Tiểu Luận Bình luận bài bình luận về truyện ngắn "Tướng về hưu" (Nguyễn Huy Thiệp)

Thảo luận trong 'Báo Chí' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Bình luận bài bình luận “Khi ông Tướng về hưu xuất hiện” – tác giả Đặng Anh Đào (Giáo trình “Phê bình tác phẩm văn học nghệ thuật trên báo chí” – tác giả Nguyễn Thị Minh Thái).

    Một bài phê bình được coi là thành công khi người viết “thấm” được sâu sắc và trọn vẹn cả dụng ý về nội dung, tư tưởng và thủ pháp nghệ thuật của tác phẩm đó. Trong loạt bài bình luận về truyện ngắn “Tướng về hưu” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, bài viết “Khi ông tướng về hưu xuất hiện” của Đặng Anh Đào không chỉ thành công khi chỉ ra được cái hay, cái lạ của tác phẩm, mà còn biết bảo vệ những lý lẽ ấy một cách ấn tượng và thuyết phục.

    Những ai đã từng làm báo thì đều hiểu rằng, một “good tillte” – một cái Tiêu đề tốt có sức mạnh ghê gớm như thế nào. Và chính vì nó có sức mạnh ghê gớm nên không dễ viết và càng rất khó để viết hay. Đó là lí do tại sao ngày nay chúng ta bắt gặp nhan nhản những bài báo mà nội dung chẳng liên quan gì đến tiêu đề. Bỏ qua mục đích giật gân, câu khách thì điều đáng bàn còn lại là năng lực của một số người làm báo có “vấn đề” nên chính bản thân họ cũng không hiểu nội dung cốt yếu của bài mình viết là gì, hoặc vốn từ của họ quá nghèo nàn đến nỗi không thể tìm cách diễn đạt đúng được, đành dùng “bừa” một cái tít “dởm”.

    Đặng Anh Đào thì thành công ngay từ cái tên bài, quá lạ và quá gợi. Sử dụng lối chơi chữ nhẹ nhàng nhưng cái tên bài “Khi ông Tướng về hưu xuất hiện” lại gây ấn tượng mạnh khiến ai đã từng đọc hay chưa từng đọc truyện ngắn “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp đều tò mò nán lại để đọc xem “ chuyện gì xảy ra sau đó?”

    Ngoài việc tạo ra sự chú ý, tò mò thì bản thân cái tên này cũng bao hàm một ý nghĩa rất sâu sắc, kín đáo mà bóng bẩy: “Phải chăng tác phẩm “Tướng về hưu” xuất hiện đã mở đường cho một lối viết mới, khuynh hướng mới hay một nhà văn mới trong giới văn chương?”. Ở nội dung bài phía dưới, Đặng Anh Đào không trả lời thẳng cho độc giả câu hỏi đó mà chỉ đưa ra những lý lẽ, dẫn chứng để độc giả tự tìm ra câu trả lời. Một lần nữa, Đặng Anh Đào “gặp gỡ” tác giả Nguyễn Huy Thiệp ở lối viết ta – địch không rõ ràng nhưng không gây sự mơ hồ cho người đọc, mà là một sự khẳng định khôn khéo và kín đáo.

    Đặng Anh Đào luôn làm chủ ngôn từ của mình. Bà biết cách viết vừa đủ, không quá dài và không để “hớ” khi dùng từ. Đoạn mở đầu là một ví dụ: “Thế nó định khen ai thế? định khen ông tướng hay là “Có phải định phê phán cô con dâu không? Nhưng kể ra thì cô ấy có gì sai đâu, mà đối xử được như thế ” (Tôi xin lỗi vì đã truyền đạt lại đúng nguyên văn: chữ “nó” ở đây rất trung hoà, thường người Việt hay dùng để chỉ một cuốn truyện, một cuốn phim, và ngay cả diễn viên, cầu thủ, nhà văn )”. Dẫn vào bài viết bằng một đoạn văn nói độc thoại rất “hồn nhiên” và gây ấn tượng, nhưng Đặng Anh Đào không quên chú thích về đại từ “nó” để tránh những hiểu lầm và sự phản cảm từ phía nhà văn lẫn độc giả. Cẩn thận từ những chi tiết nhỏ cho thấy, trước hết, bà là một người viết có trách nhiệm.

    Lại nói vì sao bảo Đặng Anh Đào luôn biết làm chủ những gì mình viết. Không phải ngẫu nhiên bà dùng dẫn chứng liên quan đến những nhà văn nổi tiếng của nền văn học phương Tây thế kỉ XIX & XX như Engels, Hemingway, Brecht, bởi lẽ tác phẩm “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp ra đời vào năm 1987, tức cuối thế kỉ XX và đây là thời kỳ mà văn học Việt Nam tiếp thu những thành quả đi trước của văn học phương Tây nên có nhiều điểm tương đồng trong quan điểm và định hướng phát triển.

    Hiểu rõ bản thể trong tiến trình phát triển của nó khiến tác giả bài viết có những dẫn chứng xác đáng và thuyết phục: “Từ thế kỉ XIX, Engels viết: “Khuynh hướng toát ra từ tình thế và kết cấu chứ không nhất thiết nhà thơ phải cung cấp một giải pháp có sẵn cho người đọc”. Dẫn chứng này cho thấy, lối viết tưởng chừng gây khó hiểu của Nguyễn Huy Thiệp thật ra lại là sự đón đầu, sự tiên phong đề xuất một lối viết mới và một cách tiếp nhận mới cho công chúng Việt.

    Đặng Anh Đào tiếp tục bảo vệ cho phát hiện của mình ở trên, bà viết: “Một lối kể chuyện rất cổ điển, đầu trước đuôi sau, những câu văn đơn sơ, dễ hiểu, ai cũng đọc được: nhưng cũng không hẳn là tính chất quần chúng Cuộc đời đã tiếp tục như không có người cha, nhưng đã có một nỗi buồn len lỏi, một day dứt, khắc khoải Khơi dậy cảm giác về sự bất ổn đã là đòi hỏi nó phải được giải quyết (ngoài cuộc đời)”. Dù cách kể chuyện của tác giả trong truyện ngắn “Tướng về hưu” khiến người đọc có cảm giác về một sự lạnh lùng, vô cảm và ngăn cách nhưng câu chuyện từ đầu vẫn đảm bảo có nút thắt, nút mở, chỉ khác một điều là: người mở nút không phải nhà văn, mà ông đã trao quyền cho chính người đọc, bằng sự cảm nhận tinh tế và sự nắm bắt tổng thể tác phẩm.

    Đặng Anh Đào không tung hô một tác phẩm như một kiệt tác hoàn hảo. Bà cũng chỉ ra những chi tiết không thật sự phù hợp nhưng lại nhìn nó với con mắt bao dung và thể hiện là một người am tường cuộc sống và lịch sử: “Cái cảm giác cô đơn nữa, có thể là hơi bị gán ghép quá vội, Tuy nhiên, cái cô đơn của một số nhân vật trong Tướng về hưu vẫn có giá trị báo hiệu, và chưa chắc chỉ báo hiệu dở.”

    Phần cuối cùng trong bài viết của mình, bà đề cập đến tên gọi thể loại “truyện ngắn” của tác phẩm. Nếu chỉ dựa vào nhận diện về dung lượng ngắn ở “Tướng về hưu” xếp tác phẩm này vào thể loại truyện ngắn thì có lẽ là “không ổn” – Anh Đào cho là như vậy. Xét về nội dung tư tưởng của tác phẩm, thì “Tướng về hưu” mang tầm vóc của một tiểu thuyết với việc vẽ nên bức tranh lớn về bối cảnh xã hội Việt Nam thời kỳ giao chuyển từ chế độ bao cấp lên kinh tế thị trường. Câu chuyện đó có ý nghĩa về thời đại, chứ không phải chỉ là một lát cắt về một cuộc đời, một sự kiện, một tình huống mang tính cá thể riêng ai. Tuy nhiên, tác giả lại kết lại rằng, dù thế nào đi nữa, vẫn không thể phủ nhận “ ngắn là một ưu thế của Tướng về hưu”.
    Viết ngắn, gọn, súc tích và hàm súc cũng là một ưu thế trong bài bình luận của Đặng Anh Đào. Nhờ lối viết này mà tác giả liên tục gây ấn tượng về ngôn từ ngay từ phần mở đầu cho đến tận những chữ cuối cùng của bài viết.

    Đọc xong bài bình luận “Khi ông tướng về hưu xuất hiện” của Đặng Anh Đào, tôi có cái cảm giác hả hê, sung sướng và biết ơn của một công chúng tự nhận mình ở đẳng cấp thấp hơn, được đàn anh đàn chị là những công chúng bậc cao lý giải một cách thuyết phục nhất những điều tôi cảm thấy còn băn khoăn, khó hiểu sau khi đọc xong truyện ngắn “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp. Và đặc biệt, với bài viết của Đặng Anh Đào, không chỉ là lý giải, mà còn là: lý giải một cách thông minh nhất./.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...