Luận Văn Biện pháp tăng tính cạnh tranh của hoạt động phát hành thẻ tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.

Thảo luận trong 'Thương Mại' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Đề tài: Biện pháp tăng tính cạnh tranh của hoạt động phát hành thẻ tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.

    CHƯƠNG 1: LÝ THUYẾT CHUNG VỀ THẺ
    Hai hình thức thanh toán tiền tệ
    Tiền tệ vừa là sản phẩm vừa là công cụ phát triển của nền kinh tế hàng hoá. Trong nền kinh tế thị trường, các quan hệ thanh toán chi trả lẫn nhau phải dùng tiền tệ. Vì vậy, thanh toán tiền tệ là một yêu cầu khách quan, là điều kiện cần thiết để phục vụ cho quá trình tái sản xuất xã hội.
    Thanh toán tiền tệ được thực hiện dưới hai hình thức: thanh toán bằng tiền mặt và thanh toán không dùng tiền mặt.
    Thanh toán tiền mặt
    Thanh toán dùng tiền mặt là việc chi trả trực tiếp bằng tiền mặt trong các quan hệ thanh toán thu chi. Đặc điểm của mối quan hệ thanh toán này là việc thanh toán được thực hiện trực tiếp giữa người mua- người bán, không có sự xuất hiện của bên thứ ba, do đó các ngân hàng thương mại không có vai trò gì trong mối quan hệ thanh toán này. Trong thanh toán tiền mặt, sự vận động của hàng hoá gắn liền với sự vận động của tiền tệ và tiền tệ đóng vai trò làm vật môi giới trong quá trình lưu thông. Nhưng khi sản xuất và trao đổi phát triển đến một trình độ cao hơn thì việc thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt không còn giữ địa vị độc tôn, không những thế nó còn tỏ ra có nhiều điểm không thích hợp. Sự hạn chế của nó thể hiện ở chỗ giao dịch thường có giá trị lớn hơn trước, do đó cần phải có một khối lượng lớn tiền mặt. Điều đó làm cho các đơn vị kinh doanh tốn nhiều chi phí và chịu nhiều rủi ro, đặc biệt là khi không gian sản xuất được mở rộng, nhiều đơn vị kinh doanh có mối quan hệ làm ăn ở rất xa nhau, đồng thời gây ra nhiều khó khăn cho nhà nước trong việc quản lý tiền tệ.
    Những bất tiện của việc sử dụng tiền mặt trong thanh toán đòi hỏi phải có thêm những hình thức thanh toán thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, với sự phát triển vượt bậc của hệ thống ngân hàng, các dịch vụ, các công cụ thanh toán đã được ngân hàng nghiên cứu đưa ra để khách hàng lựa chọn cho mình một hình thức thanh toán thích hợp thay cho thanh toán tiền mặt. Thanh toán không dùng tiền mặt phát sinh từ đó và càng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
    Thanh toán không dùng tiền mặt
    Thanh toán không dùng tiền mặt là tổng hợp các mối quan hệ chi trả tiền tệ không có sự xuất hiện của tiền mặt. Đặc trưng của phương thức này là sự vận động của hàng hoá, dịch vụ độc lập với sự vận động của tiền tệ cả về thời gian lẫn không gian và thông thường hai quá trình này không ăn khớp với nhau. Trong phương thức này, tiền mặt không làm trung gian trao đổi mà chính hình thức tiền tệ kế toán (tiền ghi sổ) thực hiện chức năng này.
    Khác với thanh toán dùng tiền mặt chỉ là quan hệ thanh toán giữa người mua và người bán, trong thanh toán không dùng tiền mặt, ngoài chủ thể chịu trách nhiệm thanh toán và chủ thể được hưởng thường có sự tham gia của ít nhất là một ngân hàng nên ngân hàng có một vai trò to lớn, vừa là người tổ chức, vừa là người thực hiện, đồng thời là người kết thúc quá trình thanh toán. Sự tham gia của ngân hàng cùng với các phương tiện hiện đại và các mối quan hệ đa dạng vào quá trình thanh toán sẽ giúp cho việc thực hiện các hoạt động thanh toán cho doanh nghiệp diễn ra nhanh chóng và an toàn. Các đơn vị kinh doanh chỉ cần mở tài khoản tại ngân hàng và ký lệnh thanh toán khi cần thiết là mọi hoạt động thanh toán coi như đã được hoàn tất. Hơn nữa, số tiền trong tài khoản của doanh nghiệp lại rất an toàn và có thể sinh lãi trong thời gian chưa dùng đến. Như vậy, hoạt động thanh toán đã được đơn giản rất nhiều, giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp. Các hoạt động như vận chuyển tiền, kiểm tra tiền để thanh toán không còn nữa, lượng tiền trong lưu thông và các chi phí lưu thông cần thiết như chi phí in tiền, vận chuyển và bảo quản tiền giảm, tiền nhàn rỗi lại được tận dụng để phát triển kinh tế xã hội.
    Hoạt động thanh toán qua ngân hàng, cùng với sự phát triển của những ứng dụng của công nghệ thông tin trong ngân hàng, đang ngày càng phát triển. Hệ thống ngân hàng ngày càng được hoàn thiện về mọi mặt để thực hiện tốt chức năng thanh toán cũng như các chức năng khác mà nền kinh tế đã giao phó cho ngân hàng.
    Một số công cụ thanh toán không dùng tiền mặt
    Vì tính chất hoạt động thanh toán rất đa dạng, diễn ra trong các phạm vi khác nhau, phục vụ cho các đối tượng khác nhau, do vậy các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt cũng có nhiều loại khác nhau. Sau đây chỉ đề cập đến một số phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt có sự xuất hiện của ngân hàng làm trung gian thanh toán:
    Sec: là một tờ mệnh lệnh trả tiền vô điều kiện, do khách hàng của ngân hàng ra lệnh cho ngân hàng trích ra một số tiền nhất định trên tài khoản của mình mở tại ngân hàng, để trả cho người cầm séc hoặc cho người (tổ chức hay cá nhân) được chỉ định trên tờ sec. Việc sử dụng séc cho phép việc thanh toán được thực hiện ở xa và an toàn, tiện lợi hơn tiền mặt.
    Uỷ nhiệm thu: là phương tiện thanh toán mà tổ chức hoặc cá nhân uỷ nhiệm cho ngân hàng thu hộ tiền hàng hoá đã giao hoặc dịch vụ đã cung ứng. Việc thanh toán này yêu cầu bên bán phải hoàn toàn tin tưởng vào bên mua.
    Uỷ nhiệm chi- chuyển tiền: là lệnh chi tiền của chủ tài khoản ra lệnh cho ngân hàng trích tài khoản của mình để trả cho đơn vị hoặc cá nhân được hưởng. Thanh toán bằng uỷ nhiệm chi được thực hiện với những đối tác có tín nhiệm lẫn nhau, vì vậy cùng với uỷ nhiệm thu, nó không thích hợp đối với thị trường đông người mua và người bán và họ không có thông tin về nhau.
    Thư tín dụng: là phương tiện thanh toán trong điều kiện đơn vị bán hàng đòi hỏi đơn vị mua phải có đủ tiền để chi trả ngay và phù hợp với tổng số tiền hàng hoá giao theo hợp đồng hoặc theo đơn đặt hàng đã ký. Hình thức này thường được sử dụng trong thanh toán quốc tế. Thư tín dụng được ngân hàng bảo đảm nhưng việc thực hiện phức tạp, tốn kém.
    Thẻ: là một phương tiện thanh toán hiện đại do ngân hàng (hoặc công ty) phát hành cho khách hàng của mình để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ và rút tiền mặt. Các công cụ khác, ngoài séc, đều yêu cầu một khoản phí khá lớn cho từng giao dịch, đặc biệt là những giao dịch khối lượng không lớn, vì vậy đối với những giao dịch xảy ra thường xuyên thì thẻ tỏ ra có ưu thế hơn hẳn những công cụ còn lại.
    Tổng quan về thẻ
    1. Sự hình thành và phát triển thẻ
    Thẻ đã được đưa vào sử dụng rộng rãi trên thế giới. Trong phạm vi rộng, thẻ nói chung bao gồm tất cả các loại: thẻ séc, thẻ rút tiền mặt, thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng Thẻ thanh toán là một trong những thành tựu của ngành công nghiệp ngân hàng. Đó là cuộc cách mạng trong lĩnh vực tài chính cá nhân và sẽ không có sự bùng nổ trong bán lẻ vào những năm 1970 và 1980 nếu không có sự ra đời của thẻ. Sự phát triển của thẻ là thành quả của sự đổi mới và khả năng marketing của các chuyên gia ngân hàng thế giới.
    Tuy nhiên, ngân hàng không phải là người đầu tiên phát hành thẻ. Tại Mỹ, các thẻ bách hoá, thẻ du lịch và giải trí được phát hành trước khi bước vào ngành công nghiệp ngân hàng. Một vài yếu tố đã thúc đẩy các ngân hàng tham gia vào lĩnh vực thẻ. Nó cho phép các ngân hàng đưa ra được các dịch vụ mới cho các khách hàng hiện có và là một phương tiện tối ưu để hấp dẫn các khách hàng mới- các cá nhân cũng như những doanh nghiệp bán lẻ. Mặc dù không phải là một yếu tố quyết định, có lẽ nhiều ngân hàng đã tham gia vào lĩnh vực này nhằm đuổi kịp những phát triển mà sự cạnh tranh đòi hỏi. Dĩ nhiên là các ngân hàng cũng được khuyến khích áp dụng các kế hoạch thẻ do khả năng có thể gia tăng lợi nhuận của chính ngân hàng.
    Thẻ xuất hiện đầu tiên ở Mỹ vào năm 1914 khi tổng công ty xăng dầu California (ngày nay là công ty Mobie) cấp thẻ cho nhân viên và một số khách hàng của mình. Thẻ chỉ nhằm khuyến khích bán sản phẩm của công ty chứ không kèm theo việc gia hạn tín dụng. Sau đó, các hệ thống cửa hàng bán lẻ tiếp tục phát triển hình thức tài trợ khách hàng này thông qua việc phát hành thẻ, theo hình thức tiêu trước trả tiền sau, cho các khách hàng phù hợp với những tiêu chuẩn thẩm định của họ để khuyến khích tiêu dùng, tăng doanh thu. Thực sự thì hình thức này đã đem lại những hiệu quả nhất định.
    Tuy nhiên, việc phát hành thẻ (hay các phiếu bán hàng) có nhiều hạn chế với các cửa hàng: khả năng tài trợ có hạn, chi phí quản lý cao ảnh hưởng đến lợi nhuận, thẻ của mỗi hệ thống chỉ sử dụng được trong hệ thống đó nên tính tiện lợi của thẻ không cao, nhiều đại lý nhỏ không đủ điều kiện và khả năng cung cấp tín dụng cho các khách hàng của họ. Nhu cầu có một loại thẻ chung để có thể sử dụng thanh toán tại các điểm bán hàng trở nên rất cấp thiết và chính nó đã tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính vào cuộc.
    Năm 1946, dạng thẻ đầu tiên của thẻ ngân hàng là Charge-It của ngân hàng John Biggins xuất hiện tại Mỹ, cho phép các khách hàng thực hiện các giao dịch nội địa bằng các phiếu có giá trị do ngân hàng phát hành. Các đại lý nộp các phiếu giao dịch cho ngân hàng Biggins, ngân hàng sẽ thanh toán các giao dịch đó cho các đại lý và thu lại tiền từ các khách hàng.
    Những năm sau đó, ngày càng có nhiều tổ chức tài chính tham gia vào thị trường thẻ. Thẻ Charge-It đã mở đường cho sự ra đời của thẻ vào năm 1951 do ngân hàng Franklin National, New York phát hành. Tại đây, khách hàng xin cấp hạn mức tín dụng và được thẩm định khả năng thanh toán, tình hình tài chính thông qua hoạt động tín dụng trước đó của họ với ngân hàng. Những khách hàng đủ tiêu chuẩn sẽ được cấp thẻ để thực hiện giao dịch tại các đại lý chấp nhận thẻ. Các cơ sở này khi nhận được giao dịch sẽ liên hệ với ngân hàng, nếu được phép chuẩn chi họ sẽ thực hiện giao dịch và đòi tiền sau đối với ngân hàng. Các chủ thẻ phải trả toàn bộ dư nợ vào cuối tháng.
    Năm 1955, hàng loạt thẻ mới như Trip Charge, Golden Key, Gourmet Club rồi đến Carte Blanche và American Express (1958), JCB (1961) ra đời. Năm 1960, ngân hàng Bank of America giới thiệu sản phẩm thẻ ngân hàng của riêng mình, the Bank Americard, và đã đạt được nhiều thành công. Với những lợi ích của hệ thống thanh toán này, ngày càng có nhiều tổ chức tín dụng tham gia thanh toán. Nhiều tổ chức phát hành thẻ khác bắt đầu liên kết để cạnh tranh với Bank of America. Năm 1966, 14 ngân hàng Mỹ liên kết thành tổ chức Interbank (Interbank Card Association-ICA), một tổ chức mới có khả năng trao đổi thông tin các giao dịch thẻ tín dụng. Năm 1967, bốn ngân hàng California đổi tên từ California Bankcard Association thành Western States BankCard Association (WSBA) và mở rộng mạng lưới thành viên với các tổ chức tài chính khác ở phía tây nước Mỹ. Sản phẩm thẻ của tổ chức này là Master Charge. Tổ chức này cũng cấp phép cho Interbank sử dụng tên và thương hiệu Master Charge. Vào cuối thập niên 1960, nhiều tổ chức tài chính đã trở thành thành viên của Master Charge và đủ sức cạnh tranh với Bank Americard.
    Tuy nhiên, để hình thức thanh toán thẻ có thể thu hút được khách hàng cần phải có một mạng lưới thanh toán lớn, không chỉ trong phạm vi một địa phương, một quốc gia mà trên phạm vi toàn cầu. Đứng trước đòi hỏi đó, Inter Bank (Master Charge) và Bank of American (Bank Americard) đã xây dựng một hệ thống các quy tắc, tiêu chuẩn trong xử lý thanh toán thẻ toàn cầu. Năm 1977, Bank Americard trở thành Visa USA và sau đó trở thành tổ chức thẻ quốc tế Visa. Năm 1979, Master Charge cũng trở thành một tổ chức thẻ quốc tế lớn khác là Master Card. 4 tổ chức thẻ quốc tế lớn nhất hiện nay là Visa, Master Card, Amex, JCB.
    Do thẻ ngày càng được sử dụng rộng rãi, các công ty và các ngân hàng liên kết với nhau để khai thác lĩnh vực thu lợi nhuận này. Thẻ dần dần được xem như một công cụ văn minh, thuận lợi trong các cuộc giao dịch mua bán. Các loại thẻ Master Card, Visa, Amex, JCB được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu và cùng phân chia những thị trường rộng lớn.
     
Đang tải...