Báo Cáo bảo tàng chiến tích hồ chí minh

Thảo luận trong 'Lịch Sử Đảng' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HCM
    TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN
    KHOA MÔI TRƯỜNG
    BỘ MÔN:
    ĐƯỜNG LỐI CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
    – —


    Bài thu hoạch
    sau khi thăm Bảo Tàng
    Chứng Tích Chiến Tranh


    GV: Ngô Thị Kim Liên
    SV: Nguyễn Thị Kim Thi
    Mã số SV: 0917318
    Lớp: 09KMT



    Tôi luôn tự hào mình là con của quê hương Tây Ninh- mảnh đất anh hùng trong suốt thời kì chiến tranh chống Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ gian truân của dân tộc. Gia đình tôi là một gia đình có truyền thống cách mạng, chiến tranh đã cướp mất người ông thân thương của tôi. Bà nội tôi khi xưa cũng là một cô thanh niên xung phong vừa tham gia sản suất vừa gánh gạo nuôi quân, phục vụ bộ đội. Bác tôi đã cống hiến một phần thân thể của mình cùng với biết bao nhiêu người khác nữa để đổi lấy độc lập tự do như ngày hôm nay cho dân tộc.
    Từ nhỏ, tôi đã được bà nội kể cho nghe những câu chuyện về tội ác của quân đội Mỹ gây ra ở quê hương ruột thịt của mình. Điều đó đã ăn sâu trong tâm trí tôi rằng chiến tranh là một điều thật khủng khiếp.
    Khi lớn lên, được học môn lịch sử và đặc biệt là môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng Sản Việt Nam, tôi đã thấy được phần nào những đau thương mất mát do chiến tranh gây ra, nhưng tôi chưa từng được tận mắt chứng kiến những hình ảnh về chiến tranh. Mãi cho đến khi được đi thăm Bảo Tàng Chứng Tích Chiến Tranh (28- Võ Văn Tần, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh), tôi đã có nhiều suy nghĩ và nhận thức rõ nét hơn về chiến tranh. Lòng yêu nước và căm thù giặc trỗi dậy mạnh mẽ trong tôi cũng như biết bao bạn khác. Những cảm xúc tôi ghi lại trong đây chỉ là một phần nhỏ trong chuyến đi thăm bảo tàng.
    Lần đầu tiên đến thăm Bảo Tàng, điều tôi nhận thấy trước hết ở đây là khung cảnh trước sân với những chiếc máy bay, xe tăng với đủ loại, kích thước và màu sắc khác nhau được lưu giữ và bảo quản cẩn thận.

    Tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy có rất nhiều người nước ngoài cũng đến thăm bảo tàng, có cả người da vàng, da trắng lẫn người da đen. Họ chắc hẳn là những con người rất yêu chuộng hoà bình và cũng một phần ngưỡng mộ tinh thần dân tộc của Việt Nam. Trong số họ có cả những người lính Mỹ khi xưa đã tham gia chiến đấu tại Việt Nam. Phải chăng họ đến đây để nhìn lại những tội ác mình đã gây ra ?
    Bước vào khu vực sảnh chính của bảo tàng, tôi thấy được rất nhiều loại bom, đạn đủ mọi kích thước. Bên cạnh còn có phòng trưng bày về chất độc dioxin. Nhìn những hình ảnh này, ắt hẳn ai cũng phải chạnh lòng , tác hại của chất độc hoá học vô cùng khủng khiếp đã gây biết bao đau đớn cho người dân kể cả khi chiến tranh đã kết thúc hơn 30 năm.
    Theo chân người hướng dẫn, chúng tôi lên lầu hai, cả lớp ngồi xếp hàng bên ngoài phòng trưng bày Hoà Bình, nghe anh hướng dẫn giới thiệu về bảo tàng và kể sơ lược về các đòn tra tấn dã man của địch đối với những chiến sĩ cách mạng của ta, các vụ thảm sát dân ta, Càng nghe, tôi càng nôn nóng muốn được xem tận mắt những hình ảnh đó. Cuối cùng chúng tôi cũng được đi tham quan tự do các phòng trưng bày.
    Tại phòng trưng bày các sự thật lịch sử
    Tôi quá bất ngờ vì những điều mình tưởng tượng về chiến tranh trước đây chưa bằng một phần nhỏ những nỗi đau, sự tàn khốc mà những tấm ảnh này ghi lại.
    Đây là hình ảnh về vụ thảm sát tại làng Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quãng Ngãi) ngày 16-3-1968. Quân đội Mỹ ồ ạt tiến vào và tàn sát cùng một lúc 504 thường dân- chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em.

    Xác người nằm ngổn ngang trên đường, có những em bé còn bú sữa mẹ.
    Chúng gom dân lại và tàn sát tập thể hàng chục, hàng trăm người cùng một lúc.
    Còn rất nhiều những tấm ảnh thương tâm về vụ thảm sát Sơn Mỹ. Tôi không hiểu tại sao những người lính Mỹ này lại có đủ can đảm để xả súng vào những đứa trẻ thơ tội nghiệp như thế. Hay là họ chỉ biết tuân thủ theo lệnh « bắn bất cứ cái gì di động » ?
    Ngoài ra còn nhiều tấm ảnh về tác hại của bom lân tinh, bom napan- những điều mà trước kia tôi không hề tưởng tượng được. Tôi chỉ được học ở trường những điều cơ bản như : ngày tháng năm nào, trận đánh nào, xảy ra ở đâu, bao nhiêu người chết, bao nhiêu người bị thương, vũ khí gì, Tại đây, nhìn những tấm ảnh này, tôi có thể phần nào hình dung được cảm giác vô cùng đau đớn khi bị bom tàn phá thân thể.
    (2)
    (1)
    (1) Bé gái Phan Thị Kim Phúc bị bỏng bởi bom napan Mỹ ( Trảng Bàng, Tây Ninh, 1972).
    Trên con đường chỉ toàn là trẻ em và lính Mỹ. Các em chỉ biết chạy và chạy. Nhìn những mảnh da rơi ra từ tay em bé và khuôn mặt đau đớn của em, tôi không có từ ngữ nào để diễn tả được cảm xúc của mình.
    (2) Hai mẹ con bà Nguyễn Thị Út- nạn nhân bom lân tinh.
    Tôi chỉ biết thốt lên : Ôi, những con người thật tội nghiệp!
    Phòng trưng bày về chất độc da cam
    Bước sang phòng trưng bày về chất độc da cam, tôi đã chứng kiến những tác hại khủng khiếp và lâu dài mà chất độc hoá học đem lại. Trong đó có dioxin là một chất cực độc, trơ về mặt hoá học nên có thể tồn tại trong đất hàng trăm năm và gây hậu quả tai hại cho con người và môi trường. Những đứa trẻ thế hệ sau đó được sinh ra với đủ các kiểu dị tật khác nhau : anh em song sinh dính vào nhau (trường hợp anh em Việt- Đức), dị tật về khuôn mặt, tay, chân, hình dáng, không ai giống ai. Nhìn hình ảnh về các quái thai chứa trong bình được lưu giữ tại bệnh viện Từ Dũ, có một số bạn không dám nhìn. Đó dường như không còn là hình dạng con người nữa. Một số người nước ngoài xem các tấm ảnh này rồi họ lại lắc đầu. Chắc họ cũng đang bức xúc và cảm thông cùng dân tộc Việt Nam.









    [TABLE="width: 100%"]
    [TR]
    [TD]Chị Huỳnh Thị Thuận, sinh năm 1977 tại thôn Đại Cát, xã Minh Phụng, huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà
    [/TD]
    [/TR]
    [/TABLE]

    [TABLE="width: 100%"]
    [TR]
    [TD]Bé Đoàn Thị Mỹ Dung, sinh năm 1991 tại Thạch Trung, Hà Tĩnh.
    [/TD]
    [/TR]
    [/TABLE]




    Chất độc màu da cam đã trở thành gánh nặng và nỗi ám ảnh đối với dân tộc ta. Những nạn nhân này không chỉ mang nỗi đau về thể xác mà tinh thần họ càng bị tổn thương hơn nữa.
    Tôi chợt suy nghĩ về người phụ nữ. Nói sao cho hết công lao của họ. Trong chiến tranh, họ ở nhà lao động, sản xuất, nuôi dạy con cho chồng yên tâm đi đánh giặc. Nhưng đâu chỉ có vậy, họ phải đối mặt với quân đội Mỹ hàng ngày và tính mạng có thể mất bất cứ lúc nào. Ấy vậy mà họ sẵn sàng nuôi quân và che chở cho bộ đội ngay khi nào có thể. Khi chiến tranh qua đi, họ mang theo gánh nặng không thể nào tả được : chồng là những người thương binh mất đi khả năng lao động, con cái mang hình hài dị dạng. Họ phải vừa lao động vừa phục vụ chồng con trong sinh hoạt hằng ngày. Những nỗi đau của họ thật đáng để mọi người cảm thông và chia sẻ.
    Sự thật là vậy nhưng vốn mang bản chất con người Việt Nam can trường, gan góc, những nạn nhân này không chịu đầu hàng số phận. Họ cố gắng sống tốt và cống hiến cho đất nước với tất cả khả năng có thể của mình.

    [TABLE="width: 100%"]
    [TR]
    [TD]Đây là một cô giáo tật nguyền Huỳnh Thanh Thảo (sinh năm 1986), xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, tp Hồ Chí Minh- không đi lại được nhưng tại phòng đọc sách của mình, cô dạy học cho nhiều em nhỏ.
    [/TD]
    [/TR]
    [/TABLE]







    Quay trở lại với chất độc màu da cam, tổng thống Kennedy đã ra lệnh thực hiện chiến dịch phá huỷ rừng ở miền nam Việt Nam bằng không quân Mỹ từ năm 1961 đến năm 1971. Mỹ cho máy bay rải hàng tấn thuốc diệt cỏ xuống các khu rừng gây rụng lá toàn bộ cánh rừng để bộ đội ta không còn nơi trú ẩn.








    Rừng đước Cà Mau chết trụi do chất độc hoá học.

    Được học nhiều về các môn tự nhiên, đặc biệt là môi trường. Tôi nghĩ đến biết bao nhiêu điều tai hại đằng sau tấm ảnh này. Rừng là một lá chắn rất quan trọng đối với vùng ven sông và biển. Rừng bị tàn phá sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến môi trường. Mất đi lớp phủ thực vật, đất sẽ bị xói mòn và thoái hoá, sinh vật bị chết. Chất dioxin tích tụ trong đất và ngấm vào nước ngầm sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ của con người. Hậu quả không chỉ thể hiện ngay ở hiện tại mà còn kéo dài cho đến tận sau này.

    Rời khỏi phòng trưng bày chất độc da cam, chúng tôi ghé vào phòng trưng bày các bức ảnh về hoà bình. Tại đây, tôi thấy được rất nhiều bức ảnh của các em học sinh tiểu học vẽ về hiểu biết của các em đối với chiến tranh. Tôi xin trích ra một số tấm sau để chúng ta có thể hiểu được suy nghĩ của các em.

    Tôi cảm thấy mừng vì những đứa trẻ thế hệ ngày nay cũng rất quan tâm đến chiến tranh và ủng hộ hoà bình. Vậy mà trên thế giới hiện nay, chiến tranh liên tục xảy ra ở các nước Irac, Iran, Libya, Apganixtan, Hơn ai hết, chúng ta –những con người đã từng bị mất nước và gánh chịu những nỗi đau, mất mát của chiến tranh-có thể hiểu được cuộc sống không yên bình của họ. Chúng ta hãy lên tiếng và hành động vì một thế giới hoà bình, một thế giới không có chiến tranh.
    Chuồng cọp
    Rời khỏi khu vực nhà trưng bày, chúng tôi rẽ về phía khu "chuồng cọp ". Trong một căn phòng nhỏ, tôi bàng hoàng với những gì hiện ra trước mắt mình. Đó là hình vẽ mô phỏng lại các trò tra tấn dã man của quân Mỹ "dành " cho những người tù cộng sản ở Côn Đảo.

    “Đòn tàu ngầm” - người tù bị trói chặt trên băng ghế, đầu thấp hơn chân, miệng bị bịt chặt bằng vải, đầu bị giữ chặ xuống ghế, sau đó chúng nối một ống cao su dẫn nước vào mũi tù nhân, đôi khi nước đó còn cò pha cả xà phòng hoặc vôi, đợi khi nước đã đầy bụng tù nhân, bọn cai ngục dùng chân mang giày đinh, đạp mạnh vào bụng họ để họ nôn ra cả nước và máu.

    Ngoài ra chúng còn dùng nhiều trò tra tấn vô cùng thâm độc như đòn tàu bay, châm cứu, đùa với rắn hay đóng đinh vào đầu những người tù nhằm mục đích là để lấy lời khai từ họ. Có lẽ đau đớn nhất chính là các nữ tù. Họ bị lính Mỹ chà đạp trắng trợn, thân thể họ bị vùi vập rất thảm khốc. Bọn lính sẵn sàng cưỡng hiếp, lấy mảnh chai bia rạch vào âm đạo của người phụ nữ cho họ mất khả năng sinh sản và bị bệnh sau này. Những chị em sau khi nếm trải các "trò chơi" của chúng sẽ trở nên hoảng loạn về tinh thần, thậm chí bị ám ảnh cho đến hết cuộc đời. Có như vậy ta mới thấy chúng còn tàn nhẫn và ác độc hơn cả chế độ phong kiến ngày xưa.

    Đây là khung cửa phòng giam biệt lập ở Thủ Đức ( được gọi là phòng kỷ luật hay "hoả lò" ). Các nữ tù nhân phải thay phiên nhau ra hít thở khí trời vì phòng giam quá chật hẹp, ngột ngạt.
    Đây là phía trên mái của nhà giam. Theo lời anh hướng dẫn ở bảo tàng, bọn Mỹ đứng trên đây để dội nước lạnh xuống những người tù trong những ngày đông giá rét. Trong mùa đông thì chúng nhốt 1-2 người tù trong một "chuồng cọp". Mùa hè, chúng nhốt 5-14 người để không khí trở nên nóng bức,ngột ngạt.

    Chuồng cọp kẽm gai mô phỏng theo đúng kích thước của nhà tù Côn Đảo.


    Chế độ lao tù khắc nghiệt như thế, cộng với bệnh tật, thiếu thốn thuốc men, lại bị tra tấn thường xuyên nên sau khi ra tù, các chiến sĩ chỉ con lại "da bọc xương", thậm chí họ không thể đi lại được nữa.



    Chiếc máy chém bọn Mỹ Diệm dùng để diệt những người cộng sản vẫn còn được lưu lại và giữ gìn cho đến nay.


    Đến đây, tôi chợt nhớ đến nhà cách mạng Hoàng Lê Kha - tỉnh uỷ viên đảng bộ Tây Ninh, là người cuối cùng bị hành quyết bằng máy chém của luật 10-59 vào ngày 12-3-1960. Nhân dân Tây Ninh tưởng nhớ công lao của ông và đã lấy tển ông đặt cho trường chuyên của tỉnh.
    Kết thúc chuyến tham quan bảo tàng, tôi và các bạn trở về với biết bao điều bổ ích. Dường như trong tôi còn có sự sợ hãi, sợ về sự man rợ, dã man của bọn Mỹ gây ra. Tôi suy nghĩ về biết bao nhiêu điều, thấm thía được sự mất mát, đau thương và thấy quý trọng hoà bình biết bao. Tôi càng thêm tự hào về dân tộc Việt Nam nói chung và quê hương Tây Ninh của tôi nói riêng. Tôi nhớ lại những gì mình đã được học trong những năm học cấp 3 từ quyển sách Lịch sử địa phương Tây Ninh. Tôi xin kể ra đây để cô và các bạn cùng tham khảo và biết thêm về mảnh đất kiên cường này.
    Chiến thắng Tua Hai mở đầu phong trào Đồng Khởi của miền Đông Nam Bộ
    Đến cuối năm 1959, Mỹ - Diệm lê máy chém đi khắp nơi chém giết mọi người, quần chúng nhân dân sôi sục lòng căm hận. Thực hiện Nghị quyết 15 của Đảng (1- 1959), được sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ uỷ, tỉnh uỷ Tây Ninh huy động lực lượng đánh Tua Hai. Tua Hai nằm trên quốc lộ 22 cách Thị xã Tây Ninh 7 km về phía bắc (nay thuộc xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành). Đây là căn cứ quan trọng của Trung đoàn 32, thuộc Sư đoàn 21 chủ lực Nguỵ. Đối với địch đây vừa là trung tâm huấn luyện vừa là kho vũ khí được bảo vệ nghiêm ngặt, cũng là nơi tập trung lực lượng càn quét chống phá tiêu diệt lực lượng cách mạng của ta. Nhưng đối với ta đây là nơi có nhiều nội tuyến nhất. Chủ trương của ta là đánh Tua Hai để lấy vũ khí trang bị cho ta và gây tiếng vang lớn cho phong trào Đồng Khởi ở Đông Nam Bộ. Phương châm chiến lược là bí mật, bất ngờ, đánh nhanh, rút gọn. Ta huy động 225 cán bộ chiến sĩ, một đội cứu thương và 300 dân công để vận chuyển vũ khí và chiến lợi phẩm.
    0 giờ 30 phút ngày 26-1-1960, phối hợp với lực lượng chủ lực, quân dân Tây Ninh dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Hữu Xuyến (Trưởng ban quân sự miền Đong), 4 cánh quân đồng loạt nổ súng, trận bão lửa bắt đầu. Địch bị ta đánh bất ngờ nên bỏ chạy toán loạn, ta chiếm được kho súng và làm chủ trận địa.
    3 giờ 30 phút cùng ngày, ta rút quân để bảo toàn lực lượng. Ta đã tiêu diệt Trung Đoàn 32 thuộc Sư đoàn 21 Nguỵ, làm tan rã 2 tiểu đoàn, bắt thả ngay tại trận 500 tên địch, thu 1500 súng các loại.
    Chiến thắng Tua Hai là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Tây Ninh, giáng một đòn quyết liệt vào Mỹ - Diệm, làm cho chúng hoang mang lo sợ. Cùng với phong traào Đồng Khởi ở Bến Tre, chiến thắng Tua Hai góp phần làm phá sản hoàn toàn chiến lược chiến tranh đơn phương của Mỹ, đưa cách mạng miền nam chuyển sang giai đoạn mới.
    Tây Ninh chống Việt Nam hoá chiến tranh
    Tổng thống Nichxon đẩy mạnh chương trình "bình định, lấn chiếm". Về phía ta, quân dân Tây Ninh kiên cường bám trụ, đánh địch phản kích, khôi phục và giữ vững địa bàn. Ở Gò Dầu, ta phát động phong trào "Quyết tử giữ Gò Dầu". Cán bộ gặp rất nhiều khó nhăn, mọi sinh hoạt đều thực hiện theo phương châm “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, “lấy đêm làm ngày, lấy ngày làm đêm”. Với tinh thần hi sinh gian khổ, quyết tâm đứng vững trên địa bàn, đến tháng 12-1969, trọng điểm Gò Dầu được khôi phục lại. Các nơi khác như Trảng Bàng, Châu Thành, Bến Cầu cũng từng bước đánh bại kế hoạch bình định cấp tốc của địch.
    Đến cuối năm 1972, toàn chiến trường Tây Ninh giành được nhiều thắng lợi lớn, góp phần làm phá sản “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ.
    Con người Tây Ninh kiên cường gan góc
    “Có thể nào quên cô gái thơ
    Bơi xuồng thoăn thoắt dưới trăng mờ
    Đưa đoàn Giải phóng qua sông lớn
    Bên sông, bót giặc đứng sờ sơ”
    Đó là những dòng thơ của nhà thơ Hoài Vũ ca ngợi những con người anh hùng bên bờ sông Vàm Cỏ Đông của Tây Ninh.

    Anh hùng Nguyễn Văn Thương
    Anh sinh năm 1938, quê ở xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Từ năm 1959 dến năm 1969, anh làm nhiệm vụ giao liên tình báo, vận chuyển công văn vào Sài Gòn. Công việc vô cùng nguy hiểm nhưng anh và đồng đội đã đánh bại các cuộc tấn công của địch. Ngày 10-2-1969, trên đường mang tài liệu từ Sài Gòn về căn cứ, bị máy bay địch phát hiện, anh bắn cháy 1 máy bay, diệt 3 tên địch. Sau đó anh bị thương và bị bắt. Bốn năm trong tù (1969-1973), anh bị địch tra tấn bằng đủ loại cực hình, chúng đã cưa chân anh 4 lần rồi đưa ra Phú Quốc. Anh đã biến nhà tù thành trường học cộng sản. Khi ra tù, anh vẫn lạc quan yêu đời, tiếp tục phục vụ nhà nước và nhân dân. Anh được nhà nước trao tặng danh hiệu Dũng sĩ 14 lần, 2 lần Chiến sĩ thi đua, 24 bằng khen. Với thành tích đó, anh được chủ tịch nước tặng danh hiệu " Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân "6-11-1978.
    Trên đây chỉ là một số rất ít những tư liệu về Tây Ninh trong quá trình kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Còn rất nhiều đằng sau đó là những mất mát, đau thương, tan tốc mà người dân nơi đây phải gánh chịu. Là một đứa con của quê hương, tôi rất thấm thía và tự hào về điều đó. Tôi muốn mang tinh thần tốt đẹp ấy truyền đạt đến nhiều người- những người chưa bao giờ nghe nói về Tây Ninh và mong họ sẽ yêu mến nơi đây như chính quê hương của mình.
    Suy nghĩ chung sau khi kết thúc chuyến thăm bảo tàng Chứng Tích Chiến Tranh.
    Thế hệ cha ông ta đã hi sinh nhiều đến thế để mang lại cuộc sống hoà bình, tự do, ấm no cho cả dân tộc. Vậy mà ngày hôm nay có một số bạn trẻ không biết quý trọng điều đó, họ nghe theo những lời tuyên truyền phản động, nói xấu những người cách mạng, nói xấu Đảng Cộng Sản. Những người đó thật đáng chê trách. Không chỉ có vậy, ngày nay càng có nhiều bạn trẻ bị cuốn vào các trò chơi trên máy vi tính mà không quan tâm đến việc học tập cũng như không biết yêu thương mọi người xung quanh. Lâu ngày, thói quen hình thành, tôi không thể tưởng tượng được rồi họ sẽ trở thành những con người như thế nào. Phải chăng họ sẽ là gánh nặng cho xã hội trong tương lai?
    Một thực tế đáng mừng là ngoài những thành phần tiêu cực của xã hội thì đại đa số các bạn trẻ ngày nay đều nhận thức được tầm quan trọng của tri thức. Họ chấp nhận đi xa, ngày đêm học tập và nghiên cứu với mong ước có thể đem vốn kiến thức bổ ích về xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước của mình.
    Chúng ta có quyền hy vọng một tương lai tươi sáng cho dân tộc Việt Nam.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...