Tài liệu Bài tập lớn hôn nhân và gia đình

Thảo luận trong 'Luật Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU

    Từ khi ra đời Luật hôn nhân và gia đình đã có những quy định để điều chỉnh tất cả các lĩnh vực của quan hệ hôn nhân và đã cụ thể hóa các quy định về quan hệ nhân thân cũng như quan hệ tài sản giữa vợ và chồng. Đặc biệt trong quan hệ về tài sản của vợ và chồng. Bên cạnh việc kế thừa tư tưởng và các quy định tiến bộ của Luật trước, Luật hôn nhân và gia đình của các năm sau có các điều quy định rõ ràng, cụ thể hơn về chế độ tài sản giữa vợ và chồng. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những điểm khác nhau về vấn đề này giữa các luật hôn nhân và gia đình năm 1959, năm 1986 và năm 2000:

    NỘI DUNG

    1. Khái quát chế độ tài sản của vợ chồng.

    Chế độ tài sản của vợ chồng được qui định trong luật hôn nhân và gia đình về vấn đề tài sản chung, tài sản riêng, quyền sở hữu, việc phân chia tài sản cũng như quyền thừa kế tài sản đó. Việc quy định về chế độ tài sản trong luật hôn nhân và gia đình là điều kiện để Nhà nước điều tiết và quản lí các quan hệ xã hội, đảm bảo các mục tiêu xây dựng đát nước, để bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, tránh những tranh chấp xảy ra đồng thời là cơ sở cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tài sản của vợ chồng.

    2. Điểm khác nhau về chế độ tài sản vợ chồng theo luật hôn nhân và gia đình.

    a, Về tài sản chung: Tài sản chung là một trong những vấn đề quan trọng được quy định trong luật hôn nhân và gia đình.

    Luật hôn nhân và gia đình năm 1959, năm 1986 và năm 2000 đều quy định về vấn đề này. Nhưng do điều kiện kinh tế - xã hội ở các thời kì là khác nhau nên Luật hôn nhân và gia đình cũng thay đổi để phù hợp với các điều kiện đó. Những điểm khác nhau đó là:

    - Khác nhau trong việc xác định tài sản chung:

    Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 và Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 đều quy định chế độ tài sản của vợ chồng là chế độ tài sản chung, Nhưng phạm vi tài sản chung của vợ chồng quy định trong Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 hẹp hơn trong Luật hôn nhân và gia đình năm 1959.

    Điều 15 Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định: “Vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới.”

    Vậy có nghĩa là Luật hôn nhân và gia đình 1959 bước đầu xác lập sự bình đẳng quy định tất cả tài sản mà vợ, chồng có sau khi kết hôn và cả tài sản mà mỗi bên có trước khi kết hôn đều là tài sản chung của vợ chồng. Quy định này đã đảm bảo quyền bình đẳng về tài sản giữa vợ chồng và xóa bỏ tập quán phong kiến “của chồng công vợ” trước đây coi tài sản trong gia đình chỉ là của người chồng.

    Khi Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 ra đời thay thế cho Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 thì vấn đề tài sản chung được quy định khác trước.

    Điều 14 quy đinh:“Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra, thu nhập về nghề nghiệp và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được cho chung.”

    Tài sản chung của vợ chồng theo Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 không phải tất cả các tài sản, chỉ là những tài sản mà vợ, chồng có được trong thời kì hôn nhân. Đó là hai loại tài sản: tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra, thu nhập về nghề nghiệp và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân và tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được cho chung.

    Cho đến năm 2000, do điều kiện kinh tế thay đổi, Luật hôn nhân và gia đình năm 1896 không còn phù hợp với điều kiện đó và cần phải thay đổi. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực thi hành và thay thế Luật hôn nhân và gia đình năm 1986.

    Điều 27 Luật hôn nhân và gia định về tài sản chung của vợ chồng:

    1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.

    Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận.

    Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất.

    2. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng.

    3. Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung. Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.

    Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, nam nữ kết hôn dựa trên cơ sở tình yêu chân chính, bình đẳng và tự nguyện. Khi trở thành vợ chồng, tình cộng đồng tài sản giữa họ được xác lập, đó là chế độ tài sản chung. Việc xác định khối tài sản chung của vợ, chồng căn cứ vào sự tồn tại của quan hệ hôn nhân – quan hệ vợ chồng. Tài sản chung đó là tài sản do vợ, chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân, tài sản thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung, những tài sản do vợ, chồng thỏa thuận, và quyền sử dụng đấtmà vợ chồng có được sau khi kết hôn.

    - Khác nhau về quyền sở hữu tài sản của vợ chồng:

    Điểm khác nhau về quyền sở hữu tài sản của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình được thể hiện ở việc quy định vợ chồng được sở hữu các loại tài sản nào, sử dụng làm việc gì, sử dụng như thế nào cụ thể là:

    Luật Hôn nhân và gia đình 1959, điều 15 quy định: Vợ chồng có quyền sở hữu, hưởng thụ ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới. Trong Luật này nói một cách chung nhất về quyền sở hữu tài sản của vợ chồng, không quy định rõ đó là loại tài sản nào, chỉ cần đó là tài sản của vợ chồng có trước và sau khi cưới.

    Luật Hôn nhân và gia đình 1986 quy định vợ chồng có quyền sở hữu đối với tài sản chung: Tài sản chung được sử dụng để bảo đảm những nhu cầu chung của gia đình.Vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản chung. Việc mua bán, đổi, cho, vay, mượn, và những giao dịch khác có quan hệ đến tài sản mà có giá trị lớn thì phải được sự thoả thuận của vợ, chồng (điều 15). Trong Luật này quy định rõ hơn về việc sử dụng tài sản chung và quy định một điểm mới đó là phải có sự thỏa thuận của vợ và chồng trong việc dùng tài sản chung trong các giao dịch.

    Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Trong gia đình người vợ cũng như người chồng đều có quyền nắm giữ, quản lí tài sản thuộc sở hữu chung, đều có quyền khai thác công dụng, hưởng lợi ích từ tài sản cũng như quyền định đoạt số phận của tài sản đó như chuyển giao quyền sở hữu hoặc từ bỏ quyền sở hữu. Tài sản chung của vợ chồng được chi dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện các nghĩa vụ chung của vợ chồng. Việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình, việc dùng tài sản chung để đầu tư kinh doanh phải được vợ chồng bàn bạc, thỏa thuận, trừ tài sản chung đã được chia để đầu tư kinh doanh riêng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này.

    Như vậy, các quy định của pháp luật về quyền sở hữu tài sản chung của vợ chồng ngày càng được quy định rõ ràng, cụ thể hơn. Điều này giúp cho việc nhận thức đúng hơn về pháp luật và thực hiện pháp luật đúng hơn, hiệu quả hơn.

    - Khác nhau trong chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân:

    Điểm khác nhau ở đây là trong luật hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định việc chia tài sản khi một bên chết hoặc khi li hôn đó là việc chia tài sản sẽ căn cứ vào sự đóng góp về công sức của mỗi bên, vào tình hình tài sản và tình trạng cụ thể của gia đình. Lao động trong gia đình được kể như lao động sản xuất. Khi chia phải bảo vệ quyền lợi của người vợ, của con cái và lợi ích của việc sản xuất.

    Cho đến khi Luật Hôn nhân - gia đình 1986 ra đời, việc chia tài sản chung được quy định trong điều 18. Khác với luật năm 1959 là khi chia tài sản trong thời kì hôn nhân đầu tiên vợ và chồng có thể thỏa thuận và việc thỏa thuận này phải được Toà án nhân dân công nhận. Nếu hai bên không thoả thuận được với nhau thì Toà án nhân dân quyết định của pháp luật với các quy định cụ thể đó là: Tài sản riêng của bên nào thì vẫn thuộc quyền sở hữu của bên ấy; Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, nhưng có xem xét một cách hợp lý đến tình hình tài sản, tình trạng cụ thể của gia đình và công sức đóng góp của mỗi bên; Trong trường hợp vợ chồng do còn sống chung với gia đình mà tài sản của bản thân vợ chồng không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình, căn cứ vào công sức của người được chia đóng góp vào việc duy trì và phát triển khối tài sản chung, cũng như vào đời sống chung của gia đình. Lao động trong gia đình được coi như lao động sản xuất; Khi chia tài sản, phải bảo vệ quyền lợi của người vợ và của người con chưa thành niên, bảo vệ lợi ích chính đáng của sản xuất và nghề nghiệp.

    Xuất phát từ tình hình thực tế quan hệ hôn nhân - gia đình, đồng thời cũng xuất phát từ việc đảm bảo lợi ích chính đáng của vợ, chồng đối với tài sản; trên có sở kế thừa Luật Hôn nhân - gia đình 1986, điều 29 luật 2000 quy định: Khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ, chồng đầu tư kinh doanh riêng thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ, chồng có thể thoả thuận chia tài sản chung; việc chia tài sản chung phải được lập thành văn bản; nếu không thoả thuận được thì có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.

    Vợ, chồng có quyền yêu cầu chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp nhằm trốn tránh trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản thì không được thừa nhận. Việc chia tài sản chung của vợ chồng không phải gián tiếp thừa nhận chế định ly thân mà nhằm tạo điều kiện cho vợ chồng tham gia các quan hệ kinh tế, thực hiện các nghĩa vụ riêng về tài sản Có thể chia tài sản trong những trường hợp sau:Vợ, chồng dùng tài sản để đầu tư kinh doanh riêng.Vợ, chồng thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng: trả nợ, bồi thường thiệt hại Các lý do chính đáng khác: một bên có hành vi hoang phí, phá tán tài sản; vợ chồng đã già mà tính tình không hợp nhưng xin ly hôn ảnh hưởng đến con cái, danh dự .

    Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã có nhiều điểm khác biệt về vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng đó là quy định cụ thể hơn về mục đích sử dụng tài sản khi chia, và còn quy định trường hợp nhằm trốn tránh trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản thì không được thừa nhận việc chia tài sản.

    - Khác nhau về hậu quả pháp lí của việc chia tài sản chung:

    Đây là một quy đinh mới trong luật hôn nhân. Hậu quả pháp lí của việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân thì chỉ có quy định trong luật hôn nhân và gia đình năm 2000. Đó là do thực tế giải quyết các vụ án về hôn nhân và gia đình còn gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc khi luật hôn nhân và gia đình năm 1959 và 1986 cũng như các văn bản khác không có quy định và hướng dẫn về vấn đề hậu quả pháp lí khi chia tài sản chung của vợ chồng. Chính vì vậy để khắc phục bất cập trên luật hôn nhân và gia đình đã quy định vấn đề hậu quả pháp lí của việc chia tài sản chung.

    - Khác nhau về quyền thừa kế tài sản giữa vợ và chồng:

    Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 và năm 1986 chỉ quy định một cách chung chung là vợ và chồng đều có quyền thừa kế tài sản của nhau. Quy định trong hai luật này còn chung chung bởi vấn đề quản lí tài sản, phân chia tài sản như thế nào không được pháp luật quy định và trên thực tế đã gặp khó khăn trong việc áp dụng. Để bảo vệ quyên, lợi ích chính đáng của một bên vợ hoặc chồng còn sống và thì trên cơ sở kế thừa và hoàn thiện luật hôn nhân và gia đình năm 1986, luật hôn nhân và gia đình năm 2000 ra đời đã quy định một cách cụ thể về vấn đề này trong điều 31. Cho phù hợp với thực tiễn cũng như các quy định trong Bộ luật dân sự năm 1995.

    b, Tài sản riêng của vợ, chồng:

    Chúng ta thấy rằng luật hôn nhân và gia đình năm 1959 không quy định về chế độ tài sản riêng nên chúng ta chỉ so sánh vấn đề này trong luật năm 1986 và luật năm 2000

    - Khác nhau trong việc xác định tài sản riêng:

    Luật Hôn nhân - gia đình 1959 không thừa nhận quyền sở hữu tài sản riêng của vợ chồng. Vì quy định này vào thời điểm đó nhằm xây dựng một quan hệ hôn nhân - gia đình mới dựa trên nguyên tắc hôn nhân tự do, tiến bộ, vợ chồng bình đẳng, không phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế của mỗi người. Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 thì có quy định về phần tài sản đối với tài sản mà vợ hoặc chồng có trước khi kết hôn, tài sản được thừa kế riêng hoặc được cho riêng trong thời kỳ hôn nhân thì người có tài sản đó có quyền nhập hoặc không nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng. Luật này cũng chưa quy định cụ thể về vấn đề tài sản riêng.

    Kế thừa và hoàn thiện hơn quy định của luật hôn nhân và gia đình năm 1986, luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quy định cụ thể và có bổ sung tại điều Điều 32: Tài sản riêng của vợ, chồng bao gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn, tài sản được thừa kế riêng, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân ; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo điều 29 và khoản 30 của luật này: đồ dùng tư trang cá nhân. Vợ chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung''.

    Chế độ tài sản của riêng vợ chồng theo Luật Hôn nhân - gia đình là hoàn toàn phù hợp với quyền sở hữu tài sản của công dân theo Hiến pháp 1992. Quy định này hoàn toàn không ảnh hưởng đến tính chất của hôn nhân mà còn tạo điều kiện cho vợ, chồng tự do kinh doanh, thực hiện các nghĩa vụ về tài sản độc lập; đồng thời còn ngăn chặn hiện tượng kết hôn vụ lợi, sau đó xin ly hôn để chia tài sản chung. Căn cứ xác lập tài sản riêng của vợ chồng rộng hơn, cụ thể hơn so với luật trước đó.

    - Khác nhau về việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản riêng của vợ chồng:

    So với luật hôn nhân và gia đình năm 1986, luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã làm rõ hơn về quyền của vợ chồng đối với tài sản riêng. Quyền đo không chỉ là quyền nhập hay không nhập tài sản riêng vào tài sản chung mà còn các quyền về quản lí, sử dụng tài sản đó để thanh toán cho nghĩa vụ riêng của mình. Quy định này một mặt nhằm mục đích bảo toàn giá trị của tài sản. mặt khác nó đề cao trách nhiệm của vợ chồng đối với nhau trong việc quản lí tài sản dù tài sản đó không thuộc sở hữu của mình.

    KẾT LUẬN

    Qua việc tìm hiểu những điểm khác nhau về chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, năm 1986 và năm 2000. Chúng ta thấy rằng việc thay đổi luật pháp cho phù hợp với thực tiến là một vấn đề vô cùng quan trọng. Thể hiện sâu sắc quan niệm, tư tưởng của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội về quyền và nghĩa vụ của vợ và chồng trong mối quan hệ hôn nhân. Chính những thay đổi đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhận thức pháp luật và áp dụng pháp luật vào thực tế một cách hiệu quả.



    DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam. Trường đại học Luật Hà Nội. Nxb công an nhân dân. Hà Nội 2009.

    2. Luật Hôn nhân và gia đình, Nxb chính trị quốc gia.

    3. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Luật sư-Thạc sĩ Nguyễn Văn Cừ - Thạc sĩ Ngô Thị Hường. Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội 2002.

    4. Bình luận khoa học Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000. Bộ Tư Pháp viện khoa học Pháp lý. Đinh Thị Mai Phương (chủ biên). Nxb chính trị quốc gia. Hà Nội 2004.

    5. Một số trang web:

    www.diendanphapluat.vn.

    www.luatsuvietnam.vn.







    MỤC LỤC

    MỞ ĐẦU 1

    NỘI DUNG 1

    1. Khái quát chế độ tài sản của vợ chồng. 1

    2. Điểm khác nhau về chế độ tài sản vợ chồng theo luật hôn nhân và gia đình. 1

    a, Về tài sản chung của vợ chồng: 1

    - Khác nhau trong việc xác định tài sản chung: 2

    - Khác nhau về quyền sở hữu tài sản của vợ chồng: 4

    - Khác nhau trong chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân: 6

    - Khác nhau về hậu quả pháp lí của việc chia tài sản chung: 8

    - Khác nhau về quyền thừa kế tài sản giữa vợ và chồng: 8

    b, Tài sản riêng của vợ, chồng: 8

    - Khác nhau trong việc xác định tài sản riêng: 9

    - Khác nhau về việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản riêng của vợ, chồng. 10

    KẾT LUẬN 10

    DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 11
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...