Các biện pháp nâng cao trí tuệ cảm xúc cho sinh viên trường đại học Đồng Tháp

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    THÔNG TIN CHUNG

    Chủ nhiệm đề tài: ThS. Phan Trọng Nam
    Thời gian thực hiện: 1 năm

    Mục tiêu nghiên cứu

    Đề tài hướng đến 3 mục tiêu cơ bản: 1/ Xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn của việc đề xuất các biện pháp nâng cao trí tuệ cảm xúc (EI) cho sinh viên trường đại học Đồng Tháp; 2/ Xây dựng hệ thống các biện pháp nâng cao EI cho sinh viên trường đại học Đồng Tháp; 3/ Tổ chức thực nghiệm các biện pháp nâng cao EI cho sinh viên trường đại học Đồng Tháp.

    Nội dung nghiên cứu

    Nội dung nghiên cứu của đề tài là đo lường năng lực EI của sinh viên sư phạm từ năm thứ nhất đến năm thứ tư của các ngành đào tạo Toán học, Ngữ văn và Giáo dục mầm non thuộc trường đại học Đồng Tháp nhằm tìm ra được điểm mạnh, điểm yếu trong các năng lực thuộc về EI của sinh viên, các yếu tố ảnh hưởng đến EI của sinh viên. Trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp và tổ chức thực nghiệm các biện pháp nâng cáo EI cho sinh viên trường đại học Đồng Tháp .

    Phương pháp nghiên cứu

    Phương pháp nghiên cứu tài liệu; Phương pháp trắc nghiệm; Phương pháp điều tra xã hội học; Phương pháp chuyên gia; Phương pháp xử lí số liệu.

    KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

    1/ Về lí luận

    Mô hình E197 đã đưa ra định nghĩa về EI như sau: EI dùng để chỉ năng lực nhận thức các ý nghĩa của cảm xúc và mối quan hệ giữa chúng, và để lập luận cũng như giải quyết vấn đề trên cơ sở những ý nghĩa và mối quan hệ đó. EI tham gia vào khả năng nhận thức xúc cảm, đồng hóa các cảm nhận có liên quan đến xúc cảm, thấu hiểu thông tin về những xúc cảm đó và quản lý chúng.

    Đề tài quan niệm EI của sinh viên như sau: “EI của sinh viên là những năng lực của sinh viên về xúc cảm. Thể hiện ở khả năng nhận biết chính xác xúc cảm của bản thân và người khác; khả năng sử dụng xúc cảm để thúc đẩy tư duy; khả năng thấu hiểu nguyên nhân của xúc cảm; khả năng kiểm soát xúc cảm của bản thân và người khác nhằm giải quyết tốt các mối quan hệ giao tiếp ở trường đại học”.

    Về EI của sinh viên đại học sư phạm, đề tài quan niệm: “EI của sinh viên đại học sư phạm là những năng lực của sinh viên đại học sư phạm về xúc cảm. Thể hiện ở khả năng nhận biết chính xác xúc cảm của bản thân và người khác; khả năng sử dụng xúc cảm để thúc đẩy tư duy; khả năng thấu hiểu nguyên nhân của xúc cảm; khả năng kiểm soát xúc cảm của bản thân và người khác trong các mối quan hệ giao tiếp cơ bản tồn tại trong các loại hình hoạt động sư phạm của người sinh viên đại học sư phạm nhằm đạt được thành tích cao trong quá trình đào tạo ở trường sư phạm.

    Về năng lực biểu hiện EI của sinh viên đại học sư phạm phải thể hiện được 04 khả năng cơ bản: 1/ Khả năng nhận thức chính xác xúc cảm của bản thân, người khác; 2/ Khả năng hiểu được nguyên nhân của xúc cảm; 3/ Khả năng sử dụng xúc cảm để đẩy mạnh tư duy; 4/ Khả năng kiểm soát xúc cảm để ra những quyết định chiến lược.

    Các khả năng EI của sinh viên đại học sư phạm được biểu hiện thông qua những dạng hoạt động sau: 1/ Hoạt động học tập; 2/ Hoạt động nghiên cứu khoa học; 3/ Hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm; 4/ Hoạt động chính trị xã hội; 5/ Hoạt động văn nghệ thể dục thể thao và trong cuộc sống hàng ngày.

    2/ Về thực tiễn

    Đề tài đã tiến hành khảo sát trên mẫu gồm: 186 sinh viên ngành sư phạm Toán học; 164 sinh viên ngành sư phạm Ngữ văn; 212 sinh viên ngành Giáo dục mầm non.

    Đề tài tiến hành khảo sát mức độ EI của sinh viên trường đại học Đồng Tháp theo các thang đo MSCEIT, BTĐN, TĐG cho thấy kết quả như sau: 1/ Hơn một nửa sinh viên tham gia trắc nghiệm có mức độ EI từ trung bình trở lên, đây là một kết quả chưa cao; 2/ Trong số các năng lực EI của sinh viên thì năng lực hiểu nguyên nhân và kiểm soát xúc cảm của sinh viên là yếu nhất. Do vậy, khi tổ chức luyện tập, bồi dưỡng nâng cao năng lực EI cho sinh viên cần phải quan tâm đến hai nhóm năng lực này nhiều hơn; 3/ Theo 3 tiêu chí do đề xuất, trong các năm đào tạo thì sinh viên năm thứ 2 có mức độ EI tốt nhất. Cũng theo 3 tiêu chí này, trong các ngành đào tạo thì sinh viên ngành Giáo dục mầm non có mức độ EI tốt nhất.

    Sau khi có kết quả khảo sát, đề tài đề xuất 3 biện pháp nâng cao EI cho sinh viên trường đại học Đồng Tháp:

    Biện pháp 1: Tăng cường nhận thức - Tạo động cơ. Mục đích là cung cấp cho sinh viên giáo dục mầm non những tri thức về EI, vai trò của EI đối với quá trình học tập và nghề nghiệp sau này của sinh viên ngành giáo dục mầm non, nhằm tạo ra như cầu nâng cao mức độ EI của sinh viên ngành giáo dục mầm non.

    Đề tài đưa ra 02 hoạt động trong các giờ rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên: 1/ Hoạt động 1 - Nghe giới thiệu về EI và định hướng ứng dụng EI vào trong cuộc sống, quá trình học ở trường sư phạm và nghề nghiệp của bản thân sau này; 2/ Hoạt động 2 – Tổ chức thảo luận về EI của sinh viên đại học sư phạm, sinh viên sẽ nêu ra những thắc mắc của bản thân về EI và việc vận dụng nó vào trong quá trình học tập và nghề nghiệp sau này.

    Biện pháp 2: Tác động hồi tưởng. Mục đích là giúp sinh viên rút ra được những bài học kinh nghiệm cho bản thân trong quá trình học tập cũng như cuộc sống về những thành công hay thất bại do sự tác động tích cực hay tiêu cực của xúc cảm.

    Khi tham gia biện pháp này nghiệm thể được luyện tập qua 4 bài tập cơ bản: 1/ Bài tập 1- Tập nhận ra các xúc cảm của bản thân và của người khác qua các mỗi quan hệ giao tiếp trong các hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, hoạt động chính trị xã hội, hoạt động văn nghệ thể sục thể thao và trong cuộc sống. Bài tập này nghiệm thể phải nhận ra được các xúc cảm đang diễn ra ở bản thân và của người khác trong một tình huống giao tiếp sư phạm đã gặp; 2/ Bài tập 2- Tập xác định nguyên nhân dẫn đến xúc cảm ở bản thân và người khác qua các mỗi quan hệ giao tiếp trong các hoạt động như ở bài tập 1. Bài tập này đòi hỏi nghiệm thể kể lại một tình huống giao tiếp sư phạm mà ở đó nhờ điều khiển được xúc cảm của bản thân nên đã giải quyết thành công hoặc ngược lại. Từ đó rút ra bài học cho bản thân; 3/ Bài tập 3 - Tập vận dụng tri thức về EI để giải quyết một tình huống trong các hoạt động như trên; 4/ Bài tập 4 - Tập điều khiển xúc cảm của bản thân và những người xung quanh.

    Khi tham gia biện pháp này sinh viên phải tham gia vào hai hoạt động sư phạm sau: 1/ Hoạt động 1 – Sinh viên phải tập hồi tưởng; 2/ Hoạt động 2 – Sinh viên thuật lại tình huống và bài học từ tình huống cho các nghiệm thể trong nhóm cùng nghe; 3/ Hoạt động 3 – Các sinh viên cũng nhóm đưa ra ý kiến của mình về tình huống, bài học đã nghe và rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân.

    Biện pháp 3: Tác động hiện thời- Mục đích nhằm nâng cao EI cho các sinh viên thông qua việc học hỏi, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giải quyết những khó khăn mà bản thân họ đang gặp phải ở thời điểm hiện tại.

    Khi tham ra biện pháp này sinh viên phải tham gia 3 hoạt động sau: 1/ Hoạt động 1 – Mỗi sinh viên phải đưa tình huống khó khăn mà mình đang gặp phải và phương án giải quyết tình huống khó khăn đó; 2/ Hoạt động 2 – Các sinh viên khác đưa ra các phương án bổ sung để giải quyết tình huống khó khăn đó; 3/ Hoạt động 3 – Cùng nhau thảo luận để chọn ra giải pháp tối ưu nhất cho tình huống khó khăn đã nêu.

    Với 3 biện pháp đã nêu đề tài đã xác định 4 con đường tác động tâm lý để nâng cao EI cho sinh viên giáo dục mầm non: 1/ Con đường 1- Biện pháp 1; 2/ Con đường 2- Biện pháp 1 + biện pháp 2; 3/ Con đường 3- Biện pháp 1 + biện pháp 3; 4/ Con đường 4 – Biện pháp 1 + biện pháp 2 + biện pháp 3.

    Sau khi đã đề xuất các biện pháp, đề tài đã tổ chức thực nghiệm tác động nâng cao EI cho sinh viên trường đại học Đồng Tháp nhằm kiểm chứng tính hiệu quả của các con đường tác động tâm lí sư phạm đối với việc nâng cao mức độ EI cho sinh viên giáo dục mầm non, từ đó quyết định lựa chọn con đường phù hợp để tổ chức luyện tập nâng cao mức độ EI cho sinh viên trường đại học Đồng Tháp.

    Kết quả đo mức độ EI của nhóm thực nghiệm trước thực nghiệm qua thang đo MSCEIT, BTĐN và TĐG cho thấy: 1/ Tỉ lệ sinh viên có mức độ EI được phân loại từ trung bình trở lên vẫn còn thấp, kết quả này hoàn toàn phù hợp với kết quả về mức độ EI của sinh viên đại học sư phạm được khảo sát cùng thời điểm; 2/ Trong các năng lực EI của sinh viên thì năng lực hiểu nguyên nhân xúc cảm và năng lực kiểm soát xúc cảm của sinh viên là những năng lực EI thành phần yếu nhất của nhóm thực nghiệm. Do vậy, khi tổ chức luyện tập, bồi dưỡng nâng cao năng lực EI cho sinh viên cần phải quan tâm đến hai năng lực EI thành phần này nhiều hơn; 3/ Sinh viên chưa có khả năng đánh giá chính xác về mức độ EI của bản thân, vì vậy cần tăng cường hơn nữa việc trang bị kiến thức về EI, tổ chức luyện tập khả năng nhận biết và đánh giá xúc cảm chính xác xúc cảm ở bản thân và người khác để giúp các em biết đánh giá chính xác về năng lực EI của bản thân, đặt nền tảng cho sự phát triển toàn diện các năng lực EI của sinh viên giáo dục mầm non.

    Kết quả đo mức độ EI của nhóm thực nghiệm ở lần đo sau thực nghiệm cho thấy: 1/ Qua việc phân tích kết quả trắc nghiệm của nhóm thực nghiệm ở lần đo sau thực nghiệm và so sánh kết quả sau thực nghiệm với kết quả trước thực nghiệm đề tài nhận thấy điểm trung bình ở lần đo sau thực nghiệm trong tất cả các thang đo đều thấp hơn so với lần đo trước thực nghiệm; 2/ So sánh điểm lớn nhất, điểm nhỏ nhất trong 2 lần đo trong tất cả thang đo đề tài cũng nhận thấy điểm lớn nhất, điểm nhỏ nhất ở lần đo trước thực nhiệm cao hơn ở lần đo sau thực nghiệm; 3/ Về cơ bản thì độ lệch chuẩn trong lần đo sau thực nghiệm cao hơn trong lần đo trước thực nghiệm. Điều đó chứng tỏ có sự phân hóa về điểm rất lớn giữa các nhóm thực nghiệm khác nhau trong lần đo sau thực nghiệm; 3/ Sự phát triển về năng lực EI của nhóm thực nghiệm sau thực nghiệm thể hiện ở chỗ trong lần đo sau thực nghiệm tỉ lệ sinh viên có mức độ EI được phân loại từ mức trung bình trở lên trong tất cả các thang đo đã tăng lên đáng kể so với lần đo trước thực nghiệm. Hơn nữa, điểm trung bình của tiểu thang đo năng lực kiểm soát xúc cảm trong các thang đo BTĐN và TĐG đã được tăng lên đáng kể.

    Qua phân tích kết quả thực hiện các trắc nghiệm, bài tập đo nghiệm và tự đánh giá về năng lực EI của sinh viên, đề tài có một số nhận xét chung về các con đường tác động nâng cao EI cho sinh viên: Con đường 4 là sự phối hợp đầy đủ nhất các biện pháp tác động nâng cao EI cho nhóm thực nghiệm. Hiệu quả của con đường tác động này đối với việc nâng cao EI cho sinh viên giáo dục mầm non được thể hiện ở chỗ sinh viên trong nhóm thực nghiệm đã có sự chuyển biến tích cực trong các năng lực EI của bản thân. Tuy nhiên, bên cạnh những sinh viên có sự chuyển biến tích cực trong các năng lực EI của bản thân thì cũng có một số sinh viên có điểm số EI thu được từ các thang đo khác nhau cho kết quả không khác so với lần đo trước thực nghiệm. Thực tế này một lần nữa khẳng định vai trò của tính tích cực cá nhân đối với sự phát triển năng lực EI của bản thân.

    3/ Một số khuyến nghị

    Đề tài đề xuất một số khuyến nghị như sau:

    - Trường đại học Đồng Tháp cần phải tăng cường hơn nữa việc triển khai những nội dung có liên quan đến việc hình thành năng lực EI cho sinh viên đại học sư phạm vào trong chương trình đào tạo giáo viên hiện nay.

    - Sinh viên trường đại học Đồng Tháp nói chung, sinh viên giáo dục mầm non nói riêng cần phải hiểu rõ hơn nữa đặc thù nghề của bản thân trong tương lai để từ đó tích cực hơn trong việc luyện tập nâng cao năng lực EI cho bản thân.

    - Các biện pháp nâng cao trí tuệ cảm xúc cho sinh viên đại học sư phạm cần được tiếp tục hoàn thiện để tiến tới triển khai một các đại trà trong chương trình đào tạo giáo viên của trường đại học Đồng Tháp, góp phần đào tạo người giáo viên toàn diện đáp ứng nhu cầu xã hội.

    TỪ KHÓA: 1/Trí tuệ cảm xúc; 2/Giáo dục mầm non.
     
    Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: [email protected] 

    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...