Thạc Sĩ Cấu trúc và chức năng của tiểu đối trong Truyện Kiều

Thảo luận trong 'Ngôn Ngữ Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu

    MỞ ĐẦU



    I. Lí do chọn đề tài


    Tác phẩm văn chương là một chỉnh thể thống nhất của hai mặt nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Đứng trên bình diện của người nghiên cứu khoa học thì những thủ pháp nghệ thuật sử dụng trong tác phẩm là điều đáng được quan tâm hơn cả. Tiểu đối, cùng với bình đối, nằm trong hệ thống các phép đối vốn được quen dùng trong thơ ca cổ điển. Trong đó, nhờ tính chất đặc thù về kết cấu nên tiểu đối có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc truyền tải ý đồ xây dựng hình tượng nghệ thuật của tác phẩm. Tuy nhiên, từ trước đến nay, việc nghiên cứu về tiểu đối vẫn chỉ dừng lại ở những bài viết nhỏ hoặc những ý kiến tản mạn trong một số công trình nghiên cứu, phê bình văn chương. Đó là lí do khiến chúng tôi chọn và tiến hành nghiên cứu đề tài: “Cấu trúc và chức năng của tiểu đối trong Truyện Kiều” nhằm có được một cái nhìn đầy đủ, rõ nét hơn về thủ pháp nghệ thuật khá thú vị này.
    Thơ lục bát đã trở thành khuôn mẫu trong nền thơ ca Việt Nam nhưng chỉ đến Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, nó mới đạt đến đỉnh cao của ngôn ngữ thành văn, vừa ổn định, thống nhất vừa mẫu mực, tài hoa. Với những giá trị to lớn đích thực không thể phủ nhận được của mình, Truyện Kiều luôn được các nhà biên soạn Sách giáo khoa Văn học các cấp (THCS và THPT) lưu tâm đưa vào trong chương trình giảng dạy. Song thực tế giảng dạy tác phẩm này trong nhà trường cho thấy, việc hướng dẫn để học sinh thấy rõ giá trị của biện pháp tiểu đối trong các trích đoạn Truyện Kiều còn nhiều khó khăn đối với giáo viên. Bởi lẽ, những tư liệu về biện pháp nghệ thuật này trong các sách tham khảo ở trường học còn hiếm hoi. Điều đó khiến cho việc lĩnh hội những giá trị nghệ thuật của tác phẩm bị hạn chế, khiếm khuyết. Xuất phát từ thực tế đó, chúng tôi hi vọng qua đề tài của mình, cung cấp thêm tư liệu và những kiến thức nhất định về tiểu đối, giúp cho việc giảng dạy Truyện Kiều trong nhà trường phổ thông thêm sinh động, hấp dẫn và đạt hiệu quả cao nhất.


    II. Lịch sử vấn đề

    Đối (cũng gọi là đối ngẫu) là một đặc trưng nổi bật của thơ ca nói chung và thơ ca tiếng Việt nói riêng. Chính bởi vai trò này nên biện pháp đối ngẫu luôn là đối tượng được đặc biệt chú ý khi đi vào nghiên cứu thi pháp thơ. Cách nay hơn một thế kỉ, ở phương Tây, Gearad Menly Hopkin đã nói: “Có thể chúng ta có quyền nói rằng toàn bộ kỹ thuật của thơ ca đều quy về nguyên tắc đối ngẫu (song hành - parallelism). Cấu trúc của thơ là một phép đối thường xuyên, bắt đầu từ các cặp đối gọi là hình thức của thơ ca cổ điển và âm nhạc nhà thờ như hát đối, hát đuổi và kết thúc tuyệt vời với những câu thơ Hy Lạp cổ, thơ Ý, thơ Anh. Còn A. Vexelopxki hiểu đối ngẫu trong quan hệ chủ - khách quan. Ông gọi đó là “song hành tâm lý”, do vậy đối ngẫu gắn với ẩn dụ, so sánh - những đặc trưng của ngôn ngữ thơ ca. Ở Trung Quốc, Lưu Hiệp cho rằng thực chất của đối là sự thể hiện cái quy luật thực tại của thế giới khách quan. Cũng trong thiên Lệ từ, Lưu Hiệp đã nói tới bản chất của bốn hình thức cân đối về từ như sau: “một, đối lời thì dễ; hai, đối việc thì khó; ba, đối ngược thì hay; tư, đối thẳng thì kém”. {1, tr.220}. Các ý kiến nêu trên đã đưa ra cách nhìn nhận, đánh giá hoàn toàn xác đáng về phép đối nhưng chưa đề cập đến hiện tượng tiểu đối trong thơ.
    Ở Việt Nam, lịch sử nghiên cứu về đối và tiểu đối trong thơ ca đã được bắt đầu từ khá sớm, cùng với việc nghiên cứu nhiều thủ pháp nghệ thuật khác. Việc nghiên cứu đó đã dẫn đến một vài kết luận lý thú: Nguyễn Phan Cảnh nhận thấy “hiện tượng tiểu đối về mặt cấu trúc tạo điều kiện vật chất giúp loại trừ hiện tượng từ kí sinh ở vần lưng âm tiết sáu câu bát”. {4, tr.209}. Trần Đình Sử thì khẳng định: “đối ngẫu đã góp phần làm cho nghệ thuật tự sự sắc nét, hài hoà, giàu nhạc tính, vừa tạo thành chất thơ đậm đà cho tác phẩm, vừa làm nên vẻ đẹp trau chuốt tương xứng cho lời văn”. {24, tr.275}. Phan Ngọc thì xem đối là “một bước chuyển của nghệ thuật đi từ tiếng nói mộc mạc sang lĩnh vực của cái đẹp có ý thức”. {19, tr.65} và “hình thức đối xứng làm cho nhịp thơ chậm lại, trang trọng, đem lại cái đẹp của sự cân đối, nhịp nhàng”.

    {19, tr.268} . Nhìn chung, các ý kiến đánh giá đều khẳng định giá trị nghệ thuật của tiểu đối trong thơ ca Việt Nam nói chung và trong thơ lục bát nói riêng. Đó là: cấu trúc tiểu đối làm cho câu thơ tránh được tính nôm na, tẻ nhạt của ca dao, giúp cho dòng thơ trở nên súc tích, bớt rời rạc, góp phần nâng cao tính thẩm mỹ, tính nghệ thuật cho tác phẩm.
    Truyện Kiều của Nguyễn Du là một tác phẩm dưới dạng ngôn từ thi ca. Nghệ thuật của cuốn “tiểu thuyết thơ” này đã thu hút không ít sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học ở nhiều góc độ khác nhau, có thể theo nội dung tư tưởng hoặc theo hình thức ngôn ngữ tác phẩm. Việc nghiên cứu, tìm hiểu thi pháp, cụ thể là tìm hiểu phong cách nghệ thuật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều đã trải qua nhiều chặng đường khác nhau. Ngay ở giai đoạn đầu của tiến trình nghiên cứu ấy, nhiều nhà nghiên cứu đã vận dụng việc nghiên cứu biện pháp tiểu đối vào việc nghiên cứu Truyện Kiều. Có thể kể đến một số công trình, bài viết về tiểu đối trong Truyện Kiều như sau:
    Cao Thuý Ái Bích (1982), Vài nhận xét về cách ngắt nhịp không bình

    thường trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, Tạp chí Ngôn ngữ, số 1, tr 60 - 64.

    Nguyễn Phan Cảnh (1969), Truyện Kiều và hiện tượng từ kí sinh ở vần lưng của thể lục bát, Thông báo khoa học, Ngôn ngữ học.
    Phan Ngọc (1985), Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện

    Kiều, Nxb KHXH.

    Trần Đình Sử (2002), Thi pháp Truyện Kiều, Nxb Giáo dục.

    Đào Thản (1998), Từ ngôn ngữ chung đến ngôn ngữ nghệ thuật, Nxb

    KHXH.

    Hầu hết các nhà nghiên cứu trên đều thống nhất nhau ở quan điểm: “Đối ngẫu trong Truyện Kiều là một hiện tượng đặc biệt, bởi trong truyện Nôm khuyết danh, dân gian không thấy có hình thức tiểu đối” {24, tr.268} và “Tiểu đối chính là một nguyên nhân quan trọng đã đưa đến nhiều hậu quả cho
    việc phá nhịp và phá khuôn thanh điệu” {19, tr.272}. Tuy nhiên, ngoài cuốn sách của Phan Ngọc ra thì việc nghiên cứu của hầu hết các tác giả khác mới chỉ dừng lại ở sự đánh giá chung về vai trò của tiểu đối trong Truyện Kiều. Việc khái quát trong dòng thơ Truyện Kiều có bao nhiêu kiểu cấu trúc tiểu đối vẫn chưa được các nhà nghiên cứu khoa học thống nhất. Ngoài ra, vấn đề chức năng của các kiểu cấu trúc tiểu đối trong Truyện Kiều vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Luận văn này của chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu sâu sắc, kĩ lưỡng hơn về tiểu đối với mong muốn đưa ra được một cái nhìn tổng quát về hiện tượng này ở hai phương diện: cấu trúc và chức năng của tiểu đối trong dòng thơ Truyện Kiều.
    III. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

    1. Mục đích nghiên cứu

    - Trước hết, đề tài tập trung nghiên cứu về hiện tượng tiểu đối trong Truyện Kiều ở khía cạnh hình thức cấu tạo, cụ thể là xác định xem trong Truyện Kiều có bao nhiêu kiểu cấu trúc tiểu đối. Tiếp đó, đề tài sẽ đi vào phân tích vai trò chức năng của các kiểu cấu trúc tiểu đối trong dòng thơ Truyện Kiều.
    - Các kết quả thu được thông qua việc phân tích kĩ lưỡng hình thức cấu tạo và chức năng của tiểu đối trong Truyện Kiều sẽ là căn cứ để khẳng định giá trị của tiểu đối trong tác phẩm lớn này. Từ đó, tiếp tục khẳng định tài năng sáng tạo nghệ thuật cũng như phong cách nghệ thuật của Nguyễn Du thể hiện trong tác phẩm.
    2. Nhiệm vụ nghiên cứu

    - Trước hết, chúng tôi đọc những tư liệu đã thu thập được về đối nói chung và tiểu đối nói riêng để từ đó xây dựng được cơ sở lí luận về tiểu đối.
    - Tiếp đó, chúng tôi tiến hành thống kê và khảo sát các kiểu cấu trúc

    tiểu đối có trong Truyện Kiều.


    - Sau khi đã có một nền tảng lí luận về tiểu đối, cùng với số liệu đầy đủ về các kiểu cấu trúc tiểu đối trong Truyện Kiều, chúng tôi sẽ đi vào phân tích các kiểu cấu trúc tiểu đối ấy để tìm ra chức năng và giá trị nghệ thuật của tiểu đối trong Truyện Kiều.
    IV. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

    1. Đối tượng nghiên cứu

    Đề tài chọn tiểu đối trong Truyện Kiều làm đối tượng nghiên cứu. Về hiện tượng tiểu đối trong dòng thơ lục bát, có thể nghiên cứu ở hai khía cạnh khác nhau. Cụ thể:
    1. Tiểu đối trong mối tương quan với bình đối. Trong trường hợp này,

    tiểu đối phải chiếm trọn vẹn một dòng thơ. Ví dụ:

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên

    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (2211 - 2212)

    2. Cấu trúc tiểu đối tham gia vào việc xây dựng dòng thơ. Trong trường hợp này, tiểu đối gồm hai loại nhỏ là:
    2.1. Cấu trúc tiểu đối chiếm trọn vẹn một dòng thơ lục, bát. Ví dụ:

    Người quốc sắc/ kẻ thiên tài (163)

    Đưa người cửa trước/ rước người cửa sau (946)

    2.2. Cấu trúc tiểu đối tham gia vào dòng thơ với tư cách là một bộ phận. Loại này bao gồm:
    2.2.1. Cấu trúc tiểu đối có ở đa phần số tiếng trong dòng thơ. Loại này

    lại gồm hai trường hợp là:

    a. Cấu trúc tiểu đối có ở hơn 50% số tiếng trong dòng thơ, ví dụ:

    Hoa cười/ ngọc thốt// đoan trang (21)

    Lời tan hợp/ chuyện xa gần// thiếu đâu (3028)

    Với trường hợp này, cấu trúc tiểu đối chiếm 2/3 (4 tiếng trong câu lục) hay 3/4 (6 tiếng trong câu bát) số tiếng trong dòng thơ. Phần còn lại, nhỏ hơn, là thành phần phụ nằm ngoài cấu trúc tiểu đối.


    b. Cấu trúc tiểu đối có ở 50% số tiếng trong dòng thơ, ví dụ: Miệng hùm/ nọc rắn// ở đâu chốn này (2016) Thì đà// trâm gãy/ bình rơi// bao giờ (70)
    Các ví dụ trên cho thấy, cấu trúc tiểu đối nằm trong 4 âm tiết, tương đương với số tiếng của thành phần không phải tiểu đối. Loại này chỉ có trong dòng bát.
    2.2.2. Cấu trúc tiểu đối có ở phần nhỏ số tiếng trong dòng thơ (dưới

    50% số tiếng trong dòng thơ) Ví dụ:

    Cũng đà vừa vốn/ còn sau thì lời (830) Thì còn em đó/ lọ cầu chị đây (3160)
    Hai dòng thơ trên cùng có các từ đối nhau về nghĩa và về âm nằm ở âm tiết cuối mỗi vế: vốn / lời; em/ chị. Tuy thế, do chiếm một số lượng quá nhỏ (2 tiếng đối nhau trên tổng số 8 tiếng của dòng thơ) nên ấn tượng đối ở đây không rõ nét.
    2. Phạm vi nghiên cứu

    Đứng ở góc độ nghiên cứu ngôn ngữ học, chúng tôi nhìn nhận tiểu đối như là một thành tố, một đơn vị ngôn ngữ tham gia vào việc xây dựng dòng thơ. Vì lẽ đó, luận văn quan tâm và đi vào nghiên cứu khía cạnh thứ hai, bao gồm cả hai loại cấu trúc tiểu đối trong dòng thơ lục bát. Riêng trường hợp cấu trúc tiểu đối chiếm ít hơn 50% số tiếng trong dòng thơ (trường hợp 2.2.2) thì do số lượng ít, ấn tượng về đối không rõ rệt, giá trị nghệ thuật trong việc thể hiện nội dung dòng thơ không cao nên chúng tôi tạm để ra ngoài phạm vi đề tài. Đồng thời, luận văn cũng tập trung phân tích nhằm làm rõ chức năng của các loại cấu trúc tiểu đối nói trên. Tuy nhiên, lục bát là thể thơ cách luật, giữa câu lục và câu bát có sự gắn bó mật thiết bởi lối gieo vần, tạo thành một chỉnh thể thống nhất trong toàn văn bản. Cho nên ở những trường hợp cụ thể, nếu thấy cần, chúng tôi sẽ nghiên cứu cả hiện tượng tiểu đối trong cặp câu lục bát.


    3. Phạm vi tư liệu

    Về văn bản Truyện Kiều (chữ quốc ngữ) hiện có rất nhiều bản in khác nhau, trong số đó tạm thời khó có thể khẳng định được đâu là bản chính xác nhất. Chúng tôi lấy văn bản “Truyện Kiều” do Đào Duy Anh khảo đính, chú giải, NXB Văn học, Hà Nội, 1997 - một văn bản được nhiều nhà nghiên cứu, phê bình thừa nhận là có độ tin cậy cao - làm nguồn tư liệu chính trong luận văn. V. Phương pháp nghiên cứu
    Đề tài đi vào nghiên cứu về mặt thủ pháp nghệ thuật ngôn ngữ trong

    một tác phẩm văn học, cụ thể là tác phẩm thơ. Để đáp ứng được mục đích mà

    đề tài đặt ra, luận văn sử dụng các thao tác chính như sau:

    1. Phương pháp thống kê, phân loại

    - Chúng tôi tiến hành khảo sát toàn bộ tác phẩm Truyện Kiều và ghi lại tất cả các trường hợp dòng thơ có cấu trúc tiểu đối trong đó.
    - Sau khi đã có được đầy đủ các dòng thơ có cấu trúc tiểu đối trong tác phẩm, chúng tôi tiếp tục phân loại chúng để chỉ ra số lượng, tần số xuất hiện của từng kiểu cấu trúc tiểu đối trong Truyện Kiều.
    2. Phương pháp miêu tả, so sánh đối chiếu

    - Trên cơ sở thống kê, phân loại, chúng tôi đi vào miêu tả cụ thể đặc

    điểm của từng loại cấu trúc tiểu đối về ba mặt: ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp.

    - Tiếp đó, chúng tôi so sánh đối chiếu các kiểu cấu trúc tiểu đối có trong câu lục và các kiểu cấu trúc tiểu đối có trong câu bát.
    3. Phương pháp phân tích tổng hợp

    - Việc phân tích, tìm hiểu các loại cấu trúc tiểu đối sẽ được thực hiện qua từng bước, cụ thể là phân tích ngữ nghĩa rồi đến ngữ cảnh để qua đó tìm ra đặc điểm cấu trúc và chức năng của từng kiểu cấu trúc tiểu đối.
    - Căn cứ vào kết quả của sự phân tích trên, chúng tôi sẽ tổng hợp lại để từ đó đưa ra nhận xét về giá trị chung của biện pháp tiểu đối trong Truyện Kiều.


    VI. Ý nghĩa của đề tài

    1. Ý nghĩa về mặt lí luận

    Kể từ khi ra đời (khoảng đầu thế kỷ XIX) đến nay, trải qua mấy trăm năm đầy biến động của lịch sử nước nhà, Truyện Kiều vẫn không ngừng được giới khoa học quan tâm nghiên cứu. Thật khó để có thể thống kê đầy đủ những công trình, bài báo viết về thi phẩm này. Tuy thế, hầu hết các trang viết về Truyện Kiều trước đây lại chủ yếu từ góc độ của phương pháp phân tích văn học. Với việc nghiên cứu về đặc điểm cấu trúc và chức năng của tiểu đối trong Truyện Kiều theo quan điểm của ngôn ngữ học, chúng tôi hi vọng sẽ có một vài đóng góp hữu ích như sau:
    - Khái quát lại các quan điểm đã có, đồng thời bổ sung thêm những hiểu biết về hiện tượng đối và tiểu đối trong thơ tiếng Việt, đặc biệt là ở thể lục bát.
    - Cung cấp thêm tư liệu về hiện tượng tiểu đối trong thơ tiếng Việt nói chung và trong Truyện Kiều nói riêng.
    2. Ý nghĩa về mặt thực tiễn

    - Với những gì sẽ trình bày, chúng tôi hi vọng rằng đề tài sẽ là một ví dụ minh họa sinh động cho việc vận dụng những kiến thức về ngôn ngữ trong việc giảng dạy văn học, nhất là việc dạy Truyện Kiều trong nhà trường.
    - Từ ý nghĩa trên, đề tài sẽ gián tiếp giúp cho việc truyền đạt kiến thức văn học cũng như kiến thức ngôn ngữ tiếng Việt đạt hiệu quả cao nhất.
    VII. Bố cục luận văn

    Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Phụ lục và Thư mục tham khảo, luận văn được triển khai qua ba chương nội dung:
    Chương 1: Cơ sở lý luận

    Chương 2: Cấu trúc của tiểu đối trong Truyện Kiều

    Chương 3: Chức năng của tiểu đối trong Truyện Kiều


    Nguyễn Thu Nguyệt


    MỤC LỤC




    Trang

    MỞ ĐẦU . 1


    I. Lí do chọn đề tài . 1

    II. Lịch sử vấn đề 2

    III. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 4

    IV. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu . 5

    V. Phương pháp nghiên cứu . 7

    VI. Ý nghĩa của đề tài . 8

    VII. Bố cục luận văn . 8

    NỘI DUNG . 9

    CHưƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN 9

    1.1. Vấn đề vần và nhịp 9

    1.1.1. Vần và nhịp trong thơ tiếng Việt . 9

    1.1.2. Vần và nhịp trong thơ Lục bát 12

    1.2. Vấn đề đối và tiểu đối 16

    1.2.1. Đối và tiểu đối trong thơ tiếng Việt . 16

    1.2.2. Đối và tiểu đối trong thơ lục bát 22

    Tiểu kết 26

    CHưƠNG 2: CẤU TRÖC CỦA TIỂU ĐỐI TRONG TRUYỆN KIỀU . 29

    2.1. Cấu trúc tiểu đối chiếm toàn bộ số lượng âm tiết trong dòng thơ . 29

    2.1.1. Loại 1: Cấu trúc đối xứng . 30

    2.1.2. Loại 2: Cấu trúc đối cân 32

    2.1.3. Cấu trúc tiểu đối liền kề nhau trong cặp câu lục bát 39

    2.2. Cấu trúc tiểu đối có ở đa phần số tiếng trong dòng thơ 41

    2.2.1. Loại 1: Cấu trúc tiểu đối có ở hơn 50% số tiếng trong dòng thơ . 41

    2.2.2. Loại 2: Cấu trúc tiểu đối có ở 50% số tiếng trong dòng thơ 50

    Tiểu kết 59

    CHưƠNG 3: CHỨC NĂNG CỦA TIỂU ĐỐI TRONG TRUYỆN KIỀU 61

    3.1. Chức năng tạo nhạc tính 61

    3.2. Chức năng tạo dựng hình tượng . 64

    3.2.1. Cấu trúc tiểu đối dùng để miêu tả hình tượng thiên nhiên một

    cách súc tích và gợi cảm . 64

    3.2.2. Cấu trúc tiểu đối giúp hình tượng nhân vật được miêu tả trở

    nên sinh động, rõ nét hơn . 66

    3.3. Cấu trúc tiểu đối giúp bộc lộ thái độ tác giả một cách kín đáo, tế nhị . 71

    Tiểu kết 75

    KẾT LUẬN . 77

    TÀI LIỆU THAM KHẢO 81

    PHỤ LỤC . 83
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...