Luận Văn Báo chí đà nẵng thời kỳ đổi mới 1986 – 2006

Thảo luận trong 'Báo Chí' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Luận văn gồm 139 trang
    Nói về Báo chí Đà Nẵng thời kỳ đổi mới 1986 - 2006

    MỞ ĐẦU

    1. Lý do chọn đề tài

    Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi báo chí là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng, nhằm góp phần xây dựng, củng cố nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, tuyên truyền tập hợp nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng của đất nước. Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản về định hướng phát triển báo chí và quản lý báo chí, đã cho thấy Đảng và Nhà nước luôn đánh gía cao vai trò của báo chí; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để báo chí phát triển đúng hướng.
    Thành phố (TP) Đà Nẵng được xem là một trong ba trung tâm (sau Hà Hội và TP Hồ Chí Minh) báo chí của cả nước, với trên 70 cơ quan, văn phòng đại diện, gần 400 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Thời kỳ đổi mới, cùng với báo chí cả nước, báo chí Đà Nẵng có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, loại hình, đội ngũ, cơ sở vật chất, tiềm lực kinh tế và từng bước nâng cao chất lượng, ngày càng xứng đáng là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu trong đời sống xã hội, cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân. Hoạt động báo chí trên địa bàn đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương và cả nước.

    Mặc dù tác động của báo chí Đà Nẵng ngày càng lớn, vai trò và đóng góp ngày càng được ngày càng được khẳng định, nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện về báo chí Đà Nẵng, nhất là báo chí thời kỳ đổi mới. Nghiên cứu báo chí thành phố Đà Nẵng thời kỳ đổi mới giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn diện mạo báo chí trên trên địa bàn, xem xét các mô hình tổ chức và hoạt động, đánh giá bước phát triển, vai trò và những đóng góp của báo chí trong sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời, rút ra được những hạn chế, yếu kém, để từ đó có thể đưa ra các giải pháp khắc phục, cũng như định hướng phát triển báo chí trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng Nghị quyết đại hội X của Đảng đã đề ra.

    Như vậy, với rất nhiều yêu cầu về khoa học và thực tiễn cấp bách đặt ra đối với báo chí Đà Nẵng, chọn đề tài: “BÁO CHÍ ĐÀ NẴNG THỜI KỲ ĐỔI MỚI 1986 – 2006” để nghiên cứu, chúng tôi hy vọng sẽ giải quyết phần nào những vấn đề khoa học và thực tiễn đặt ra ở trên.

    2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề

    Tuy chưa có công trình nghiên cứu về báo chí Đà Nẵng một cách đầy đủ và hệ thống, nhưng việc nghiên cứu báo chí cả nước đã sớm được chú ý.
    Dưới thời thuộc Pháp, năm 1927, tác phẩm Notes bibliographiques sur les de la Preese eu L’endochine (Những ghi chú về tiểu sử báo chí Đông Dương) của A. Masson xuất bản tại Hà Nội được xem là tác phẩm đầu tiên mở đầu việc nghiên cứu báo chí nước ta. Hơn một thập niên sau, năm 1938, có thêm hai tác phẩm Chế độ báo giới Nam Kỳ của Diệp Văn Kỳ và Nghề làm báo của Nguyễn Văn Đính xuất bản tại sài Gòn. Nhìn chung, các tác phẩm này chỉ mới giới thiệu một số nét về báo chí Đông Dương, chế độ báo chí và về nghề làm báo ở nước ta lúc bấy giờ.

    Sau Cách mạng Tháng Tám, trên Báo Tri Tân số 206 ra ngày 04/10/1945 có đăng bài Nước ta xưa có tự do ngôn luận? của Nguyễn Văn Tố. Khi nói về nguồn gốc báo chí nước ta, cụ Nguyễn cho rằng, những Quảng Văn Đình (thời Lê), Quảng Minh Đình (thời Nguyễn) là hình thức sơ khai của báo chí nước nhà, ở đó, “báo chí là những tờ huấn lệnh ở đình làng tựa như tờ acta diurna của người La Mã xưa” vậy.

    Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, tuy việc nghiên cứu gặp nhiều khó khăn nhưng các tác giả trong và ngoài nước cũng đã công bố được một số công trình nghiên cứu về báo chí. Năm 1958, tác giả Đoàn Thị Đỗ cho xuất bản Le Journalisme au les périodiques Vietnamiens de 1865 à 1944 (Báo chí định kỳ người Việt giai đoạn 1965- 1944). Ở trong nước, đáng chú ý là học giả Trần Huy Liệu viết Giới thiệu lịch sử báo chí Việt Nam xuất bản năm 1959; Huỳnh Văn Tòng viết Lịch sử báo chí Việt Nam từ khởi thuỷ đến 1930, xuất bản tại Sài Gòn năm 1973, Vũ Bằng có Bốn mươi năm “nói láo” xuất bản tại Sài Gòn năm 1974. Nói chung, các công trình nghiên cứu báo chí nước ta thời kỳ này có đóng góp đáng kể. Các tác giả đã khắc hoạ khá rõ nét lịch sử báo chí nước ta từ buổi khởi đầu đến năm cận kề cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi.

    Sau khi đất nước thống nhất, nhất là thời kỳ đổi mới, việc nghiên cứu lịch sử báo chí càng được quan tâm. Hơn ba thập niên qua, đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử báo chí Việt Nam cũng như của từng địa phương được công bố. Đáng chú ý là các công trình Tìm hiểu lịch sử báo chí Việt Nam của Hồng Chương, xuất bản năm 1987; Lịch sử báo chí báo chí Việt Nam (1965-1945) do Đỗ Quang Hưng chủ biên, xuất bản năm 1991; Lịch sử báo chí - đề cương và bộ thư tịch báo chí từ 1965 đến 1990 của Tô Huy Rứa, xuất bản năm 1997 Hầu hết các công trình này đều tập trung nghiên cứu về quá trình hình thành và phát triển của báo chí Việt Nam trên bình diện cả nước, trong đó, về thời gian, các công trình thường chú ý đến giai đoạn hình thành báo chí Việt Nam và báo chí cách mạng Việt Nam; về không gian, các tác giả chú trọng đến các hoạt động báo chí ở hai trung tâm báo chí lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

    Ngoài các công trình nghiên cứu lịch sử báo chí ở trên, một số các tác giả như Lê Thanh Bình, Hà Minh Đức, Đinh Văn Nhiếp, Phan Quang, Tạ Ngọc Tấn, Hữu Thọ lại đề cập đến các vấn đề chức năng của báo chí trên các thể tài phản ánh, các vấn đề lý luận về nhận thức của người làm báo, về định hướng hoạt động và quản lý báo chí

    Ở TP Đà Nẵng, với việc nghiên cứu lịch sử báo chí thì ngoài công trình Lịch sử báo Đảng các tỉnh, thành của Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, có đăng một số tư liệu về quá trình hình thành và phát triển của Báo Đà Nẵng, trên một số tạp chí như Người Làm Báo Đà Nẵng, Văn Hoá Đà Nẵng hay các tập san của Báo Đà Nẵng, Báo Công An TP Đà Nẵng thỉnh thoảng có đăng tải một số bài viết về tình hình báo chí ở Đà Nẵng, Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng sản xuất một vài phóng sự truyền hình đề cập đôi nét về một số lĩnh vực của hoạt động báo chí.

    Tóm lại, tất cả các tài liệu vừa nêu, hoặc là chưa đề cập đến báo chí Đà Nẵng trong thời kỳ đổi mới, hoặc chỉ đề cập đến một số khía cạnh của nghề báo, chưa khái quát được diện mạo báo chí Đà Nẵng trong giai đoạn này. Tuy vậy, tất cả các công trình, bài viết trên là những cơ sở quan trọng để chúng tôi tham khảo, kế thừa trong luận văn này.

    3. Mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu
    - Mục đích đề tài là dựng lại bức tranh tổng thể về tổ chức và hoạt động báo chí trên địa bàn TP Đà Nẵng sau 20 năm đổi mới. Trên cơ sở đó, đề tài đánh giá khách quan vai trò, đóng góp cũng như nhận diện đúng những tồn tại, hạn chế của báo chí Đà Nẵng trong thời gian qua, qua đó đề xuất các giải pháp khắc phục để đưa báo chí Đà Nẵng phát triển nhanh, đúng định hướng.
    - Đối tượng đề tài là toàn bộ các loại báo tiếng Việt, gồm báo in, báo nói, báo hình của địa phương Đà Nẵng, của Trung ương và các địa phương khác có giấy phép đặt cơ quan, văn phòng đại diện hoạt động trên địa bàn TP Đà Nẵng.
    - Đề tài giới hạn về không gian là báo chí hoạt động ở thành phố Đà Nẵng, về thời gian là 20 năm đổi mới (1986-2006).

    4. Nguồn tư liệu
    Trên cơ sở tham khảo và kế thừa các nguồn tư liệu về lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội TP Đà Nẵng của các nhà nghiên cứu trước nay để xây dựng cơ sở luận văn, như Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán Triều Nguyễn, Lịch sử TP Đà Nẵng (của Viện Sử học và Uỷ ban Nhân dân TP Đà Nẵng), Đô thị Việt Nam dưới thời Nguyễn của Nguyễn Thừa Hỷ - Đỗ Bang - Nguyễn Văn Đăng, Phố Cảng Đà Nẵng từ năm 1802 đến năm 1860 của Lưu Trang, Quảng Nam trong hành trình mở cõi của Nguyễn Q.Thắng chúng tôi tập trung tìm kiếm, khai thác các nguồn tư liệu chính về báo chí. Bao gồm các công trình nghiên cứu, các tài liệu, bài viết về báo chí, các tờ báo, tuần báo, tạp chí, tập san với các loại hình báo in, báo nói, báo hình được phát hành trên địa bàn TP Đà Nẵng.

    5. Phương pháp nghiên cứu
    Ngoài những nguyên lý có tính phương pháp luận, chúng tôi sử dụng phương pháp lịch sử, phương pháp logic và các phương pháp cụ thể khác như phương pháp sưu tầm, xử lý, xác minh tư liệu; phương pháp thống kê, so sánh, đối chiếu; phương pháp phân tích, tổng hợp và phương pháp xử lý liên ngành để nghiên cứu và biên soạn luận văn này.

    6. Đóng góp của luận văn
    Đề tài trình bày một cách tương đối toàn diện và cụ thể về tổ chức và hoạt động báo chí TP Đà Nẵng trong thời kỳ đổi mới. Những đánh giá đóng góp của báo chí Đà Nẵng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế xã hội địa phương và của cả nước
    Đề tài cố gắng hệ thống tư liệu về báo chí Đà Nẵng 20 năm đổi mới phục vụ cho công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, báo chí của TP Đà Nẵng của các cấp lãnh đạo địa phương và Trung ương.
    Luận văn cũng góp thêm một nguồn tư liệu về lịch sử, văn hoá địa phương Đà Nẵng cho tổ chức, cá nhân quan tâm tham khảo, nghiên cứu.

    7. Cấu trúc luận văn
    Luận văn được trình bày gồm ba phần: mở đầu, nội dung và kết luận và được thiết kế thành 3 chương như sau:
    Chương 1: Tổng quan về thành phố Đà Nẵng và tình hình hoạt động báo chí Đà Nẵng trước thời kỳ đổi mới
    Chương 2: Tổ chức và hoạt động của báo chí Đà Nẵng thời kỳ đổi mới (1986-2006)
    Chương 3: Nội dung phản ánh, vai trò và đóng góp của báo chí Đà Nẵng thời kỳ đổi mới.
    Ngoài ra, trong luận văn còn có một số lượng đáng kể đầu sách, và các loại lược đồ, sơ đồ, ảnh, và một số tư liệu khác.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...