt nghiệp chuyên ngành Quốc tế học với đề tài "Chế độ Tổng thống Hoa Kỳ". Năm 2001 sinh viên Trương Thị Thùy Dung, khoa Luật trường Đại học Quốc gia Hà Nội làm luận văn tốt nghiệp chuyên ngành luật với đề tài "Chế độ Tổng thống Hoa Kỳ". Ngoài ra, có một số bài viết liên quan đến chế độ Tổng thống Mỹ như "Vai trò của Tổng thống trong quá trình hoạch định chính sách đối Mỹ" của tác giả Lê Linh Lan trong tạp chí Nghiên cứu quốc tế, tháng 12/2002; bài "Hệ thống cơ quan tư pháp của nhà nước tư sản" của tác giả Thái Vĩnh Thắng trong Tạp chí Luật học, số 3, số 5 năm 1996. Các tác phẩm, các công trình khoa học và các bài viết trên đã nghiên cứu một cách khái quát và tương đối toàn diện về nhà nước Mỹ trên các mặt chính trị, văn hóa, lịch sử, thể chế nhà nước, tuy nhiên nghiên cứu sâu và đi riêng về chế độ Tổng thống Hoa Kỳ quá trình hình thành và phát triển thì chưa có. Hai bản luận văn về chế độ Tổng thống Hoa Kỳ mới chỉ dừng lại ở mức độ nhất định trình bày về đặc điểm của chế độ Tổng thống Hoa Kỳ, chưa đi sâu phân tích quá trình hình thành, đặc điểm và sự phát triển của chế độ Tổng thống Hoa Kỳ, chưa lý giải tại sao Mỹ lại chọn chế độ Tổng thống khi xây dựng mô hình chính quyền. Từ tình hình và lý do trên tác giả luận án mạnh dạn tiếp thu kế thừa các kết quả nghiên cứu trên và đi sâu vào tìm hiểu nghiên cứu quá trình hình thành, những đặc điểm nổi bật và sự phát triển của chế độ Tổng thống Hoa Kỳ.
    Mục đích của luận văn
    - Trình bày quá trình hình thành và phân tích các đặc điểm chế độ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Xem xét quá trình phát triển của chế độ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ thông qua ba ngành quyền lực: lập pháp, hành pháp, tư pháp.
    - Từ những nghiên cứu trên, rút ra một số khuyến nghị với mong muốn đóng góp chút ít vào kiến thức về nhà nước Mỹ để có thể vận dụng vào hoàn cảnh Việt Nam.
    Phương pháp nghiên cứu
    Luận văn dựa trên phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, dựa trên các học thuyết chính trị pháp lý về nhà nước và pháp luật. Ngoài ra, luận văn còn dùng các phương pháp chứng minh, thống kê, so sánh, phân tích, tổng hợp, diễn giải, quy nạp, quan sát để tiến hành xem xét đánh giá các tài liệu, sự kiện.
    Đối tượng nghiên cứu
    Đối tượng nghiên cứu của luận án là chế độ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ trên cơ sở lịch sử phát triển và trên cơ sở Hiến pháp Mỹ.
    Phạm vi nghiên cứu của đề tài là chính thể cộng hòa Tổng thống Mỹ mà chủ yếu hệ thống cơ quan quyền lực ở trung ương theo chiều ngang.
    Kết cấu của luận văn
    Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương:


    Chương 1: Sự hình thành chế độ Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
    Chương 2: Đặc điểm của chế độ Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
    Chương 3: Sự phát triển của chế độ Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ
     
Đang tải...