Luận Văn Bước đầu tìm hiểu một số phương diện trong quan niệm văn học của Nguyễn Trãi

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    PHẦN MỞ ĐẦU
    1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
    1.1. Lý do khoa học
    Nguyễn Trãi là nhà tư tưởng, nhà chính trị thiên tài, là nhà thơ, nhà văn kiệt xuất, là ngôi sao sáng của lịch sử Việt Namở thế kỉ XV, là danh nhân văn hóa thế giới Cho nên, “chỉ qua ông – và bắt buộc phải qua ông – chúng ta nhìn và đánh giá cả một thời đại, cả một dân tộc, cả một con đường” [24, 76]. Có lẽ vì lí do đó mà trong nhiều thập kỉ qua, con người và sự nghiệp Nguyễn Trãi luôn luôn là những vấn đề thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Văn học cũng không phải là một ngoại lệ. Với Lam Sơn thực lục, Phú núi Chí Linh, Văn bia Vĩnh Lăng, Dư địa chí, Quân trung từ mệnh tập, Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập văn nghiệp của Nguyễn Trãi đã trở thành nguồn cảm hứng và đề tài vô tận cho nhiều nhà nghiên cứu văn học. Trong số đó, có nhiều vấn đề đã được giải quyết trọn vẹn, sâu sắc; song cũng có nhiều đề tài mới chỉ được đặt ra, nghiên cứu bước đầu. Tìm hiểu quan niệm văn học của Nguyễn Trãi chính là một trong những đề tài như thế, hứa hẹn còn nhiều vấn đề thú vị chưa được khám phá, và đó cũng là lí do đầu tiên khiến chúng tôi mạnh dạn lựa chọn hướng nghiên cứu này.
    Bên cạnh đó, quá trình nghiên cứu văn học giúp chúng tôi nhận thấy, việc nắm vững quan niệm văn học của một tác giả sẽ giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn sáng tác của tác giả đó (bởi quan niệm văn học chi phối sáng tác và ngược lại qua sáng tác hiểu sâu thêm quan niệm văn học). Do vậy, muốn khai thác thêm nhiều giá trị của văn chương Nguyễn Trãi, việc nắm vững quan niệm văn học của ông thiết nghĩ cũng là một trong những con đường tiếp cận khả thủ, giúp chúng ta có thêm cơ sở để vượt qua lớp bụi thời gian trên dưới sáu trăm năm bao phủ lên những sáng tác của ông.
    Nghiên cứu quan niệm văn học của Nguyễn Trãi không chỉ dừng lại ở mục đích phục vụ việc khai thác các giá trị trong văn chương Ức Trai. Cái đích xa hơn chúng tôi muốn đạt đến chính là: đặt quan niệm văn học của Nguyễn Trãi trong hệ thống quan niệm văn học ViệtNam thời trung đại. Nguyễn Trãi đã kế thừa những khía cạnh nào trong quan niệm văn học của các tác giả thời văn học Lý – Trần – Hồ Quan niệm văn học của ông có những điểm gì mới mẻ so với thời đại trước và so với thời ông đang sống; đồng thời những quan niệm đó có được tiếp nối ở các tác giả sau như thế nào, những khía cạnh nào trong quan niệm văn học của Nguyễn Trãi được kế thừa, tiếp nối, những phương diện nào được bổ sung Việc làm này thiết nghĩ là vô cùng cần thiết, góp một phần nhỏ khẳng định: nền lí luận của văn học Việt Nam đã được xây dựng từ mười thế kỉ văn học trung đại, trong đó Nguyễn Trãi cũng đóng góp một phần quan trọng. Đó là cơ sở vững chắc cho nền lí luận hiện đại của văn học ViệtNam, tạo thế và lực cho chúng ta hội nhập với văn học khu vực và thế giới.
    1.2. Lý do thực tiễn
    Trong chương trình Ngữ văn ở phổ thông và đại học, các tác phẩm thơ văn Nguyễn Trãi có số lượng và vị trí đáng kể. Nếu được trang bị những kiến thức cần thiết về quan niệm văn học của Nguyễn Trãi thì chắc chắn việc tiếp cận các sáng tác của Ức Trai sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn. Do đó, về phương diện sư phạm, luận văn cũng góp phần vào việc giảng dạy và học tập văn chương Nguyễn Trãi một cách hiệu quả.
    Những trình bày trên đây đã cho thấy, Bước đầu tìm hiểu một số phương diện trong quan niệm văn học của Nguyễn Trãi là một đề tài vừa có ý nghĩa lý luận vừa có ý nghĩa thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của đề tài một luận văn cao học.

    2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
    2.1. Lịch sử nghiên cứu đề tài
    Trong phần lịch sử vấn đề, chúng tôi sẽ sơ bộ điểm lại toàn bộ tình hình nghiên cứu quan niệm văn học của Nguyễn Trãi ở các tác giả trước đây, xem đó là cơ sở, là tiền đề để chúng tôi triển khai đề tài nghiên cứu của mình. Quá trình thu thập và đọc tài liệu cho chúng tôi nhận thấy, việc nghiên cứu quan niệm văn học Nguyễn Trãi của các tác giả được chia làm ba hướng chính: nghiên cứu gián tiếp quan niệm văn học của Nguyễn Trãi, nghiên cứu trực tiếp quan niệm văn học của Nguyễn Trãi và nghiên cứu quan niệm văn học của ông trong bối cảnh nghiên cứu quan niệm văn học trung đại Việt Nam.
    2.1.1. Hướng nghiên cứu gián tiếp quan niệm văn học của Nguyễn Trãi
    Ở hướng nghiên cứu này, các tác giả thường tập trung tìm hiểu tư tưởng của Nguyễn Trãi, xem đó là cơ sở và tiền đề để hiểu quan niệm văn học cũng như sáng tác của ông.
    *Hướng nghiên cứu tập trung vào tư tưởng của Nguyễn Trãi được đề cập đến khá sớm, từ những năm 1960 của thế kỉ XX, với công trình Nguyễn Trãi của tác giả Trần Huy Liệu, Nxb Khoa học, Hà Nội, 1966. Trong cuốn sách trên, ở chương IV và chương V, tác giả đã đề cập đến nguồn gốc, nội dung, phương pháp tư tưởng của Nguyễn Trãi. Chương V với nhan đề: Phương pháp tư tưởng của Nguyễn Trãi đã khẳng định trong phương pháp tư tưởng của Nguyễn Trãi vừa có nhân tố duy vật, vừa có nhân tố biện chứng. Tuy nhiên sự chú ý của chúng tôi là ở chương IV: Nguồn gốc và nội dung tư tưởng của Nguyễn Trãi. Trần Huy Liệu đã làm rõ vai trò của Nho giáo tại Việt Nam giai đoạn cuối thế kỉ XIV – đầu thế kỉ XV và khẳng định: Nho giáo là nguồn gốc tư tưởng của Nguyễn Trãi. Kết luận nêu trên được tác giả rút ra sau khi tiến hành nghiên cứu bốn vấn đề trong tư tưởng của Nguyễn Trãi, cũng là bốn vấn đề của học thuyết Nho giáo được Nguyễn Trãi vận dụng cụ thể vào hoàn cảnh Việt Nam: Mệnh trời,[I]nhân dân, [I]nhân nghĩa, [I]tư tưởng hoà bình. Cũng giống như ông tổ của học phái Nho gia, Nguyễn Trãi tin vào mệnh trời: “Ai mà cãi được lòng trời” ([I]Tự thán 15), “Nhân sinh vạn sự tổng quan thiên” – Đời người ta muôn việc đều ở trời ([I]Hạ nhật mạn thành). Tư tưởng nhân dân ở Nguyễn Trãi tuy chịu ảnh hưởng ít nhiều tư tưởng nhân dân của Khổng Mạnh nhưng biểu hiện đậm đà, sâu sắc hơn, có hệ thống và nhất trí hơn. Đó là tư tưởng nhân dân do thực tế Việt Nam hun đúc nên. Khổng Tử thông cảm với nhân dân nhưng mặt khác ông lại coi nhẹ nhân dân, bởi trong quan niệm của ông, dân trong xã hội là kẻ tiểu nhân. Những câu như: “quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi” – quân tử hiểu rõ ở đạo nghĩa, tiểu nhân hiểu rõ ở điều lợi – cho thấy màu sắc giai cấp rõ rệt trong quan niệm nhân dân của Khổng Tử. Nguyễn Trãi nhờ những năm tháng sống cuộc đời thanh bần cùng cha ở làng Nhị Khê, sống trong cảnh nghèo khổ ở thành Đông Quan và mười năm “nếm mật nằm gai” cùng Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã giúp cho ông có điều kiện sống gần gũi với nhân dân, cho nên tư tưởng nhân dân của Nguyễn Trãi đậm đà, tha thiết, sâu sắc, có nhiều nét độc đáo, gần gũi với chúng ta. Ở tư tưởng nhân nghĩa, Nguyễn Trãi không chỉ xuất phát từ Khổng Tử (nhân nghĩa là quan hệ đạo đức giữa người với người) mà còn sáng tạo nó từ thực tế Việt Nam, làm cho nó mang một nội dung yêu nước: nhân nghĩa trước hết “cốt ở yên dân”. Tư tưởng hoà bình ở Khổng Tử biểu hiện ở bác ái, lòng bác ái phải rộng ra khắp cả thiên hạ, chứ không riêng một nước nào. Tuy nhiên Khổng Mạnh lại coi thường các dân tộc không thuộc Hoa Hạ “ta chỉ nghe rằng dùng đạo lý của người Hoa Hạ để sửa đổi lề thói của bọn Man Di, chứ chưa hề nghe nói dùng lề thói của bọn Man Di để sửa đổi đạo lý của người Hoa Hạ bao giờ” (Sách [I]Mạnh Tử, thiên [I]Đằng Văn Công chương cú thượng), nên tư tưởng Khổng Mạnh vẫn mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa, tư tưởng nước lớn. Với Nguyễn Trãi, hoà bình gắn chặt với độc lập dân tộc.
    Cùng chung hướng nghiên cứu này, chúng ta cần phải đề cập đến bài viết [I]Tư tưởng của Nguyễn Trãi của tác giả Nguyễn Thiên Thụ trong sách[I]Nguyễn Trãi, Lửa Thiêng xuất bản, Sài Gòn, 1973, sau này được tác giả Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn và giới thiệu trong [I]Nguyễn Trãi – Về tác gia và tác phẩm. Trong bài viết này, tác giả không chỉ nhắc tới tư tưởng Nho giáo mà còn đề cập tới tư tưởng Lão Trang, tư tưởng Phật giáo khi nghiên cứu tư tưởng Nguyễn Trãi. Từ đó, tác giả đi tới kết luận, cả ba hệ tư tưởng đó đều có những ảnh hưởng nhất định đối với tư tưởng Nguyễn Trãi. Đây là một sự bổ sung cần thiết cho những ý kiến của tác giả Trần Huy Liệu mà chúng tôi đã đề cập tới ở phần trên.
    Tiếp tục hướng nghiên cứu trên, tác giả Trần Đình Hượu trong cuốn [I]Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1995 đã dành chương IV để bàn về vấn đề: [I]Nguyễn Trãi và Nho giáo. Mục đích của chương này là để trả lời câu hỏi Nguyễn Trãi là nhà nho như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, Trần Đình Hượu đã lần lượt làm rõ bốn vấn đề: [I]Nêu nhân nghĩa làm công lý – vận dụng Nho giáo chống quân xâm lược nhà Minh; Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn, lòng ưu ái và xã hội lý tưởng của Nguyễn Trãi; Quan điểm làm người và những day dứt quanh vấn đề xuất xử; Dân tộc và nhân đạo – con đường tiếp thu Nho giáo của Nguyễn Trãi. Ở vấn đề thứ nhất, tác giả nhận thấy, Nguyễn Trãi đã vận dụng Nho giáo và vận dụng một cách sắc sảo, có hiệu quả để giành chính nghĩa cho sự nghiệp chống ngoại xâm. Dưới ngòi bút của Nguyễn Trãi, Nho giáo thành một sức mạnh, bao vây, công phá quân thù. Khi đất nước hết chiến tranh, Nguyễn Trãi muốn nhanh chóng xây dựng lại cuộc sống thái bình, cùng nhân dân yên nghỉ. “Ông đã lựa chọn mô hình theo ông nghĩ là đẹp nhất, để khái quát, lý luận hoá tất cả những nguyện vọng của dân tộc, của nhân dân. Mô hình đó là xã hội Nghiêu Thuấn của Nho gia” [24, 98]. Trong vấn đề thứ hai, Trần Đình Hượu khẳng định Nguyễn Trãi cũng tin như các nhà nho là có thể xây dựng một xã hội hoàn mỹ bằng giáo hoá, tu dưỡng đạo đức và đức trị, không được làm tướng khanh thì làm nho thần. Cho nên trong quan điểm làm người của Nguyễn Trãi, tác giả nhận thấy ông thường khuyên con người ta không nên sợ nghèo, không nên tham lợi bởi đạo đức mới là “của chầy”. Ông cũng nói an mệnh, an bần nhưng khuyên nên chăm chỉ làm ăn, cày lấy ruộng, đào lấy giếng, sống no đủ. Lời khuyên tổng quát nhất là giữ “đạo trung”. Tuy nhiên, Nguyễn Trãi cũng lại khuyên con người ta nên “vô tâm, vô cầu, vô sự, biết lui, biết nhường những chữ, những ý rút ra từ sách vở Lão – Trang. Điều khác nhau căn bản là ở chỗ Lão – Trang có thái độ phi xã hội, sống cô đơn, không thấy sự đầm ấm giữa những con người. Nguyễn Trãi khuyên nên sống thường thường nhưng không phải tầm thường” [24, 102-103]. Nguyễn Trãi cũng hay day dứt về vấn đề xuất xử, phản ánh cuộc đấu tranh giữa tư tưởng Nho gia và Lão – Trang trong suy nghĩ của ông. Tuy vậy tác giả vẫn rút ra nhận xét căn bản là “Nguyễn Trãi vẫn là Nho chứ không phải Trang” [24, 112], “cách đặt và giải quyết vấn đề xuất xử của Nguyễn Trãi là Nho chứ không phải Trang” [24, 113], “nhiều luận điểm về cuộc đời ở Nguyễn Trãi rút từ triết lý Trang Tử, nhưng cả hệ thống thì tư tưởng ông lại thuộc Nho gia” [24, 113-114]. Từ đó, Trần Đình Hượu đi tới kết luận: dân tộc và nhân đạo là con đường tiếp thu Nho giáo của Nguyễn Trãi , “ông đã lựa chọn Nho giáo nhưng là xu hướng nhân đạo chủ nghĩa nhất trong Nho giáo thời đó” [24, 129].
    Hướng nghiên cứu trên còn được đề cập đến một lần nữa ở bài viết [I]Nhà tư tưởng và nhà nghệ sĩ trong Quốc âm thi tập của tác giả Trần Ngọc Vương trong cuốn [I]Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997. Tác giả nhận thấy có hai nhà tư tưởng, nhà nghệ sĩ trong [I]Quốc âm thi tập, “lúc thì tranh cãi, lúc thì xoay lưng lại với nhau. Hai khuynh hướng chủ đạo ấy song song tồn tại trong cùng một con người, lắm lúc tạo ra những tâm trạng cay cực” [100, 236]. Một nhà tư tưởng phát ngôn và hành động cho đạo Nho, nhà nghệ sĩ mang nặng nỗi ưu thời mẫn thế và một nhà tư tưởng của triết học Lão – Trang, người nghệ sĩ ca tụng thú thanh nhàn, hoà mình vào tạo vật. Trên cơ sở đó, tác giả đi tới nhận định: “với tư cách là nhà tư tưởng, định hướng cơ bản nhất, trục chính của tư tưởng Nguyễn Trãi là Nho giáo [ ] Tư tưởng Lão – Trang, đặc biệt là Trang, có ảnh hưởng tới Nguyễn Trãi khá hiển nhiên. Ảnh hưởng của Phật giáo nói chung, Thiền tông nói riêng, đối với ông không thật rõ ràng và có sức nặng đáng kể” [100, 266]. “Sự cảm nhận cuộc đời, cảm nhận thế giới theo lối nghệ sĩ (hồn nhiên, cảm tính, trực tiếp, “nguyên trạng”) chi phối hành động và suy tư của ông nhiều hơn hẳn tác động của tri thức sách vở ” [100, 267].
    Bên cạnh đó, chúng ta còn có thể kể đến các bài viết như [I]Ảnh hưởng Đạo gia trong thơ Nguyễn Trãi của tác giả Lã Nhâm Thìn, [I]Về cảm quan Phật giáo trong thơ văn Nguyễn Trãi của tác giả Nguyễn Hữu Sơn, đều được in trong [I]Tạp chí văn học số 6, năm 2000. Các bài viết trên đều tập trung khẳng định ngoài Nho giáo, tư tưởng Nguyễn Trãi, thơ văn Nguyễn Trãi còn chịu ảnh hưởng của hai triết thuyết lớn: Phật và Đạo.
    Hướng nghiên cứu tập trung vào tư tưởng của Nguyễn Trãi mà chúng tôi đề cập tới ở trên có lẽ chưa làm nổi bật được những khía cạnh quan trọng của quan niệm văn học Nguyễn Trãi. Tuy nhiên khi tiến hành nghiên cứu một số phương diện trong quan niệm văn học của Ức Trai, chúng tôi không thể bỏ qua mảng nghiên cứu này vì một lý do quan trọng: Tư tưởng của một tác giả luôn luôn là điểm tựa, là cơ sở, là tiền đề để nhà văn đó xây dựng quan niệm văn học, phương châm sáng tác. Muốn hiểu và khám phá chính xác quan niệm văn học của Nguyễn Trãi, đòi hỏi chúng ta cần nắm vững tư tưởng của ông.
    *Trong hướng nghiên cứu gián tiếp quan niệm văn học của Nguyễn Trãi, chúng ta cần phải đề cập tới nhánh nghiên cứu của tác giả Bùi Văn Nguyên. Ở chuyên luận [I]Văn chương Nguyễn Trãi, Nxb ĐH&THCN, Hà Nội, 1984, Bùi Văn Nguyên đã dành chương thứ V để nghiên cứu quan niệm văn học Nguyễn Trãi: [I]Nguyễn Trãi và quan niệm văn chương vì nghĩa lớn, vì chí lớn của kẻ anh hùng vì dân vì nước. Có thể thấy rằng tác giả đã không đi vào tìm hiểu tư tưởng của Nguyễn Trãi mà trực tiếp đề cập đến quan niệm văn học của ông. Song cách đặt vấn đề ở bài viết này vẫn chỉ dừng lại ở phương diện gián tiếp. Tác giả không đưa ra một câu thơ hay câu văn nào Nguyễn Trãi thể hiện trực tiếp quan niệm văn học vì nghĩa lớn, vì chí lớn của kẻ anh hùng vì dân vì nước. Quan niệm văn học đó được Bùi Văn Nguyên khái quát lên thông qua việc phân tích một hệ thống những sáng tác của Nguyễn Trãi trên hai luận điểm lớn: văn chương phục vụ chính nghĩa và văn chương thể hiện chí lớn vì dân vì nước. Ở luận điểm một, tác giả tập trung làm rõ quan niệm văn học: “văn (dĩ) tải đạo” của văn học trung đại được Nguyễn Trãi thể hiện như thế nào. Theo tác giả, đạo trong quan niệm “văn (dĩ) tải đạo” bao gồm hai mặt: [I]thiên đạo và [I]nhân đạo: “đặt vấn đề quan hệ giữa sự vật và lòng người, chính là đặt vấn đề quan hệ giữa quy luật tự nhiên và qui luật xã hội [ ] giữa thiên đạo và nhân đạo” [57, 111]. Và đến Nguyễn Trãi, quan niệm “văn (dĩ) tải đạo” có màu sắc cụ thể hơn, đó là đạo cương thường, đạo thờ vua, đạo thờ cha, đạo trung hiếu hay như Nguyễn Trãi hay nói là đạo quân thân. Trong luận điểm thứ hai, văn chương thể hiện chí lớn vì dân vì nước, tác giả tập trung thể hiện hai ý: [I]văn chương Nguyễn Trãi và chí lớn kẻ sĩ thức thời, văn chương Nguyễn Trãi và chủ nghĩa anh hùng truyền thống. [I]Văn chương Nguyễn Trãi và chí lớn kẻ sĩ thức thời thực chất là để làm rõ quan niệm “thi (dĩ) ngôn chí” của văn học trung đại. Bùi Văn Nguyên quan niệm chí ở đây là tình, “thơ nói lên cái chí, là để nói lên cái tình, dù thơ có tả cảnh, cũng để ngụ tình” [57, 118]. Dưới ánh sáng của quan niệm đó, tác giả nhận xét: “cái chí lớn đó, tức cái chí vì dân vì nước, tức niềm ưu ái mà bản thân Nguyễn Trãi đã nói đi nói lại nhiều lần” [57, 121]. “Văn chương Nguyễn Trãi đã thể hiện chí lớn của kẻ sĩ, thì trong một chừng mực nhất định, cũng thể hiện truyền thống anh hùng của dân tộc” [57, 123]. “Nguyễn Trãi đã đề cập đến nhiều khía cạnh của chủ nghĩa anh hùng theo quan niệm cũ” [57, 127]: người anh hùng là người có nhân nghĩa, người tài trí, lại phải có dũng khí đứng lên “trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược”.
    Hướng nghiên cứu của tác giả Bùi Văn Nguyên đã đặt ra được một số phương diện khả thủ khi tìm hiểu quan niệm văn học Nguyễn Trãi. So với hướng nghiên cứu tập trung vào vấn đề tư tưởng của Ức Trai, cách suy nghĩ của tác giả [I]Văn chương Nguyễn Trãi đã tiến gần hơn đến vấn đề mà chúng tôi đang quan tâm, đó chính là quan niệm văn chương của Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, tác giả mới chỉ đề cập được một phương diện trong quan niệm văn học của Nguyễn Trãi, chủ yếu tập trung làm sáng tỏ quan niệm văn học mang tính mẫu số chung của thời trung đại: “văn (dĩ) tải đạo”, “thi (dĩ) ngôn chí”. Nhưng thực tế cho thấy rằng, với khối lượng tác phẩm phong phú, với tư tưởng đa dạng, quan niệm văn chương Nguyễn Trãi không đơn thuần chịu sự đóng khung trong quan niệm văn học của thời đại ông sống. Bên cạnh đó, hướng tiếp cận gián tiếp của tác giả còn cho thấy: đôi chỗ kết luận chưa thật sát với mục đích của bài viết, đó cũng là điều khó tránh khỏi khi những dẫn chứng đưa ra không phải là những câu văn, câu thơ trực tiếp thể hiện quan niệm văn học của Nguyễn Trãi.
    [B][I]2.1.2. Hướng nghiên cứu trực tiếp quan niệm văn học của Nguyễn Trãi [/I]
    Hướng nghiên cứu này tập trung tìm hiểu những câu văn, câu thơ Nguyễn Trãi trực tiếp thể hiện quan niệm văn học của ông. Đinh Gia Khánh là người đi đầu đã chú ý tìm hiểu quan niệm văn học của Nguyễn Trãi theo hướng này.
    Ngay từ những năm 1964, trong giáo trình [I]Văn học cổ Việt Nam, tác giả đã có đề cập đến quan niệm văn nghệ của Nguyễn Trãi nhưng chỉ xoay quanh việc bình luận lời bàn về “gốc của nhạc” của Nguyễn Trãi với Lê Thái Tông. Tác giả nhận thấy, thông qua lời bàn về “gốc của nhạc”, Nguyễn Trãi đã thể hiện rõ một quan niệm: văn nghệ phải gắn bó mật thiết với cuộc sống của quảng đại quần chúng. “Kể ra, thời loạn dụng võ, thời bình chuộng văn. Nay đúng là lúc nên làm lễ nhạc. Song không có gốc thì không đứng được, không có văn thì không hành được. Hoà bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. [ ] Xin bệ hạ yêu nuôi nhân dân, để cho các nơi làng mạc không có tiếng oán giận, than sầu, đó là không mất cội gốc của nhạc vậy.” [36, 158-159]. Xây dựng âm nhạc không phải chủ yếu trước hết quan tâm đến văn, tức là đến hình thức, đến kĩ thuật, kĩ xảo và âm thanh. Xây dựng âm nhạc thì chủ yếu và trước hết là phải quan tâm đến gốc, đến hoà bình, tức là đến sự hài hoà của tâm hồn, của cuộc sống.
    Đến giáo trình xuất bản vào năm 1978 [I]Lịch sử văn học Việt Nam (Thế kỉ X – Nửa đầu thế kỉ XVIII), Tập 1, Nxb ĐH&THCN, vấn đề được đề cập đến toàn diện hơn. Tác giả đã làm sáng tỏ quan niệm văn nghệ chiến đấu vì dân, vì nước của Nguyễn Trãi thông qua những câu thơ Nôm thể hiện trực tiếp như [I]BKCG số 5, [I]BKCG số 56. Thông qua những lời thơ có tính chất như một bản tuyên ngôn văn học như thế, Nguyễn Trãi đã gắn văn chương với sự nghiệp, gắn nhiệm vụ làm văn với bổn phận làm người. Văn chương là “đao bút”, gắn liền với hành động “trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược”, gắn liền với phẩm chất “có nhân, có trí, có anh hùng”. Và văn chương còn là nơi để cái đẹp của cuộc sống được thăng hoa. [I]Hý đề, Mạn thuật 13, Thuật hứng 7, Chu trung ngẫu thành chính là những tác phẩm thể hiện quan niệm này của Nguyễn Trãi. Đồng thời những tác phẩm trên còn thể hiện một quan niệm văn học khác: Nguyễn Trãi đã có ý thức về mối quan hệ giữa văn học và cuộc sống, thơ hay thì phải giúp người ta nhìn hiện thực ở một tầm cao hơn mức bình thường. Ở những sáng tác như [I]Trần tình 6, Tự thán 5, Hý đề, Nguyễn Trãi còn đề cập đến quan niệm về người nghệ sĩ, nhà thơ phải phát hiện ra nhiều cái đẹp mà người thường không nhìn thấy, từ đó Nguyễn Trãi càng thêm tự hào khi được làm thi nhân.
    Có thể thấy rằng, hướng nghiên cứu quan niệm văn học của Nguyễn Trãi thông qua những câu thơ, câu văn Nguyễn Trãi trực tiếp thể hiện quan niệm văn học đã mang lại nhiều kiến giải thú vị. Những vấn đề mà tác giả Đinh Gia Khánh đặt ra, tuy mới chỉ bước đầu và mang tính chất khái quát song hứa hẹn nếu được tiếp tục nghiên cứu sẽ bổ sung và phát hiện thêm nhiều phương diện sâu sắc và mới mẻ. Đây cũng là hướng nghiên cứu chủ yếu của luận văn.
    [B][I]2.1.3. Hướng nghiên cứu quan niệm văn học Nguyễn Trãi trong bối cảnh nghiên cứu quan niệm văn học trung đại Việt Nam[/I]
    Đây là hướng nghiên cứu xét về bản chất mang tính trực tiếp, song không tập trung vào một tác giả cụ thể nào. Người nghiên cứu thường lựa chọn một giai đoạn văn học trung đại, có khi là cả mười thế kỉ văn học trung đại hoặc một vấn đề nào đó trong quan niệm văn học của thời trung đại để tiến hành khảo sát, phân tích, bình luận. Do đó hướng nghiên cứu này mang tầm khái quát cao, quan niệm văn học của Nguyễn Trãi chỉ đóng vai trò là một yếu tố trong một hệ thống lớn. Mặt khác, chúng ta cần nhận thức được rằng, trong hệ thống lí luận văn học thời trung đại ở Việt Nam, giai đoạn thế kỉ XVIII, XIX mới là thời kì nở rộ của các quan niệm; còn các thế kỉ trước đó, quan niệm văn học mới chỉ là manh nha, trình bày rải rác, đơn lẻ, tản mạn. Nguyễn Trãi sống vào thế kỉ XV, cho nên dù trong sáng tác của ông có xuất hiện quan niệm văn học thì chúng ta cũng phải thừa nhận, những quan niệm văn học đó ở ông không nhiều. Do vậy, dù Nguyễn Trãi có mặt trong những công trình nghiên cứu lớn hay nhỏ về quan niệm văn học thời trung đại thì sự xuất hiện quan niệm văn học của ông cũng chỉ là thoáng qua, không phải là trọng điểm. Tuy nhiên hướng nghiên cứu này có một ưu thế nổi bật, đó là cung cấp cho chúng ta một cái nhìn lịch đại và đồng đại tương đối đầy đủ, giúp chúng ta xác định được vị trí và vai trò của quan niệm văn học Nguyễn Trãi trong mười thế kỉ văn học trung đại.
    Trên [I]Tạp chí văn học số 1 năm 1973, tác giả Trần Lê Sáng có bài [I]Thử tìm hiểu quan niệm Thi ngôn chí của nhà nho. Trong bài viết này, tác giả đã đề cập tới ba vấn đề sau: Nguồn gốc của quan niệm thi ngôn chí, Quan niệm thơ nói chí của nhà Nho Trung Quốc, Quan niệm thơ nói chí của nhà Nho nước ta. Ở vấn đề thứ ba – Quan niệm thơ nói chí của nhà Nho nước ta, tác giả đã đề cập tới quan niệm văn chương của Nguyễn Trãi: thơ nói chí, thể hiện trong bài [I]Thu dạ dữ hoàng giang Nguyễn Nhược Thuỷ đồng phú: “hảo bả tân thi hướng chí luân” – Hãy đem bài thơ mới nói đến cái chí của mình. Bên cạnh đó, Trần Lê Sáng còn nhận thấy “Nguyễn Trãi làm thơ là để nói lên tình cảm của mình [ ] Cái tình mà Nguyễn Trãi quan niệm là tình cảm hết sức rộng lớn [ ] Quan niệm thơ nói chí của Nguyễn Trãi có lẽ là quan niệm thơ thể hiện ước vọng của mình đối với cuộc sống” [65, 115]. Tuy nhiên tác giả mới chỉ đưa ra dẫn chứng mà chưa dành nhiều tâm sức đánh giá, có lẽ một phần là do khuôn khổ của bài viết, một phần là bởi mục đích chính của bài viết là hướng tới khái quát quan niệm thơ nói chí của nhà Nho nước ta.
    Trong công trình [I]Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học trung đại Việt Nam của Phương Lựu năm 1997, tác giả đã có điều kiện tổng kết một cách có hệ thống về quan niệm văn chương của cha ông ta trong mười thế kỉ. Công trình bao gồm ba phần chính: Phần một: [I]Hệ thống những quan niệm văn học cơ bản; Phần hai: [I]Hệ thống quan niệm về các chỉnh thể chủ yếu của văn [I]học; Phần ba: [I]Các mối liên hệ lịch sử của hệ thống. Trong đó, chúng tôi lưu tâm đến chương II của Phần một: [I]Quan niệm văn học truyền thụ đạo lý phong [I]kiến [I]trong thời hưng thịnh và chương VII của Phần hai: [I]Về thể loại thơ ca - [I]Vấn [I]đề thi dĩ ngôn chí. Trong hai chương này, tác giả đã nhắc tới quan niệm văn học của Nguyễn Trãi. Tại chương II, để làm rõ quan niệm văn học truyền thụ đạo lý phong kiến trong thời hưng thịnh, tác giả đã cho rằng: “Nguyễn Trãi cũng gắn liền văn học với ngôn luận của thánh hiền, với đạo trung hiếu, với đức nhân nghĩa. Ông viết: “Văn chương chép lấy đôi câu thánh [ ]” ” [44, 123]. Ở chương VII, tác giả nhận xét rằng: “từ trong sự thống nhất chung của công thức “thi dĩ ngôn chí” đó, thì quan niệm thơ ở Việt Nam cũng giống như ở Trung Quốc, là có sự bổ sung hoàn thiện dần [ ] đến Nguyễn Trãi thì càng nói rõ là làm thơ để lộ tâm tình, mà gọi là “cởi buồn” ” [44, 279]. Có thể thấy ngay rằng, với một công trình lớn như vậy, tác giả Phương Lựu chỉ dành cho quan niệm văn học của Nguyễn Trãi những lời nhận xét khái quát, nêu lên một hai đặc điểm trong quan niệm văn chương của Ức Trai. Tuy vậy, những ý kiến đánh giá đó cũng rất đáng quý, có tính gợi mở cho chúng tôi tiếp tục nghiên cứu đề tài: [I]Bước đầu tìm hiểu một số phương diện trong quan niệm văn học của Nguyễn Trãi.
    [B]2.2. Vấn đề còn tồn tại cần tiếp tục nghiên cứu
    Việc điểm lại sơ bộ các công trình nghiên cứu có liên quan tới đề tài chúng tôi đang tìm hiểu cho thấy, trong nhiều năm qua, vấn đề quan niệm văn học trong sáng tác Nguyễn Trãi đã được nhiều học giả chú ý tìm hiểu. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở sự khái quát hoặc những nhận xét đơn lẻ, chưa thực sự đi sâu vào vấn đề. Hướng nghiên cứu tư tưởng trong sáng tác của ông quá rộng lớn, phức tạp, dường như chưa nêu được đặc điểm gì đáng kể trong quan niệm văn chương Nguyễn Trãi. Hướng nghiên cứu gián tiếp thứ hai mà tác giả Bùi Văn Nguyên theo đuổi là thông qua sáng tác để tìm hiểu quan niệm văn học Nguyễn Trãi thì chưa nêu được những câu thơ, câu văn Nguyễn Trãi trực tiếp thể hiện quan niệm văn chương. Tác giả cũng mới chỉ đi sâu tìm hiểu quan niệm văn chương vì nghĩa lớn, vì chí lớn của kẻ anh hùng vì dân vì nước. Hướng nghiên cứu đặt quan niệm văn học của Nguyễn Trãi trong hệ thống quan niệm văn học trung đại Việt Nam có ưu điểm là thể hiện cái nhìn đồng đại và lịch đại đối với vấn đề, tuy nhiên quan niệm văn học của ông mới chỉ được các tác giả điểm qua ở một vài khía cạnh. Hướng nghiên cứu của tác giả Đinh Gia Khánh có ưu điểm nổi bật là đã chỉ ra được những câu văn, câu thơ Nguyễn Trãi trực tiếp thể hiện quan niệm văn chương. Tuy nhiên, những nhận xét của tác giả còn mang tính chất gợi mở, chưa thật sự đi sâu vào vấn đề; tác giả cũng chưa khảo sát được đầy đủ những câu thơ, câu văn Nguyễn Trãi thể hiện quan niệm văn học.
    Trên cơ sở phân tích ưu điểm và hạn chế của những hướng nghiên cứu nêu trên, chúng tôi nhận thấy hướng nghiên cứu của tác giả Đinh Gia Khánh, đi tìm những sáng tác Nguyễn Trãi trực tiếp thể hiện quan niệm văn học của ông, từ đó khái quát thành những đặc điểm là phù hợp nhất với đề tài chúng tôi đang tiến hành. Những ý kiến của các học giả đi trước cũng đóng vai trò quan trọng để chúng tôi triển khai đề tài. Quá trình khảo sát và thống kê tư liệu đã mang lại cho chúng tôi nhiều kết luận, trong đó có những ý kiến tương đồng với đánh giá của các nhà nghiên cứu trước đó, song cũng có những kiến giải mới. Tất cả cũng chỉ nhằm đạt tới mong muốn khắc họa được phần nào quan niệm văn chương của một tác gia sống cách chúng ta sáu thế kỉ, từ đó có thêm một công cụ, một phương tiện để hiểu đúng, hiểu sâu hơn những sáng tác của Nguyễn Trãi.
    [B]3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
    Luận văn sử dụng phối hợp các phương pháp nghiên cứu sau để giải quyết đề tài:
    [B]3.1. Phương pháp thống kê, phân loại
    Phương pháp này được chúng tôi sử dụng để khảo sát các sáng tác của Nguyễn Trãi, thống kê những dẫn chứng từ thơ văn Nguyễn Trãi trực tiếp thể hiện quan niệm văn học của ông. Trên cơ sở dẫn chứng được khảo sát, chúng tôi tiến hành phân loại để tìm ra những nội dung, khái quát thành những luận điểm cơ bản. Do vậy, đây là phương pháp nghiên cứu đầu tiên chúng tôi phải sử dụng, có ảnh hưởng lớn đến kết quả của luận văn.
    [B]3.2. Phương pháp phân tích, tổng hợp
    Đây là phương pháp thường được áp dụng để khai thác các dẫn chứng (luận chứng). Phương pháp phân tích, tổng hợp, do đó, được vận dụng để xử lý các dẫn chứng, giúp đưa ra những kết luận xác đáng, thuyết phục.
    [B]3.3. Phương pháp hệ thống
    Trên cơ sở những luận điểm đã tổng hợp được, chúng tôi vận dụng phương pháp hệ thống để đặt quan niệm văn học của Nguyễn Trãi trong một chỉnh thể. Phương pháp này giúp chúng ta tìm ra quy luật cấu thành và vận động, phát triển của quan niệm văn học Nguyễn Trãi nói riêng, quan niệm văn học trong thời trung đại nói chung.
    [B]3.4. Phương pháp văn bản học
    Chúng tôi sử dụng phương pháp này chủ yếu để khảo sát các dịch bản, trên cơ sở đó lựa chọn dịch bản tốt nhất. Bên cạnh đó, ở phần thơ quốc âm của Nguyễn Trãi, hiện nay vẫn còn tồn nghi 33 bài được xem là trùng với thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm. Do đó, vận dụng phương pháp này, chúng tôi xác định được những dẫn chứng thể hiện quan niệm văn học của Nguyễn Trãi thuộc trong số 33 bài thơ kể trên.
    [B]4. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI NGHIÊN CỨU
    [B]4.1. [B]Đối tượng nghiên cứu
    Trong giới hạn của một luận văn thạc sĩ, chúng tôi chỉ [I]bước đầu tìm hiểu một số phương diện trong quan niệm văn học của Nguyễn Trãi. Dẫn chứng được khảo sát từ các tư liệu:
    -[I]Quốc âm thi tập, Phạm Trọng Điềm, Trần Văn Giáp phiên âm và chú giải, NXB Văn Sử Địa, HN, 1956.
    -[I]Nguyễn Trãi toàn tập, Đào Duy Anh phiên âm và chú giải, NXB KHXH, HN, 1976.
    -[I]Thơ quốc âm Nguyễn Trãi, Bùi Văn Nguyên phiên âm và chú giải, NXB GD, HN, 1994.
    -[I]Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Nxb Văn học, HN, 2000.
    Trong đó, cuốn [I]Nguyễn Trãi toàn tập, Đào Duy Anh, NXB KHXH, HN, 1976 là tài liệu nghiên cứu chính. Ba tập còn lại được dùng để tham khảo và so sánh các bản dịch thơ, với mục đích lựa chọn được bản dịch tốt nhất.
    [B]4.2. Phạm vi nghiên cứu
    Luận văn tập trung nghiên cứu vào vấn đề: quan niệm văn học.
    Do vậy, vấn đề đầu tiên cần giải quyết chính là khái niệm quan niệm văn học.
    Theo chúng tôi, quan niệm văn học là thái độ, suy nghĩ, chiêm nghiệm của nhà văn về văn chương (đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: bản chất của văn học là gì?, văn học có chức năng gì?); về vai trò của người cầm bút; về phương pháp sáng tác, về tư duy nghệ thuật . đồng thời còn là tư tưởng, tình cảm, những xúc cảm chân thành mãnh liệt nhất của nhà văn trước cuộc sống và con người.
    Tuy nhiên, với một tác gia lớn như Nguyễn Trãi, việc tìm hiểu quan niệm văn học của ông quả thật là vấn đề không đơn giản. Điều này có hai nguyên nhân: một là khối lượng tác phẩm của ông (đồ sộ và đến nay vẫn còn nhiều tác phẩm bị thất truyền), hai là tư tưởng của ông – nền tảng ý thức hệ quyết định đến quan niệm văn học của tác giả – rất phức tạp. Phải nắm vững hai nhân tố này mới có hi vọng tìm hiểu đầy đủ, trọn vẹn quan niệm văn học của Nguyễn Trãi. Song ở phạm vi một luận văn thạc sĩ, chúng tôi chưa thể giải quyết triệt để vấn đề này. Do đó, trong luận văn này, chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu và tìm hiểu [I]một số phương diện trong quan niệm văn học của Nguyễn Trãi, cụ thể là hai vấn đề:
    +Quan niệm văn học của Nguyễn Trãi về bản chất của văn chương và về người làm văn chương.
    +Quan niệm văn học của ông về chức năng của văn chương.
    Vấn đề thứ hai chúng tôi cần giải quyết chính là phạm vi tư liệu khảo sát. Trong phần đối tượng nghiên cứu, chúng tôi khẳng định sẽ khảo sát toàn bộ các sáng tác của Nguyễn Trãi trong tập [I]Nguyễn Trãi toàn tập, Đào Duy Anh phiên âm và chú giải, NXB KHXH, Hà Nội, 1976. Tuy nhiên ở phần [I]thơ Quốc âm của Nguyễn Trãi, chúng tôi nhận thấy có 33 bài thơ được xem là trùng với thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm; 9 bài trùng từ một câu đến bảy câu (BKCG 12, 20, 26, 30, 36; Tự thán 6, Ngôn chí 19, Thuật hứng 12, Tự thán 18); 24 bài trùng cả tám câu (Mạn thuật 2, 5; Trần tình 4, 5, 8; Thuật hứng 8, 11, 13, 18, 20, 21, 22, 24, 25; Tự thán 8, 10, 13, 15, 21, 31, 32; BKCG 6, 8, 34). (1) Do vậy, khi tiến hành thống kê và phân loại các dẫn chứng Nguyễn Trãi thể hiện trực tiếp quan niệm sáng tác của ông, chúng tôi sẽ cân nhắc những dẫn chứng trùng lặp với những câu thơ còn tồn nghi kể trên([SUP]2)[/SUP].
    [B]5. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN
    Đóng góp của luận văn chủ yếu là ở các điểm sau:
    [I]Thứ nhất, trong chừng mực nhất định, có thể coi luận văn là sự kế thừa và hệ thống hoá sơ bộ những thành tựu nghiên cứu đã đạt được của các tác giả trước đó về vấn đề quan niệm văn học của Nguyễn Trãi trên một số phương diện nhất định. Qua đó, luận văn góp một phần nhỏ làm phong phú thêm cho kho tàng lý luận của văn học trung đại ViệtNam nói riêng, nền lý luận văn học của dân tộc nói chung trong giai đoạn hội nhập và giao lưu văn học, văn hoá quốc tế.
    [I]Thứ hai, luận văn là sự rà soát lại về cả hai mặt tư liệu và thẩm định đánh giá của các học giả về quan niệm văn học của Nguyễn Trãi trong thời gian tương đối dài. Về mặt tư liệu, luận văn không chỉ sử dụng lại những dẫn chứng đã được các tác giả công bố trước đây mà còn tìm kiếm, thống kê, phân loại thêm những dẫn chứng mới. Về mặt thẩm định, đánh giá, luận văn cố gắng đưa ra những nhận định chân xác nhất, khách quan nhất về những giá trị của quan niệm văn học Nguyễn Trãi ở một số phương diện nhất định. Luận văn tiếp tục phân tích và bổ sung những quan niệm văn học của Nguyễn Trãi.
    [I]Thứ ba, thông qua việc tìm hiểu một số phương diện trong quan niệm văn chương Nguyễn Trãi, luận văn góp phần bổ sung và làm rõ diện mạo lịch sử phát triển của quan niệm văn học trung đại Việt Nam giai đoạn thế kỉ XV, đối sánh nó với các giai đoạn trước và sau ở thời trung đại, với quan niệm văn học của Trung Hoa và quan niệm văn học thời hiện đại. Cần so sánh đối chiếu để tìm ra sự tương đồng và khác biệt trong quan niệm văn học của Nguyễn Trãi với quan niệm của những tác giả trước và sau ông, để thấy được Nguyễn Trãi đã kế thừa và có những vận dụng mới mẻ gì từ kho tàng lí luận văn học cổ điển Trung Hoa. Những quan niệm của ông về văn chương đã được tiếp tục phát huy ở các thế kỉ sau ra sao, chúng có còn giá trị đối với nền lí luận văn học hiện đại ngày nay hay không? Đây chính là những mục tiêu luận văn cố gắng thực hiện nhằm vừa đảm bảo tính khách quan lịch sử, vừa có giá trị hữu ích, thực tiễn cho độc giả hiện đại.
    [B]6. BỐ CỤC LUẬN VĂN
    Ngoài phần [B]Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo và[B] Phụ lục, luận văn của chúng tôi được chia làm ba chương:
    [B][I]Chương 1[/I][I]: Ý thức hệ – Cơ sở hình thành quan niệm văn học của Nguyễn Trãi.
    [B][I]Chương 2[/I][I]: Quan niệm văn học về bản chất của văn chương và về người làm văn chương.
    [B][I]Chương 3[/I][I]: Quan niệm văn học về chức năng của văn chương[/I][/B][/I][/B][/I][/B][/B][/B][/B][/I][/I][/I][/B][/I][/I][/I][/B][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/B][/B][/B][/B][/B][/B][/B][/B][/B][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/B][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/B][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/I][/I]
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...