Tính chung cả năm, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần tăng và 5 lần giảm lãi suất cơ bản. Lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu cũng có tần suất điều chỉnh tương ứng. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc có 1 lần tăng trong tháng 2, 4 lần giảm trong 3 tháng cuối năm (2 lần giảm đối với dự trữ bằng ngoại tệ). Lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc có 5 lần điều chỉnh (3 lần tăng, 2 lần giảm). Cơ chế điều hành tỷ giá cũng ghi nhận những điều chỉnh chưa từng có trong lịch sử. Biên độ có 3 lần nới rộng; tỷ giá bình quân liên ngân hàng có 2 lần điều chỉnh mạnh, vào tháng 6 và cuối tháng 12. Tính chất đặc biệt của tỷ giá năm 2008 cũng thể hiện ở những biến động trái chiều. Trong những tháng đầu năm, thị trường có hiện tượng ứ đọng ngoại tệ, tỷ giá VND/USD có lúc xuống “đáy” 15.300 VND. Tuy nhiên, từ tháng 5, vấn đề khan hiếm ngoại tệ lại diễn ra trên cả thị trường chính thức lẫn thị trường tự do. Với sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, cũng như năng lực dự trữ ngoại hối lần đầu tiên được công khai một cách chính thức, tỷ giá ổn định dần về cuối năm. Tóm lại, năm 2008 nền kinh tế Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn lớn như tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm, lạm phát và nhập siêu tăng cao, thị trường chứng khoán và bất động sản không ổn định, sản xuất của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Năm 2009 nền kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục gặp phải nhiều thử thách và nguy cơ suy giảm tăng trưởng vẫn đang hiện hữu. Tuy nhiên, với những chính sách điều hành linh hoạt của Chính phủ và nỗ lực của toàn xã hội, kinh tế Việt Nam sẽ đứng vững và tạo nền tảng cho sự tăng trưởng bền vững trong những năm tiếp theo. Biểu đồ diễn biến các lãi suất chủ chốt từ đầu năm 2008 (%)