Tiểu Luận bài tập nhóm dân sự modul 2 (9 điểm)

Thảo luận trong 'Luật Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    A. ĐẶT VẤN ĐỀ
    Để tạo điều kiện cho các bên có thể giao kết hợp đồng mà vẫn đảm bảo được quyền lợi cho bên có quyền ngay cả trong trường hợp người có nghĩa vụ để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ. Pháp luật cho phép người thứ ba đứng ra cam kết trước người có quyền về việc thực hiện thay nghĩa vụ của người có nghĩa vụ. Đây là hình thức bảo lãnh – một hình thức khá phổ biến trong việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
    B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
    I. LÝ LUẬN VỀ VẤN ĐỀ BẢO LÃNH
    · Khái niệm: Ðiều 361. Bảo lãnh: “Bảo lãnh là việc người thứ ba (say đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình”.
    · Chủ thể của bảo lãnh:
    Quan hệ bảo lãnh thực chất là quan hệ tay ba giữa người có quyền, người có nghĩa vụ và người thứ ba. Thông qua việc cam kết giữa người thứ ba trên cơ sở sự đồng ý của người có quyền hình thành một quan hệ, trong đó, người thứ ba được gọi là người bảo lãnh, người có quyền được gọi là người nhận bảo lãnh và người có nghĩa vụ là người được bảo lãnh.
    · Đặc điểm của bảo lãnh:
    Bảo lãnh là quan hệ có tính chất đối nhân.
    Người thứ ba tự nhận về mình một nghĩa vụ trước bên có quyền. Khi nghĩa vụ được bảo lãnh không được thực hiện hoặc được thực hiện không đúng, không đầy đủ thì người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình để đảm bảo quyền lợi cho bên có quyền. Như vậy, nghĩa vụ bảo lãnh là cam kết thực hiện nghĩa vụ thay và được sự đồng ý của bên có quyền, sau đó các bên có thể thỏa thuận thêm các biện pháp khác để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ đó.
    · Đối tượng và phạm vi bảo lãnh:
    Lợi ích mà các bên chủ thể hướng đến trong một quan hệ nghĩa vụ là lợi ích vật chất. Bởi vậy, người bảo lãnh phải bằng một tài sản, hoặc bằng việc thực hiện một công việc để có thể đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ thay cho người được bảo lãnh.
    Nếu đối tượng của nghĩa vụ chính là một một tài sản thì đối tượng của bảo lãnh phải là một tài sản thuộc sở hữu của người bảo lãnh.
    Nếu đối tượng của nghĩa vụ chính là thực hiện một công việc mà chỉ thông qua việc thực hiện công việc đó quyền lợi của bên có quyền mới được thỏa mãn, thì đối tượng của bảo lãnh là việc thực hiện một công việc.
    · Nội dung của bảo lãnh:
    Bên bảo lãnh phải dùng tài sản thuộc sở hữu của mình hoặc tự mình thực hiện một công việc để chịu trách nhiệm thay cho người bảo lãnh nếu người này không thực hiện được nghĩa vụ hoặc gây ra thiệt hại cho bên nhận bảo lãnh.
    Khi đến hạn bảo lãnh mà bên được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ (không thực hiện nghĩa vụ, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ) hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ thay đối với bên nhận bảo lãnh trong phạm vi đã xác định.
    Bên bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp bên nhận bảo lãnh có thể bù trừ nghĩa vụ với bên được bảo lãnh.
    Khi bên bảo lãnh hoàn thành nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ hoàn lại đối với mình, nếu không có thỏa thuận khác.
    II. MỘT SỐ VỤ VIỆC LIÊN QUAN
    1. Vụ việc thứ nhất
    1.1. Tóm tắt nội dung vụ việc
    a. Địa điểm : Thành phố Hồ Chí Minh
    b. Nguyên đơn:
    Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long. Trụ sở: số 17 Bến Chương Dương, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Đại diện hợp pháp của ngân hàng là ông Trần Văn Tuấn, chức vụ: Giám đốc
    c. Bị đơn:
    Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại sản xuất Lam Giang. Trụ sở: số 171 Trần Hưng Đạo, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Đại diện hợp pháp của Công ty là bà Hứu Thị Phấn. Chức vụ: Giám đốc
    d. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
    1. Ông Nguyễn Đắc Cường. Địa chỉ: số 197/6 Nguyễn Đình Chiểu, phường 11, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh.
    2. Bà Trần Thị Thanh. Địa chỉ: số 531 Hoà Hảo, phường 7, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh.
    e. Nội dung vụ việc:
    Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (gọi tắt là bên A) và Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại sản xuất Lam Giang (gọi tắt là bên B) có ký hợp đồng tín dụng số 111.01.99- HĐTD ngày 23-11-2008 với số tiền vay là 800.000.000đ. Thời hạn vay 06 tháng kể từ ngày 24-11-2008 đến ngày 24-05-2009 gia hạn đến 24-12-2009. Lãi suất cho vay là 0,85% tháng. Lãi suất quá hạn 125% tháng. Lãi phạt chậm trả là 5% tính trên số lãi chậm trả.
    Thời hạn hợp đồng (điểm 2 Điều 12 Hợp đồng tín dụng 111.01.99) có hiệu lực từ ngày ký tới ngày bên B hoàn trả xong cả gốc và lãi cho bên A như thoả thuận.
    Tài sản đảm bảo cho khoản nợ vay nói trên là căn nhà số A8 (số mới 18) đường Sư Vạn Hạnh nối dài, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh có công chứng số 78898 ngày 23- 11-2008 của Phòng công chứng Nhà nước số 2 thành phố Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Đắc Cường đứng ra bảo lãnh (hành động nhân danh cá nhân) theo hợp đồng ủy quyền số 20754 của của bà Thanh do Phòng công chứng Nhà nước số 2 thành phố Hồ Chí Minh chứng nhận ngày 06-05-2007.
    Thực hiện hợp đồng tín dụng, ngày 24-11-2008 bên A đã giải ngân cho bên B vay 800.000.000đ. Từ ngày 24-11-2008 đến ngày 24-10-2009 bên B chỉ trả được 75.933.000đ tiền lãi, số tiền gốc 800.000.000đ vẫn nợ lại
    Về nguồn gốc của tài sản bảo lãnh: căn nhà số A8 (số mới 18) đường Sư Vạn Hạnh nối dài, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh có trong thời kỳ hôn nhân giữa ông Cường và bà Mỹ; căn nhà này bà Mỹ đứng tên mua của Công ty xây dựng dịch vụ quận 10, thành phố Hồ Chí Minh đang chờ làm giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, đất ở. Ngày 06-05- 2007 bà Thanh làm hợp đồng uỷ quyền cho ông Cường, hợp đồng uỷ quyền số 20754 do Phòng công chứng Nhà nước số 2 thành phố Hồ Chí Minh chứng nhận ngày 06-05-2007. Theo đó, ông Cường thay mặt bà Mỹ làm các thủ tục hợp thức hoá căn nhà trên đứng tên bà Mỹ là chủ sở hữu. Ngày 25-11-2007 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng nhà đứng tên bà Thanh đã hoàn thành. Ngày 17-08-2009 bà Mỹ và ông Cường ly hôn.
    Do hợp đồng đã quá hạn và đôn đốc nhắc nhở nhiều lần bên B vẫn không thanh toán được nợ, ngày 19-04-2010 bên A đã có đơn khởi kiện yêu cầu bên B và phía bảo lãnh là ông Nguyễn Đắc Cường nhanh chóng thanh toán tiền nợ cho bên A

    1.2. Cách giải quyết của Tòa
    Tại Bản án kinh tế sơ thẩm số 165/KTST ngày 10-09-2010, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:
    Chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bên A, buộc bên B phải trả toàn bộ vốn vay và lãi phát sinh, với tổng số tiền là 903.919.900đ, bao gồm nợ gốc là 800.000.000đ và số tiền lãi phát sinh tính đến ngày 10-09-2010 là 103.919.900đ.
    – Bên B phải tiếp tục trả lãi theo mức lãi suất nợ quá hạn của Ngân hàng Nhà nước.
    – Trong trường hợp bên B không trả được nợ thì phát mại căn nhà số A8 (số mới 18) đường Sư Vạn Hạnh nối dài, phường 12, quận l0, thành phố Hồ Chí Minh theo hợp đồng bảo lãnh vay vốn số 0041.99/HĐ-BL ký ngày 23-11- 2008 đã được Phòng công chứng Nhà nước số 2 thành phố Hồ Chí Minh chứng nhận số 78898 ngày 23-11-2008. Bác yêu cầu không phát mại căn nhà số A8 (số mới l8) đường Sư Vạn Hạnh nối dài, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh của bà Trần Thị Thanh.
    Ngoài ra Tòa còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các bên.
    Sau khi xét xử sơ thẩm, cùng ngày 14-09-2010 ông Cường có đơn kháng cáo với nội dung không đồng ý phát mại căn nhà số A8 (số mới 18) đường Sư Vạn Hạnh nối dài, phường 12, quận l0, thành phố Hồ Chí Minh; bà Mỹ có đơn kháng cáo nội dung không đồng ý cho ông Cường mang căn nhà đi bảo lãnh cho người thứ ba
    1.3. Bình luận của nhóm về cách giải quyết của Tòa.
    Căn cứ theo Khoản 1 và Khoản 5 Điều 474 BLDS: “Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn” “Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ướng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ”
    Nhóm tán thành với các quyết định sau của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tại Bản an sơ thẩm: Thứ nhất là về quyết định chấp nhận yêu cầu buộc bên B phải trả toàn bộ vốn và lãi phát sinh cho bên A tính đến ngày 10-09-2010 là 903.919.900 đồng; Thứ hai là về việc bên B tiếp tục trả lãi theo mức lãi suất nợ quá hạn của Ngân hàng Nhà nước.
    Tuy nhiên với 2 vấn đề: Một, việc Tòa chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bên A trong đó là về phần: yêu cầu phía bảo lãnh là ông Nguyễn Đắc Cường thanh toán tiền nợ cho bên B nếu bên B không thực hiện được; Hai, bác yêu cầu không phát mại căn nhà số 18 đường Sư Vạn Hạnh nối dài, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh của bà Trần Thị Thanh nhóm hoàn toàn không đồng ý; Bởi các nguyên nhân sau:
    Thứ nhất, theo hợp đồng uỷ quyền, ông Cường chỉ được quyền thay mặt bà Mỹ“làm thủ tục hợp thức hoá nhà (xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở) .”. Sau khi hợp thức hoá nhà xong, quyền sở hữu căn nhà thuộc về bà Mỹ. Bà Mỹ là người có quyền: “ . quản lý, sử dụng, mua bán, thế chấp, sang nhượng .”. Chỉ trong trường hợp có thế chấp ông Cường không trả được nợ bà Mỹ mới đồng ý phát mại căn nhà trên để trả nợ. Do đó, việc ông Cường mang tài sản là căn nhà trên không thuộc sở hữu của mình đi bảo lãnh cho Công ty TNHH Lam Giang vay tiền của Ngân hàng phát triển nhà đồng bằng Sông Cửu Long là vượt quá giới hạn uỷ quyền và vi phạm pháp luật.
    Thứ hai, ngày 25-11-2007 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng nhà đứng tên bà Thanh đã hoàn thành, việc ủy quyền của bà Thanh với ông Cường đã chấm dứt (theo quy định tại Khoản 2 Điều 589 BLDS về chấm dứt hợp đồng ủy quyền), kể từ thời điểm đó giấy chứng nhận quyền sở hữu và căn nhà sau khi được xây đều đứng tên bà Thanh, ông Cường không có quyền dung căn nhà đi bảo lãnh cho Công ty TNHH Lam Giang (của bà Hứa Thị Phấn) vay tiền mà bà Thanh không hề biết, là vi phạm pháp luật. Điều này được chứng minh tại hợp đồng bảo lãnh số 0041 .99/HĐ-BL ký ngày 23-11-2008 giữa ông Nguyễn Đắc Cường, bà Hứa Thị Phấn (Giám đốc bên B) và Ngân hàng phát triển nhà đồng bằng Sông Cửu Long, chỉ có tên của bà Trần Thị Thanh là bên bảo lãnh nhưng không có chữ ký của bà Thanh. Bản thân bà Thanh cũng phủ nhận nội dung văn thư này.
    1.4. Cách giải quyết của nhóm
    Theo ý kiến của nhóm, nhóm sẽ giải quyết vấn đề như sau:
    Chấp nhận yêu cầu của bên A, buộc bên B hoàn trả vốn vay và thanh toán lãi phát sinh với tổng số tiền là 903.919.900đ bao gồm nợ gốc 800.000.000đ và tiền lãi phát sinh đến ngày 10-09-2010 là 103.919.900đ. (số tiền phải trả sẽ khác sau 10-09-2010)
    Bên B phải tiếp tục trả lãi theo mức lãi suất nợ quá hạn của Ngân hàng Nhà nước quy định trên số nợ gốc cho đến khi thanh toán xong nợ.
    Hợp đồng bảo lãnh vay vốn số 0041.99/HĐ-BL ký ngày 23- 11- 2008 đã được Phòng công chứng Nhà nước số 2 thành phố Hồ Chí Minh chứng nhận số 78898 ngày 23- 11- 2008 giữa bên A, ông Nguyễn Đắc Cường và bà Hứa Thị Phấn là vô hiệu. Theo quy định tại Điều 134 BLDS về Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức “Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu”. Tại hợp đồng bảo lãnh vay vốn trên đã không có chữ kí của bà Thanh bên bảo lãnh - chủ sở hữu căn nhà được dùng làm tài sản bảo lãnh mà chỉ có ghi họ tên của bà Thanh.
    Do hợp đồng bảo lãnh vay vốn số 0041.99/HĐ-BL ngày 23-11-2008 đã bị tuyên bố vô hiệu nên bác yêu cầu của A về yêu cầu bên phía bảo lãnh là ông Nguyễn Đắc Cường nhanh thanh toán tiền nợ cho bên A trong trường hợp bên B không thanh toán được nợ.
    Đồng thời với việc hợp đồng bảo lãnh vay vốn số 0041.99/HĐ-BL bị vô hiệu thì căn nhà số A8 (số mới 18) đường Sư Vạn Hạnh nối dài, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh của bà Trần Thị Thanh không phải là tài sản bảo lãnh vay vốn nên không thể phát mãi căn nhà đó.
    Khoản 2 Điều 137 BLDS: “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; ”. Theo đó, bên A có trách nhiệm trả lại cho bà Trần Thị Thanh toàn bộ giấy tờ nhà số A8 (số mới 18) đường Sư Vạn Hạnh nối dài, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh hiện đang quản lý theo hợp đồng bảo lãnh.
    Việc hợp đồng bảo lãnh vô hiệu không làm ảnh hưởng đến hợp đồng chính – hợp đồng vay vốn giữa Công ty TNHH thương mại sản xuất Lam Giang với Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long.
    2. Vụ việc thứ hai
    2.1. Tóm tắt nội dung vụ việc
    a. Địa điểm: Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
    b. Nguyên đơn:
    Chi nhánh Ngân hàng phát triển Quảng Ninh. Địa chỉ: số 3 Đường Đông Hồ - Phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
    Đại diện: ông Bùi Văn Thu - chức vụ Phó Giám đốc.
    c. Bị đơn
    Công ty TNHH Thương mại Hoàng Anh. Địa chỉ: số nhà 205, phường Giếng Đáy, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Đại diện hợp pháp cho công ty: ông Nguyễn Triển Hùng, chức vụ Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm Giám đốc
    d. Người có quyền và nghĩa vụ liên quan
    Ông Nguyễn Thanh Cảnh trú tại Tổ 1, khu 1, phường Hà Khẩu, Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
    Bà Đào Thị Hương trú tại tổ 16, khu 2, phường Hồng Hà, Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
    e. Nội dung vụ việc
    Ngày 26-3-2006, Công ty TNHH Thương mại Hoàng Anh xin vay 1.800.000.000 đồng của Ngân hàng phát triển - Chi nhánh Quảng Ninh. Với mục đích: Mua phương tiện vận tải. Ngày 30-03-2006 ngân hàng phát triển - Chi nhánh Quảng Ninh đã kí hợp đồng tín dụng Hợp đồng tín dụng số 27 HĐ/VTTNR với nội dung chính:
    - Cho công ty TNHH thương mại Hoàng Anh vay 1.800.000.000; đáo hạn ngày 30-07-2006 .
    - Lãi suất cho vay: 19,8% năm (1,65% tháng)
    - Lãi suất nợ quá hạn bằng 2,475% lãi suất trong hạn
    - Kỳ hạn trả lãi: trả cùng với nợ gốc
    - Hình thức đảm bảo vay: Bảo lãnh
    Đến kỳ trả nợ theo cam kết Bên vay phải chủ động trả nợ cho bên cho vay. Trường hợp đến hạn trả nợ Bên vay không trả hoặc trả không đủ số nợ đến hạn mà không được Bên cho vay chấp thuận bằng văn bản thì Bên cho vay chuyển toàn bộ nợ gốc đến hạn chưa trả sang nợ quá hạn.
    Tài sản đảm bảo cho khoản vay nói trên là:
    - Căn nhà 3 tầng diện tích sử dụng 105,0 m[SUP]2[/SUP] nhà ở mặt đường, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất mang tên ông Nguyễn Thanh Cảnh
    - Căn nhà 2 tầng diện tich 123 m[SUP]2[/SUP] nhà ở trong ngõ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và căn nhà mang tên bà Đào Thị Hương.
    Các giấy tờ bảo lãnh đều làm đúng quy định của pháp luật và có công chứng chứng thực của cơ quan có thẩm quyền.
    Đến hạn thanh toán (30-7-2006), do không có khả năng trả nợ, Công ty TNHH Thương mại Hoàng Anh đã có văn bản xin gia hạn nợ và được ngân hàng chấp nhận kéo dài thời hạn trả nợ đến ngày 30-10-2006. Nhưng đến hạn trả nợ mà công ty TNHH thương mại Hoàng Anh vẫn không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của mình. Ngân hàng đã chuyển khoản vay sang nợ quá hạn từ ngày 01-11-2006.
    Đến ngày 31-03-2011 Ngân hàng phát triển – chi nhánh Quảng Ninh đã có đơn khởi kiện gửi Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh, đề nghị giải quyết buộc Công ty TNHH Thương mại Hoàng Anh phải trả cho ngân hàng khoản nợ tạm tính đến ngày 31-12-2010 là 2.762.617.000 đồng, trong đó:
    + Nợ gốc là 1.320.195.000 đồng.
    + Nợ lãi là 1.442.422.000 đồng
    2.2. Cách giải quyết của nhóm
    Vụ việc đang trong quá trình được Tòa xem xét giải quyết. Nên nhóm xin được trình bày về cách giải quyết của nhóm như sau:
    Chấp nhận toàn bộ đơn kiện của Ngân hàng phát triển Quảng Ninh:
    Yêu cầu Công ty TNHH Thương mại Hòang Anh phải thanh toán toàn bộ khoản nợ gồm cả vốn vay và lãi phát sinh tính từ tháng 3/2006 đến 31-12-2010. Cho Công ty TNHH Thương mại Hoàng Anh một thời hạn trả nợ nhất định.
    Trong trường hợp, đến hết thời hạn trên Công ty TNHH thương mại Hoang Anh không trả được nợ Ngân hàng phát triển, thì ông Nguyễn Thanh Cảnh và bà Đào Thị Hương với tư cách là người bảo lãnh có nghĩa vụ trả thay số tiền gồm cả gốc lẫn lãi phát sinh từ tháng ngày 23-3-3006 đến ngày 31-10-2010 của Công ty TNHH thương mại Hoang Anh là 2.762.617.000 đồng. Ông Cảnh và bà Hương cũng được gia hạn một khoảng thời gian nhất định để thực hiện nghĩa vụ của mình.
    Hết thời gian đã hạn định, nếu ông Cảnh và bà Hương không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì Ngân hàng có quyền phát mại căn nhà 3 tầng diện tích sử dụng 105,0 m[SUP]2[/SUP] (kết cấu nhà bê tông gạch đá) do ông Nguyễn Thanh Cảnh đứng tên sử hữu và căn nhà 2 tầng diện tich 123 m[SUP]2[/SUP] mà bà Đào Thị Hương đứng tên sở hữu (phát mại các tài sản được ông Cảnh và bà Hương dung để bảo lãnh Công ty TNHH thương mại Hoàng Anh vay vốn).
    Khi đó, sau khi ông Cảnh và bà Hương đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của minh, Công ty TNHH Thương mại Hòang Anh có nghĩa vụ hoàn lại, trả lại số tiền mà ông Cảnh và bà Hương đã thay mình trả nợ, cùng với khoản lệ phí bảo lãnh như đã thỏa thuận.
    3. Vụ việc thứ ba
    3.1. Tóm tắt nội dung vụ việc
    a. Địa điểm xảy ra vụ việc: Thành phố Hồ Chí Minh.
    b. Nguyên đơn:
    Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (gọi tắt là Ngân hàng). Trụ sở tại số 2 Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội;
    Đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Phạm Đăng Bộ - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sài Gòn; có trụ sở tại số 7 Bis Chương Dương, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh (văn bản uỷ quyền số 900/NHNO-10 ngày 23-11-2002).
    c. Bị đơn:
    Công ty TNHH xe khách thương mại và dịch vụ Hợp Quốc (gọi tắt là Công ty Hợp Quốc); có trụ sở tại số 25 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận I, TP. Hồ Chí Minh;
    Đại diện hợp pháp: Ông Nguyễn Không Tuấn- Giám đốc Công ty Hợp Quốc.
    d. Người có nghĩa vụ liên quan:
    Bà Bùi Thị Tư; trú tại số 14 Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương.
    Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Nguyễn Tấn Triển; trú tại E327/47 khu 6, phường Chánh Nghĩa, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương (văn bản uỷ quyền ngày 12-12-2005).
    e. Nội dung vụ việc:
    Ngày 08-10-2005 nguyên đơn là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam có đơn khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết buộc Công ty Hợp Quốc thanh toán các khoản nợ theo hợp đồng tín dụng, đồng thời cho phép Ngân hàng được phát mại tài sản bảo đảm để thu nợ. Cụ thể như sau:
    Ngân hàng và Công ty Hợp Quốc có ký kết hợp đồng tín dụng số 247/HĐTD ngày 30-8-2003 với nội dung chính:
    - Vốn vay: 6.419.572.000 đồng;
    - Lãi suất: 0, 8%/tháng;
    - Thời hạn vay 60 tháng, từ 06-9-2003 đến 06-9-2008;
    - Tiền nợ gốc chia 19 kỳ (1 kỳ 3 tháng), trả mỗi kỳ một lần;
    - Lãi trả vào ngày 26 hàng tháng;
    - Tài sản bảo đảm khoản nợ gồm:
    1. Quyền sử dụng lô đất 59.700m[SUP]2[/SUP] trồng cao su, do ông Đặng Văn Tốt và bà Bùi Thị Tư đứng tên chủ sở hữu, theo hợp đồng bảo lãnh nợ vay số 48/HĐBLTS ngày 04-9-2003 cho dư nợ vay tối đa là 3.210.000.000 đồng. Ông bà có nghĩa vụ trả nợ là 3.210.000.000 đồng nếu công ty không thanh toán được.
    2. Cầm cố 16 chiếc xe Mercedes - Benz (tài sản hình thành từ nguồn vốn vay của hợp đồng tín dụng) theo hợp đồng cầm cố tài sản số 82/HĐCC ngày 07-11-2003 bảo đảm cho khoản vay 3.210.000.000 đồng còn lại.
    Ngày 06-9-2003, Ngân hàng đã giải ngân số tiền 6.419.572.000 đồng trả tiền mua xe cho Công ty Hợp Quốc.
    Thực tế Công ty Hợp Quốc mới thanh toán cho ngân hàng tiền gốc 667.500.000 đồng, tiền bán 2 xe tô tô, tiền lãi 299.592.931 đồng (tính đến tháng 6-2004) và 2.000.000.000 đồng của bà Tư trả Ngân hàng (ngày 1-12-2005). Do Công ty Hợp Quốc không trả đủ nợ vốn vay định kỳ nên Ngân hàng chuyển toàn bộ dư nợ còn lại chưa đến hạn thanh toán coi như đến hạn, đề nghị được chấm dứt hợp đồng trước hạn. Công ty Hợp Quốc còn nợ gốc, lãi đến ngày 30-3-2006 gồm:
    - Nợ gốc cho tất cả các kỳ hạn còn lại 3.752.072.000 đồng.
    - Nợ lãi đến ngày 30-3-2006 là: 1.193.446.775 đồng.
    Ngày 31-7-2005 giữa các bên có thoả thuận giải pháp giải quyết công nợ của Công ty Hợp Quốc. Theo đó Công ty Hợp Quốc giao toàn bộ số xe, hoặc trực tiếp thanh toán số tiền vay được đảm bảo bằng việc cầm cố 16 xe ô tô, thì số tiền bà Tư gửi tiết kiệm dùng để thanh toán số tiền vay 3,2 tỷ đồng mà bà Tư thoả thuận đảm bảo bằng việc bảo lãnh bằng lô đất của vợ chồng bà Tư, để thanh lý hợp đồng bảo lãnh. Nhưng công ty đã không thực hiện thỏa thuận.
    Phía bị đơn trình bày: xác nhận số tiền vốn vay đã trả như Ngân hàng là đúng, riêng tiền lãi thanh toán hết ngày 11-4-2005 là 309.023.539 đồng. Công ty đề nghị tiếp tục thực hiện hợp đồng và chỉ thanh toán khoản nợ đến hạn.
    Người đại diện hợp pháp cho bà Tư xác nhận ngày 1-12-2005, bà Bùi Thị Tư đã thanh toán cho Ngân hàng số tiền là: 2.000.000.000 đồng (uỷ nhiệm chi ngày 01-12-2005). Theo thỏa thuận trong trường hợp Công ty Hợp Quốc không trả được nợ thì ông Tốt, bà Tư với trách nhiệm bảo lãnh sẽ trả nợ thay 3.200.000.000 đồng. Còn các khoản lãi công ty tự giải quyết.
    3.2. Cách giải quyết của Tòa
    a. Án sơ thẩm
    Tại bản án kinh tế sơ thẩm số 82/KTST ngày 30-3-2006, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định:
    1. Buộc Công ty Hợp Quốc hoàn trả vốn vay và thanh toán lãi phát sinh cho Ngân hàng tổng số tiền là 4.945.518.755 đồng, trong đó:
    - Tiền nợ gốc các kỳ hạn còn lại 3.752.072.000 đồng.
    - Tiền lãi quá hạn (lãi suất 1,2%/tháng) đến ngày 30-3-2006 là 1.193.446.775 đồng
    2. Nếu Công ty Hợp Quốc không trả được nợ thì phải chịu biện pháp cưỡng chế phát mại tài sản gồm:
    - 14 chiếc xe Mercedes - Benz (tài sản hình thành từ nguồn vốn vay của hợp đồng tín dụng) thông qua hợp đồng cầm cố tài sản số 82/HĐCCTS ngày 07-11-2003 theo xác nhận số 16524 ngày 08-11-2005 của Phòng Công chứng số 1 thành phố Hồ Chí Minh, số tiền 3.210.000.000 đồng.
    - Lô đất 59.700m[SUP]2[/SUP] bảo lãnh của ông bà Đặng Văn Tốt và bà Bùi Thị Tư đứng tên chủ sở hữu theo hợp đồng bảo lãnh nợ vay số 48/HĐBLTS ngày 04-9-2001 xác nhận số 13 quyển số 1 TP/CC-SCC/CK ngày 04-9-2003 của Uỷ ban nhân dân xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, số tiền 3.210.000.000 đồng.
    Ngoài ra còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của đương sự.
    Ngày 15-4-2006, bà Bùi Thị Tư có đơn kháng cáo không đồng ý phát mại lô đất 59,7m[SUP]2[/SUP] với lý do bà đã thanh toán một phần vốn nợ mà bà bảo lãnh.
    Ngày 22-4-2006, Công ty Hợp Quốc kháng cáo xin được xét thêm thời hạn trả nợ và giảm lãi nợ.
    b. Án phúc thẩm
    Tại bản án kinh tế phúc thẩm số 47/KTPT ngày 20-9-2006, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định: giữ nguyên bản án sơ thẩm.
    Ngày 12-10-2006, bà Bùi Thị Tư có đơn đề nghị xin được xem xét lại bản án phúc thẩm nêu trên.
    3.3. Bình luận của nhóm về cách giải quyết của Tòa
    Nhóm tán thành quyết định về buộc Công ty Hợp Quốc trả vốn vay và thanh toán lãi phát sinh của Tòa. Tuy nhiên với biện pháp cưỡng chế của Tòa nhóm không đồng ý. Bởi các nguyên nhân sau:
    Thứ nhất, ông Tốt bà Tư chỉ bảo lãnh để Công ty Hợp Quốc vay số tiền 3.200.000.000 đồng trong tổng số tiền mà Công ty Hợp Quốc vay của Ngân hàng là 6.419.572.000 đồng. Số tiền vay còn lại được Công ty Hợp Quốc đảm bảo bằng việc cầm cố 16 xe ô tô.
    Thứ hai, việc Công ty Hợp Quốc không thanh toán được nợ mà ngay lập tức cho phát mãi tài sản bảo lãnh của người bảo lãnh là không đúng. Bên bảo lãnh là ông Đặng Văn Tôt và bà Bùi Thị Tư phải được ra hạn cho việc trả nợ trong phạm vi bảo lãnh của mình. Hết thời hạn đó ông Tốt bà Tư không thực hiện được nghĩa vụ bảo lãnh của mình mới được quyền phát mãi tài sản được ông bà mang đi bảo lãnh vay vốn của Công ty Hợp Quốc. “Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh, mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để thanh toán cho bên nhận bảo lãnh” (Điều 369 BLDS 2005)
    Thứ ba, Công ty Hợp Quốc không thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán nợ vay từng kỳ, vi phạm hợp đồng đã ký với Ngân hàng. Các bên không tranh chấp số dư nợ gốc, tiền lãi phải trả, mà có việc thoả thuận (ngày 31-7-2003) giải quyết công nợ. Tuy nhiên, Công ty Hợp Quốc đã không thực hiện thoả thuận này.
    Thứ tư, bà Tư trả Ngân hàng 02 tỷ đồng. Căn cứ trên chứng từ (uỷ nhiệm chi ngày 01-12-2003) thì bà Tư thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình, “ . Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”(Điều 363 BLDS), mà theo thỏa thuận hợp đồng bảo lãnh, ông Tôt và bà Tư chỉ phải trả thay Công ty 3.210.000.000 đồng trong trường hợp Công ty không thanh toán được nợ, còn các nghĩa vụ khác ông bà không phải thực hiện. Vậy chỉ còn trách nhiệm thanh toán thay số tiền nợ gốc là 1.210.000.000 tỷ đồng còn lại trong phạm vi bảo lãnh.
    3.4. Cách giải quyết của nhóm
    Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 5 Điều 474 BLDS thì: Công ty Hợp Quốc phải hoàn trả vốn vay và thanh toán lãi phát sinh cho Ngân hàng tổng số tiền là 4.945.518.755 đồng, trong đó:
    - Tiền nợ gốc các kỳ hạn còn lại 3.752.072.000 đồng.
    - Tiền lãi quá hạn (lãi suất 1,2%/tháng) đến ngày 30-3-2004 là 1.193.446.775 đồng.
    Trong trường hợp Công ty Hợp Quốc không trả được nợ thì:
    1. Công ty phải chịu biện pháp cưỡng chế phát mại 14 chiếc xe Mercedes - Benz (tài sản hình thành từ nguồn vốn vay của hợp đồng tín dụng) thông qua hợp đồng cầm cố tài sản số 82 /HĐCCTS ngày 07-11-2001 theo xác nhận số 16524 ngày 08-11-2003 của Phòng Công chứng số 1 thành phố Hồ Chí Minh, số tiền 3.210.000.000 đồng.
    2. Đồng thời ông Đặng Văn Tốt và bà Bùi Thị Tư phải trả nốt khoản nợ trong phạm vi bảo lãnh của mình là 1.210.000.000 đồng cùng với lãi phát sinh trên nợ gốc trong phạm vi bảo lãnh. Nếu ông Tót và bà Tư không trả được số tiền nợ của công ty Hợp Quốc theo phạm vi bảo lãnh của mình thì khi đó phát mại lô đất 59.700m[SUP]2[/SUP] bảo lãnh của ông bà Đặng Văn Tốt và bà Bùi Thị Tư đứng tên chủ sở hữu theo hợp đồng bảo lãnh nợ vay số 48/HĐBLTS ngày 04-9-2001 xác nhận số 13 quyển số 1 TP/CC-SCC/CK ngày 04-9-2001 của Uỷ ban nhân dân xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
    Tuy nhiên, tài sản ông bà dung để bảo lãnh cho vay vốn của Công ty Hợp Quốc trong phạm vi 3.210.000.000 đồng nên sau khi phát mại Ngân hàng phải trả lại phần dư cho ông Tốt bà Tư.
    Theo quy định tại Điều 367 BLDS 2005 Về quyền yêu cầu của bên bảo lãnh: “Khi bên bảo lãnh đã hoàn thành nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi bảo lãnh, nếu không có thỏa thuận khác”. Như thế, ông bà Đặng Văn Tốt và Bùi Thị Tư được quyền yêu cầu Công ty Hợp Quốc thanh toán 2 tỷ đồng mà ông bà đã trả Ngân hàng (theo ủy nhiệm chi ngày 01-12-2003), và 1.210.000.000 đồng ông bà trả cho Ngân hàng nếu Công ty không trả được nợ.
    III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ BẢO LÃNH ĐỂ ĐẢM BẢO THƯC HIỆN NGHĨA VỤ VAY TIỀN VÀ PHƯƠNG HƯỚNG GIẢI QUYẾT
    1. Một số vấn đề nan giải về vấn đề bảo lãnh để đảm bảo thực hiện ngĩa vụ vay tiền
    1.1. Những bất cập trong quá trình xử lý tài sản bảo lãnh từ phía các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền:
    Trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm tiền vay, một mình ngân hàng không thể tiến hành thủ tục hay khâu phát mại tài sản được, mà phải nhờ đến sự hỗ trợ và phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Hiện nay, việc xử lý tài sản bảo đảm vẫn còn nhiều vướng mắc mà một trong những nguyên nhân đó chính là thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan với ngân hàng. Do đó, ngân hàng gặp không ít khó khăn từ phía cơ quan hữu quan trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Bởi:
    Một, Ngân hàng gặp nhiều khó khăn khi phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc làm thủ tục chứng thực các hợp đồng mua bán giữa ngân hàng với người mua tài sản thế chấp do ngân hàng bán.
    Hai, trước khi cho vay, ngân hàng phải tiến hành giai đoạn thẩm định hồ sơ xin vay của khách hàng, là xem tính hợp lệ của hồ sơ và tình hình tài chính của khách hàng có tốt hay không để bảo đảm cho việc trả nợ. Tuy nhiên, trên giấy tờ, tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp rất tốt, nhưng thực tế doanh nghiệp kinh doanh rất kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ và mất khả năng thanh toán.
    Ba, hiện nay chưa có một văn bản nào từ Bộ, Ngành quy định những tài sản nào phải đăng ký quyền sở hữu và có giấy chứng nhận quyền sở hữu để lưu hành khi dung làm tài sản bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng.
    1.2. Những vướng mắc trong khâu xử lý:
    Thời gian giải quyết một vụ kiện: thời gian xử lý một vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng từ khi khởi kiện tại Tòa án đến khi kết thúc rất dài. Hiện nay, một vụ kiện tranh chấp của hợp đồng tín dụng ngân hàng thường phải mất từ 1,5 năm đến 2 năm ngân hàng mới thu hồi được nợ. Điều này đã làm tỷ lệ nợ quá hạn ngày càng tăng trong các ngân hàng.
    Vấn đề ủy quyền tham gia vụ kiện: việc chưa cho phép Giám đốc chi nhánh Ngân hàng thương mại được quyền tự mình tham gia vụ kiện mặc dù được quyền ký hợp đồng tín dụng đã gây rất nhiều khó khăn và tốn nhiều thời gian trong việc tham gia tố tụng để thu hồi nợ. Vướng mắc trong khâu bán đấu giá: trung tâm bán đấu giá hoạt động theo cơ chế được quy định tại Nghị định 86/1996/NĐ-CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ. Theo đó, Trung tâm bán đấu giá chỉ được tiến hành bán đấu giá tài sản sau khi đã ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản với người bán tài sản. Do đó, sau khi đã ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản thì phải ký hợp đồng ủy quyền giữa ba bên: Trung tâm bán đấu giá, Ngân hàng và bên đi vay. Trên thực tế, nhiều đơn vị vay làm ăn thua lỗ, không có khả năng thanh toán các khoản nợ đã đến hạn cho ngân hàng, nên đã cố tình tìm mọi cách lẩn tránh, hoặc thiếu thiện chí cộng tác với ngân hàng để ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá với Trung tâm bán đấu giá khi ngân hàng đề nghị bên đi vay phối hợp xử lý tài sản bảo đảm. Trong một số trường hợp khác, bên đi vay bỏ trốn có thể là cố tình không trả nợ cho ngân hàng. Lúc này, ngân hàng không thể ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá với Trung tâm bán đấu giá, do đó việc bán đấu giá không thể thực hiện được.
    2. Một số kiến nghị nhăm hoàn thiện pháp luật trong vấn đề bảo lãnh để đảm bảo thực hiện ngĩa vụ vay tiền
    2.1. Đối với Nhà nước:
    Công tác quản lý việc chấp hành chế độ kế toán và thống kê cần được Nhà nước thực hiện kiên quyết hơn nhằm tạo điều kiện cho ngân hàng đánh giá đúng tình hình tài chính của khách hàng, thông qua đó ngân hàng có quyết định cho vay và lựa chọn phương pháp bảo đảm vốn vay phù hợp hơn.
    Giảm bớt thời gian xử lý các vụ kiện tranh chấp từ hợp đồng tín dụng:
    - Toà án nên tổ chức xét xử theo thủ tục khẩn cấp và không đình hoãn phiên xử dù có liên quan đến các vụ án khác, vì đây là vụ kiện đòi nợ đã quá rõ ràng, tài sản thế chấp đã qua công chứng và được bảo đảm cho riêng món nợ mà ngân hàng được quyền ưu tiên thanh toán.
    - Cần có một điều luật quy định việc xét xử vắng mặt để tránh tình trạng bên nợ bỏ trốn, tạo điều kiện cho Toà án có thể xét xử vắng mặt mà không phải chờ đến lúc tìm được con nợ mới xử tiếp như hiện nay.
    - Đơn giản hoá thủ tục phát mại khi đã có bản án có hiệu lực pháp lý của Tòa án: Ngân hàng được quyền trực tiếp ký hợp đồng ủy quyền bán tài sản tại Trung tâm đấu giá với giá khởi điểm do ngân hàng ấn định, không thông qua trung gian Phòng thi hành án như hiện nay tránh mất nhiều thời gian.
    Về hoạt động của Trung tâm bán đấu giá: cần đơn giản hoá việc ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá với Trung tâm bán đấu giá; cho phép ngân hàng được quyền trực tiếp ký hợp đồng ủy quyền với Trung tâm bán đấu giá để phát mại tài sản mà không cần có sự đồng ý của bên đi vay trong trường hợp bên đi vay không có thiện chí hợp tác với ngân hàng để cùng ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản với Trung tâm bán đấu giá.
    2.2. Về phía ngân hàng:
    Cán bộ tín dụng cần nâng cao trình độ chuyên môn về các mặt có liên quan đến hoạt động tín dụng: thẩm định dự án, đánh giá các dự án vay vốn của khách hàng và kiến thức pháp luật ; đồng thời phải có đạo đức và trách nhiệm cao trong nghề nghiệp.
    Hiện nay, tâm lý yên tâm khi có tài sản bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng tín dụng là khá phổ biến trong các ngân hàng thương mại. Thực chất, việc quá tin tưởng vào tài sản bảo đảm mà không chú trọng đến tình hình tài chính của chủ đầu tư khi vay vốn và tính khả thi của dự án vay vốn đã gây ra rủi ro lớn cho hoạt động tín dụng của các ngân hàng. Vì vậy, cần có nhận thức đầy đủ về những biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng tín dụng bằng tài sản. Thực chất của việc thế chấp tài sản chỉ là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng tín dụng, là một biện pháp dự phòng trong trường hợp khách hàng vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, do dự án kém hiệu quả và nằm ngoài khả năng dự đoán của ngân hàng.
    Ngoài ra, các ngân hàng cần nghiên cứu thành lập các công ty mua bán khai thác tài sản bảo đảm. Căn cứ vào tình hình giá trị tài sản tồn đọng và khả năng của công ty, ngân hàng chuyển giao tài sản tồn đọng cho công ty dưới hình thức ủy thác hoặc trên cơ sở hợp đồng chuyển nhượng theo thỏa thuận, giúp các ngân hàng thu hồi vốn và khai thác sử dụng tài sản tồn đọng có hiệu quả, giải tỏa nhanh tài sản bảo đảm đang đóng băng tại các ngân hàng thương mại.
    C. KẾT LUẬN
    Việc đặt ra vấn đề bảo lãnh trong việc đảm bảo việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là một việc có ý nghĩa quan trọng. Nó giúp cho những người không có tài sản đảm bảo vẫn có thể tham gia vào các giao dịch dân sự đồng thời vẫn đảm bảo được lợi ích cho bên có quyền, giúp giảm thiểu rủi ro trong giao lưu dân sự





    D. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
    1. Bộ luật dân sự năm 2005;
    2. Trường ĐH Luật Hà Nội. Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam Tập 2. NXB Công an nhân dân. Hà Nội – 2006.
    3. QUYẾT ĐỊNH SỐ 14/QĐ-TTg NGÀY 21 THÁNG 1 NĂM 2009 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH QUI CHẾ BẢO LÃNH CHO DOANH NGHIỆP VAY VỐN CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
    4. Tài liệu từ trang web:
    - http://www.***************
    - http://vn.luatviet.com
    - http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/
    - http://brandco.vn/
    - http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn/xemtin.asp?idcha=1072&cap=3&id=1103
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...