Tiểu Luận Bill Johnson – một nhà tỷ phú đã cho rằng Nếu bạn đam mê điều gì, hãy cố gắng theo đuổi nó đến cùng.

Thảo luận trong 'Luật Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    ĐẶT VẤN ĐỀ
    Định hướng nghề nghiệp cho học sinh và sinh viên ngay trong quá trình học tập là vấn đề nan giải nhưng lại rất bức thiết. Cũng đã có rất nhiều quan điểm, nhận định nổi tiếng của những danh nhân thành đạt về vấn đề này. Mỗi câu nói đó đều là đúc kết về một hiện tượng tâm lý. Để làm rõ điều này em xin chọn đề tài: Bill Johnson – một nhà tỷ phú đã cho rằng: “ Nếu bạn đam mê điều gì, hãy cố gắng theo đuổi nó đến cùng. Bởi nghề nghiệp sẽ là thứ theo bạn suốt cuộc đời. Và sẽ không còn gì tốt hơn nếu như bạn được làm những gì mà bạn thực sự thích” để giải thích rõ hiện tượng tâm lý nào được thể hiện trong câu nói trên của nhà tỷ phú. Giải thích tại sao? Và liên hệ với việc định hướng nghề nghiệp của sinh viên.

    GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
    1. Xác định và giải thích hiện tượng tâm lý được thể hiện
    Hiện tượng tâm lý được thể hiện trong câu nói “Nếu bạn đam mê điều gì, hãy cố gắng theo đuổi nó đến cùng. Bởi nghề nghiệp sẽ là thứ theo bạn suốt cuộc đời. Và sẽ không còn gì tốt hơn nếu như bạn được làm những gì mà bạn thực sự thích” của nhà tỷ phú Bill Johnson là Hứng thú – một trong những biểu hiện của xu hướng trong cấu trúc của nhân cách.
    Khi chúng ta hứng thú về một cái gì đó, thì bao giờ cũng được chúng ta ý thức, hiểu rõ ý nghĩa của nó đối với cuộc sống và xuất hiện một cảm tình đặc biệt đối với nó. Do đó, hứng thú lôi cuốn, hấp dẫn, tạo ra tâm lý khát khao, tiếp cận của chủ thể về phía đối tượng.
    Hứng thú là thái độ đặc thù của cá nhân đối với đối tượng nào đó mà đối tượng đó vừa có ý nghĩa trong đời sống, vừa hấp dẫn về mặt tình cảm đối với cá nhân đó.
    Để đối tượng gây ra hứng thú, nó phải thỏa mãn hai điều kiện:
    Một là, đối tượng đó phải được cá nhân ý thức, hiểu rõ ý nghĩa của nó đối với đời sống riêng của mình.
    Ở trong câu nói của nhà tỷ phú Bill Johnson, đối tượng đó là nghề nghiệp, rất có ý nghĩa với cuộc sống riêng của từng người, và ông cũng hiểu rõ được ý nghĩa của công việc đối với đời sống là: công cụ để có thu nhập, nghề nghiệp là thứ theo bạn suốt cuộc đời.
    Hai là, đối tượng đó phải làm xuất hiện ở cá nhân một cảm tình đặc biệt
    Ở trong trường hợp này đó là nghề nghiệp gây cho từng cá nhân một cảm tình đặc biệt, là đam mê, niềm yêu thích, luôn gây cảm hứng cho từng cá nhân, là động lực để sáng tạo, hoàn thành thực hiện tốt công việc dù có khó khăn, khắc nghiệt mà nghề nghiệp đó mang lại.
    Hứng thú tạo nên ở cá nhân khát vọng tiếp cận và đi sâu vào đối tượng – nghề nghiệp. Khát vọng này biểu hiện ở chỗ cá nhân tập trung chú ý cao độ vào công việc làm mình hứng thú, điều chỉnh quá trình tâm lý (tri giác, tư duy, tưởng tượng) theo một hướng xác định. Do đó hoạt động của con người được tích cực hoá theo hướng phù hợp với hứng thú – niềm đam mê, yêu thích nghề nghiệp của mình.
    Có rất nhiều cách phân chia biểu hiện của hứng thú. Ở đây ta phân chia biểu hiện của hứng thủ ở hai mức độ khác nhau: Hứng thú thụ động và Hứng thú tích cực
    Một là, hứng thú thụ động là mức độ hứng thú mà cá nhân chỉ dừng lại ở chỗ tích cực tìm hiểu nó, thức vẻ đẹp của nó, không thể hiện mặt tích cực để nhận thức sâu hơn đối tượng, làm chủ đối tượng chứ không muốn hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực đó như một nghề. Ví dụ: Nhiều người hứng thú đặc biệt đam mê và có khả năng về nghệ thuật (âm nhạc, nhảy múa, vẽ tranh .) nhưng họ lại không muốn trở thành những ca sĩ, nhạc sĩ, vũ công hay họa sĩ
    Hai là, hứng thú tích cực là mức độ hứng thú trực tiếp dẫn đến một hoạt động tương ứng với nó. Không chỉ là chiêm ngưỡng đối tượng gây nên hứng thú, mà lao vào hành động với mục đích chiếm lĩnh làm chủ đối tượng. Nó là một trong những nguồn kích thích sự phát triển nhân cách, hình thành kỹ năng, kỹ xảo và nguồn gốc của sự sáng tạo trong công việc. Ví dụ: Nhiều nhà bác học chuyên đi sâu vào nghiên cứu các hiện tượng vật lý, hóa học, toán học, triết học, tâm lý học như Niutơn, Albert Einstein, B.Spinoza .
    Trong câu nói của nhà tỷ phú Bill Johnson:“Nếu bạn đam mê điều gì, hãy cố gắng theo đuổi nó đến cùng. Bởi nghề nghiệp sẽ là thứ theo bạn suốt cuộc đời. Và sẽ không còn gì tốt hơn nếu như bạn được làm những gì mà bạn thực sự thích”, ông muốn đề cập đến hiện tượng tâm lý học – hứng thú tích cực. Theo ông, không chỉ giữ nghề nghiệp mình đam mê và yêu thích là đam mê mà chọn một con đường riêng, giải pháp để cố gắng thực hiện và chiếm lĩnh niềm đam mê đó. Được làm những gì mình thực sự thích và đam mê sẽ mang đến những thành công , giúp thoải mái tâm lý, hứng khởi trong công việc và quan trọng là nghề nghiệp yêu thích và sở trường của mình sẽ dẫn mình đến hình thành kỹ năng, kỹ xảo, tạo ra khả năng sáng tạo linh hoạt – chìa khóa của sự thành công.
    2. Liên hệ với việc định hướng nghề nghiệp của sinh viên
    Hứng thú trong học tập hay trong công việc đều là yếu tố quan trọng quyết định được chất lượng học tập công việc ra sao. Hứng thú - biểu hiện của xu hướng trong cấu trúc của nhân cách có mối quan hệ mật thiết, là nền tảng tạo tích lũy tạo nên sự chủ động, tích cực trong học tập tiếp thu kinh nghiệm, trí thức, cũng như định hướng công việc sau này cho các sinh viên.
    Hầu hết các điều tra xã hội đối với sinh viên về nội dung “Có hay không có định hướng ngành học trước khi bước vào cổng trường Đại Học ?” đều cho ra kết quả: sinh viên của chúng ta cơ bản định hướng ngành học theo năng lực, nghĩa là lựa chọn ngành học theo điểm học tập gắn với điểm đầu vào. Hay nói cách khác, sinh viên cho rằng, quan trọng trước tiên là phải vào được một trường ĐH để có tấm bằng ĐH. Chính sự thiếu định hướng nghề nghiệp này đã gây rất nhiều khó khăn cho sinh viên năm thứ 3 hay năm thứ 4 trong việc lựa chọn tìm kiếm nghề nghiệp vì các bạn thực sự không biết rõ mình yêu thích và đam mê nghề nghiệp nào, muốn làm công việc gì, tính chất ra sao hoặc đã muộn để có thể theo đuổi được nghề nghiệp mình đam mê yêu thích đó và các bạn phải làm những công việc trái ngành trái nghề mình đã học tập trong suốt một thời gian dài.
    Theo cuộc hội thảo nằm trong dự án Nghiên cứu chính sách hợp tác với Qũy Rosa – Luxemburg của CHLB Đức. Theo khảo sát công bố tại hội thảo, trong số gần 3.000 sinh viên đã tốt nghiệp được hỏi, có 73% sinh viên tìm được việc sau khi tốt nghiệp, song có tới 58,2% sinh viên tốt nghiệp không biết xin việc ở đâu, 42% không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, 27% không xin được việc vì lý do ngành học không phù hợp với thị trường, thậm chí có 18% sinh viên không tìm được việc vì nhà tuyển dụng không biết đến ngành đào tạo.
    Từ góc độ người giảng dạy, TS. Trịnh Văn Tùn và Ths. Phạm Huy Cường, Trường ĐH KH & NV – ĐHQGHN đã có nghiên cứu điều tra sự gắn bó giữa ngành đào tạo và nghề kì vọng từ góc độ hướng nghiệp và tư vấn hướng nghiệp của/cho SV ĐHQGHN. Kết quả cho thấy đa số SV đều chưa có một định hướng cụ thể nào cho nghề nghiệp của họ sau khi tốt nghiệp với con số 70% trả lời “đã nghĩ tới công việc rồi nhưng chưa chắc chắn và không có nhiều thông tin về hệ thống nghề” gắn với định hướng đó. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, một bộ phận lớn SV sau khi đã đi gần hết quá trình đào tạo trong trường đại học, chuẩn bị bước vào môi trường lao động nghề nghiệp thì họ còn thiếu một định hướng đầy đủ và cụ thể cho nghề nghiệp của mình.
    Việc định hướng nghề nghiệp không chỉ là trách nhiệm của từng cá nhân sinh viên mà còn là trách nhiệm của gia đình cũng như xã hội. Đất nước ta đang trong quá trình phát triển, sự đan xen giữa các chuẩn mực giá trị cũ và những chuẩn mực giá trị mới đã có ảnh hưởng tới những định hướng giá trị, định hướng nghề nghiệp cho con trong nhiều gia đình hiện nay. Khi nghiên cứu về định hướng giá trị nghề nghiệp của người Việt Nam, PGS.PTS. Nguyễn Quang Uẩn, PGS.PTS. Nguyễn Thạc, PGS.PTS. Mạc Văn Trang đã đưa ra 25 thang giá trị nghề nghiệp trong nghiên cứu của mình. Kết quả nghiên cứu cho thấy khi được yêu cầu chọn 10 giá trị thì 9 giá trị nghề nghiệp đã được nhiều người đề cập đến đó là: - Nghề có thu nhập cao(77,0%) - Nghề phù hợp với sức khỏe, trình độ (67,2%) - Nghề phù hợp với hứng thú, sở thích (66,3%) - Nghề có điều kiện chăm lo gia đình (64,2%) - Nghề có điều kiện phát triển năng lực (62,8%) - Nghề được xã hội coi trọng (62,7%) - Nghề đảm bảo yêu cầu suốt đời (60,0%) - Nghề có thể giúp ích cho nhiều người (57,8%) - Nghề có thể tiếp tục học lên (56,8%). Số phần trăm nghề phù hợp với hứng thú và sở thích chiếm 66,3% - con số chưa lớn vì đa số sinh viên đang học trái nghề đam mê do nhu cầu xu hướng của xã hội vào những ngành đó không tạo ra được nhiều cơ hội làm việc hoặc thu nhập từ những nghề nghiệp đó kém hơn/không thể đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống của từng cá nhân. Cũng vì vậy,chắc chắn trong số tất cả các sinh viên thì không ít sinh viên chọn nghề nghiệp theo ý kiến góp ý của người thân trong gia đình bạn bè hay xu hướng nhu cầu của xã hội mà không có sự lựa chọn quyết đoán theo sở thích, nhu cầu, sở trường, đam mê của bản thân.
    Việc không được định hướng về nghề nghiệp một cách rõ ràng có thể gây nên những khó khăn trong hoạt động nghề nghiệp sau này. Và vì nghề nghiệp sẽ theo chúng ta suốt cuộc đời nên nếu định hướng sai nghề nghiệp cũng chính là làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chính bản thân những sinh viên. Một số trường hợp sinh viên gặp phải trong định hướng nghề nghiệp: Sinh viên nghe theo định hướng của gia đình lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với xu thế của xã hội và gia đình đã có đầu ra nhưng lại không phải nghề nghiệp mà sinh viên đó đam mê; Sinh viên lựa chọn nghề nghiệp theo đam mê sở thích của bản thân nhưng lại không có đầu ra hoặc là cơ hội tìm kiếm việc làm rất khó khăn.
    Với trường hợp như nếu các sinh viên nghe theo định hướng của gia đình mình để học tập tại trường đại học chuyên đào tạo ngành mà mình không đam mê, yêu thích vì gia đình đã định hướng sẵn “có đầu ra” sau khi tốt nghiệp Đại học thì trong quá trình học tập của sinh viên sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn, gượng ép như sự chán nản, lười biếng trong học tập, nảy sinh áp lực từ việc học chứ không chủ động trong việc tiếp nhận kiến thức kinh nghiệm – sinh ra lối học bị động, không thể hoàn thiện về mặt nhân cách – sinh ra tính ỷ lại, không thể tiếp nhận hết được kiến thức ngành nghề đòi hỏi. Ngay cả sau khi tốt nghiệp trường Đại học, vào môi trường làm việc theo ngành nghề không đam mê yêu thích, các sinh viên này cũng sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc xử lý hoàn thành công việc, không tìm thấy niềm vui trong công việc, công việc trở nên nặng nhọc khó khăn dẫn đến việc dễ mệt mỏi, áp lực hay các vấn đề thay đổi khác về thần kinh hay tính cách; quan trọng là trong hoạt động nghề nghiệp sẽ không có sự chủ động, sáng tạo và phát huy được hết năng lực của bản thân.
    Ngược lại, nếu các sinh viên này lựa chọn trường đại học và nghề nghiệp theo đam mê và sở thích thực sự của mình thì sẽ phát huy được hết năng lực bản thân, chủ động chiếm lĩnh tri thức, sáng tạo. Nghề nghiệp ưa thích là nguồn kích thích mạnh mẽ, tính tích cực cho cá nhân, do ảnh hưởng của nguồn kích thích này mà tất cả các quá trình diễn ra khẩn trương, hoạt động công việc trở nên say mê, làm giàu khả năng, kinh nghiệm, kĩ năng, kĩ xảo để giúp chính bản thân mình vượt qua được những khó khăn rào cản trong quá trình học tập và lao động; hoàn thiện được về mặt nhân cách có thái độ đặc biệt (không thờ ơ, không bằng quan mà tràn đầy ý định tích cực, cảm xúc trong sáng, ý chí tập trong đối với công việc); luôn phấn đấu hướng tới thành công. Các bạn sinh viên nên có ý kiến quyết đoán và bảo vệ cũng như thực hiện ý chí của mình để theo đuổi nghề nghiệp ước mơ đam mê của bản thân, hiểu được rõ vai trò của hứng thú trong cuộc sống để góp phần chủ động nâng cao chất lượng đời sống của bản thân về cả mặt vật chất lẫn tinh thần.
    Về việc định hướng nghề nghiệp của sinh viên thì ngoài bản thân các sinh viên và gia đình thì xã hội cũng cần có những giải pháp để tạo cơ hội việc làm cũng như cân bằng việc làm cho các ngành nghề để các sinh viên dám chọn ngành nghề theo đuổi ước mơ và đam mê của bản thân. Chính sinh viên là đội ngũ nòng cốt quyết định sự phát triển của xã hội, đi lên của đất nước trong tương lai, việc đầu tư cho định hướng nghề nghiệp của xã hội cũng là góp phần đầu tư, nâng cao chất lượng cho xã hội, con người, cộng đồng không chỉ là đối với các sinh viên.
    KẾT LUẬN
    Câu nói của nhà tỷ phú nổi tiếng Bill Johnson “ Nếu bạn đam mê điều gì, hãy cố gắng theo đuổi nó đến cùng. Bởi nghề nghiệp sẽ là thứ theo bạn suốt cuộc đời. Và sẽ không còn gì tốt hơn nếu như bạn được làm những gì mà bạn thực sự thích” - đề cập đến hiện tượng tâm lý hứng thú không chỉ mang ý nghĩa về tâm lý học mà cũng mang ý nghĩa cho thời đại ngày nay khi việc xác định, định hướng nghề nghiệp của sinh viên vẫn là vấn đề nan giải không chỉ cho chính bản thân, gia đình của sinh viên mà là của toàn xã hội mang ý nghĩa sâu sắc, góp phần nhắc nhở các bạn sinh viên về vai trò của hứng thú trong cuộc sống để hướng tới được mục đích định hướng nghề nghiệp và xu hướng hoàn thiện nhân cách.
     

    Các file đính kèm: