Tài liệu Bốn tỉnh Nam kỳ rơi vào tay giặc . Thực dân Pháp tiếp tục mở rộng chiếm đóng ba tỉnh miền Tây .

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Bốn tỉnh Nam kỳ rơi vào tay giặc . Thực dân Pháp tiếp tục mở rộng chiếm đóng ba tỉnh miền Tây .


    1. Hiệp ước 5-6-1862 - Cuộc kháng chiến tiếp tục của nhân dân Việt nam

    Sau khi kết thúc chiến sự ở Trung quốc, ngày 7/2/1861 đại quân Pháp kéo về Việt Nam dưới quyền chỉ huy của tướng già Sác-ne. Viên tướng này này được chính phủ Na-pô-lê-ông III trao cho những quyền hành rất lớn: thống lãnh toàn bộ lực lượng võ trang Pháp ở viễn đông, có quyền tuyên chiến hoặc ký hòa ước với Việt Nam. Pháp hội quân tại Bến Nghé, cả thảy có khoảng 4.000 tên (trong đó có cả lực lượng cũ, mới và dân phu bị bắt ở Quảng Châu cùng 250 lính Tây Ban Nha .) Sáng sớm ngày 24/2/1861 đại bác địch bắt đầu tàn phá Đại Đồn. Quân ta chống cự mãnh liệt đẩy lui nhiều đợt tấn công của giặc. Ngày hôm sau thành vỡ, Nguyễn Tri Phương phải ra lệnh lui binh bỏ lại 150 đại bác, 2.000 khẩu súng tay. Thừa thắng quân Pháp đánh lan về phía Biên hòa, chiếm được Thuận Kiều, Trảng Bàng, Tây Ninh .


    Nghe tin Đại đồn thất thủ, triều đình vội điều thêm viện binh ứng cứu lại cử Tôn thất Cáp và Nguyễn Bá Nghi vào Nam bộ. Song vì việc hành quân quá chậm, đến rồi lại không chủ động tiến công, nên quân giặc thừa thế lánh lan ra nhiều nơi. Đầu tháng 4 năm1861 chúng chiếm Định Tường (gồm cả Mĩ Tho, Tân An, Gò Công) - một tỉnh giàu có và đông dân nhất Nam bộ lúc đó, có sông Tiền giang dẫn tới biên giới Căm-pu-chia. Quân triều đình cố gắng dựa vào các cản trên sông để tiêu diệt và ngăn chặn bước tiến của địch. Mặc dầu bị tổn thất nặng, ngày 12/4/1861 quân Pháp vẫn tới được Mĩ Tho. Quan trấn thủ là Nguyễn Hữu Thành đã cho thiêu hủy kho tàng, dinh thự chạy về Cái Bè. Quân Pháp ung dung vào thành với vô số chiến lợi phẩm qúi giá. Sau khi chiếm được Định Tường, quân Pháp liền thực hiện chính sách dùng người Việt trị người Việt, tăng cường xây dựng lực lượng ngụy binh để chuẩn bị tiến đánh Biên Hòa. Tháng 12/1861 quân địch dưới sự chỉ huy của Bô-Na (thay Sác-ne) mở cuộc tiến công Biên Hòa bằng cả hai đường thủy bộ. Quân Nguyễn chống cự yếu ớt. Một số quan lại (điển hình như Nguyễn Bá Nghi - quan trấn thủ Biên Hoà) mới nghe tin quân Pháp tới đã hèn nhát bỏ chạy. Thừa thắng, địch đánh chiếm luôn thành Vĩnh Long thuộc miền Tây Nam Kỳ (ngày 23 tháng 3/1862).

    Như vậy, sau 3 năm tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp mới chỉ chiếm được 4 tỉnh thành mà quan quân triều đình bỏ ngỏ.

    Tuy chiếm được đất nhưng quân Pháp chưa thể tổ chức được việc cai trị ở 4 tỉnh đó bởi vì chúng đã vấp phải cuộc kháng chiến hết sức quyết liệt của nhân dân ta. Phát huy truyền thống yêu nước bất khuất của dân tộc, cũng giống như nhân dân Quảng Nam - Đà nẵng năm 1858, từ năm 1859 nhân dân Gia Định đã tự động đứng lên chống giặc mạnh hơn cả quân triều đình. Đội quân 5.800 người của Lê Huy và Trần Thiên Chính đã làm cho địch thất điên bát đảo. Phong trào bất hợp tác đã làm cho thực dân Pháp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức bộ máy ngụy quyền. Bị bao vây, đánh phá ở khắp nơi, tháng 3/1859 thực dân Pháp buộc phải phá thành Gia Định rút xuống tàu. Cuối năm 1860 trong lúc Nguyễn Tri Phương và quan quân triều đình ngại đánh giặc, chỉ ra sức đào hào đắp lũy thì các đội quân nghĩa dũng đã mưu trí dũng cảm phục kích giết chết tên quan ba Bác-bê ở gần Trường Thi. Đêm đêm họ tìm cách lọt qua phòng tuyến của địch, đốt cháy kho tàng, doanh trại của chúng, vào tận sông để bắn tàu Primôghe và phục kích tiêu hao sinh lực của Pháp.

    Trái ngược với tư tưởng chủ hòa do dự của những viên quan lại trong triều đình Huế tiêu biểu như Nguyễn Bá Nghi, hay khác với sự chậm trễ tiếp cứu của triều đình, mất hết thời giờ trong các lễ nghi phiền phức và vô bổ như việc ban kiếm, ban nhung y . mở lịch xem giờ tốt để ”khởi mã”, giao cho Khâm thiên giám xem “bản mệnh tốt xấu của đại tướng” . nhân dân Nam bộ đã ngay lập tức nổi lên đánh giặc bằng mọi thứ vũ khí có trong tay. Họ tự lực chiến đấu từ trong thành Gia Định đến ngoài thôn xã, họ không nhờ cậy vào triều đình mà tự tin ở mình. Họ biến xóm ấp thành pháo đài chống Pháp chứ không cần lui vào rừng sâu theo chỉ dụ của nhà vua. Các đội nghĩa binh của Trương Công Định (6000 người) của Nguyễn Thành Ý (2000 người) của Phan Trung (2000 người) và các đội nghĩa binh dưới sự chỉ huy của Trần Xuân Hoà, Phan Văn Đạt, Lê Cao Dũng, Đỗ Trình Thoại, cai tổng Là, Nguyễn Trung Trực . có mặt ở khắp nơi, thoắt ẩn, thoắt hiện trong những ”trung tâm kháng chiến được chia nhỏ ra vô tận”, ngày đêm tiễu trừ quân Pháp. Đến đầu năm 1862 phong trào kháng chiến của nhân dân Nam Bộ đã buộc thực dân Pháp phải rút khỏi một loạt cứ điểm ở Gò Công, Chợ Gạo, Cái Bè . nghĩa quân đã chiếm lại được nhiều vùng đất đai rộng lớn.

    Những cuộc đánh phá, gây rối của quân ta đã khiến cho thực dân Pháp đang tính đến chuyện ”phải chinh phục lại những vùng đã chinh phục”, nhưng triều đình Huế đã không biết đến điều đó.

    Xuất phát từ những toan tính nhỏ nhen, ngày 5-6-1862 triều Nguyễn đã kí bản hiệp ước nhượng đất đầu tiên, nhường cho Pháp 3 tỉnh miền Đông Nam Kì (Gia Định, Định Tường, Biên Hoà) Hiệp ước 5/6/18629 (Hiệp ước Nhâm Tuất) được mang danh là ”Hiệp ước hòa bình và hữu nghị”. Nội dung gồm 12 khoản, trong đó qui định: Triều đình Huế phải nhượng hẳn cho Pháp 3 tỉnh miền Đông Nam kì (Gia định, Định Tường, Biên Hòa) và đảo Côn lôn. Bồi thường chiến phí cho Pháp 4.000.000 đô-la (tương đương 2.880.000 lạng bạc); Mở các cửa biển Đà nẵng, Ba lạt, Quảng yên cho Pháp và Tây Ban Nha tự do buôn bán; Pháp sẽ trả thành Vĩnh Long cho triều đình chừng nào Huế ngừng hẳn phong trào chống Pháp ở 3 tỉnh miền Đông. Ngay sau khi hoà ước được kí kết,thực dân Pháp cho tàu đi các nơi để loan tin, còn triều đình Huế thì vội vàng phái Phan Thanh Giản vào Nam ra lệnh cho nghĩa quân các nơi hạ vũ khí, nạp súng đạn cho Pháp hi vọng nhân dân sẽ ngoan ngoãn thi hành. Tuy nhiên, hiệp ước 5/6/1886 đã như lửa đổ thêm dầu, càng gây nên sự bất bình trong dân chúng cả nước.

     

    Các file đính kèm:

Đang tải...