Báo Cáo Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người ở việt nam

Thảo luận trong 'Xã Hội Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người ở việt nam
    I. Phương pháp soạn thảo Báo cáo Quốc gia.
    A. Quy trình soạn thảo Báo cáo.

    1. Báo cáo này được soạn thảo theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 5/1 ngày 18/06/2007 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ) nhằm kiểm điểm tình hình thực hiện các quyền con người trên lãnh thổ Việt Nam. Ban soạn thảo đã được thành lập theo cơ chế Nhóm Công tác liên ngành với sự tham gia của các cơ quan liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy các quyền con người: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Ban Tôn giáo Chính phủ (thuộc Bộ Nội vụ), Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Ủy ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban Dân tộc, Toà án Nhân dân Tối cao và Bộ Ngoại giao. Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối soạn thảo Báo cáo.

    B. Tổ chức tham vấn ý kiến về Báo cáo.

    2. Việt Nam đã cử nhiều đoàn đi học hỏi kinh nghiệm quốc tế về soạn thảo báo cáo Cơ chế Kiểm điểm Định kỳ (UPR) như tham dự Hội thảo tập huấn do Liên hợp quốc (LHQ) tổ chức và dự các phiên bảo vệ báo cáo UPR tại Hội đồng Nhân quyền; tổ chức các hội thảo trong nước có sự tham dự của chuyên gia LHQ và một số nước đã bảo vệ báo cáo nhằm giới thiệu về cơ chế UPR và kinh nghiệm làm báo cáo của các nước này.
    3. Báo cáo được xây dựng một cách toàn diện nhờ sự đóng góp ý kiến tích cực và cụ thể của các cơ quan Chính phủ, đoàn thể nhân dân và chính quyền địa phương thông qua các cuộc họp tham vấn. Quá trình tham vấn là cơ hội đối thoại cởi mở, thẳng thắn giữa Nhóm soạn thảo và các tổ chức xã hội có tính đại diện rộng rãi, trong đó có: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Liên hiệp Các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam, Hội Luật gia, Hội Nhà báo Việt Nam, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Viện Nghiên cứu Quyền con người, Hội Nông dân, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam.

    II. Thông tin cơ bản về Việt Nam.
    A. Giới thiệu chung.

    4. Với 64 tỉnh và thành phố, đất nước Việt Nam có diện tích 331.216,6 km2 trải dọc từ vĩ độ 23o23’ Bắc đến 8o27’ Bắc với phần đất liền nằm trên bán đảo Đông Dương, ở Đông Nam châu Á, cùng nhiều đảo và quần đảo. Sự trải dài về mặt địa lý và sự đa dạng của các vùng miền đã tạo nên tính đặc thù và sự giàu có về văn hóa, nhưng cũng là khó khăn không nhỏ trong việc đảm bảo và thực thi các quyền con người đối với mọi người dân Việt Nam.

    5. Với số dân khoảng 86 triệu người (trong đó 75% sống ở nông thôn), Việt Nam là nước đông dân thứ 13 trên thế giới. 54 dân tộc (người Kinh chiếm 86%) chung sống hòa thuận và có những bản sắc riêng về văn hóa, ngôn ngữ và tín ngưỡng. Nhiều tôn giáo như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, trong quá trình du nhập vào Việt Nam, đã hòa nhập với các tín ngưỡng bản địa để cùng phát triển hoặc tạo nên những tôn giáo nội sinh mang đậm sắc thái Việt Nam như Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa . Điều đó không chỉ tạo cho Việt Nam nét đặc thù của một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo và là nền tảng cho khối đại đoàn kết dân tộc suốt hơn 2.000 năm dựng nước và chống ngoại xâm, mà còn là cơ sở để Nhà nước Việt Nam thực hiện các chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo đảm quyền phát triển nói chung và các quyền con người nói riêng một cách bình đẳng.

    6. Sau hơn 30 năm chiến tranh, Việt Nam phải phát triển đất nước trong điều kiện đất nước đói nghèo, kinh tế kiệt quệ, cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn, lại phải khắc phục những hậu quả do chiến tranh để lại (nạn nhân chất độc da cam, rà phá bom mìn .). Nhờ chính sách Đổi mới từ 1986, Việt Nam đã có bước ngoặt tích cực về tăng trưởng kinh tế, tạo đà phát triển đất nước, cải thiện rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Kinh tế thị trường và sự mở cửa của đất nước cũng có những mặt trái như khoảng cách giàu – nghèo, nông thôn – thành thị; khả năng hòa nhập của các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật . Đây là thách thức đối với Việt Nam trong việc cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm người dân được hưởng thụ đầy đủ các quyền cơ bản. Những nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của Nhà nước Việt Nam sẽ được xem xét một cách tổng thể trong bối cảnh đặc thù về lịch sử, đất nước, con người, xã hội nêu trên.

    B. Hệ thống Nhà nước.

    7. Trải qua lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do, nhân dân Việt Nam trân trọng giá trị thiêng liêng của các quyền con người, trước hết là quyền dân tộc tự quyết, quyền tự do quyết định vận mệnh của mình, quyền được sống trong sự tôn trọng nhân phẩm. Bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau này là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã khắc ghi những quyền này. Qua quá trình hoàn thiện để đáp ứng tình hình đất nước, các bản Hiến pháp năm 1959, 1980 và đặc biệt là Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2001) không chỉ thừa nhận và bảo đảm đầy đủ các quyền con người, quyền công dân phù hợp với luật pháp quốc tế mà còn khẳng định rõ Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, có trách nhiệm bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân.

    8. Hiến pháp 1992 quy định cụ thể cơ cấu và chức năng của hệ thống Nhà nước Việt Nam. Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra với các chức năng lập hiến, lập pháp, hoạch định chính sách phát triển đất nước và giám sát các hoạt động của Nhà nước. Mọi hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong đó có Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát và kể cả của Chủ tịch nước đều chịu sự giám sát của Quốc hội. Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính cao nhất của Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý tổng thể mọi lĩnh vực đời sống xã hội cũng như đảm bảo việc thực thi Hiến pháp và pháp luật. Hội đồng Nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm bảo đảm thi hành Hiến pháp, pháp luật cũng như mọi lĩnh vực đời sống xã hội của địa phương thông qua cơ quan chấp hành là Ủy ban Nhân dân do Hội đồng Nhân dân bầu ra. Với các chức năng tư pháp, Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

    9. Việt Nam không ngừng đẩy mạnh cơ chế kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan trong hệ thống Nhà nước, nhất là vai trò lập pháp và giám sát của Quốc hội, nhằm tăng cường hiệu quả, tính minh bạch và dân chủ của các thiết chế Nhà nước. Cơ chế giám sát được thúc đẩy một cách toàn diện trên các khía cạnh lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tính minh bạch và dân chủ của hệ thống Nhà nước cũng được tăng cường thông qua vai trò phản biện xã hội của hệ thống báo chí, truyền thông và các đoàn thể nhân dân. Báo chí Việt Nam trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, nhân dân và là lực lượng quan trọng trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật của các cơ quan Nhà nước, góp phần mạnh mẽ vào quá trình chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) là tổ chức liên minh các dân tộc, tầng lớp nhân dân, có vai trò quan trọng trong việc giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước và đại biểu dân cử (Điều 9 Hiến pháp 1992). MTTQVN cũng tham gia phản biện xã hội đối với các văn bản, chính sách của Nhà nước trước khi được thông qua. Sự tham gia trực tiếp của người dân thông qua các cơ chế pháp lý như bầu cử, ứng cử, chất vấn, khiếu nại, tố cáo và quy chế phát huy dân chủ ở cơ sở thực sự là cơ chế giám sát hiệu quả nhất đối với hoạt động của Nhà nước.
     
Đang tải...