Thạc Sĩ Biện pháp giảm tải bài học về tác gia ở trung học phổ thông

Thảo luận trong 'Khảo Cổ Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỤC LỤC
    Mục lục Trang
    Phần một: Mở đầu 1
    1. Lý do chọn đề tài 1
    2. Lịch sử vấn đề . 3
    3. Mục đích nghiên cứu 7
    4. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu của đề tài . 7
    5. Phương pháp nghiên cứu 7
    6. Giả thuyết khoa học 8
    7. Cấu trúc luận văn 8
    Phần hai: Nội dung . 9
    Chương 1: Khảo sát chất lượng dạy và học bài học về tác gia
    Nguyễn Trãi ở THPT- lớp 10, tập 2 . 9
    1.1. Mục đích khảo sát 9
    1.1.1. Tìm hiểu thực trạng quá tải trong bài học về tác gia (Nguyễn Trãi) 9
    1.1.2. Đánh giá ảnh hưởng của vấn đề quá tải đối với hiệu quả chung
    trong dạy học bài học về tác gia (Nguyễn Trãi) . 9
    1.2. Quá trình khảo sát . 10
    1.2.1. Khảo sát khối lượng và mức độ kiến thức được trình bày trong SGK với
    tương quan thời gian mà phân phối chương trình cho phép 10
    1.2.2. Khảo sát giáo án và phương pháp dạy của giáo viên 13
    1.2.3 Khảo sát phương pháp học tập và mức độ tiếp thu bài của học sinh . 19
    1.2.4.Nhận định khái quát . 22
    Chương 2: Nguyên tắc và biện pháp giảm tải 25
    2.1. Vấn đề quá tải và thực trạng vấn đề quá tải kiến thức ở THPT . 25
    2.1.1. Thực trạng quá tải kiến thức ở THPT . 25
    2.1.2. Nguyên nhân của tình trạng quá tải 26
    2.1.3.Yêu cầu giảm tải 31
    2.2. Quá tải bài học về tác gia văn học
    2.2.1. Thực trạng quá tải trong dạy học bài học về tác gia văn học
    (Tác gia Nguyễn Trãi) 32
    2.2.2. Nguyên nhân của tình trạng quá tải trong dạy học bài học về tác gia 35
    2.2.3. Yêu cầu giảm tải bài học về tác gia Nguyễn Trãi . 38
    2.3. Những biện pháp giảm tải bài học về tác gia Nguyễn Trãi .
    2.3.1. Đổi mới tư duy dạy học (quan niệm hiệu quả giờ học không
    phải ở kiến thức mà là cách nắm kiến thức) 40
    2.3.2. Giáo viên phải biết lựa chọn kiến thức then chốt . 44
    2.3.3. Phát huy khả năng tự tìm kiếm kiến thức của học sinh
    2.3.4. Vận dụng quan điểm tích hợp trong dạy học bài học về tác gia văn học ở nhà trường phổ thông 50
    Chương 3: Thiết kế thực nghiệm . 70
    3.1. Mục đích thực nghiệm . 70
    3.2. Đối tượng thực nghiệm 70
    3.3. Cách thức tiến hành thực nghiệm 70
    3.3.1. Lược thuật tóm tắt cách dạy phổ biến hiện nay
    3.3.2. Thiết kế bài học về tác gia Nguyễn Trãi trong chương trình
    Ngữ văn lớp 10 . 70
    3.3.3. Tổ chức giảng dạy thực nghiệm 83
    3.3.4. Đánh giá kết quả thực nghiệm 83
    Phần ba: Kết luận . 86
    Bảng chú giải 88
    Tài liệu tham khảo 89
    Phụ lục 92

    PHẦN MỞ ĐẦU
    I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
    1. Quá tải là một vấn đề bức xúc trong thực tiễn dạy- học ở nhà trường phổ thông hiện nay. Điều đó được thể hiện: các nhà quản lý giáo dục lo lắng về sự quá tải, luôn kêu gọi phải giảm tải, giảm sức ép đối với người học; các công văn, chỉ thị của các nhà quản lý giáo dục như: Chủ trương của Bộ GD- ĐT giảm tải đối với chương trình của Giáo dục phổ thông (Quy định giảm tải của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 16/05/2000).
    Tình trạng quá tải ở nhà trường phổ thông là sức nặng và trở thành vấn đề nhức nhối đối với giáo viên và học sinh. Giáo viên- người trực tiếp thực thi chương trình kêu ca rất nhiều về sự quá tải; thời lượng dành cho một tiết học là 45 phút, trừ ổn định tổ chức lớp, kiểm tra bài cũ thì bài học còn chưa đầy 40 phút! Đó là một thực tế mà bất cứ giáo viên đứng lớp nào cũng nhận thấy. Có những bài học chỉ trong một tiết vừa tìm hiểu về tác giả, lại vừa khai thác nội dung của tác phẩm, như: Bài học về Truyện thơ, Chinh phụ ngâm, Hương Sơn phong cảnh ca Đó là căn nguyên của sự quá tải.
    Sự bức xúc ấy không chỉ có vậy, Học sinh là người trực tiếp chịu sức ép của vấn đề quá tải. Do thời gian ít, phải học nhiều môn, chưa kể đến một số thầy cô đòi hỏi cao. Chuyện học sinh không làm hết bài trước khi đến lớp, làm bài, soạn bài đối phó là rất phổ biến.
    Quá tải học đường không còn là chuyện của những người trong cuộc nữa mà đã trở thành nỗi lo lắng chung của toàn xã hội, phụ huynh học sinh lo lắng nhiều về sức ép học tập của con em mình, Báo chí lên tiếng nhiều về tình trạng quá tải học đường. Đây không phải là một vấn đề mới, ngược lại tình trạng quá tải đã được các nhà giáo, nhà nghiên cứu giáo dục cảnh báo từ lâu như: bài viết " Chuyện quá tải học đường" của Giáo sư Phan Trọng Luận vẫn còn nhiều ý nghĩa cho người viết SGK cải cách hay phân ban hiện nay.
    2. Bài học về tác gia là kiểu bài tiềm ẩn nhiều yếu tố, tiền đề cho việc quá tải. Kiểu bài học về tác gia thường bao gồm các phần như: Cuộc đời và con người của nhà văn, ở phần này có các kiến thức về cuộc đời, gia đình, về thời đại của nhà văn; Phần thứ hai là sự nghiệp văn chương, phần này là kiến thức về các thể loại, quan điểm, tư tưởng, thành tựu, nội dung và phong cách sáng tác của nhà văn. Như vậy, bài học về tác gia chứa đựng một dung lượng lớn kiến thức, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau (Bao gồm cả kiến thức khái quát và kiến thức cụ thể). Mặt khác, còn nhiều kiến thức trùng lặp, giờ học lại thiên về cung cấp kiến thức nên hiệu quả giờ học không cao.
    3. Tác gia Nguyễn Trãi là một trong những tác gia tiêu biểu trong nhà trường phổ thông. Ông là một nhà văn lớn, nhà văn hoá lớn, một nhà quân sự kiệt xuất, cuộc đời đầy bi kịch. Nguyễn Trãi có một sự nghiệp sáng tác to lớn, với nhiều thể loại, nhiều lĩnh vực và trong lĩnh vực nào ông cũng thành công.
    Nguyễn Trãi là một nhà quân sự kiệt xuất bởi trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược, Ông là một đại tướng quân của nghĩa quân Lam Sơn, luôn sát cánh cùng Lê Lợi đánh tan quân Minh xâm lược giành lại nền độc lập cho đất nước. Không chỉ vậy, Nguyễn Trãi còn là một nhà văn hoá lớn. Năm 1980, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Nguyễn Trãi là danh nhân văn hoá thế giới.
    4. Phương pháp giảng dạy của giáo viên đối với kiểu bài tác gia hiện nay còn gặp lúng túng, chưa tìm ra phương pháp giảng dạy hợp lí và hiệu quả.
    Thực tế cho thấy, các bài học về tác gia đều được giáo viên giảng dạy bằng phương pháp thuyết trình, giảng giải từ đầu đến cuối, học sinh chỉ nghe và ghi. Như vậy, giờ học không phát huy được tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Điều này đi ngược lại với phương pháp dạy học hiện đại; Phương pháp dạy học hiện đại lấy hoạt động của học sinh làm trung tâm, thầy chỉ là người hướng dẫn, trò là chủ thể hoạt động. Tuy nhiên, với một khối lượng kiến thức lớn, phức tạp, quỹ thời gian có hạn, giáo viên lại chưa tìm được phương pháp giảng dạy hợp lí, đó cũng là nguyên nhân dễ dẫn đến quá tải.
    Xuất phát từ những lí do trên, chúng tôi mạnh dạn nghiên cứu đề tài: "Biện pháp giảm tải bài học về tác gia ở trung học phổ thông(Bài Nguyễn Trãi)" với mong muốn góp phần đề xuất giảm tải bài học về tác gia văn học ở nhà trường phổ thông trong xu thế phát triển chung của giáo dục nước nhà.


    II. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
    Hiện tượng quá tải kiến thức trong nhà trường phổ thông không còn là chuyện riêng của những người làm giáo dục nữa mà nó trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội, nó đã và đang là mối quan tâm lo lắng của toàn ngành giáo dục khi tốc độ phát triển của khoa học kĩ thuật ngày càng mạnh mẽ. Đứng trước tình trạng đó, các nhà quản lí, nghiên cứu giáo dục đã bỏ ra không ít công sức để tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng quá tải và đề xuất biện pháp giảm tải cho chương trình giảng dạy, học tập ở nhà trường phổ thông.
    Trên tạp chí Nghiên cứu giáo dục số 342- Chuyên đề quý II/2000 tác giả Phạm Minh Chí có bài viết: "Về vấn đề giảm tải nội dung chương trình, Sách giáo khoa trung học". Trong bài viết, tác giả đã chỉ ra cách khắc phục hữu hiệu tình trạng quá tải, đó là điều chỉnh nội dung Sách giáo khoa, cần mạnh dạn cắt bỏ phần trùng lặp ở môn học mà chương trình xây dựng kiểu đồng tâm và những phần trùng lặp giữa các môn trong nhóm. Đưa ra khỏi chương trình phổ thông (hoặc giảm thời lượng) những tri thức đơn giản mà học sinh có thể tiếp nhận qua những kênh thông tin khác, bỏ những tri thức không phù hợp với lứa tuổi.
    Cũng trên tạp chí này có bài viết "Nguyên tắc giảm tải nội dung, chương trình và Sách giáo khoa bậc trung học" của hai tác giả: Nguyễn Thị Minh Phương và Nguyễn Hữu Chí (Viện khoa học giáo dục). Hai tác giả cho rằng: muốn giảm tải phải rà soát lại chương trình Sách giáo khoa, cắt giảm, hạ mức độ đối với những kiến thức khó, phức tạp, không phù hợp với đa số học sinh; một số phần lý thuyết không thiết thực với học sinh hiện nay cũng nên gạt bỏ. Các nhà soạn sách cũng nên mạnh dạn cắt bỏ những nội dung trùng lặp hoặc gần giống nhau giữa các môn học, giữa các lớp trong cùng một môn học.
    Ngày 16/05/2000, Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành quy định giảm tải chương trình giáo dục ở tất cả các cấp học. Báo Giáo dục và Thời đại- số 48/2003, tác giả Nguyễn An Cư có bài: "Sau ba năm thực hiện quy định giảm tải". Theo tác giả, sau ba năm thực hiện quy định trên thì còn rất nhiều vấn đề nẩy sinh. Đơn cử ở bậc trung học cơ sở Sách giáo khoa mới tái bản nhưng nội dung chỉnh sửa vẫn không được in sửa lại. Điều này tạo ra sự nhầm lẫn cho học sinh và phụ huynh học sinh, thậm chí cả giáo viên đứng lớp. Do vậy, học sinh không những không được giảm tải mà còn phải học một chương trình nặng hơn!
    Cùng bàn về vấn đề quá tải, Giáo sư Phan Trọng Luận có bài: "Một cơ hội tốt để đổi mới đồng bộ chương trình, Sách giáo khoa và phương pháp dạy học Ngữ văn trong nhà trường phổ thông" đăng trên Tạp chí Giáo dục số 64(08/2003). Giáo sư đưa ra ý kiến: "Chương trình và Sách giáo khoa Ngữ văn lần này cần được xây dựng như một chỉnh thể văn hoá mở trong nhiều mối quan hệ: đặc trưng của văn chương với nhiệm vụ chính trị, từng giai đoạn cách mạng; nội dung chương trình với đặc điểm lứa tuổi học sinh trong từng thời kì lịch sử nhất định; nội dung chương trình tiến bộ gắn liền với phương pháp hiện đại, tri thức nhân văn gắn liền với hệ thống kĩ năng cần hình thành; mối quan hệ giữa các bộ phận Văn- Tiếng việt và Làm văn; mối quan hệ giữa Ngữ văn với các bộ môn khác trong chương trình; mối quan hệ giữa chương trình THPT với chương trrình THCS trong một hệ thống hoàn chỉnh; những thành tựu của các khoa học kế cận cùng hiểu biết về một nền giáo dục hiện đại nhất là mô hình nhà trường hiện đại". Từ quan điểm này, chương trình

    Ngữ văn sẽ được giảm tải bởi ba phân môn Văn học, Tiếng việt và Làm văn được tích hợp một cách khoa học, tránh được những vướng mắc trong những thập kỉ qua (Điều này được thể hiện rất rõ trong bộ Sách giáo khoa mới được thực hiện từ năm học:2006- 2007).
    Trong những bài viết, công trình nghiên cứu chúng tôi đặc biệt chú ý tới Luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục: "Một số biện pháp giảm tải trong giờ học văn học sử ở THPT qua bài: Khái quát về văn học Việt nam từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945"(2005) của tác giả Nguyễn Thu Hoà. Sau khi khảo sát, đánh giá thực trạng dạy và học bài học Văn học sử trong nhà trường phổ thông, tác giả đã chỉ ra nguyên nhân của tình trạng quá tải, đồng thời đưa ra một số biện pháp giảm tải. Theo tác giả Nguyễn Thu Hoà, nguyên nhân của tình trạng quá tải trong dạy học Văn học sử là do "tính lịch sử" của Văn học sử. "Lịch sử Văn học là lịch sử phát triển của ngôn ngữ nghệ thuật,
    chứa đựng nội dung, tư tưởng, tình cảm của con người qua các thời đại"(1).
    Lịch sử văn học Việt nam phát triển đúng với quy luật phát triển của văn học dân tộc, sự phát triển của Cách mạng dân tộc. Mặt khác, văn học giữa các dân tộc khác nhau lại có sự khác nhau(tư tưởng, tình cảm thẩm mĩ khác nhau). Do những đặc điểm trên, nên khi giảng dạy bài học Văn học sử phải đảm bảo tính lịch sử và tính văn học. Tính lịch sử là lịch sử văn học chứ không phải thông sử, là lịch sử phát triển nội dung, hình thức văn học. Do vậy, nội dung bài học thường rất lớn. Bao gồm cả kiến thức lý luận và kiến thức văn học; vừa có kiến thức khái quát, vừa có kiến thức cụ thể, cho nên bài học rất dễ dẫn đến tình trạng quá tải. Tác giả Nguyễn Thu Hoà cho rằng: tình trạng quá tải trong dạy học Văn học sử hiện nay là do mâu thuẫn giữa khối lượng kiến thức cần truyền đạt với thời gian và tính vừa sức đã tạo nên sự quá tải bấy lâu nay trong dạy học Văn học sử. Tác giả lấy ví dụ: trong sách giáo khoa hiện hành ở lớp 11 bài: "Khái quát Văn học Việt nam từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945". Bài viết trong Sách giáo khoa gồm 16 trang, theo phân phối chương trình được dạy trong 3 tiết(135 phút), giáo viên phải truyền đạt: 19 đơn vị kiến thức khái quát về lịch sử, văn hoá, xã hội, chính trị; 144 đơn vị kiến thức khái quát về văn học và 181 đơn vị kiến thức cụ thể về văn học. Đó là một khối lượng kiến thức lớn dễ dẫn đến quá tải.
    Thông qua khảo sát, nghiên cứu, tác giả Nguyễn Thu Hoà đã đưa ra một số biện pháp giảm tải cho bài học văn học sử. Theo tác giả, dạy học bài học Văn học sử phải lựa chọn và tinh giản kiến thức khái quát, sắp xếp kiến thức theo hệ thống luận điểm rõ ràng; phát huy khả năng tự tìm tòi kiến thức của học sinh bằng cách khơi dậy khả năng hoạt động sáng tạo của học sinh, xây dựng hệ thống câu hỏi phát huy khả năng tự tìm kiếm của học sinh, hướng dẫn học sinh làm việc với sách giáo khoa, tăng cường kiến thức kĩ năng và phương pháp cho học sinh; vận dụng quan điểm tích hợp trong dạy học văn học sử. Cuối cùng tác giả công trình kết luận: Then chốt của vấn đề giảm tải là thay đổi quan điểm dạy học. Dạy học không phải chỉ là dạy cái gì mà còn dạy học sinh bằng cách nào chiếm lĩnh được tri thức. Dạy học có hiệu quả không nằm ở dung lượng kiến thức mà là khả năng nắm bắt và vận dụng kiến thức của học sinh sau bài học.
    Qua tìm hiểu một số công trình nghiên cứu về vấn đề quá tải, chúng tôi nhận thấy các nhà nghiên cứu đã đề cập đến thực trạng quá tải ở nhà trường phổ thông hiện nay và đưa ra các biện pháp khắc phục, song mới chỉ dừng lại ở những nghiên cứu mang tính tổng quát. Các nghiên cứu mới đề cập ở bình diện quan niệm, nhận thức chưa có giải pháp cho kiểu bài cụ thể về tác gia. Đặt vấn đề quá tải vào những bài học cụ thể lại có những tồn tại riêng và cần có cách giải quyết riêng mới đạt được hiệu quả tích cực.
    Trên cơ sở những thành tựu nghiên cứu của các nhà giáo dục khi nghiên cứu về vấn đề quá tải và thực tế giảng dạy bài học về tác gia văn học, chúng tôi mạnh dạn đưa ra một số giải pháp giảm tải giờ học về tác gia văn học ở trung học phổ thông (THPT) với mong muốn tìm ra phương pháp tối ưu nhất trong dạy học văn nói chung và dạy học bài học về tác gia nói riêng.
    III. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
    1. Mục đích:
    - Thống kê để nhận diện một cách có căn cứ thực trạng quá tải trong giờ dạy về tác gia ở THPT.
    - Xác lập quan điểm đúng đắn về vấn đề giảm tải, đặc biệt trong bài học về tác gia ở THPT.
    2. Nhiệm vụ:
    - Chỉ ra nguyên nhân của sự quá tải kiến thức ở nhà trường phổ thông, cụ thể trong bài học về tác gia Nguyễn Trãi.
    - Đưa ra một số giải pháp giảm tải trong bài học về tác gia ở THPT.
    IV. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI
    1. Phạm vi nghiên cứu:
    Do yêu cầu của đề tài: Biện pháp giảm tải bài học về tác gia ở trung học phổ thông(Bài Nguyễn Trãi) nên chúng tôi chỉ tập trung vào khảo sát, nghiên cứu bài học về tác gia Nguyễn Trãi trong chương trình ở nhà trường phổ thông(lớp 10) và đưa ra biện pháp giảm tải.
    2. Đối tượng nghiên cứu:
    - Bài "Tác gia Nguyễn Trãi"- Sách giáo khoa Ngữ Văn 10 tập 2- NXB
    Giáo dục do Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành (2006).
    - Giáo án và giờ dạy bài học về tác gia Nguyễn Trãi của giáo viên.
    - Thực tế học bài học về tác gia của học sinh phổ thông.
    V. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
    Để thực hiện được đề tài này chúng tôi sử dụng những phương pháp nghiên cứu khác nhau, nhưng chủ yếu là các phương pháp sau:
    1. Phương pháp phân tích: phân tích kiến thức khái quát, cụ thể trong bài: "Tác gia Nguyễn Trãi", phân tích giáo án của giáo viên và dự giờ giảng bài "Tác gia Nguyễn Trãi" để đánh giá về mức độ quá tải và chỉ ra nguyên nhân của sự quá tải.
    2. Phương pháp khảo sát, điều tra: nhằm đánh giá chất lượng tiếp thu bài của học sinh, giờ dạy và giáo án của giáo viên.
    3. Phương pháp so sánh tổng hợp: Nhằm đưa ra những kết luận khoa học và kết luận sư phạm cụ thể. Trên cơ sở đó, đề xuất những biện pháp giảm tải trong bài học về tác gia văn học.
    4. Phương pháp thực nghiệm sư phạm: nhằm xem xét, xác nhận tính đúng đắn, hợp lý và khả thi của biện pháp giảm tải bài học về tác gia Nguyễn Trãi ở nhà trường phổ thông.
    VI. GIẢ THUYẾT KHOA HỌC
    Nếu thực hiện tốt giảm tải trong dạy học về tác gia thì:
    - Giáo viên đã thể hiện rõ những thay đổi trong nhận thức, quan niệm về mối quan hệ giữa kiến thức và phương pháp.
    - Dung lượng giờ học bài học về tác gia được giảm nhẹ, đồng thời kiến thức bản thể được đào sâu, chất lượng và hiệu quả bài học về tác gia được nâng lên.
    VII. CẤU TRÚC LUẬN VĂN
    Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn gồm ba chương:
    Chương 1: Khảo sát thực trạng dạy học bài học về tác gia Nguyễn Trãi ở THPT- lớp 10.
    Chương 2: Nguyên tắc và biện pháp giảm tải bài học về tác gia(Nguyễn Trãi) ở THPT.
    Chương 3: Thiết kế thực nghiệm.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...