Tài liệu Biên giới đất liền Việt – Trung Thời kỳ mới

Thảo luận trong 'Hành Chính' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Biên giới đất liền Việt – Trung: Thời kỳ mới




    Sau khi hoàn thành phân giới cắm mốc vào 31/12/2008, các văn bản pháp lý về đường biên giới Việt – Trung, Nghị định thư phân giới cắm mốc (PGCM), Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực từ ngày 14/7/2010. Các văn kiện này đã tạo điều kiện cho hai nước đi vào một thời kỳ mới: quản lý đường biên giới bằng các hiệp ước, hiệp đinh quốc tế do hai nước có chủ quyền thỏa thuận. Hai bên đang hoàn thành các thủ tục để đăng ký các văn kiện nói trên tại Liên hợp quốc. Từ một biên giới mang tính vùng đệm trong thời phong kiến, đến “có biên mà không có giới” trong thời Pháp thuộc, biên giới hôm nay do hai nước bình đẳng chủ quyền xác lập bằng các văn kiện pháp lý trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng đường biên giới lịch sử truyền thống và phù hợp với luật pháp quốc tế. Từ năm 938, khi Ngô Quyền giành được độc lập, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bằng nỗ lực và
    khát vọng chung, ước mơ ngàn đời của các thế hệ Việt - Trung “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” (Sách trời định phận rõ non sông) đã được thực hiện bằng một đường biên giới hoàn chỉnh từ Đông sang Tây, được đánh dấu bằng các cột mốc hiện đại, được xác định chính xác bằng các biện pháp kỹ thuật cao (hệ thống định vị toàn cầu GPS, hệ thống thông tin địa lý GIS, giao cảm RS), ghi nhận bằng các bản đồ và mô tả chi tiết hướng đi.


    Đường biên giới Việt-Trung từ thế kỷ thứ X là đường biên giới vùng, mang tính tập quán, chưa được xác định bằng các văn bản pháp lý quốc tế. Với Công ước Pháp - Thanh 1887 và 1895, Pháp và nhà Thanh đã xác định biên giới, đánh dấu bằng 314 cột mốc, ghi nhận trên bản đồ tỷ lệ 1:100.000. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khu vực còn để trắng, chưa cắm mốc, chưa được giải quyết triệt để như thác Bản Giốc, cửa sông Bắc Luân, nhiều mốc qua thời gian và chiến tranh đã bị hư hại, dịch chuyển, địa hình tại thực địa nhiều nơi không phù hợp với bản đồ, gây khó

    khăn cho quản lý. Ngay sau khi hai nước có hòa bình, vấn đề biên giới lãnh thổ đã được quan tâm giải quyết. Ngày 2/11/1957, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi thư cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đề nghị hai bên giải quyết vấn đề biên giới trên cơ sở tôn trọng đường biên giới lịch sử do hai Công ước Pháp - Thanh 1887 và 1895 để lại và mọi tranh chấp có thể giải quyết bằng đàm phán. Tháng 4/1958, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc có thư đồng ý với đề nghị của phía Việt Nam nhưng hai nước đã không có điều kiện triển khai do chiến tranh trên đất nước Việt Nam (1954-1975). Sau Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973, tháng 1/1974 hai nước mới tiến hành đàm phán hoạch định biên giới. Ngày 19/10/1993 hai Đoàn đàm phán Chính phủ đã ký Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam - Trung Quốc, phần nói về biên giới trên bộ quy định: “Hai Bên đồng ý căn cứ vào Công ước hoạch định
    biên giới ký giữa Trung Quốc và Pháp ngày 26/6/1887 và Công ước bổ sung Công ước hoạch định biên giới ngày 20/6/1895 cùng các văn kiện và bản đồ hoạch định và cắm mốc biên giới kèm theo đã được Công ước và Công ước bổ sung nói trên xác nhận hoặc quy định, cũng như các mốc quốc giới cắm theo quy định, đối chiếu xác định lại toàn bộ Đường biên giới trên bộ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc”. Hai bên đã đối chiếu lại toàn bộ đường biên giới. Hơn 2/3 đường biên giới trùng nhau, chỉ còn 289 khu vực (với tổng diện tích khoảng 231km2, trong đó 74 khu vực khác nhau vì lý do kỹ thuật vẽ chồng lấn lên nhau, được gọi là khu vực A; 51 khu vực vì lý do kỹ thuật hai bên đều chưa vẽ tới, gọi là khu vực B; 164 khu
    vực có tranh chấp, hoặc có nhận thức khác nhau về hướng đi của đường biên giới, gọi là khu vực C) cần phải đàm phán. Hiệp ước hoạch định biên giới đất liền Việt - Trung ngày 30/12/1999 đã quy thuộc 114,9 km2 thuộc Việt Nam, 117,2 km2
    thuộc Trung Quốc , trừ 4 khu vực có sông suối, thể hiện bằng nét đứt tại thác Bản Giốc, cửa sông Bắc Luân Kết quả này là tương đối công bằng, hợp lý, phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế hiện đại và là cơ sở pháp lý quan trọng để hai bên tiến hành công tác phân giới cắm mốc (PGCM), xác định một đường biên giới

    rõ ràng, được đánh dấu bằng hệ thống mốc giới chính quy hiện đại, thuận lợi cho quản lý trên thực địa. Ngày 31/12/2008, với sự nỗ lực, vượt mọi khó khăn gian khổ, hợp tác của các tỉnh biên giới, các lực lượng PGCM, hai bên đã hoàn thành công tác PGCM trên thực địa. Hai bên cũng thống nhất xác lập biên giới tại thác Bản Giốc và cửa sông Bắc Luân mà các chính quyền trước kia chưa giải quyết để đường biên giới được hoàn chỉnh. Trong quá trình nỗ lực PGCM, lực lượng PGCM Việt Nam đã hy sinh ba người, 35 người bị thương. Giai đoạn ba của xác lập đường biên giới là đối chiếu hoàn chỉnh hồ sơ mốc giới, các văn bản pháp lý
    để đi đến ký kết Nghị định thư PGCM mô tả chi tiết đường biên mốc giới. Chuyên gia hai bên đã kiểm tra đối chiếu và in toàn bộ văn kiện: Nghị định thư PGCM (934 trang), Bộ bản đồ đính kèm (80 tờ) và các phụ lục kèm theo (Bảng đăng ký mốc giới 3.960 trang, Bảng toạ độ và độ cao mốc giới 222 trang, Bảng kê sự quy thuộc các cồn bãi 16 trang). Ngày 18/11/2009 Chính phủ hai nước đã ký kết ba
    văn kiện gồm: Nghị định thư phân giới, cắm mốc; Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và Hiệp định về Cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.


    Đường biên giới được thể hiện trong Nghị định thư PGCM và các bản đồ, phụ lục kèm theo là thành quả của hơn nửa thế kỷ quan tâm giải quyết của Đảng và Chính phủ hai nước (từ 1957 đến 2010), 36 năm với 4 đợt đàm phán lớn với hàng ngàn cuộc đàm phán các cấp (từ 1974 đến 2010), trong đó đợt đàm phán cuối cùng dài nhất - tới 19 năm - nỗ lực liên tục trên đàm phán và thực địa nhằm hoạch định và PGCM biên giới Việt Nam – Trung Quốc (1991-1999: đàm phán, ký Hiệp ước biên giới trên đất liền; 2000-2008 đàm phán, phân giới, cắm mốc trên thực địa, 2009-2010 đàm phán xây dựng Nghị định thư PGCM và các Hiệp định liên quan). Toàn bộ đường biên giới dài 1.449,566 km, (trong đó đường biên giới trên đất liền là 1.065,652 km, đường biên giới nước là 383,914 km) được đánh dấu bằng 1.971 cột mốc cho 1.378 vị trí mốc chính và 402 vị trí mốc phụ (một vị trí trên thực địa

    có thể được đánh dấu bằng 1, 2 hoặc 3 mốc tuỳ theo quy định và thực địa). Mốc số 0 là giao điểm đường biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc là mốc lớn, được làm bằng đá hoa cương, có ba mặt, gắn quốc huy của ba nước, đặt trên đỉnh núi Khoan La San (Shi Ceng Da Shan), có độ cao là 1.866,23 m, tọa độ địa lý 22º 24’ 02,295” vĩ độ Bắc, 102º 08’ 38,109” kinh độ Đông, theo Hiệp định về Ngã ba biên giới năm 2007 ký giữa Việt Nam, Lào và Trung Quốc. Mốc cuối cùng (1.378) là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên phía Đông Nam bãi Dậu Gót (Heng Shi Sha Zhou), có độ cao là - 1,01m, tọa độ địa lý 21º 30’ 15,244’’ vĩ
    độ Bắc, 108º 04’ 08,974’’ kinh độ Đông. Mốc được thiết kế đặt trên đế mốc bằng bê tông hình tròn cao gần 10 m để bảo đảm khi thuỷ triều lên (4-5m), mốc vẫn nổi trên mặt nước. Từ mốc cuối cùng này, biên giới theo trung tuyến sông kéo đến
    giới điểm 62 và cũng là điểm bắt đầu của biên giới biển trong Vịnh Bắc Bộ. Mô tả chi tiết hướng đi của đường biên giới được ghi ở Phần II của Nghị định thư PGCM, đồng thời đường biên giới được thể hiện trên “Bản đồ biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, tỷ lệ 1: 50.000. Nghị định thư PGCM cũng lần đầu tiên quy định rõ ràng các cồn bãi trên sông suối quy thuộc giữa hai nước. Phù hợp với luật pháp quốc tế, sau khi Nghị định thư này có hiệu lực, bất kỳ sự thay đổi của địa hình, sông suối thực địa đều không làm thay đổi vị trí của đường biên giới đã phân giới, trừ khi hai bên có thỏa thuận khác. Đường biên giới sẽ được tiến hành kiểm tra
    liên hợp 10 năm một lần để bảo dưỡng, duy trì sửa chữa mốc giới. Hai khu vực thác Bản Giốc và cửa sông Bắc Luân sẽ có quy chế pháp lý đặc thù. Nhằm tạo sự thuận lợi cho tàu thuyền hai bên qua lại khu vực cửa sông Bắc Luân và hợp tác khai thác tiềm năng du lịch khu vực thác Bản Giốc, hai bên tiến hành đàm phán và sẽ ký kết Hiệp định về Quy chế tự do đi lại của tàu thuyền ở khu vực cửa sông Bắc Luân và Hiệp định hợp tác khai thác tiềm năng du lịch thác Bản Giốc trong thời gian tới.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...