Tiểu Luận Cải cách chính quyền trung ương hiện nay

Thảo luận trong 'Hành Chính' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    CẢI CÁCH
    CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC Ở TRUNG ƯƠNG
    HIỆN NAY

    I. Tính cấp thiết

    Ngày nay, cải cách hành chính là vấn đề mang tính toàn cầu. Cả các nước đang phát triển và các nước phát triển đều xem cải cách hành chính như một động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trường kinh tế, phát triển dân chủ và các mặt khác của đời sống xã hội.
    Ở Việt Nam, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước được bắt đầu từ năm 1986, tính đến nay đã gần 20 năm. Trong khoảng thời gian đó, đồng thời với việc đổi mới về kinh tế thì cải cách hành chính cũng được tiến hành. Cuộc cải cách hành chính được thực hiện từng bước và đã thu được nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Mục tiêu của cải cách hành chính ở Việt Nam cũng là nhằm góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với bản chất của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tại Điều 2 Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001 ghi nhận quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân".

    II. Cơ sở lý luận và Thực trạng
    Đổi mới bộ máy hành chính nhà nước là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã được triển khai thực hiện trong nhiều năm qua và thu được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực trong việc tinh giản bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành xã hội của Chính phủ, tinh giản số lượng các Bộ, cơ quan ngang Bộ.
    Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, tại Mục XI đã đưa ra một trong bốn nhiệm vụ để “Đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” là “Tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước”. Trong đó, việc đổi mới tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở Trung ương là một vấn đề quan trọng.
    Hiện nay, các cơ quan hành chính ở trung ương gồm: Chính phủ và các Bộ ngành, cơ quan ngang Bộ.
    Theo Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2001), “Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cơ quan chấp hành của Quốc Hội, cơ quan hành chính cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, Chính phủ có quyền tổ chức, điều hành hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở, hoạt động của mọi cơ quan, tổ chức cá nhân (của toàn xã hội) trên cơ sở luật định.
    “Bộ” là những cơ quan của Chính phủ có tên bắt đầu bằng bộ; “cơ quan ngang Bộ” là những cơ quan có vị trí pháp lý tương đương bộ, như Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước mà đứng đầu đều là Bộ trưởng – thành viên Chính phủ. Tại Điều 116 Hiến pháp hiện hành quy định “Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về lĩnh vực, ngành mình phụ trách trong phạm vi cả nước, bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở theo quy định của pháp luật”. Như vậy ngoài chức năng quản lý Nhà nước, Bộ vẫn giữ vai trò chủ quản đối với các doanh nghiệp nhà nước.
    Từ ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, qua từng giai đoạn, hệ thống cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương đã có những chuyển biến lớn. Số lượng Bộ ít nhất là giai đoạn từ 1945 đến 1954 với 11 Bộ; nhiều nhất là giai đoạn từ 1975 đến thời kỳ Đại hội Đảng VI (năm 1986) số Bộ lên đến 34, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng là 39, như vậy tổng số lên đến 73. Đó là hậu quả của cơ chế quản lý tập trung, quan liêu bao cấp, thiết kế bộ máy hành chính nhà nước một cách máy móc theo sự phát triển chuyên môn của các ngành và các lĩnh vực quản lý. Sau Đại hội Đảng VI, cuộc cải cách hành chính đã bắt đầu có kết quả, số lượng các Bộ và cơ quan ngang Bộ giảm dần, hiện nay, tổng số cơ quan hành chính ở Trung ương của nước ta là 22 (18 Bộ và 4 cơ quan ngang Bộ).
    Về thực trạng hiện nay, những quy định về vị trí, vai trò của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ chưa rõ ràng, còn bị chồng lấn, làm lu mờ vai trò Thủ tướng: Điều 109 quy định Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc Hội và báo cáo công tác với Quốc Hội, UBTV Quốc Hội, Chủ tịch nước nhưng Điều 110 cũng quy định Thủ tướng chịu trách nhiệm trước Quốc Hội và báo cáo công tác với Quốc Hội, UBTV Quốc Hội, Chủ tịch nước. Như vậy ai là người chịu trách nhiệm? Điều 114 Hiến pháp 1992 quy định Thủ tướng là người lãnh đạo công tác của Chính phủ nhưng tại Điều 115 lại quy định những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ phải được thảo luận tập thể và quyết định theo đa số (phiếu của Thủ tướng chỉ cao hơn 01 phiếu và thấp hơn 02 phiếu của đại biểu thường). Ta thấy vai trò của Thủ tướng ở đây bị lu mờ. Các vấn đề được thảo luận tập thể và quyết định theo đa số nhưng Thủ tướng lại là người ký các quyết định, như vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
    Tương tự như thế, các quy định về chức năng, nhiệm vụ giữa Thủ tướng, Chính phủ, Bộ trưởng và các Bộ chưa rõ ràng. Theo Quy định tại Điều 110, Hiến pháp 1992 thì Chính phủ gồm có Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và các thành viên khác (như vậy không có Bộ). Điều 114 Hiến pháp 1992 quy định Thủ tướng là người lãnh đạo công tác của Chính phủ, các thành viên Chính phủ”. Tại Điều 112 Hiến pháp quy định “Chính phủ lãnh đạo công tác của các Bộ, các cơ quan ngang Bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ”. Nhưng tại Điều 4 Luật Tổ chức Chính phủ thì “Bộ trưởng là người đứng đầu và lãnh đạo một Bộ”. Ở đây ta thấy có sự chồng lấn, không rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ giữa Thủ tướng, Chính phủ, Bộ trưởng và các Bộ: Thủ tướng lãnh đạo Chính phủ, Chính phủ lãnh đạo công tác của các Bộ và Thủ tướng lãnh đạo Bộ trưởng, Bộ trưởng lãnh đạo Bộ. Như vậy, suy ra Thủ tướng lãnh đạo các Bộ, Chính phủ lãnh đạo các Bộ, và Bộ trưởng cũng lãnh đạo các Bộ.
    III. Đánh giá chung
    1. Những mặt tích cực và hạn chế
    1.1. Những mặt tích cực:
    Nước ta trong quá trình cải cách hành chính, đổi mới cơ cấu, tổ chức bộ máy nhà nước cả ở Trung ương và địa phương đã đạt được những kết quả ban đầu đáng khích lệ:
    - Về thể chế hành chính đã sửa đổi Hiến pháp, ban hành các Luật mới và các văn bản dưới luật về tổ chức bộ máy nhà nước; Sửa đổi bổ sung một số điều Pháp lệnh cán bộ, công chức; ban hành các nghị định để cụ thể hóa Pháp lệnh, cán bộ, công chức .Điều quan trọng là: các văn bản về tổ chức bộ máy nhà nước là đã quy định khá cụ thể quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước; các văn bản pháp luật về công vụ, cán bộ, công chức đã quy định khá cụ thể các quyền, nghĩa vụ của các cán bộ, công chức và đã bước đầu đi theo hướng chuyên biệt hoá các đối tượng những người phục vụ trong cơ quan, tổ chức nhà nước.
    - Về bộ máy hành chính nhà nước ở Trung ương đã giảm dần các đầu mối quản lý, số lượng các cơ quan quản lý nhà nước đã giảm xuống. Số lượng các Bộ ngành giảm đáng kể so với thời kỳ 1975.
    - Mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương có nhiều tiến bộ, từng bước phân cấp trong quản lý giữa Trung ương và địa phương, chuyển dần các công việc, nguồn lực do chính quyền trung ương nắm giữ cho chính quyền địa phương các cấp một cách lâu dài, ổn định bằng các văn bản luật, dưới luật, nhằm mở rộng dân chủ, phát huy tính chủ động sáng tạo của chính quyền địa phương. Bộ máy hành chính nhà nước ở Trung ương tập trung vào việc xây dựng chính sách, bảo đảm sự thống nhất về thể chế, việc giải quyết những vấn đề lớn của quốc gia, còn những việc thuộc phạm vi cộng đồng lãnh thổ do cộng đồng lãnh thổ giải quyết. Như vậy, vấn đề phân cấp gắn với vấn đề dân chủ, dân chủ là cốt lõi của nhà nước pháp quyền, không có dân chủ thì không có nhà nước pháp quyền.
    - Việc cải cách hành chính ở Trung ương trong những năm qua làm cho bộ máy hành chính tinh gọn hơn, hoạt động có hiệu quả hơn, đó là cơ sở quan trọng cho việc cải cách bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương, từng bước chuyển nền hành chính từ cơ quan cai quản thành các cơ quan phục vụ dân, làm các dịch vụ hành chính đối với dân.
    1.2. Những mặt hạn chế:
    - Các quy định của Hiến pháp, Luật chưa hoàn thiện. Các quy định về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương chưa rõ ràng, còn bị chồng lấn. Vai trò, vị trí của Thủ tướng, Bộ trưởng bị lu mờ, lẫn vào của Chính phủ và các Bộ. Bên cạnh đó cũng chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm của Thủ tướng, Bộ trưởng trước những sai phạm của mình.
    - Bộ máy hành chính nhà nước ở Trung ương tuy đã tinh giản vẫn còn cồng kềnh, số lượng đầu mối quản lý hành chính còn nhiều, kém hiệu quả. Việc tinh giản số lượng các Bộ, cơ quan ngang Bộ vẫn còn hình thức bề ngoài, chưa giải quyết được tận gốc, số lượng Bộ giảm nhưng lại quá nhiều các tổng Cục, các Cục.
    - Về cơ cấu, tổ chức của các Bộ còn cồng kềnh, lề lối tác phong làm việc của CBCC chưa thật sự khoa học, hiệu quả. Quy định chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ chưa rõ ràng, khó thực hiện, nhiều quy định mới dựa trên lý thuyết, không thực tế. Có những việc nhiều Bộ, ngành bị chồng lấn, có mảng việc lại không bên nào chịu trách nhiệm. Bộ trưởng còn ôm nhiều công việc sự vụ, cụ thể, mất thời gian cho việc chung của Chính phủ.
    - Hệ thống bộ máy hành chính nhà nước theo chế độ trực thuộc, Trung ương quản lý địa phương theo ngành dọc, chưa thật sự phân quyền cho địa phương tự chủ nên các vấn đề giải quyết thường chậm, lỗi thời, quên việc, sót việc, dồn việc lên Trung ương. Mặt khác, tuy quản lý theo ngành dọc nhưng giữa các cấp trong bộ máy hành chính chưa thật sự gắn kết, thông suốt do chưa có quy định rõ ràng, thiếu các hình thức chế tài cụ thể, biện pháp kiểm tra chặt chẽ hoặc chưa thực hiện nghiêm túc nên vẫn còn tình trạng cấp dưới không thực hiện quy định của cấp trên hoặc mỗi nơi thực hiện một kiểu, không thống nhất.
    2. Nguyên nhân
    - Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, chưa bắt kịp sự phát triển của xã hội.
    - Do Bộ máy hành chính nhà nước Việt Nam phỏng theo mô hình bộ máy nhà nước Xô Viết, quan liêu tập quyền, quyền lực tập trung thống nhất, nó có hiệu quả và phù hợp trong điều kiện nước ta trước đây. Hiện nay, nước ta đang trong quá trình đổi mới, chuyển từ nền kinh tế quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa nên quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, phải tiến hành từng bước.
    - Do điều kiện kinh tế chưa thật sự phát triển, kinh phí cho công cuộc cải cách hành chính phải cân nhắc ở một mức độ phù hợp nên tiến trình cải cách chậm hơn.
    IV. Một số giải pháp hoàn thiện
    1. Đổi mới tổ chức, hoạt động của Chính phủ

    2. Đổi mới các Bộ, cơ quan ngang Bộ

    3. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

    V. Kết luận
    Công cuộc cải cách hành chính của nước ta nhằm mục tiêu: xây dựng một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, tiết kiệm, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn đã đạt những kết quả nhất định. Hiện nay Việt Nam đang trong thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế, chuyển dịch từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để phù hợp với điều kiện mới cần phải đẩy mạnh hơn nữa công cuộc cải cách hành chính. Vấn đề đổi mới cơ cấu, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, bắt đầu từ các cơ quan Trung ương sẽ là cơ sở cho việc cải cách các cơ quan hành chính ở địa phương, là nhân tố quan trọng quyết định sự thay đổi của đất nước. Chính vì vậy đây là một vấn đề Đảng cần quan tâm, đưa ra những phương hướng chỉ đạo, để chính quyền có những biện pháp thực hiện hiệu quả, nhanh chóng hơn nữa nhằm mục đích xây dựng một đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...