Tài liệu bài tập công pháp 9đ

Thảo luận trong 'Luật Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Đề số 1:
    CN: Hai quốc gia Mada và Tesa đàm phán ký điều ước quốc tế về khai thác tài nguyên, trong đó, Mada cho phép Tesa khai thác cá trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Trong điều ước quốc tế cũng quy định hiệu lực của điều ước sẽ phát sinh khi đại diện có thẩm quyền của các bên ký chính thức. Tháng 10/2009, đại diện của hai quốc gia đã tiến hành ký chính thức điều ước quốc tế tại thủ đô của Mada.
    Tháng 2/2010, trong chuyến thăm của Tổng thống Mada tới Geva, đại diện của Mada lại ký một điều ước quốc tế khác với Geva, trao cho Geva quyền khai thác cá trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Sau khi điều ước này phát sinh hiệu lực, tháng 4/2010, Mada đã gửi công hàm cho Tesa yêu cầu tất cả các tàu đánh cá của Tesa phải ngừng các hoạt động khai thác tại vùng đặc quyền kinh tế của Mada. Lý do Mada đưa ra là điều ước quốc tế đã ký có nội dung không phù hợp với pháp luật của Mada về khai thác tài nguyên, do đó, điều ước mà Mada đã ký vào tháng 10/2009 với Tesa không có hiệu lực. Hãy cho biết:
    - Hành vi của Mada ký điều ước quốc tế với Geva có phù hợp với pháp luật quốc tế hay không? Vì sao?
    - Lập luận của Mada đưa ra khi yêu cầu Tesa ngừng các hoạt động khai thác tại vùng đặc quyền kinh tế của Mada có phù hợp với quy định của Công ước Viên 1969 về Luật điều ước quốc tế hay không? Vì sao?








    BÀI LÀM
    1. Hành vi của Mada ký điều ước quốc tế với Geva có phù hợp với pháp luật quốc tế hay không? Vì sao?
    Hành vi của Mada ký điều ước Quốc tế với Geva phù hợp với pháp luật quốc tế, bởi vì:
    Theo nguyên tắc, tất cả các Quốc gia đều có thẩm quyền ký kết điều ước Quốc tế mà không gây thiệt hại cho bên thứ ba. Đây chính là quyền năng chủ thể luật quốc tế của Quốc gia. Quyền năng chủ thể luật Quốc tế của Quốc gia là tổng thể những quyền và nghĩa vụ mà Quốc gia có được khi tham gia vào quan hệ pháp lý quốc tế. Quốc gia là chủ thể duy nhất có quyền năng đầy đủ khi tham gia quan hệ quốc tế, điều này thể hiện ở các quyền và nghĩa vụ quốc tế.
    Chủ quyền là thuộc tính chính trị-pháp lý vốn có của quốc gia xuất hiện cùng với sự ra đời của quốc gia và là cơ sở cho quyền năng chủ thể Luật Quốc tế của Quốc gia, thể hiện quyền tối thượng của quốc gia trong lãnh thổ của mình và quyền độc lập của quốc gia trong quan hệ quốc tế.
    Trong tình huống trên, trước đó quốc gia Mada đã ký điều ước Quốc tế với Tesa về khai thác tài nguyên, trong đó, Mada cho phép Tesa khai thác cá trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Nhưng sau đó, Quốc gia Mada lại ký một điều ước quốc tế với Geva trao cho Geva quyền khai thác cá trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Ta có thể khẳng định hành vi của Mada không trái với nguyên tắc chủ quyền Quốc gia trong luật quốc tế. Hơn nữa trong điều ước quốc tế mà Mada đã ký với Tesa trước đó không có nội dung là cho Tesa độc quyền vùng đặc quyền kinh tế của Mada, vì vậy hành vi của Mada ký điều ước quốc tế với Geva hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế không gây thiệt hại cho bên thứ ba (Tesa) .




    2. Lập luận của Mada đưa ra khi yêu cầu Tesa ngừng các hoạt động khai thác tại vùng đặc quyền kinh tế của Mada có phù hợp với quy định của Công ước Viên 1969 về Luật điều ước quốc tế hay không? Vì sao?
    Em xin khẳng định : Lập luận của Mada đưa ra khi yêu cầu Tesa ngừng các hoạt động khai thác tại vùng đặc quyền kinh tế của Mada không phù hợp với quy định của Công ước Viên 1969 về Luật điều ước quốc tế. Vì:
    Trong tình huống, Mada đã gửi công hàm cho Tesa yêu cầu tất cả các tàu đánh cá của Tesa phải ngừng các hoạt động khai thác tại vùng đặc quyền kinh tế của Mada. Lý do Mada đưa ra là điều ước quốc tế đã ký có nội dung không phù hợp với pháp luật của Mada về khai thác tài nguyên. Lý do mà Mada đưa ra đã trái với quy định của Công ước viên 1969 về luật điều ước quốc tế. Trong mục I chương III về tôn trọng điều ước, Theo điều 27 của Công ước viên 1969 về pháp luật trong nước và việc tôn trọng các điều ước thì : “ Một quốc gia thành viên không thể viện dẫn những quy định của pháp luật trong nước của quốc gia này để biện minh cho việc không thi hành một điều ước’’. Hơn nữa theo điều 26 pacta sunt servand ( nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hện cam kết quốc tế) quy định: mỗi điều ước quốc tế hiện hành đều ràng buộc các bên tham gia và đều được các bên thực hiện một cách thiện chí. Theo các văn kiện pháp lý quốc tế nguyên tắc này bao gồm nhiều nội dung trong đó có nội dung chính sau: Các quốc gia thành viên điều ước quốc tế không được viện dẫn các quy định của pháp luật trong nước để coi đó là nguyên nhân và từ chối thực hiện nghĩa vụ của mình.
    Như vậy, Theo quy định này thì điều ước quốc tế không bắt ai phải tham gia nhưng khi đã tham gia phải thực hiện đúng những cam kết, phải tôn trọng, tuân thủ các nguyên tắc của luật quốc tế. Khi tham gia điều ước quốc tế không được viện dẫn luật quốc gia, kể cả Hiến pháp để lẩn tránh cam kết quốc tế có lợi cho mình mà gây thiệt hại cho bên thứ ba.
    Vậy, việc làm của Mada là hoàn toàn trái với quy định của công ước viên 1969, Mada đã viện dẫn pháp luật về khai thác tài nguyên của nước mình để buộc Tesa phải ngừng tất cả các hoạt động khai thác tại vùng đặc quyền kinh tế của Mada và coi đó là nguyên nhân làm điều ước ký với Tesa mất hiệu lực.

    DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
    1. Trường Đại học Luật Hà Nội, giáo trình Luật quốc tế, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội 2004;
    2. Khoa luật - Đại học quốc gia Hà Nội, Giáo trình luật quốc tế, Nxb. ĐHQG, Hà Nội, 1997;
    3. ThS. Nguyễn Thị Kim Ngân- ThS. Chu Mạnh Hùng, giáo trình Luật quốc tế, Nxb giáo dục;
    4. Website: Google.com.vn;
    5. Công ước viên về luật điều ước quốc tế 1969;
    6. Tuyên bố về các nguyên tắc của luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia ngày 24/10/1970.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...