A – MỞ BÀI Như chúng ta đã biết , sự ra đời và tồn tại của nhà nước và sự xuất hiện của nền sản xuất hàng hóa bao giờ cũng gắn liền với sự ra đời và tồn tại của ngân sách nhà nước. Đó là hệ thống các mối quan hệ kinh tế phát sinh giữa nhà nước và các chủ thể khác trong nền kinh tế thông qua quá trình hình thành, phân phối và sử dụng quỹ tiền tệ tập trung quan trọng nhất của nhà nước nhằm đáp ứng cho việc thực hiện các chức năng nhiệm vụ của nhà nước về mọi mặt. Ngân sách nhà nước cũng đã trở thành công cụ quan trọng nhất được nhà nước sử dụng để khắc phục những khuyết tật của nền kinh tế thị trường, huy động nguồn tài chính, điều tiết vĩ mô nền kinh tế, cũng như điều tiết thu nhập nhằm đảm bảo công bằng xã hội. Những việc đó được thực hiện thông qua hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước. Thu để định hướng đầu tư , kích thích hoặc hạn chế sản xuất,kinh doanh chi để nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, nâng cao đời sống nhân dân Tuy nhiên trong điều kiện ngân sách nhà nước còn eo hẹp ,thì việc thu, chi ngân sách thế nào cho hiệu quả và tiết kiệm , tránh được tình trạng thất thoát, thâm hụt ngân sách luôn là bài toán khó đặt ra cho nhà nước ta. Chi ngân sách phải được tiến hành trên cơ sở pháp luật và theo kế hoạch chi ngân sách cũng như phân bổ ngân sách do cơ quan quyền lực nhà nước quyết định. Mọi khoản chi ngân sách phải phù hợp với các quy định của pháp luật về các điều kiện chi ngân sách. Với mục đích đi sâu tìm hiểu về các điều kiện chi ngân sách nhà nước cũng như thực trạng áp dụng các quy định đó trong quá trình chi ngân sách của nước ta, em xin được lựa chọn Đề tài số 06 : Bình luận về các điều kiện chi ngân sách nhà nước (qui định pháp luật và thực tiễn áp dụng). Trong quá trình làm bài tập thể nhóm đã cố gắng nhiều, song với trình độ hiểu biết vấn đề còn hạn chế nên bài viết khó thể tránh khỏi những thiếu sót. Bởi vậy, chúng em rất mong có thể nhận được sự đóng góp ý kiến từ phía thầy cô cũng như các bạn để bài làm của chúng em được hoàn thiện hơn B – NỘI DUNG I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 1. Khái niệm chi ngân sách nhà nước Ngân sách nhà nước được coi là một hiện tượng kinh tế - xã hội gắn liền với Nhà nước và mang tính lịch sử. Nói đến ngân sách nhà nước là đề cập đến hai loại hình hoạt động tài chính cơ bản của Nhà nước, đó là hoạt động thu ngân sách và hoạt động chi ngân sách. Chi ngân sách nhà nước là một bộ phận trong cơ cấu NSNN. Theo Từ điển giải thích thuật ngữ luật học thì chi NSNN là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân phối và sử dụng quỹ ngân sách nhà nước. Mục đích của chi NSNN là thực hiện chức năng và nhiệm vụ của nhà nước. Chi NSNN là nội dung của chấp hành ngân sách nhà nước nên thuộc trách nhiệm và quyền hạn của hệ thống cơ quan chấp hành và hành chính nhà nước các cấp. Căn cứ để thực hiện chi ngân sách nhà nước là dự toán ngân sách hàng năm, quy định của pháp luật và định mức, tiêu chuẩn chi ngân sách. Nếu hoạt động thu ngân sách nhà nước là nhằm thu hút các nguồn vốn tiền tệ để hình thành nên quỹ ngân sách nhà nước thì chi ngân sách nhà nước là chu trình phân phối, sử dụng các nguồn vốn tiền tệ đã được tập trung vào quỹ tiền tệ đó. Do hoạt động thu ngân sách nhà nước vừa là tiền đề, vừa là cơ sở thực hiện hoạt động chi ngân sách nhà nước nên phạm vi và quy mô của hoạt động chi ngân sách nhà nước phụ thuộc một phần vào kết quả của hoạt động thu ngân sách nhà nước. Luật ngân sách nhà nước 2002 cũng đã đưa ra khái niệm chi ngân sách nhà nước nhưng ở dạng liệt kê, tại Khoản 2 Điều 2. Theo đó, chi ngân sách nhà nước bao gồm các khoản chi phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm hoạt động của bộ máy nhà nước; chi trả nợ của nhà nước; chi viện trợ và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật. Khái niệm trên đã chỉ ra một cách khá đầy đủ những nội dung chi cơ bản, mang tính then chốt cho việc đảm bảo các hoạt động của bộ máy nhà nước, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong các lĩnh vực khác nhau.