Chuyên Đề Cẩm nang Quản lý Nhà nước về môi trường của UBND cấp huyện (100 trang)

Thảo luận trong 'Môi Trường' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Chương 1: Tổng quan các nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường
    A. Tổng quan chung
    I. Một số khái niệm
    1. Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và vật chất nhân tạo bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và sinh vật.
    2. Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường như đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, sinh vật, hệ sinh thái và các hình thái vật chất khác.
    3. Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp; phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường, ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, phục hồi và cải thiện môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học.
    4. Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.
    5. Tiêu chuẩn môi trường là giới hạn cho phép của các thông số về chất lượng môi trường xung quanh, về hàm lượng của chất gây ô nhiễm trong chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định làm căn cứ để quản lý và bảo vệ môi trường.
    6. Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi của các thành phần môi trường không phù hợp với tiêu chuẩn môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến con người, sinh vật.
    7. Suy thoái môi trường là sự suy giảm về chất lượng và số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu đối với con người và sinh vật.
    8. Đánh giá môi trường chiến lược là việc phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của dự án chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trước khi phê duyệt nhằm bảo đảm phát triển bền vững.
    9. Đánh giá tác động môi trường là việc phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó.
    II. Vị trí, vai trò và chức năng của môi trường
    1. Môi trường là không gian sống của con người; là nơi chứa đựng các loại chất thải từ mọi hoạt động của con người (sản xuất, dịch vụ, sinh hoạt, giải trí, )
    2. Môi trường có vị trí đặc biệt quan trọng, đã và đang trở thành một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu của thời đại; như Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã nêu “ngày nay, vấn đề môi trường đã và đang trở thành vấn đề sống còn của nhân loại và trong mỗi quốc gia”.
    3. Nhiều nước trên thế giới đã có những bài học đau đớn, đắt giá bởi việc tập trung phát triển kinh tế nhưng không chú ý đến các yêu cầu bảo vệ môi trường.
    4. Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đã và đang trở thành nguyên tắc, quan điểm phát triển trong kinh tế nói chung và từng lĩnh vực/ngành nói riêng.
    5. Môi trường sẽ là tài sản vô giá (nếu làm tốt công tác bảo vệ môi trường) mà thế hệ hiện tại để lại cho các thế hệ sau. Trường hợp ngược lại, sẽ là hậu quả nặng nề cho con cháu chúng ta.
    III. Nguyên tắc bảo vệ môi trường
    1. Bảo vệ môi trường phải gắn kết hài hoà với phát triển kinh tế và bảo đảm tiến bộ xã hội để phát triển bền vững đất nước, bảo vệ môi trường quốc gia phải gắn với bảo vệ môi trường toàn cầu.
    2. Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn xã hội, quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
    3. Bảo vệ môi trường phải phù hợp với qui luật, đặc điểm tự nhiên, văn hoá, lịch sử, trình độ phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn của đất nước.
    4. Hoạt động bảo vệ môi trường phải thực hiện thường xuyên, lấy phòng ngừa là chính kết hợp với khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện môi trường.
    5. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục và bồi thường thiệt hại.
    IV. Các quan điểm và nguyên tắc thể hiện Luật BVMT 2005
    Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã thể hiện các quan điểm và nguyên tắc sau đây:
    1. Quán triệt, thể chế hoá quan điểm Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng về việc cần thiết phải “phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”; đặc biệt là các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ đã nêu trong Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
    2. Phù hợp với thực tiễn trong nước, trình độ, năng lực thực thi pháp luật hiện tại của các đối tượng áp dụng Luật đồng thời có tính đến yêu cầu bảo vệ môi trường của cả thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
    3. Kế thừa ưu điểm, khắc phục những bất cập của Luật Bảo vệ môi trường năm 1993; luật hoá một số quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 đã được kiểm nghiệm qua thực tế; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới về bảo vệ môi trường.
    4. Gắn với yêu cầu đổi mới việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và cải cách nền hành chính nhà nước. Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường lần này đã đề ra các quy định cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, vừa gắn kết và hài hoà với các luật chuyên ngành liên quan, vừa thể hiện rõ vai trò chủ đạo trong việc điều chỉnh các quan hệ liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường.
    B. Các nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường
    I. Những nội dung chính của Luật BVMT năm 2005 liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường cấp huyện, xã
    1. Các chính sách bảo vệ môi trường của Nhà nước
    Có thể khái quát những nội dung chính trong chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường như sau:
    1.1 Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường.
    1.2. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động, kết hợp áp dụng các biện pháp hành chính, kinh tế và các biện pháp khác.
    1.3. Sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải.
    1.4. Ưu tiên giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc; tập trung xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; phục hồi môi trường ở các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái; chú trọng bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư.
    1.5. Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường và bố trí khoản chi riêng cho sự nghiệp môi trường trong ngân sách nhà nước hàng năm.
    1.6. Ưu đãi về đất đai, hỗ trợ tài chính, tín dụng, ngân hàng cho các hoạt động bảo vệ môi trường và các sản phẩm thân thiện với môi trường.
    1.7. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, hình thành và phát triển ngành công nghiệp môi trường.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...