Tiểu Luận bài học kì hình sự 1

Thảo luận trong 'Luật Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    TÌNH HUỐNG:
    S và V đều là đối tượng nghiện ma tuý. Vì cần tiền mua ma tuý nên S bàn với V rủ cháu T (13 tuổi, cháu họ của S) đi Lạng Sơn chơi, rồi lừa bán T sang Trung Quốc. Hành vi của S và V cấu thành tội mua bán trẻ em theo khoản 2 Điều 120 BLHS.
    Câu hỏi:
    1. Tội mua bán trẻ em Điều 120 là tội phạm có CTTP vật chất hay CTTP hình thức? (1 điểm)
    2. Xác định hình thức lỗi của người phạm tội trong vụ án này. (1 điểm)
    3. Nếu S mới 15 tuổi thì S và V có phải là đồng phạm không? Tại sao? (2 điểm)
    4. Giả sử V vừa mới chấp hành xong bản án 3 năm tù về tội cướp giật tài sản Điều 136, lại phạm tội mua bán trẻ em thì trường hợp phạm tội của V là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm? (3 điểm)













    1. Tội mua bán trẻ em Điều 120 là tội phạm có CTTP vật chất hay CTTP hình thức?
    Tội phạm là một hiện tượng xã hội và một trong những đặc điểm của tội phạm là tính nguy hiểm cho xã hội. Tính nguy hiểm cho xã hội thể hiện ở chỗ nó ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của xã hội. Để xác định hành vi nào đó do con người thực hiện có phải là tội phạm hay không phải dựa vào cấu thành tội phạm (CTTP). Cấu thành tội phạm là cơ sở pháp lý thống nhất để truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội, là căn cứ pháp lý để định tội và định khung hình phạt. Như vậy: “Cấu thành tội phạm là tổng hợp những dấu hiệu chung có tính chất đặc trưng cho loại tội phạm cụ thể được quy định trong luật hình sự” [SUP]([1])[/SUP]
    Dựa vào đặc điểm cấu trúc của các dấu hiệu thuộc mặt khách quan có thể chia CTTP thành CTTP vật chất và CTTP hình thức.
    CTTP vật chất là CTTP có các dấu hiệu của mặt khách quan là hành vi, hậu quả và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Khác với CTTP vật chất, ở CTTP hình thức thì dấu hiệu duy nhất trong mặt khách quan là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
    Điểm khác nhau giữa CTTP vật chất và CTTP hình thức ở chỗ nhà làm luật quy định dấu hiệu hậu quả là dấu hiệu bắt buộc hay không phải là dấu hiệu bắt buộc trong CTTP. Việc xây dựng loại tội nào có CTTP cơ bản là CTTP vật chất hay CTTP hình thức là xuất phát từ cơ sở khách quan sau[SUP] ([2])[/SUP]:
    v Nếu riêng hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thể hiện được đầy đủ tính nguy hiểm của tội phạm hoặc hậu quả nguy hiểm cho xã hội là hậu quả khó xác định thì CTTP thường được xây dựng là CTTP hình thức.
    v Nếu riêng hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa thể hiện được hoặc chưa thể hiện được đầy đủ tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm mà đòi hỏi phải có cả hậu quả gây nguy hiểm cho xã hội thì CTTP thường được xây dựng là CTTP vật chất.
    Theo khoản 1, điều 120 Bộ Luật Hình sự 1999 thì: “Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kì hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm”. Như vậy, cấu thành cơ bản tại khoản 1 của điều luật không có dấu hiệu mô tả hậu quả của hành vi phạm tội vì riêng hành vi mua bán trẻ em đã thể hiện được đầy đủ tính nguy hiểm cho xã hội.
    Vậy, tội mua bán trẻ em được quy định tại điều 120 là tội phạm có CTTP hình thức.
    2. Xác định hình thức lỗi của người phạm tội trong vụ án này.
    Trong luật Hình sự Việt Nam, nguyên tắc có lỗi được coi là nguyên tắc cơ bản. Người phải chịu TNHS theo luật hình sự Việt Nam không phải chỉ đơn thuần vì người này đã có hành vi khách quan gây thiệt hại cho xã hội mà còn vì đã có lỗi trong việc thực hiện hành vi khách quan đó.
    Người thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội bị coi là có lỗi nếu hành vi đó là kết quả của sự tự lựa chọn của họ trong khi có đủ điều kiện khách quan và chủ quan để lựa chọn và thực hiện xử sự khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội.[SUP]([3])[/SUP]
    Như vậy, lỗi chỉ đặt ra cho trường hợp trong đó có khả năng xử sự phù hợp với xã hội và chủ thể đã không lựa chọn khả năng này.
    “ Lỗi là thái độ tâm lí của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý” [SUP]([4])[/SUP]
    Căn cứ vào đặc điểm cấu trúc tâm lí của yếu tố lí trí và ý chí trong trường hợp có lỗi, luật hình sự Việt Nam chia lỗi thành 2 loại: lỗi cố ý và lỗi vố ý. Lỗi cố ý gồm hai hình thức là cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp. Lỗi vô ý cũng gồm hai hình thức là vô ý vì quá tự tin và vô ý vì cẩu thả.
    Trong tình huống trên, S và V vì cần tiền mua ma tuý nên S bàn với V rủ cháu T (13 tuổi, cháu họ của S) đi Lạng Sơn chơi, rồi lừa bán T sang Trung Quốc.
    Phân tích dấu hiệu lỗi của tội mà S, V đã phạm:
    Ø Về lí trí: S và V nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mau bán trẻ em (cháu T, 13 tuổi) của mình, đồng thời thấy trước hậu quả của hành vi này.
    Ø Về ý chí: S,V mong muốn hậu quả phát sinh, tức là hậu quả hành vi mua bán trẻ em hoàn toàn phù hợp với mục đích cần tiền mua ma túy của S và V.
    Theo khoản 1, điều 9 BLHS: “Cố ý phạm tội là phạm tội trong tường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra”.
    Như vậy, lỗi của S và V trong trường hợp này là lỗi cố ý trực tiếp; do S và V biết rõ việc mua bán trẻ em là hành vi nguy hiểm cho xã hội, pháp luật nghiêm cấm nhưng vẫn làm, vẫn muốn sự việc đó xảy ra.
    3. Nếu S mới 15 tuổi thì S và V có phải là đồng phạm không? Tại sao?
    Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có thể chỉ do một người thực hiện nhưng cũng có thể do nhiều người cùng gây ra. Khi có nhiều người cố ý cùng thực hiện tội phạm thì trường hợp đó được gọi là đồng phạm. Khoản 1, điều 20 BLHS quy định: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”.
    Như vậy trong vụ án trên để đánh giá S và V có phải là đồng phạm không, ta cần đánh giá trên các phương diện sau:
    v Về mặt khách quan:
    S và V là hai người hoàn toàn đủ điều kiện của chủ thể của tôi phạm, bởi lẽ: Về độ tuổi chịu TNHS, theo khoản 2 Điều 12 BLHS:
    “1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
    2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”
    Hành vi của S và V cấu thành tội phạm theo khoản 2 điều 120 BLHS, khung hình phạt cao nhất áp dụng cho tội phạm theo khoản này là tù chung thân. Mặt khác theo khoản 3 điều 8 BLHS thì: “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 3 năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 7 năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 15 năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”. Do đó hành vi phạm tội của S và V thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng.
    Vậy trong tình huống nêu trên, với V mặc dù mới15 tuổi nhưng V lại phạm vào tội rất nghiêm trọng nên theo khoản 2 Điều 12 đã nêu trên thì V vẫn phải chịu TNHS về hành vi của mình.
    Trong trường hợp này thì S và V đã cùng lừa bán cháu T (13 tuổi, cháu họ của S) sang Trung Quốc để lấy tiền mua ma túy, tức là S và V cùng thực hiện một tội phạm.
    v Về mặt chủ quan:
    S và V đều là những người có lỗi cố ý với mục đích là lừa bán cháu T để lấy dùng số tiền đó mua ma túy.
    Từ những căn cứ khách quan cũng như chủ quan trên, có thể khẳng định rằng, trong tình huống cụ thể này mặc dù V mới 15 tuổi nhưng S và V là đồng phạm.
    4. Giả sử V vừa mới chấp hành xong bản án 3 năm tù về tội cướp giật tài sản Điều 136, lại phạm tội mua bán trẻ em thì trường hợp phạm tội của V là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm?
    Theo tình huống đưa ra ở đề bài, S và V đã lừa bán cháu T (13 tuổi, cháu họ của S) sang Trung Quốc để lấy tiền mua ma túy. Như đã chứng minh ở phần 3 thì hành vi phạm tội của S và V thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng theo khoản 3, điều 8 BLHS.
    Xét riêng trường hợp của V, vừa mới chấp hành xong bản án 3 năm tù về tội cướp giật tài sản. Để làm rõ V phạm tội tái phạm hay tái phạm nguy hiểm, trước hết cần tìm hiểu khái niệm “tái phạm” và “tái phạm nguy hiểm”. Hai khái niệm này được quy định tại Điều 49 BLHS như sau:
    1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
    2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
    a, Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
    b, Đã tái phạm ,chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý.
    Mặt khác, theo Điều 63 BLHS “ Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án và được Tòa án cấp giấy chứng nhận”. Khi một người đã được xóa án tích phạm tội thì Tòa án không được căn cứ vào tiền án đã được xóa để xác định là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm. Trường hợp của V thuộc điểm b khoản 2 Điều 64 BLHS:
    “Người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XI và Chương XXIV của Bộ luật này, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
    a) Một năm trong trường hợp bị phạt cải tạo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo;
    b) Ba năm trong trường hợp bị phạt tù đến ba năm;
    c) Năm năm trong trường hợp hình phạt là tù từ ba năm đến mười lăm năm;
    d) Bảy năm trong trường hợp phạt tù trên mười lăm năm.”.
    Theo đề bài, V vừa mới chấp hành xong bản án 3 năm tù về tội cướp giật tài sản Điều 136, lại phạm tội mua bán trẻ em. Do vậy, án tích chưa được xóa và Tòa án hoàn toàn có căn cứ để xác định trường hợp của S là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm.
    Tội cướp giật mà V vừa chấp hành xong bản án 3 năm là loại tội được tội được thực hiện với lỗi cố ý. Tuy nhiên, vì đề bài không chỉ rõ hành vi cướp giật tài sản của V trước đó được áp dụng tại khoản nào mà chỉ đưa ra mức án 3 năm tù V đã chấp hành xong. Lần này, V lại phạm tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý nên dựa vào khoản 1, khoản 2 Điều 136 BLHS ( tội cướp giật tài sản) có thể chia ra các tình huống sau:
    v Hành vi của V được xử theo quy định tài khoản 1 Điều 136 BLHS:
    “Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm”. Kết hợp với khoản 3 Điều 8 BLHS, có thể thấy hành vi cướp giật tài sản mà V đã phạm phải là loại tội phạm nghiêm trọng và phạm tội do cố ý. Vừa chấp hành xong bản án 3 năm tù, V tiếp tục có hành vi lừa bán cháu T (13 tuổi) sang Trung Quốc nhằm lấy tiền mua ma túy, khi án tích chưa được xóa. Như vậy, căn cứ vào khoản 1 Điều 49 BLHS, hành vi phạm tội của V là tái phạm.
    v Hành vi phạm tội cướp giật của V được xử theo khoản 2 Điều 136 BLHS
    “ 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
    a) có tổ chức
    b) có tính chất chuyên nghiệp
    c) tái phạm nguy hiểm
    d) dùng thủ đoạn nguy hiểm
    đ) hành hung để tẩu thoát
    e) gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật từ 11% đến 30%
    g) chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng
    h) gây hậu quả nghiêm trọng
    Kết hợp với khoản 3, điều 8 BLHS thì hành vi A đã phạm thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng và phạm tội do cố ý. Sau đó, V tiếp tục có hành vi mua bán trẻ em nhằm dùng số tiền đó mua ma túy sử dụng khi án tích chưa được xóa. Lần này hành vi phạm tội của V thuộc lội tội đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, căn cứ vào khoản 2 Điều 49 BLHS, hành vi phạm tội của V trường hợp này là tái phạm nguy hiểm.
    v Hành vi phạm tội của V được xét xử theo khoản 3 điều 136 BLHS nhưng lại được Tòa án áp dụng Điều 47: quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật
    Điều 47 BLHS quy định:
    “ Khi có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật này, Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật, .”.
    Do vậy, mặc dù hành vi cướp giật tài sản của V có thể bị xét xử theo khoản 3 Điều 136 BLHS nhưng đã được Tòa án áp dụng thêm Điều 47 của Bộ luật này mà mức hình phạt được giảm xuống mức phạt của khung hình phạt liền kề nhẹ hơn, tức là bị xét xử theo khoản 2 Điều 136.
    Như đã chứng minh ở phần trên, nếu hành vi phạm tội của V được xét xử theo khoản 2 Điều 136 thì hành vi phạm tội mua bán trẻ em của V là tái phạm nguy hiểm.


    DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
    1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam tập 1, tập 2, Nxb.CAND, Hà Nội, 2007.
    2. Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung ngày 19 tháng 6 năm 2009), Nxb. Lao động – xã hội, Hà Nội, 2009.


    [HR][/HR][SUP]([1]), (2)[/SUP] Xem: Giáo trình Luật hình sự Việt Nam tập 1, Nxb.CAND, Hà Nội, 2007, tr.66, tr.73



    [SUP]([3]), (4) [/SUP]Xem: Giáo trình Luật hình sự Việt Nam tập 1, Nxb.CAND, Hà Nội, 2007, tr.127, tr.128.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...