Thạc Sĩ Cấu trúc, ngữ nghĩa, ngữ dụng của phép nối trong tiếng Việt (so sánh với tiếng Anh)

Thảo luận trong 'Ngôn Ngữ Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    TÊN ĐỀ TÀI : Thạc Sỹ Cấu trúc, ngữ nghĩa, ngữ dụng của phép nối trong tiếng Việt (so sánh với tiếng Anh)

    PHẦN MỞ ĐẦU

    1. Lý do chọn đề tài


    So với các phân môn khác, ngữ pháp văn bản là một trong những phân môn
    xuất hiện khá muộn và có lịch sử chưa dày.
    Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa của phép liên kết nói chung, phép nối nói riêng,
    chúng tôi thiết nghĩ đây là một trong những vấn đề đáng quan tâm. Thật sự, phép
    nối đóng vai trò là thành tố tạo tính mạch lạc cho văn bản, là một trong những
    yếu tố trọng yếu của vấn đề tạo lập và tiếp nhận văn bản.
    Thế nhưng, thực tế là, nhiều nhà Việt ngữ học xem xét phép nối thông qua
    phát ngôn, mà chưa xem xét nó thông quan khái niệm cú (clause). Chúng tôi,
    đứng trên quan điểm “cú”, sẽ phân tích những đặc điểm về cấu trúc, ngữ nghĩa,
    ngữ dụng của phép nối tiếng Việt.
    Đặc biệt, trong khi tiếp xúc với tiếng Anh, người viết thấy có những điểm
    tương đồng và khác biệt giữa phép nối của ngôn ngữ này với tiếng Việt; do đó,
    người viết tiến hành so sánh phép nối giữa hai ngôn ngữ. Chính những sự tương
    đồng phản ánh sự qui luật chung về tư duy, diễn đạt ý tưởng chung của nhân
    loại; còn sự dị biệt lại phản ánh sự khác biệt về loại hình ngôn ngữ cũng như sự
    nghiêng về mặt hình thức ngữ pháp – tiếng Anh hay ngữ nghĩa – tiếng Việt của
    hai ngôn ngữ.
    Đồng thời, việc nghiên cứu đề tài này cũng phục vụ trực tiếp cho việc giảng
    dạy phân môn Ngữ pháp văn bản, Tiếng Việt thực hành cũng như việc rèn luyện
    ngoại ngữ của người viết.

    2. Lịch sử vấn đề

    2.1. Ngoài nước


    Năm 1976, nhà xuất bản Lodon và Nework đã cho ra đời quyển “Cohesion
    in English” –Phép Liên kết trong tiếng Anh của M.A.K Halliday và Ruqaiya
    Hassan [108]. Đây có thể xem là công trình đầu tiên đánh dấu lịch sử nghiên cứu
    về phép nối. Trong quyển sách, hai tác giả đã trình bày khá kỹ về các phép liên
    kết: Quy chiếu (Reference), Phép thế (Substitution), Phép tỉnh lược (Ellipsis),
    Phép liên kết từ vựng (Lexical cohesion) và trong đó có Phép nối (Conjunction).
    Về phép nối, Halliday và Hassan nhấn mạnh rằng sự nối kết phải dựa trên mối
    quan hệ ngữ nghĩa của chúng. Nhưng đó không phải là mối quan hệ cố định, mà
    là “cái theo sau được kết nối một cách hệ thống với cái đã đi trước”. Đây là công
    trình nghiên cứu khá kỹ và đi vào chi tiết vào phép nối nói riêng, các phép liên
    kết khác nói chung. Sau đi đưa ra khái niệm về phép nối, Halliday và Hassan đã
    phân phép nối thành 4 loại chính theo quan hệ ngữ nghĩa của chúng: i.Bổ sung
    (Additive), ii.Đối lập (Adversative), iii.Nhân quả (Causal) và iv.Quan hệ thời
    gian. Đồng thời, tác giả cũng thống kê một số liên từ biểu hiện những quan hệ
    ngữ nghĩa trong phép nối, và phân tích một số liên từ tiêu biểu. Nhìn chung,
    đóng góp lớn của công trình là về lí thuyết văn bản nói chung, phép nối nói riêng
    cũng như những quan hệ ngữ nghĩa trong phép nối.

    Đến năm 1998, ấn bản lần 2 của M.K.Halliday về “An Introduction to
    Functional Grammer” - Dẫn luận ngữ pháp chức năng, (được tái bản lần 6) do
    Hoàng Văn Vân dịch [31]. Trên cơ sở công trình thứ nhất năm 1976, Halliday
    tiến hành bổ sung và sữa chữa những vấn đề có liên quan, đặc biệt về liên kết.
    Công trình trình bày và phân tích khá kỹ về khái niệm Cú (Clause) và xem cú là
    khái niệm cơ sở để soi sáng các góc độ của văn bản. Đây là công trình được
    nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao và được xem là công trình không thể không
    biết đến khi nghiên cứu ngữ pháp văn bản nói chung, phép nối nói riêng. Đầu
    tiên, tác giả làm rõ khái niệm cú đứng trên ba kiểu ý nghĩa khu biệt hàm chứa
    trong cấu trúc của một cú: i.Cú như là một thông điệp – “clause as a masage”
    (cấu trúc Đề - Thuyết, ), ii. Cú như là một sự trao đổi – “clause as an exchange”
    (hệ thống ngữ pháp và hệ thống thức (mood), Chủ – Vị (chủ ngữ ngữ pháp) và
    iii.Cú như là sự thể hiện – “clause as a representation” (chủ ngữ logic: hành
    thể, cú được xem như chứa đựng một nguyên tắc cơ bản để mô hình hóa kinh
    nghiệm, tức là cú được xem xét như là một quá trình - process). Sau đó,
    M.K.Halliday mở rộng khái niệm Cú - dưới cú (những tổ hợp nhỏ hơn cú) và
    trên cú (những tổ hợp lớn hơn cú). Công trình cũng đưa ra sự biện luận khá kỹ
    về việc chọn cú làm đơn vị cơ bản đề nghiên cứu ngữ pháp chức năng. Từ những
    kiến thức nền tảng về “cú”, tác giả soi sáng vào khái niệm: Liên kết và Ngôn bản
    (mục 9) - đây là nội dung trọng tâm mà chúng ta cần nghiên cứu. Ở mục này, tác
    giả cũng trình bày những phép liên kết cơ bản, nhưng sự phân chia có khác
    trước. M.K.Halliday nhập tỉnh lược và thay thế làm một; như vậy, từ năm phép
    liên kết, trong công trình này chỉ còn bốn. Tác giả phân chia tỉ mỉ Phép nối theo
    ba lĩnh vực: i.Chi tiết hóa (Elaboration), ii.Bành trướng (Expantion) và iii.Tăng
    cường (Enhancement). Theo chúng tôi, cách nhìn nhận liên kết dựa trên khái
    niệm “cú” của M.K.Halliday có nhiều ưu điểm, nó mang tính khái quát cao. Và
    chúng tôi, trong luận văn này, phần lớn theo quan điểm của M.K.Halliday để
    nghiên cứu phép nối của tiếng Việt. Đồng thời, trong công trình này, Halliday
    cũng trình bày khá kỹ về các quan hệ ngữ nghĩa của phép nối. Trên cơ sở kế
    thừa, chúng tôi soi sáng vào phép nối tiếng Việt; đồng thời phân chia lại, thay
    đổi một số thuật ngữ để phù hợp với một ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt.
    Tóm lại, Halliday là một trong những người đặt những viên gạch đầu tiên
    để xây dựng nền móng cho việc tìm hiểu phép nối nói riêng, liên kết nói chung.

    Đến năm 1992, nhà xuất bản Philadelphia ở Amsterdam cho ra mắt bạn
    đọc công trình của J.R.Martin [120] về “English Text – System and Structure”
    (Văn bản tiếng Anh - Hệ thống và Cấu trúc). Đây có thể xem là công trình
    nghiên cứu khá kỹ về các phép liên kết, trong đó có phép nối. Chính tác giả này
    đưa đến bạn đọc khái niệm Nối bên trong (Internal relations) và Nối bên ngoài
    (External relations) - điểm mới của tác giả so với Halliday. Và Martine đã đưa ra
    những tiêu chí phân biệt hai loại quan hệ nối này. Đặc biệt, tác giả đã dựa vào
    ngữ cảnh cụ thể (Circumtaintial identifying relationals) để phân biệt Nối bên
    ngoài (External relations), và dựa vào khái niệm Phóng chiếu (Projection) để
    nhận dạng kiểu Nối bên trong (Internal relations). Tác giả cũng chia từng loại
    nối bên trong và bên ngoài theo các loại quan hệ: i.Bổ sung (Addictive relations),
    ii.Nhân quả (Consiquential relations), iii.So sánh (Comparative relations),
    iv.Thời gian (Temporal) và v.Định vị (Locative relations). Ở mục thứ 6 của
    quyển sách, tác giả có đề cập đến: Conhesion and register (Liên kết và ngữ vực)
    và Cohesive harmony analysis (Phân tích tính hài hòa liên kết). Ở phần thứ nhất
    (Conhesion and register), tác giả chủ yếu tóm tắt và trích dẫn lại một số nhận
    định của M.K.Halliday và Ruaqaiya Hassan về vấn đề có liên quan đến liên kết
    và ngữ vực. Phần còn lại – Cohesive harmony analysis (Phân tích tính hài hòa
    trong liên kết), J.R.Martin đề cập đến kỹ năng (hay thủ thuật – Procedure) khảo
    sát sự tương tác của chuỗi sở chỉ, chuỗi từ vựng và ngữ pháp kinh nghiệm. Thủ
    pháp Cohesive harmony analysis chủ yếu để xem xét sự liên kết trong đơn vị văn
    bản; do đó, nó chú ý đến môi trường tồn tại của phép liên kết. Tuy nhiên, công
    trình chỉ là những bước phát thảo sơ bộ về phép nối.

    Năm 2000, quyển “English Grammer - An Introduction” của Peter Collins
    và Carmella Hollo [93] được tái bản (lần 2). Quyển sách gồm hai phần
    A.Grammatical Decription (Mô tả ngữ pháp) và B.Looking at language in
    context (Xem xét ngôn ngữ trong ngữ cảnh). Ở phần thứ 2, mục Cohesion – Liên
    kết và Analysis of Cohesion in sample texts – Phân tích phép liên kết trong
    những văn bản tiêu biểu - đã đề cập đến vấn đề liên kết và phép nối. Theo hai tác
    giả, ở cấp độ vĩ mô, có các loại phép liên kết: 1).Deictic (Trực chỉ), 2).Generic
    (Loại Thể) và 3).Logical signposts (Dấu hiệu logíc). Ở cấp độ vi mô, liên kết có
    các loại: 1).Đồng sở chỉ (Co-reference), 2).Thay thế (Substitution) và 3).Tỉnh
    lược (Ellipsis).
    Theo hai tác giả này, 1).trực chỉ (deictic) là những đơn vị định vị các nhân
    vật tham gia giao tiếp, định vị không gian, thời gian (ngữ cảnh hội thoại và thời
    gian hội thoại). Cụ thể đó là: i.Participant identification (Nhận ra người tham
    gia giao tiếp), ii.Place and time indicators (yếu tố chỉ không gian, thời gian),
    iii.Temporal ordering expressions (Sự diễn đạt theo trật tự thời gian) và iv.Tense
    and aspect (Thì và Thể - cũng là một yếu tố xác định thời gian của hành động).
    Về 2).Loại thể (Generic), đó là những yếu tố làm cho bố cục của văn bản trở nên
    rõ ràng, theo một mẫu thức xác định: “in set patterned ways”, chẳng hạn như
    phân chia văn bản thành từng chapter (chương), paragraphs (đoạn) Về 3).Dấu
    hiệu logic (Logical signposts), đó là những dấu hiệu trình bày ngữ liệu theo một
    chuỗi logic, chuỗi trật tự thời gian như: first (đầu tiên), then (sau đó) , on one
    hand (một mặt), on the other hand (mặt khác) Tóm lại, ba ý nghĩa ở cấp độ vĩ
    mô trên chính là những quan hệ ý nghĩa chỉ thời gian, không gian và trật tự diễn
    đạt.
    Và hai tác giả đi sâu vào từng khía cạnh: i.Text Orientation (Định hướng
    văn bản), ii.Grammatical cohesion (Liên kết ngữ pháp), iii.Logical connectors
    (Những yếu tố liên kết logíc) và iv.Lexical Cohesion (Liên kết từ vựng). Trong
    mỗi phần vừa nêu, Peter Collins và Carmella Hollo đều có đề cập ít nhiều đến
    phép nối. Chẳng hạn, trong phần Text Orientation (Định hướng văn bản), hai tác
    giả có kể đến: Temporal ordering expression – Diễn đạt trật từ thời gian (Tr164)
    và liệt kê liên từ như: First, second, next . Đến mục Logical connectors, tức
    những yếu tố liên kết logic, tác giả lại đưa ra bốn loại liên kết logíc: i.Addictive
    (Bổ sung), ii.Adversative (Tương phản), iii.Causal (Nhân-quả) và iv.Temporal
    (Thời gian) (tr171-172). Bốn kiểu này là những loại phép nối mà M.K.Halliday
    và các tác giả khác đã nêu. Do đó, trên cơ sở kế thừa, chúng tôi sẽ tiến hành bổ
    sung và điều chỉnh những vấn đề trùng lắp.
    Ngoài ra, lấy cú làm đơn vị phân tích cơ bản, Peter Collins và Carmella
    Hollo còn đề cập đến những loại cú (clause types) và những mối quan hệ giữa
    các cú hay câu như: Đẳng lập (coordination) và Chính phụ (subordination). Nhìn
    chung, có đề cập đến lí thuyết, nhưng công trình chủ yếu đi vào các khía cạnh
    ứng dụng của phép nối.

    Năm 2008, công trình bằng tiếng Anh của David Nunan [64] “Introduction
    Discourse Analysis” - “Dẫn nhập phân tích diễn ngôn” được hai dịch giả Hồ Mỹ
    Huyền và Trúc Thanh dịch sang tiếng Việt. Sau khi đề cập đến khái niệm diễn
    ngôn cũng như phân biệt khái niệm diễn ngôn và văn bản, Nunan đề cập đến liên
    kết, trong đó có phép nối. Ngoài việc đề cập đến khái niệm phép nối, tác giả còn
    đề cập đến bốn loại quan hệ ngữ nghĩa chủ yếu trong phép nối, đó là: i.Nghich
    đối, ii.Bổ sung, iii.Thời gian và iv.Nguyên nhân. Ngoài ra, công trình còn đề cập
    đến khái niệm và phân tích một vài cấu trúc đề thuyết trong diễn ngôn. Do vậy,
    những lí thuyết của công trình có thể được xem là cơ sở lí thuyết để nghiên cứu
    ngữ nghĩa, ngữ dụng của phép nối trong tiếng Việt.

    Như vậy, trong khả năng bao quát tư liệu có thể chưa đầy đủ của chúng
    tôi, phép nối đã được nhiều nhà Anh ngữ học chú ý đến; và những thành tựu của
    nó, nhất là về mặt lí thuyết cũng đạt được những nền móng cơ bản.

    2.2. Trong nước

    Phạm vi trong nước, cũng có khá nhiều công trình đề cập đến văn bản, liên
    kết và cấu trúc, ngữ nghĩa, ngữ dụng của phép nối.
    Năm 1980, Nhà xuất bản Đại học và trung học chuyên nghiệp Hà Nội đã
    giới thiệu với bạn đọc công trình “Ngữ pháp tiếng Việt” của Hoàng Trong Phiến
    [66]. Trong công trình này, điểm đóng góp nổi bật của tác giả chính là đưa ra các
    mô hình của câu ghép ứng với từng loại quan hệ trong câu ghép - mà theo quan
    niệm của chúng tôi là phép nối như: i.câu nhân quả, ii.câu điều kiện, iii.câu nhân
    nhượng, iv.câu mục đích, v.câu so sánh, vi.câu đồng loại, vii.câu tương phản,
    viii.câu lựa chọn và ix.câu gộp. Chính những mô hình này là tài liệu vô cùng quí
    báu để chúng tôi xem xét các quan hệ ngữ nghĩa cơ bản của phép nối cũng như
    bổ sung thêm vào phép nối một hệ thống liên từ thể hiện sự nối kết giữa các cú
    hay phát ngôn.


    Năm 1985 (tái bản vào 05/04/1999), công trình của Trần Ngọc Thêm [76]
    về “Hệ thống liên kết và văn bản Tiếng Việt” đã được công bố. Đây là công trình
    có giá trị và đánh dấu một bước phát triển mới của ngữ pháp văn bản nói chung,
    phép nối nói riêng. Công trình nghiên cứu sâu rộng các khía cạnh của văn bản;
    khái quát cả ba bình diện ngữ pháp, ngữ nghĩa và ngữ dụng của phép nối. Công
    trình trình bày ba phần chính. Phần 1 gồm ba chương, đề cập về các khái niệm
    và cái nhìn khái quát về “Liên kết văn bản”. Ở phần 2, tác giả bắt đầu đi vào
    “Các phương thức liên kết giữa các phát ngôn”. Đây là chương đề cập đến các
    phương thức (phép) liên kết ở mặt hình thức, trong đó có phép nối. Trần Ngọc
    Thêm dựa trên các loại phát ngôn, chia phép liên kết thành hai loại cơ bản: Phép
    nối lỏng (dựa trên phương thức liên kết hợp nghĩa và phát ngôn hợp nghĩa) và
    Phép nối chặt (dựa trên phương thức liên kết trực thuộc và phát ngôn trực thuộc
    (mà tác giả gọi là ngữ trực thuộc). Trong phép nối lỏng, Trần Ngọc Thêm còn
    trình bày mô hình của các yếu tố từ vựng làm thành phần chuyển tiếp hay các từ
    làm phụ tố có ý nghĩa so sánh (mà chúng tôi gọi chung là liên từ) như: cũng, lại,
    vẫn, càng, còn, cứ Tác giả cũng đề cập đến cấu trúc khái quát của phép nối:
    ArB cũng như trình bày những quan hệ ngữ nghĩa cơ bản của phép nối. Dựa trên
    quan hệ ngữ nghĩa, tác giả chia phép nối theo ba quan hệ cơ bản, mỗi quan hệ lại
    có những tiểu loại cơ bản: i.Quan hệ định vị (thời gian, không gian); ii.Quan hệ
    logic diễn đạt (bao gồm: Trình tự diễn đạt, Thuyết minh- bổ sung và Xác minh –
    nhấn mạnh); và iii.Quan hệ logic sự vật (bao gồm: Nhân quả, và Tương phản –
    đối lập). Còn phần 3, tác giả đề cập đến khái niệm liên kết ở mặt nội dung. Tóm
    lại, đứng trên quan điểm phát ngôn, Trần Ngọc Thêm đã mô tả những đặc điểm
    cơ bản của một phép nối nói chung. Từ mô hình lí thuyết chung này, chúng tôi
    kế thừa có điều chỉnh để khảo sát mô hình của một số tiểu loại phép nối. Có thể
    nói, đây là một trong những công trình nghiên cứu sâu và kỹ về phép nối của
    tiếng Việt.

    Năm 2001, Nhà xuất bản Giáo Dục đã ra mắt bạn đọc công trình của
    Nguyễn Thị Việt Thanh [74] về “Hệ thống kiên kết lời nói tiếng Việt”. Đối tượng
    nghiên cứu là ngôn bản, đề cập khá sâu về những vấn đề khái quát chung liên
    quan đến liên kết lời nói, tác giả chia liên kết lời nói thành hai phương thức
    i.“Bằng phương thức ngữ kết học” và ii.“Bằng phương thức ngữ dụng học”.
    Trong phương thức liên kết ngữ kết học lại được chia thành ba tiểu loại: Liên kết
    duy trì chủ đề, Liên kết phát triển chủ đề và Liên kết logic. Trong đó, phép nối
    thuộc phương thức liên kết logic. Tác giả cũng đã đề cập đến phép nối không có
    liên từ: “mặc dù từ nối không được sử dụng nhưng quan hệ ngữ nghĩa vẫn được
    xác lập” [74;50]. Nhưng chung qui lại, đóng góp chủ yếu của công trình là
    nghiên cứu các phương tiện liên kết trên ngữ liệu lời nói.

    Năm 2006, quyển “Văn bản và liên kết trong tiếng Việt: Văn bản, Mạch
    lạc, liên kết, đoạn văn” của Diệp Quang Ban [6] được tái bản (lần thứ ba). Trong
    công trình, tác giả trình bày thành từng bài mục rõ ràng về bốn nội dung đã nêu
    trong nhan đề sách, rất tiện cho việc tham khảo. Ở phần 2, tác giả đã đề cập đến
    phép liên kết, trong đó có Phép nối (từ tr132-134). Lấy phát ngôn làm cơ sở
    nghiên cứu như Trần Ngọc Thêm, Diệp Quang Ban cũng chia phép nối thành hai
    loại cơ bản: Phép nối lỏng và Phép nối chặt. Đặc biệt, ở phần một, tác giả đã đưa
    ra khoảng 15 cách hiểu về khái niệm về văn bản, phân biệt khái niệm văn bản và
    diễn ngôn, ngôn ngữ nói và viết và nêu lên những đặc trưng của một văn bản nói
    chung. Trần Ngọc Thêm cũng đã đề cập đến cấu trúc đề thuyết – cấu trúc mang
    ý nghĩa thông báo trong văn bản.

    Năm 2007, nhà xuất bản Đại học Sư phạm đã cho ra mắt bạn đọc quyển
    “Văn bản” của tác giả Diệp Quang Ban [7] theo dự án đào tạo giáo viên THPT
    cuả Bộ Giáo dục và Đào Tạo. Phải công nhận đây là công trình viết khá bao quát
    về các khía cạnh của văn bản; công trình đề cập hầu hết các phép liên kết, trong
    đó có phép nối. Trong bài viết của mình, Diệp Quang Ban đã đề cập đến phép
    nối và các phương tiện nối; và các quan hệ ý nghĩa thường gặp trong phép nối.
    Về phương tiện nối, ông chia làm hai loại lớn: Quan hệ từ (bình đẳng / phụ
    thuộc) và Từ ngữ nối kết (đại từ thay thế/những tổ hợp từ ngữ có ý nghĩa quan hệ
    và có tác dụng liên kết). Còn về các quan hệ thường gặp trong phép nối, ngoài 4
    quan hệ mà Halliday đã nêu: i.bổ sung, ii.tương phản, iii.thời gian, iv.nhân quả;
    Diệp Quang Ban còn đề cập thêm hai loại quan hệ nữa: mục đích và điều kiện.
    Nhìn chung, các công trình là một sự tổng hợp từ các công trình đi trước nên sự
    đóng góp của nó là không đáng kể.

    Năm 2002, (tái bản 2005) công trình của Hoàng Văn Vân [31] ra đời “Ngữ
    pháp kinh nghiệm của cú tiếng Việt: Mô tả theo quan điểm chức năng hệ thống”.
    Đây là công trình mà tác giả viết dựa chủ yếu vào luận án tiến sĩ được tiến hành
    tại Khoa Ngôn ngữ học, đại học Macquarie, Australia với nhan đề tiếng Anh “An
    Experiential Grammer of the Vietmam clause: A functional Description”. Công
    trình dựa trên lý thuyết của M.K.Halliday về cú (clause) trong công trình “An
    Introduction to Functional Grammer” (Dẫn luận ngữ pháp chức năng) để soi
    sáng vào tiếng việt. Thật sự, công trình có một ý nghĩa đột phá, đem đến một
    cách hiểu mới về ngữ pháp văn bản, bên cạnh cách hiểu cũ – dựa vào phát ngôn.
    Nhìn chung, công trình là sự vận dụng của ngữ pháp Châu Âu vào tiếng Việt. Dù
    chưa nghiên cứu sâu về phép nối, nhưng công trình ít nhiều đã khẳng định vai
    trò, ý nghĩa của cú trong việc biểu thị kinh nghiệm (cú như là một sự thể hiện
    “clause as a representation” để mô hình hóa kinh nghiệm theo quan điểm chức
    năng hệ thống; do đó, nó có ý nghĩa về mặt lí thuyết cho việc chọn cú làm đơn vị
    cơ sở của phép liên kết nói chung, phép nối nói riêng.
    Nhìn chung, những công trình trên đã đề cập khá toàn diện về những vấn
    đề chung về văn bản, liên kết và phép nối.

    Năm 1995, Đỗ Thị Kim Liên [56] đã đề cập đến “Quan hệ ngữ nghĩa
    trong câu ghép không liên từ” - Ngôn ngữ số 2/1995. Trong công trình này, tác
    giả đã trình bày khá kỹ về quan niệm của các nhà ngữ pháp đi trước: một là
    không đề cập đến loại câu ghép không liên từ, hai là không tách câu ghép không
    liên từ thành một đối tượng nghiên cứu riêng. Tác giả cũng đề cập đến “những
    nhân tố tạo nghĩa trong câu ghép không liên từ”. Đó chính là cấu trúc chuyền tải
    ý nghĩa; các phương tiện liên kết như phụ từ tình thái, trật tự trước sau ; hay ý
    nghĩa của các thành tố trong loại câu ghép này. Về quan hệ ngữ nghĩa, vì đánh
    giá cao vai trò của vị ngữ trong việc thể hiện quan hệ ngữ nghĩa trong câu ghép
    không liên từ, nên tác giả xem xét các kiểu quan hệ ngữ nghĩa chính của loại câu
    ghép này trên hai phương diện cơ bản: i.Các kiểu quan hệ ngữ nghĩa giữa các vị
    ngữ và ii.Số lượng các thành tố trong vị ngữ. Đồng thời, tác giả cũng nêu lên
    một số quan hệ ngữ nghĩa trong câu ghép không có liên từ như: i.Quan hệ ngữ
    nghĩa đẳng kết, ii.Quan hệ đối sánh (so sánh đồng nhất, so sánh đối lập - khác
    biệt, so sánh đối ứng); và iii.Quan hệ ngữ nghĩa tiếp liên (bao gồm 7 nhóm:
    nhóm ý nghĩa thời gian – hành động, nhóm quan hệ nguyên nhân – kết quả,
    nhóm quan hệ điều kiện – kết quả, quan hệ luận chứng – thuyết minh, quan hệ
    ngữ nghĩa bao hàm, quan hệ giải thích, và quan hệ kết quả, nguyên nhân). Bên
    cạnh đó, Đỗ Thị Kim Liên còn đề cập đến “giá trị của các cú trong chỉnh thể của
    câu ghép”, phần này có liên quan ít nhiều đến tiêu điểm thông báo cũng như
    quan hệ ngữ nghĩa giữa các cú. Nhìn chung, công trình là tài liệu vô cùng quí giá
    để chúng tôi nghiên cứu phép nối không có liên từ, các quan hệ ngữ nghĩa trong
    phép nối và một số cách diễn đạt mang tiêu điểm thông tin khác nhau trong phép
    nối, tức ngữ dụng.

    Cũng trong năm 2006, công trình “Các phương tiện tổ chức và liên kết văn
    bản tiếng Việt” của Nguyễn Chí Hòa [45] ra đời. Công trình đánh dấu một bước
    ngoặt lớn về khái niệm “câu ghép không có quan hệ từ” – đứng trên quan điểm
    phát ngôn. Trước đó, một số bài viết của tác giả về vấn đề này đã được công bố
    trên tạp chí Ngôn ngữ, chẳng hạn như bài “Về khái niệm ngữ pháp hóa và câu
    ghép không có liên từ” [43]. Căn cứ vào kết quả công trình nghiên cứu của
    Nguyễn Chí Hòa, cộng với những cứ liệu thống kê được¸ chúng tôi trình bày về
    phép nối không có liên từ - đứng trên quan điểm cú (clause). Bên cạnh đó, công
    trình “Các phương tiện tổ chức và liên kết văn bản tiếng Việt” của Nguyễn Chí
    Hòa cũng đi sâu vào tìm hiểu các khía cạnh ngữ dụng của các liên từ tiếng Việt.
    Vấn đề này được chúng tôi vận dụng một cách có bổ sung, điều chỉnh vào phần
    ngữ dụng ở chương 2.

    Năm 1999, Nguyễn Hữu Tiến [80] cũng đã giới thiệu với đọc giả bài
    nghiên cứu của mình về “Quan hệ liên câu trong văn bản tiếng Việt” trong tạp
    chí Ngôn ngữ Số 1. Công trình đã trình bày tóm lược sơ bộ những khái niệm của
    Trần Ngọc Thêm về phép nối như khái niệm, phép nối đẳng lập và chính phụ,
    cũng như chức năng thực hiện liên kết hồi qui và liên kết dự báo của phép nối.
    Ngoài ra, tác giả cũng đề cập đến “vai trò, ngữ nghĩa, ngữ dụng của các từ ngữ
    chuyển tiếp chỉ quan hệ nghịch đối”. Đó là tính kết nối, thông qua việc “phá vỡ
    tính hoàn chỉnh vốn có của nó”. Có mâu thuẫn nhưng mức độ không cao nên
    câu nghịch đối vừa “tạo lập quan hệ, vừa là dấu hiệu chỉ dẫn hay xác nhận quan
    hệ”; và đây là quan hệ thực hiện liên kết “hướng ngoại, gián tiếp, hồi chỉ”. Tóm
    lại, trên định hướng phân loại của Trần Ngọc Thêm, công trình đã cụ thể hóa
    tương đối tỉ mỉ chi tiết, đồng thời phân chia thêm những tiểu loại mới về các loại
    quan hệ ý nghĩa trong phép nối tiếng Việt. Đồng thời, tác giả cũng đi vào một
    quan hệ cụ thể - quan hệ nghịch đối để phân tích giá trị về mặt ngữ dụng của loại
    quan hệ này. Do đó, công trình có giá trị tham khảo về phương diện ngữ nghĩa,
    ngữ dụng của luận văn.

    Cũng năm 2004, Tạp chí Ngôn ngữ số 4 đã đăng bài viết của Võ Văn
    Chương [16] về “Liên kết hồi qui trong ngôn ngữ học văn bản – Vài kiến nghị về
    cách xác định và phân loại”. Đóng góp đầu tiên của tác giả là đi vào phân biệt
    phép tỉnh lược và phép hồi quy. Sau đó, tác giả đi vào miêu tả các dạng thức của
    liên kết hồi qui, dựa trên hai cơ sở chủ yếu sau: 1).dựa vào từ loại của kết tố và
    2).dựa vào quan hệ ngữ nghĩa giữa chủ tố và kết tố. Trên tiêu chí phân loại thứ
    nhất, tác giả chia liên kết hồi qui thành hai dạng chủ yếu: i kết tố hồi qui là một
    đại từ - và ii.kết tố hồi qui là một ngữ danh từ. Hai loại này chủ yếu gặp trong
    phép thế. Theo tiêu chí phân loại thứ hai, tác giả chia liên kết hồi qui thành ba
    tiểu loại: i.kết tố hồi qui là sự lặp lại từ vựng của chủ tố, ii.kết tố hồi qui là một
    ngữ danh từ đồng nghĩa với ngữ danh từ làm chủ tố, và iii.kết tố hồi qui là một
    ngữ danh từ có khả năng tóm lược nội dung (resomptif) hoặc khái niệm hóa
    (conceptual) chủ tố và kết tố liên kết với chủ tố thông qua phép liên tưởng. Tuy
    đề cập chủ yếu đến phép thế, đôi chỗ có nhắc đến phép tỉnh lược, phép liên
    tưởng mà chưa đi sâu vào chức năng thực hiện liên kết hồi qui của phép nối;
    nhưng đề cập khá kỹ đến liên kết hồi qui nên công trình đã đưa ra nhiều hướng
    gợi mở cho việc tìm hiểu cách thức liên kết này trong phép nối nói chung. Chính
    liên kết hồi qui phục vụ đắc lực cho việc tìm hiểu cấu trúc phép nối ở chương 2.

    Đến năm 2007, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội cho xuất bản
    quyển “Dụng học Việt ngữ” của Nguyễn Thiện Giáp [30]. Tác giả dành gần 50
    trang để đề cập đến khái niệm “Diễn ngôn” và “Văn bản”, và từ trang 176 đến
    178, Nguyễn Thiện Giáp đề cập đến Phép nối. Tác giả chia phép nối thành bốn
    loại theo quan hệ ngữ nghĩa của chúng: i.Đồng hướng, ii.Ngược hướng, iii.Nhân
    quả và iv.Thời gian – trình tự. Thực chất của quan hệ đồng hướng là quan hệ bổ
    sung, của quan hệ ngược hướng là quan hệ tương phản. Ngoài ra, tác giả có đề
    cập đến liên kết hồi chỉ và khứ chỉ. Theo Nguyễn Thiện Giáp, liên kết hồi chỉ và
    khứ chỉ là một phương thức liên kết độc lập với phép nối (và cả phép tỉnh lược,
    phép thế). Nhưng trong phần ví dụ, tác giả đã dẫn ra một ví dụ về phép liên kết
    hồi chỉ và khứ chỉ, mà đó chính là phép nối: “Chiều nay được nghỉ học. Thế thì
    ta đi xem phim nhé.” [30;174]. Liên từ thế thì biểu hiện kết quả trong quan hệ
    điều kiện nhân quả. Bốn ví dụ còn lại cũng là dạng phép nối không có liên từ
    (mà theo một số tác giả là phép tuyến tính) – xem thêm trang 174. Nhìn chung,
    bên cạnh việc đưa ra cách định danh mới về những quan hệ ý nghĩa cơ bản của
    phép nối; đóng góp của công trình chủ yếu là ở chỗ gợi mở về chức năng thể
    hiện liên kết hồi chỉ, khứ chỉ của phép nối nói chung.

    Năm 2004, Lê Thị Minh Hằng [39] đã đóng góp bài viết về “Một đề nghị
    phân loại câu điều kiện tiếng Việt” cho tạp chí Ngôn ngữ (số 2). Sau khi thống
    kê một số cách phân loại câu điều kiện của một số nhà ngữ pháp Tiếng Việt như
    Hoàng Tuệ, Hoàng Trọng Phiến ; tác giả đã đưa ra kiến nghị về một hướng
    phân loại riêng. Đứng trên quan điểm ngữ nghĩa, Lê Thị Minh Hằng phân loại
    câu điều kiện theo hai tiêu chí cơ bản: i.Quan hệ nhân – quả và ii.Tính hiện thực.
    Theo tiêu chí “quan hệ nhân quả”, tác giả chia câu điều kiện thành hai bộ phận:
    Bộ phận nêu quan hệ nhân quả và Bộ phận nêu quan hệ tiền đề - kết luận. Theo
    tiêu chí “tính hiện thực”, tác giả chia câu điều kiện thành hai loại: Điều kiện giả
    định và phi giả định (hiện thực). Hệ thống phân loại của tác giả được cụ thể hóa
    như sau: 1).Điều kiện kết quả: i.Giả định (bao gồm: Giả thuyết, và Phản sự thật)
    và ii.Phi giả định (bao gồm: Tất yếu và Tập quán. 2).Tiền đề - kết luận (gồm ba
    tiểu loại: i.Suy đoán, ii.Sóng đôi và iii.Dẫn nhập tình huống). Ngoài ra, công
    trình còn cung cấp một số liên từ (mà tác giả gọi là “chỉ tố đánh dấu về mặt hình
    thức”) thể hiện những loại câu điều kiện trên. Nhìn chung, công trình xoáy sâu
    vào một quan hệ ngữ nghĩa cơ bản của phép nối - cung cấp một tiêu chí mới
    đồng thời đưa ra một kết quả phân định mới về loại quan hệ này.

    Ngoài ra, có một số công trình đánh dấu về việc nghiên cứu về ngữ dụng
    trong phép nối.
    Năm 2002, Tạp chí Ngôn ngữ số 5, đã giới thiệu bài báo của Nguyễn Thị
    Thìn [77] về “Các từ thì, mà, nhưng ở đầu câu trong chức năng liên kết nghĩa
    học”. Bảy trang của bài báo đã trình bày khá kỹ về tính chất đa chức năng của
    một số liên từ thông dụng trong tiếng Việt. Chẳng hạn, trong công trình, tác giả
    đã trình bày các chức năng biểu hiện quan hệ của liên từ “thì” như: i.quan hệ
    thời gian, ii.quan hệ móc xích – đề thuyết, iii.quan hệ điều kiện/ nguyên nhân –
    hệ quả. Và liên từ “mà” thể hiện bốn quan hệ chính (mỗi loại lại bao gồm những
    tiểu loại) sau: i.quan hệ bổ sung (bao gồm ba quan hệ nhỏ: bổ sung – liệt kê, bổ
    sung – tăng cấp, bổ sung – chú thích), ii.quan hệ đối lập (bao gồm ba quan hệ
    sau: tương phản (trái ngược), nghịch điều kiện – hệ quả, và mâu thuẫn), iii.quan
    hệ móc xích đề thuyết đồng thời với quan hệ nhân - quả và iv.quan hệ đối chiếu
    tương đồng. Còn liên từ “nhưng” lại biểu hiện bốn quan hệ ngữ nghĩa sau: i.quan
    hệ đối lập, ii.quan hệ bổ sung đồng thời với quan hệ đối lập, iii.quan hệ so sánh
    tăng cấp đồng thời với quan hệ đối lập và iv.quan hệ hạn định đồng thời với
    quan hệ đối lập. Qua công trình, chúng ta cũng nhận ra đặc điểm ngữ nghĩa, ngữ
    dụng, tức nghiêng về mặt nghĩa học, dụng học của các liên từ nói riêng, phép nối
    nói chung.

    Tạp chí ngôn ngữ số 4 năm 2005 đã ra mắt bạn đọc công trình “Quan hệ
    ngữ nghĩa của các phát ngôn, giái trị tu từ của từ VÀ trong liên kết văn bản tiếng
    Việt” của tác giả Lương Đình Khánh [51]. Tác giả nêu lên những quan hệ ngữ
    nghĩa cũng như những chức năng chính yếu của liên từ này: i.quan hệ nguyên
    nhân (nhân- quả), ii.quan hệ tương phản, iii.quan hệ bổ sung, và iv.quan hệ thời
    gian – đồng thời và nối tiếp. Đây chính là cơ sở để chúng tôi xem xét ý nghĩa
    ngữ dụng của một số liên từ đa chức năng trong phép nối tiếng Việt.

    Trên tạp chí ngôn ngữ số 12, năm 2008 có bài đăng của Nguyễn Đức Dân
    [23] về “Logic ngữ nghĩa của từ thì”. Trong bài viết, tác giả đã đề cập đến những
    hàm ý ngữ dụng của cấu trúc nếu thì, tức quan hệ điều kiện kết quả như: bác
    bỏ, bác bỏ để khẳng định, giải thích, khuyên, từ chối, đánh giá, khuyên, Đặc
    biệt, Nguyễn Đức Dân đã trình bày những quan hệ điều kiện hệ quả không chứa
    liên từ, mà ý nghĩa điều kiện của chúng vẫn được thể hiện.12 trang báo đã đi sâu
    vào khai thác ý nghĩa ngữ dụng của phép nối nói chung, một quan hệ ngữ nghĩa
    cơ bản của phép nối – quan hệ điều kiện – kết quả nói riêng. Điểm nổi bật của
    tác giả này là đi vào khai thác ý nghĩa ngữ dụng của các quan hệ chủ yếu trong
    nội bộ một phát ngôn.

    Ngoài ra, năm 2005, công trình “Bắt buộc” và “tùy ý” về hai cách biểu
    đạt nghĩa trong ngôn ngữ của Cao Xuân Hạo [37] đã gợi mở về vấn đề so sánh
    đối chiếu về phép nối giữa tiếng Anh và tiếng Việt. Và tác giả đã khẳng định,
    chính từ vựng và ngữ pháp là công cụ để xoay quanh trung tâm duy nhất là nghĩa
    học: “Ta thường thấy có những ngữ nghĩa mà trong ngôn ngữ này thì biểu đạt
    bằng phương tiện từ vựng mà trong ngôn ngữ kia lại biểu đạt bằng phương tiện
    ngữ pháp” [37;6]. Tác giả cũng chỉ ra một cách khái quát những sự khác biệt về
    đặc điểm của loại hình ngôn ngữ có biến đổi hình thái và ngôn ngữ đơn lập, qua
    đó, tác giả khẳng định cấu trúc nội bộ của từng ngôn ngữ đóng vị trí trung tâm
    trong việc biểu đạt nói chung. Nhìn chung, công trình có nghĩa phương pháp
    luận và định hướng cho việc so sánh một số điểm tương đồng và dị biệt của phép
    nối trong hai ngôn ngữ thuộc hai loại hình khác nhau. Cùng với công trình này,
    một số luận án nghiên cứu về ngôn ngữ học đối chiếu giữa tiếng Việt và tiếng
    Anh như: Thái Minh Đức [101] về “A Systematic Functional Interpretation of
    Vietnamese Grammar” (1998), Nguyễn Thị Thu Hiền [40] về “Cấu trúc Đề -
    Thuyết” trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt” (2008) . đã gợi mở về việc đối
    sánh phép nối ở hai ngôn ngữ này.

    Trên cơ sở kế thừa những công trình lí thuyết và thực tiễn quan sát những
    bài viết cụ thể, luận văn này đặt nhiệm vụ cho mình là trên cứ liệu tiếng Việt,
    khảo sát phép nối một cách hệ thống và toàn diện hơn.

    3. Mục đích ngiên cứu

    Chọn và nghiên cứu đề tài này, chúng tôi nhằm hướng đến những vấn đề sau:
    - Làm rõ cấu trúc và chức năng của phép nối trong văn bản. Từ đó thấy được
    phần nào vai trò của phép nối trong vấn đề tạo lập và tiếp nhận văn bản.
    - Đề xuất một số cánh hiểu, cách phân chia mới về cấu trúc và ngữ nghĩa của
    phép nối, cũng như đưa ra một số đặc điểm ngữ dụng của các liên từ trong phép
    nối.
    - Tìm và nêu lên những đặc điểm nổi bật của phép nối trong tiếng việt và
    tiếng Anh. Đồng thời có những đối sánh cần thiết giữa hai ngôn ngữ để làm rõ,
    làm nổi bật những đặc điểm đề cập. Từ đó, giúp ích phần nào cho việc học ngoại
    ngữ và giảng dạy tiếng Việt của bản thân.


    4. Phạm vi nghiên cứu

    Do sự hạn hẹp về kiến thức, thời gian cũng như quy mô của công trình,
    chúng tôi chỉ tập trung chú ý vào những khía cạnh cơ bản sau:
    - Như đã xác định, phép nối được chúng ta khảo sát trên ba bình diện: cấu
    trúc, ngữ nghĩa, ngữ dụng. Và có thể phép nối có liên quan mật thiết với với một
    số phép liên kết khác, nhưng đối tượng tiếp cận chính của chúng tôi vẫn là phép
    nối.
    - Hình thức là hình thức của một nội dung, tuy nhiên, trong cách tiếp cận
    của chúng tôi, mặt hình thức của phép nối được chú ý nhiều hơn mặt nội dung.
    - Khi nghiên cứu về phép nối, chúng tôi chỉ chú ý đến những đơn vị có
    chức năng nối hai hay nhiều cụm câu (cú), phát ngôn với nhau, mà không xem
    xét những trường hợp liên kết trong nội bộ một phát ngôn, chẳng hạn: Nam và
    An là bạn thân. Như vậy, chúng tôi chỉ khảo sát nối giữa các cú, không chú ý đến
    nối trong nội bộ một cú.

    5. Phương pháp nghiên cứu

    Ngoài một số thủ pháp nghiên cứu mà bất kỳ công trình nào, dù khoa học
    tự nhiên hay khoa học xã hội đều phải sử dụng như sưu tập, miêu tả, phân loại;
    luận văn này sử dụng một số phương pháp nghiên cứu chính sau:
    - Phương pháp hệ thống – cấu trúc: Tính hệ thống, mặt cấu trúc bên trong
    và các loại quan hệ trong phép nối được luận văn quan tâm, vận dụng.
    - Phương pháp ngữ nghĩa – cú pháp: Nói tới phép nối, là nói tới các loại
    quan hệ ngữ nghĩa, do vậy phương pháp này được ưu tiên phân tích.
    - Phương pháp phân tích ngữ dụng: Phép nối chỉ được thực hiện một cách
    rõ ràng trong những hoàn cảnh giao tiếp cụ thể. Do vậy, các yếu tố như ngữ
    cảnh, thể loại, tính tương tác được luận văn vận dụng một cách tổng hợp.


    6. Bố cục của luận văn

    Luận văn được triển khai trong ba chương chính sau:
    Chương 1: Một số vấn đề chung
    1.1. Văn bản
    1.2. Liên kết
    1.3. Phép nối
    1.4. Tiểu kết
    Chương 2: Phép nối trong tiếng Việt
    2.1. Cấu trúc
    2.2. Ngữ Nghĩa
    2.3. Ngữ dụng
    2.4. Tiểu kết
    Chương 3: Một vài đối sánh về phép nối trong tiếng Anh và tiếng Việt.
    3.1. Cấu tạo
    3.1.1. Tương đồng
    3.1.2. Dị biệt
    3.2. Ngữ nghĩa
    3.1.1. Tương đồng
    3.1.2. Dị biệt
    3.3. Ngữ dụng
    3.1.1. Tương đồng
    3.1.2. Dị biệt
    3.4. Tiểu kết
    [​IMG]

     
Đang tải...