Thạc Sĩ Bản sắc văn hóa trà Việt, từ truyền thống đến hiện tại

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 14/8/14.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    #1 Phí Lan Dương, 14/8/14
    Last edited by a moderator: 14/8/14
    MỞ ĐẦU
    0.1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
    Đối với người Việt Nam, uống trà trở thành một tập tục được hình thành từ rất lâu trong lịch sử phát triển của dân tộc “từ thuở hồng hoang cho đến tận ngày nay” [30, 9]. Vì thế, trà mang dấu ấn của nền văn hóa lâu đời, tục uống trà trở thành nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc ta.
    Tuy nhiên, uống trà không chỉ là tập tục “độc nhất vô nhị” của riêng văn hóa Việt Nam, nó còn được xác định là loại hình nghệ thuật ẩm thủy độc đáo của nền văn hóa phương Đông. Trong đó, cùng với văn hóa trà Việt là nền văn hóa trà của Trung Quốc và Nhật Bản. Cho đến nay, không ai phủ nhận cây chè và tục uống trà có nguồn gốc phương Đông. Từ phương Đông, trà mới bắt đầu cuộc hành trình ngoạn mục sang các nước phương Tây. Các nền văn hóa phương Đông như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc được xem là “đồng văn đồng chủng”. Tuy nhiên trong sự tương đồng đó vẫn có nhiều dị biệt, từ đó tạo nên bản sắc của văn hóa quốc gia dân tộc nói chung và văn hóa trà nói riêng.
    Trong thời đại hội nhập toàn cầu diễn ra mạnh mẽ đã đưa đến xu hướng phát triển mới cho nền văn hóa Việt Nam hiện nay. Việc khẳng định bản sắc văn hóa truyền thống nói chung và văn hóa trà nói riêng của người Việt Nam là cần thiết và cấp bách. Từ những nhận thức trên, đề tài Bản sắc văn hóa trà Viêt, từ truyền thống đến hiện tại được hình thành.
    0.2. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ
    Tuy đối với người Việt Nam “quen thuộc đối với chén trà từ khi còn nhỏ, uống trà trong mọi khoảnh khắc của đời sống và trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc” [41, 73-74] thế nhưng tài liệu viết về văn hóa ẩm thủy độc đáo này lại không nhiều nếu không muốn nói tỉ lệ nghịch với chiều dài của sức sống bền lâu và sự gắn bó của nó với dân tộc ta. Công trình thuộc loại thư tịch cổ về cây trà ở Việt Nam còn lưu lại đến ngày nay là cuốn Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn (1773). Cuốn sách dành một mục để viết về cây trà:
    2
    Mục IX – Phẩm vật nhưng không mang tính tổng hợp về cây trà và tục uống trà của người Việt mà chỉ miêu tả cây trà vườn trong gia đình người Kinh ở vùng Thanh Hóa và việc chế biến trà bánh của làng Bạng nổi tiếng về nghề trà, đồng thời khái quát vấn đề sản xuất – kinh doanh nghề trà thủ công Việt Nam thời Trung đại, Lê Sơ (1570 – 1775): “Cây chè đã có ở mấy ngọn núi Am Thiền, Am Giới và Am Các ở huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa, mọc xanh um đầy rừng; thổ nhân hái lá đem về giã nát, rồi phơi trong râm cho khô; đem nấu nước uống, tính hơi hàn, uống vào mát tim phổi, giải khát ngủ ngon. Hoa và nhị chè càng tốt, có hương thơm tự nhiên. Có một làng tên là Vân Trai, giáp Bạng Thượng, chuyên làm nghề chè giã nát gọi là chè Bạng. Chè sản xuất ở các làng sau này đều là thứ chè ngon: làng Đông Lao, Lương Quy, Chi Nê, Tuy Lai, Lệ Mỹ và An Đào ” [45, 172].
    Không mang tính nghiên cứu chuyên sâu mà nặng về miêu tả bằng ngòi bút văn chương lãng mạn nhưng đã góp phần ca ngợi nghệ thuật uống trà thanh tao của người xưa đó là những gì có được về trà trong một số tác phẩm văn học tiêu biểu cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XX, như: Vũ Trung Tùy bút của Phạm Đình Hổ (1768 – 1839), Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân (1910 – 1987) : “Chè tàu thú vị ở chỗ tính nó sạch sẽ, hương nó thơm tho. Buổi sớm gió mát, buổi chiều trăng trong, với bạn uống rượu làng thơ cùng làm chủ khách mà ung dung pha ấm chè tàu ra thưởng thức thì có thể tính được mộng trần, rửa được lòng tục, ấy người xưa ưa chuộng chè là vậy” [8, 33].
    Năm 1968, nhà xuất bản Hoa Lư – Sài Gòn có xuất bản cuốn Hương trà của Đỗ Trọng Huề. Công trình nghiên cứu này có giá trị trong việc tổng hợp về lịch sử cũng như nêu cao ý nghĩa của văn hóa trà phương Đông, trong đó có trà Việt Nam và miêu tả khá cụ thể về con đường trà chinh phục Tây phương. Tuy nhiên, việc tác giả chỉ dành 13 trang (từ trang 24 đến trang 37) trên tổng số hơn 200 trang của công trình để nói về chủ đề trà ở Việt Nam cho thấy việc nghiên cứu về văn hóa trà Việt ở đây chỉ dừng ở mức khái quát.
    Từ thực tế nghiên cứu về văn hóa trà tại Việt Nam cho đến thập niên 90 của thế kỉ XX, có thể khẳng định: Việt Nam vẫn chưa thực sự có được một công trình nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa trà Việt cho xứng đáng với ý
    3
    nghĩa của tục uống trà đối với lịch sử văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc ta. Bước sang thế kỉ XXI, thế kỉ của hội nhập, của quá trình toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng, bên cạnh tinh thần không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là việc cần phải gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó văn hóa trà là một trong những nét văn hóa ẩm thực độc đáo cần được gìn giữ. Từ đây, hệ đề tài mang tên Văn hóa trà Việt dần thu hút nhiều nhà nghiên cứu. Kết quả, không ít các đề tài nghiên cứu được công bố trong đó có những đề tài nghiên cứu ngắn và vừa được công bố trong các sách tổng hợp cũng như trên tạp chí và website chuyên ngành: Đỗ Ngọc Quỹ có các bài viết: “Nguồn gốc chữ trà và chè” (2000), “Bản sắc văn hóa chè Việt Nam” (2003) đăng trên tạp chí Xưa và Nay. Tác giả An Cường có bài “Trà đạo Việt Nam” (2004) đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng. Trần Ngọc Thêm có bài “Chè và văn hóa trà” trong cuốn Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng, nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ (2013). Nguyễn Hiếu Tín có bài viết “Trà – nét đẹp truyền thống văn hóa phương Đông” (2007) được đăng trong công trình tổng hợp mang tên Tem thư nghệ thuật và khoa học, nhà xuất bản Thông tin – Truyền thông Bên cạnh các đề tài ngắn và vừa cũng có không ít công trình nghiên cứu khá công phu về văn hóa trà của các nhà nghiên cứu Việt Nam, tiêu biểu là Trà Kinh – nghệ thuật thưởng thức trong lịch sử và văn hóa Đông phương của Vũ Thế Ngọc, xuất bản năm 2006, nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh và công trình Khoa học văn hóa trà – thế giới và Việt Nam của Đỗ Ngọc Quỹ và Đỗ Thị Ngọc Oanh xuất bản năm 2008, nhà xuất bản Nông nghiệp Hà Nội. Tuy nhiên, điều đáng nói là ở hầu hết các công trình viết về trà của các tác giả Việt Nam trong giai đoạn này, đặc biệt các công trình được xuất bản thành sách vẫn nặng về việc viết về văn hóa trà mang tính tổng hợp trên thế giới cũng như về phương Đông mà chưa thực sự chuyên sâu bàn luận về vấn đề bản sắc văn hóa trà Việt Nam trong quá trình tiếp xúc và giao lưu văn hóa. Vũ Thế Ngọc trong tác phẩm Trà Kinh của mình cũng thừa nhận đây là cuốn sách viết về nghệ thuật uống trà của Đông phương bằng tiếng Việt chứ không phải là cuốn sách viết riêng cho văn hóa trà Việt Nam. Còn cuốn Khoa học văn hóa trà – thế giới và Việt Nam của Đỗ Ngọc Quỹ và Đỗ Thị Ngọc Oanh, trước hết được đánh giá cao ở tính chất công phu, đồ sộ của công trình: 396 trang, chia ra
    4
    làm 7 chương, công trình đã đề cập đến hầu như các mặt liên quan đến trà: Từ vấn đề khái luận văn hóa trà Việt Nam, lịch sử phát triển trà thế giới và Việt Nam, khoa học sản xuất trà. Đặc biệt, trong công trình này, nhà nghiên cứu đã cố gắng bằng việc phân tích so sánh các vấn đề liên quan đến văn hóa trà của Việt Nam với rất nhiều nước trên thế giới: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Bắc Phi nhằm đề cao bản sắc văn hóa trà Việt. Tuy nhiên, vì đối tượng cũng như lĩnh vực so sánh đa dạng, không mang tính chọn lọc nên công trình chưa làm rõ được đặc trưng của bản sắc văn hóa trà Việt, khiến cho nhiều độc giả có cảm giác “quá tải” về lượng kiến thức được nói đến.
    Mặc dù vẫn không ít những hạn chế nhưng có thể nói chính những công trình nghiên cứu về trà của các nhà nghiên cứu đi trước được kể trên có ý nghĩa quan trọng cho chúng tôi trong việc tiếp cận và thực hiện đề tài Bản sắc văn hóa trà Việt, từ truyền thống đến hiện tại.
    0.3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
    Đối tượng nghiên cứu của đề tài là văn hóa trà của người Việt với những thích nghi và biến đổi.
    Phạm vi nghiên cứu: Văn hóa trà là một hiện tượng văn hóa có phạm vi rộng, nên ở đề tài Bản sắc văn hóa trà Việt, từ truyền thống đến hiện tại sẽ chỉ đi sâu làm rõ những vấn đề liên quan trực tiếp, cũng như biểu hiện rõ nét từ hình ảnh đến nội dung của bản sắc văn hóa trà Việt; những tiếp biến để hình thành nên bản sắc văn hóa trà Việt cũng như sự phát triển của văn hóa trà Việt trong giai đoạn hiện nay.
    0.4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
    Để thực hiện đề tài Bản sắc văn hóa trà Việt, từ truyền thống đến hiện tạ, chúng tôi sử dụng các phương pháp sau đây:
    - Phương pháp phân tích tổng hợp các nguồn tài liệu sách báo, tạp chí có liên quan đến đề tài.
    - Phương pháp so sánh đối chiếu các nội dung liên quan đến văn hóa trà giữa Việt Nam với một số nước Đông Á
    5
    - Phương pháp quan sát tham dự, khảo sát, phỏng vấn sâu tại các quán trà, vùng quê ở Nghệ An và vùng trà Bảo Lộc, Đà Lạt.
    0.5. Ý NGHĨA THỰC TIỄN VÀ Ý NGHĨA KHOA HỌC
    - Ý nghĩa thực tiễn: Đề tài nhằm khẳng định bản sắc văn hóa trà Việt trong quá trình giao lưu tiếp xúc với bên ngoài, đồng thời góp phần vào việc giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc qua tục uống trà trong đời sống người dân Việt hiện nay. Ngoài ra, đề tài còn có ý nghĩa trong việc bổ sung tài liệu về văn hóa trà Việt Nam để sử dụng trong công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập.
    - Ý nghĩa khoa học: Với đề tài Bản sắc văn hóa trà Việt, từ truyền thống đến hiện tại, người nghiên cứu với các tìm hiểu văn hóa trà Việt theo phương pháp tiếp cận lịch đại và đồng đại sẽ góp phần củng cố một cách tiếp cận không quá mới mẻ nhưng có giá trị cao trong việc nghiên cứu văn hóa trà nói riêng cũng như văn hóa nói chung. Đề tài cũng góp phần thể hiện các lý thuyết liên quan đến văn hóa, đặc biệt là lý thuyết liên quan đến văn hóa trà.
    0.6. BỐ CỤC
    Báo cáo đề tài bao gồm ba phần chính: Dẫn luận, nội dung, kết luận. Trong đó phần nội dung được chia ra làm ba chương:
    Chương 1. Tổng quan
    Chương 2. Văn hóa trà Việt truyền thống
    Chương 3. Sự phát triển của văn hóa trà Việt hiện nay
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...