Tài liệu Bài giảng môn học phương pháp khuyến nông

Thảo luận trong 'Kinh Tế Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Chương 1 KHUYẾN NÔNG


    Mục đích cơ bản của chương này là giúp cho người học: a) Hiểu được khái niệm và chức năng của khuyến nông; b) Nắm bắt được vai trò của khuyến nông; c) Yêu cầu của khuyến nông; d) Hiểu, biết ứng dụng các phương pháp tiếp cận khuyến nông và phân tích được ưu nhược điểm của từng phương pháp tiếp cận khuyến nông.


    1.1 KHÁI NIỆM VÀ CHỨC NĂNG CỦA KHUYẾN NÔNG1.1.1 Khái niệm khuyến nông
    Thuật ngữ Khuyến nông trong tiếng Anh là Agricultural Extension. Thuật ngữ Extension có nghĩa là nhân ra, làm rộng ra, phổ biến rộng rãi hơn. Trên cơ sở đó, Van den Ban (1996) cho rằng, khuyến nông bao gồm việc sử dụng có suy nghĩ và chọn lọc các thông tin và kiến thức để tự hình thành ý tưởng và đưa ra quyết định đúng đắn (Van Den Ban, 1996, trang 11)[1]. Theo nghĩa tiếng Việt, Khuyến nông bao gồm hai thuật ngữ KHUYẾN và NÔNG. KHUYỂN có nghĩa là khuyến khích, khuyên bảo, triển khai và phổ biến kiến thức, thông tin. NÔNG có nghĩa là nông nghiệp, nông dân và nông thôn (Đỗ Kim Chung)[2]. Theo đề án Khuyến nông của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được chính phủ phê duyệt năm 2009, khái niệm “Nông dân” được hiểu là người sống ở nông thôn làm nghề nông, dịch vụ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp[3]. Dựa theo nghĩa đó, khuyến nông là quá trình hướng dẫn, giúp đỡ nông dân nắm được và áp dụng được các thông tin về kinh tế, kỹ thuật, tổ chức, quản lý, thị trường vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp và dịch vụ nông thôn đáp ứng được nhu cầu của từng gia đình, cộng đồng và cả xã hội. Theo Nghị định 02/2010 NĐ - CP của Chính phủ[4], khuyến nông là quá trình hỗ trợ nông dân nâng cao kiến thức, cung cấp thông tin về kinh tế, kỹ thuật, tổ chức và quản lý, cung cấp các dịch vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn, giúp nông dân tăng cao được thu nhập và cải thiện đời sống, giúp nông nghiệp và nông thôn phát triển toàn diện và bền vững.

    Như vậy, thuật ngữ KHUYẾN NÔNG trình bày trong giáo trình này được hiểu rộng ra bao hàm: khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và khuyến công. Cụ thể: Khuyến nông theo nghĩa hẹp là việc chuyển giao kỹ thuật hay công nghệ cho trồng trọt và chăn nuôi; Khuyến lâm là chuyển giao kỹ thuật và công nghệ cho nghề lâm nghiệp; Khuyến ngư là chuyển giao công nghệ cho nuôi trồng thuỷ sản, khai thác, đánh bắt, quản lý nguồn lợi thủy sản và chế biến thuỷ sản; Khuyến công là chuyển giao công nghệ cho chế biến nông sản, công nghiệp và ngành nghề nông thôn.

    1.1.2 Chức năng của khuyến nông
    Nhiều tác giả đã thảo luận về chức năng của khuyến nông như Niels Roling, 1990, W. J. A Payne, 1987, A. W. Den Ban, 1996. Nhìn chung, khuyến nông có các chức năng kinh tế, chính trị, xã hội, tổ chức và thông tin.

    Chức năng kinh tế, khuyến nông có chức năng thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, tăng cao thu nhập và đời sống của cư dân nông thôn. Chức năng kinh tế của khuyến nông được thể hiện trực tiếp ở việc cung cấp các thông tin về kỹ thuật, công nghệ .cho nông dân, để giúp họ nâng cao được lợi ích kinh tế.

    Chức năng chính trị của khuyến nông chính là sự hỗ trợ của Chính phủ và Nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân qua khuyến nông. Thông qua khuyến nông nhà nước, Chính phủ thực hiện sự hỗ trợ đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tuy nhiên, khi quốc gia tham gia Tổ chức thương mại thế giới (WTO), việc hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp thông qua khuyến nông lại rất được khuyến khích. Hay nói cách khác, các quốc gia là thành viên của WTO hoàn toàn được phép sử dụng khuyến nông để hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

    Chức năng xã hội của khuyến nông thể hiện ở chỗ khuyến nông huy động sự tham gia của nhiều tổ chức kinh tế, các thành phần kinh tế, các tổ chức đoàn thể xã hội và đặc biệt là của người dân trong các hoạt động khuyến nông. Một chương trình khuyến nông chỉ thành công và bền vững khi có sự tham gia đầy đủ của người dân trong cộng đồng, đặc biệt là những người hưởng lợi các tổ chức đoàn thể xã hội liên quan. Bên cạnh đó, chức năng xã hội còn thể hiện ở chỗ khuyến nông không những giúp nông dân đạt được mục tiêu kinh tế mà còn hướng tới cả mục tiêu văn hoá - xã hội. Các hoạt động khuyến nông thường được lồng ghép với các hoạt động văn hóa - xã hội, nâng cao được lợi ích xã hội, bảo tồn và kết hợp văn hoá truyền thống với hiện đại, xoá đói giảm nghèo .

    Chức năng tổ chức của khuyến nông thể hiện ở chỗ khuyến nông chính là quá trình khuyến khích, thúc đẩy sự tự lực, tự cường của cộng đồng, xây dựng tính bền vững thông qua hỗ trợ nông dân tham gia vào các tổ chức xã hội của khuyến nông như: Câu lạc bộ khuyến nông, Nhóm sở thích, Hợp tác xã, Nhóm liên gia, Làng khuyến nông tự quản . Thông qua các tổ chức này của nông dân mà khuyến nông tạo lập được để giúp nông dân nâng cao tính tự lập, tự chủ, làm tăng khả năng bền vững của cộng đồng và giảm dần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.

    Chức năng thông tin của khuyến nông thể hiện ở chỗ khuyến nông truyền đạt các thông tin về kinh tế, kỹ thuật, tổ chức và quản lý cho nông dân để nông dân ra được quyết định đúng, cải thiện được cuộc sống của họ. Mặt khác, khuyến nông còn có nhiệm vụ nắm bắt được tình hình, thời cơ và nguy cơ và những khó khăn của nông nghiệp, nông dân và nông thôn; Khuyến nông sẽ phản ánh kịp thời những thông tin đó cho các cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ và cơ quan nghiên cứu để có các giải
    [HR][/HR][1] A.W.Van den Ban, 1996, Khuyến nông, do Nguyễn Văn Linh dịch, Nhà xuất bản Nông nghiệp, 1999

    [2] Đỗ Kim Chung, 2008, Phương pháp khuyến nông và Tổ chức công tác khuyến nông, Bài giảng cho cán bộ Khuyến nông Bắc Ninh, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội

    [3] Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2009, Đề án khuyến nông (Bao gồm khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và khuyến công) giai đoạn 2010-2015 và tầm nhìn tới 2020, Hà Nội

    [4] Chính phủ nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nghị định số 02/2010 NĐ-CP về khuyến nông, ban hành ngày 08 tháng 1 năm 2010, Hà Nội
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...