Thạc Sĩ Bảo vệ nhà đầu tư trong Pháp luật về Quỹ đầu tư chứng khoán

Thảo luận trong 'Chưa Phân Loại' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    LỜI NÓI ĐẦU
    1. Tính cấp thiết của đề tài

    Qũy đầu tư chứng khoán được coi là một phương tiện đầu tư tập thể, nơi tập hợp tiền của các nhà đầu tư để ủy thác cho các nhà quản lý chuyên nghiệp tiến hành đầu tư nhằm mang lại lợi nhuận cao nhất cho những người góp vốn. Sự hình thành và phát triển của quỹ đầu tư chứng khoán trên thế giới cũng như ở Việt Nam luôn gắn liền với sự phát triển của thị trường chứng khoán vì loại tài sản tài chính cơ bản nhất, đặc trưng nhất mà các quỹ thực hiện đầu tư chính là chứng khoán. Việt Nam đã bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường từ hơn hai mươi năm về trước, song, những văn bản pháp luật quan trọng đầu tiên về chứng khoán, thị trường chứng khoán, và quỹ đầu tư chứng khoán chỉ xuất hiện cách đây 10 năm với những qui định khá sơ sài.
    Cùng với sự ra đời và phát triển của thị trường chứng khoán ở Việt Nam, các quỹ đầu tư chứng khoán đã từng bước hình thành và phát triển, thu hút nguồn vốn đầu tư từ đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tính đến tháng 08/2008, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 878 loại chứng khoán được niêm yết, trong đó có 308 cổ phiếu, 04 chứng chỉ quỹ đầu tư và 566 trái phiếu các loại. Đến tháng 7 năm 2007, đã có tới 52 quỹ ĐTCK ở Việt Nam với tổng số vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD từ nước ngoài; đến hết năm 2007 số lượng tài khoản của các nhà đầu tư mở tại các công ty chứng khoán đã lên tới gần 298 ngàn tài khoản, trong đó có trên 7 ngàn tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài. Với những ưu thế của một nhà đầu tư chuyên nghiệp, quỹ đầu tư chứng khoán đã và đang trở thành phương tiện đầu tư quan trọng để huy động vốn cho thị trường chứng khoán và cho nền kinh tế đang phát triển với tốc độ nhanh chóng. Loại hình đầu tư này nhận được sự quan tâm và đang dần trở nên quen thuộc với các nhà đầu tư của Việt Nam.
    Quỹ đầu tư chứng khoán- định chế tài chính trung gian hình thành và phát triển dựa trên một thị trường nền tảng, đó là thị trường giao dịch của cổ phiếu, trái phiếu và các tài sản khác. Với đặc thù của mình, cơ chế vận hành của quỹ đầu tư chứng khoán liên quan đến các chủ thể khác nhau như công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát và các tổ chức tư vấn, kiểm toán, môi giới . Qũy đầu tư chứng khoán ủy thác cho công ty quản lý quỹ quản lý, thực hiện việc đầu tư vào các tài sản tài chính theo mục tiêu mà quỹ đặt ra dưới sự giám sát của một ngân hàng giám sát. Vì thế, quyền và lợi ích của nhà đầu tư bị chi phối hay quyết định bởi chính năng lực của hai chủ thể này. Lý luận và thực tiễn đều chứng minh rằng, bảo vệ tốt quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư là một nhân tố rất quan trọng thúc đẩy họat động đầu tư, đặc biệt là sự phát triển của thị trường chứng khoán và của nền kinh tế. Những hạn chế liên quan đến việc bảo vệ nhà đầu tư chính là rào cản cho sự phát triển của quỹ đầu tư chứng khoán nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung. Việc kêu gọi các nhà đầu tư bỏ vốn vào quỹ sẽ là điều không dễ dàng khi những chính sách, cơ chế cho sự vận hành và phát triển của định chế này vẫn chưa được khơi thông. Vì vậy, việc hoàn thiện khung pháp lý để duy trì sự ổn định của thị trường, khuyến khích các quỹ đầu tư chứng khoán phát triển và đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư khi tham gia vào quỹ là điều hết sức cần thiết.
    Trong quá trình xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán ở Việt Nam, pháp luật được xem là một công cụ hữu hiệu để phát triển và bảo vệ thị trường. Hệ thống văn bản về thị trường chứng khoán và quỹ đầu tư chứng khoán đã từng bước được hình thành và hoàn thiện. Đặc biệt sự ra đời của Luật Chứng khoán 2007 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã ghi nhận những nỗ lực của nhà nước trong việc xây dựng những điều kiện thiết yếu cho sự vận hành của thị trường chứng khoán. Các văn bản về quỹ đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ như: Quy chế thành lập và quản lý quỹ đầu tư chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số 45/2007/QĐ-BTC của Bộ Tài chính; Quy chế Tổ chức và hoạt động của Công ty quản lý quỹ ban hành kèm theo Quyết định 35/2007/QĐ-BTC của Bộ Tài chính là những văn bản pháp lý quan trọng để nhà nước thực hiện công tác quản lý, bảo đảm sự phát triển lành mạnh của thị trường và là cơ sở pháp lý để các nhà đầu tư tự vệ trước những rủi ro có thể xảy ra. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư trong quỹ đầu tư chứng khoán nói riêng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Những bất cập, tồn tại của luật thực định và sự thiếu kinh nghiệm trong quá trình thực thi pháp luật đã làm cho vấn đề bảo vệ nhà đầu tư trong quỹ đầu tư chứng khoán chưa đáp ứng được yêu cầu và tác động tiêu cực đến sự phát triển của thị trường chứng khoán ở Việt Nam. Vì thế, nhận thức một cách toàn diện những vấn đề lý luận cũng như thực tiễn về bảo vệ nhà đầu tư trong điều kiện của Việt Nam để nghiên cứu và điều chỉnh pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế là vấn đề mang tính tất yếu khách quan, tạo cơ chế cho sự phát triển của các quỹ đầu tư chứng khoán, một nhân tố quan trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Xuất phát từ những lý do trên, tác giả đã chọn và nghiên cứu đề tài “ Bảo vệ nhà đầu tư trong Pháp luật về Quỹ đầu tư chứng khoán” làm Luận văn thạc sĩ của mình.
    2. Tình hình nghiên cứu
    Vấn đề bảo vệ nhà đầu tư nói chung, nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán và quỹ đầu tư chứng khoán nói riêng được nhiều tổ chức quốc tế có uy tín (như Ngân hàng thế giới – World Bank) và giới khoa học nước ngoài quan tâm, nghiên cứu. Tuy nhiên, Báo cáo của Ngân hàng thế giới (Doing Business Report) chỉ đánh giá về mức độ bảo vệ nhà đầu tư nói chung ở Việt Nam mà chưa nghiên cứu phân tích riêng về bảo vệ nhà đầu tư trong quỹ đầu tư chứng khoán. Ở Việt Nam, mặc dù quỹ đầu tư chứng khoán và vấn đề bảo vệ nhà đầu tư khi tham gia vào quỹ nhận được sự quan tâm không chỉ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước mà nó còn được các học giả, các chuyên gia nghiên cứu, các nhà khoa học nói chung và khoa học pháp lý nói riêng quan tâm, tìm hiểu. Tuy nhiên, vẫn thiếu vắng các nghiên cứu về vấn đề bảo vệ nhà đầu tư trong quỹ đầu tư chứng khoán.
    Năm 2004, Ủy ban Chứng khoán nhà nước xuất bản cuốn sách “Tìm hiểu Qũy đầu tư chứng khoán”, nhưng tác phẩm này không nghiên cứu các cơ chế pháp lý bảo vệ nhà đầu tư trong quỹ mà chủ yếu là phân tích quỹ đầu tư chứng khoán dưới góc độ kinh tế. “Giáo trình những vấn đề cơ bản về chứng khoán và Thị trường chứng khoán” của Trung tâm nghiên cứu và Bồi dưỡng nghiệp vụ chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán nhà nước) cũng dành một chương về Qũy đầu tư (Chương 8), song, cũng không phân tích vấn đề bảo vệ nhà đầu tư. Các bài viết chuyên sâu, có chất lượng về vấn đề bảo vệ nhà đầu tư trong quỹ đầu tư chứng khoán cũng hầu như chưa có trong các tạp chí luật ở Việt Nam. Gần đây, có một số luận văn thạc sĩ và cử nhân luật nghiên cứu về quỹ đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ, đáng chú ý nhất là đề tài “Pháp luật về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư chứng khoán”, Luận văn thạc sĩ luật học 2006 của Ngô Thanh Long (Trường Đại học Luật TP.HCM). Tuy nhiên, luận văn này đựơc viết trước khi Luật Chứng khoán được ban hành và chỉ dừng lại ở khía cạnh phân tích cơ cấu tổ chức, địa vị pháp lý, vai trò của quỹ đầu tư chứng khoán đối với thị trường . chứ không đi vào phân tích việc bảo vệ nhà đầu tư. Cho đến nay, vẫn chưa có một công trình nào đi sâu, nghiên cứu riêng biệt về vấn đề bảo vệ nhà đầu tư trong quỹ đầu tư chứng khoán dưới góc độ pháp lý.
    3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
    Mục đích nghiên cứu của đề tài là phân tích, đánh giá các qui định hiện hành về bảo vệ nhà đầu tư trong lĩnh vực pháp luật về quỹ đầu tư chứng khoán, để từ đó đưa ra các kiến nghị nhằm hòan thiện lĩnh vực pháp luật này. Vì lẽ đó, đề tài có nhiệm vụ:
    - Tìm hiểu những vấn đề lý luận cơ bản về quỹ đầu tư chứng khoán, các chủ thể liên quan đến họat động của quỹ và đặc điểm của việc đầu tư vào quỹ đầu tư chứng khoán;
    - Phân tích các lý do phải bảo vệ nhà đầu tư trong quỹ đầu tư chứng khoán;
    - Nghiên cứu, phân tích, đánh giá các qui định hiện hành về bảo vệ nhà đầu tư trong quỹ đầu tư chứng khoán và việc thực hiện chúng trong thực tiễn để tìm ra những hạn chế, bất cập của lĩnh vực pháp luật này;
    - Đưa ra các kiến nghị cụ thể nhằm hòan thiện pháp luật về bảo vệ nhà đầu tư trong quỹ đầu tư chứng khoán.
    4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
    Đối tượng nghiên cứu của luận văn là pháp luật hiện hành về quỹ đầu tư chứng khoán của Việt Nam. Tuy nhiên, tác giả không trình bày, không phân tích tất cả các vấn đề pháp lý về quỹ đầu tư chứng khoán, mà chỉ tìm hiểu, phân tích, đánh giá những qui định có liên quan đến bảo vệ nhà đầu tư trong quỹ đầu tư chứng khoán. Luận văn chỉ tập trung nghiên cứu, đánh giá quỹ đầu tư chứng khoán dưới góc nhìn của khoa học pháp lý, không đi sâu tim hiểu vấn đề này dưới góc độ kinh tế, quản trị học.
    Phạm vi nghiên cứu của luận văn chỉ là pháp luật Việt Nam hiện hành về quỹ đầu tư chứng khoán liên quan đến việc bảo vệ nhà đầu tư trong quỹ (mà chủ yếu là quỹ đại chúng). Luận văn không nghiên cứu tất cả các qui định về bảo vệ nhà đầu tư trong hệ thống pháp luật Việt Nam, cũng như tất cả các qui định về quỹ đầu tư chứng khoán. Vì thế, Luận văn không đi vào nghiên cứu các lĩnh vực pháp luật khác có thể liên quan, trong chừng mực nhất định, đến việc bảo vệ nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư vào quỹ đầu tư chứng khoán nói riêng như pháp luật về thị trường chứng khoán, về thủ tục giải quyết tranh chấp trong họat động đầu tư tại Tòa án hay trọng tài, về đầu tư vào quỹ của nhà đầu tư nước ngoài vv.
    5. Phương pháp nghiên cứu
    Tác giả sử dụng các phương pháp nghiên cứu: phân tích, so sánh, tổng hợp, thống kê dựa trên phương pháp tư duy của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác-Lê nin.
    6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận văn.
    Trước hết, luận văn này là tài liệu tham khảo có gía trị nhất định cho giới nghiên cứu, các luật gia, cơ quan quản lý nhà nước, các nhà đầu tư muốn tìm hiểu về quỹ đầu tư chứng khoán và vấn đề bảo vệ nhà đầu tư. Luận văn này cũng là nguồn tham khảo cho việc sửa đổi, bổ sung các qui định hiện hành về quỹ đầu tư chứng khoán nhằm tăng cường các biện pháp pháp lý để bảo vệ nhà đầu tư.
    7. Bố cục của luận văn
    Bố cục của luận văn này gồm:
    Phần mở đầu
    Phần nội dung gồm có 2 chương:
    Chương 1: Khái quát về quỹ đầu tư chứng khoán và vấn để bảo vệ nhà đầu tư
    Chương 2: Các biện pháp lý bảo vệ nhà đầu tư trong quỹ đầu tư chứng khoán: Thực trạng và kiến nghị
    Kết luận
    Danh mục tài liệu tham khảo.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...