Luận Văn Áp dụng pháp luật trong giải quyết khiếu nại về đất đai của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương

Thảo luận trong 'Quản Trị Kinh Doanh' bắt đầu bởi Bích Tuyền Dương, 7/12/12.

  1. Bích Tuyền Dương

    Bài viết:
    2,590
    Được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU
    1. Tính cấp thiết của đề tài
    Đất đai là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt là
    thành phần quan trọng của môi trường sống, là địa bàn phân bổ các khu dân cư, xây dựng
    các cơ sở kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng và là thành quả cách mạng của cả
    dân tộc Việt Nam. C.Mác đã chỉ rõ “Đất là không gian, yếu tố cần thiết của tất thảy mọi quá
    trình sản xuất và mọi hoạt động của loài người” [33, tr.473-474]. Bất kỳ quốc gia nào, nếu
    biết quản lý, sử dụng hợp lý đất đai thì nguồn tài nguyên này được bảo vệ và mang lại hiệu
    quả, lợi ích to lớn, thiết thực phục vụ cho mỗi con người và cả cộng đồng.
    Đất đai có vai trò quan trọng như vậy nên Đảng và Nhà nước ta giành sự quan tâm
    đặc biệt đến vấn đề đất đai. Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà
    nước về đất đai được điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước,
    trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước chính sách, pháp luật đất đai trở thành
    cơ sở pháp lý hết sức quan trọng huy động nguồn lực đất đai để phát triển nền kinh tế thị
    trường nhiều thành phần theo định hướng XHCN. Vì vậy quản lý nhà nước bằng pháp luật về
    đất đai ngày càng hoàn thiện, đã đạt được những tiến bộ rõ rệt, hệ thống quản lý nhà nước về
    đất đai được tăng cường, từng bước phân cấp và phát huy tính tự chủ của địa phương.
    Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tình hình quản lý và sử dụng đất đai hiện nay
    đang có những yếu kém. Vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa có tính chiến lược lâu
    dài và ổn định hoặc thiếu tính khả thi; cơ chế quản lý về đất đai thiếu hiệu quả; cơ quan quản lý
    đất đai các cấp nhìn chung còn nhiều yếu kém. Chính vì thế tình trạng tranh chấp, khiếu nại, tố cáo
    về quản lý và sử dụng đất đai có xu hướng diễn biến phức tạp. Việc giải quyết tranh chấp, khiếu
    nại, tố cáo còn chưa kịp thời, thiếu hiệu quả. Những yếu kém trong công tác quản lý và sử dụng đất
    nói chung cũng như những yếu kém trong giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai nói
    riêng có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân rất quan trọng từ sự hạn chế, bất cập của
    chính sách, pháp luật đất đai và việc áp dụng pháp luật trong giải quyết khiếu nại về đất đai của
    các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
    Khiếu nại, tố cáo là quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp:
    “Công dân có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những
    việc làm trái pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ
    trang nhân dân hoặc bất cứ cá nhân nào” (Điều 74 Hiến pháp năm 1992 sửa đổi năm 2001)
    Như vậy khiếu nại là quyền cơ bản của công dân, là biện pháp pháp lý để công dân
    sử dụng bảo vệ quyền và lợi ích của mình khi bị xâm phạm. Thực hiện quyền khiếu nại là
    một trong những hình thức dân chủ trực tiếp để nhân dân tham gia hoạt động quản lý nhà
    nước, quản lý xã hội, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, công chức nhà nước.
    Khiếu nại là một kênh thông tin khách quan phản ánh việc thực thi quyền lực của bộ máy
    nhà nước, phản ánh tình hình thực hiện công vụ của cán bộ, công chức. Do đó, công tác giải
    quyết khiếu nại không những có vai trò quan trọng trong quản lý nhà nước, mà còn thể hiện
    mối quan hệ bình đẳng giữa Nhà nước và công dân. Thông qua giải quyết khiếu nại, Đảng
    và Nhà nước kiểm tra tính đúng đắn, sự phù hợp của đường lối, chính sách, pháp luật. Qua
    việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại của công dân cũng là cơ sở thực tiễn để hoàn thiện cơ
    chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, góp phần đấu tranh chống
    quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan nhà nước, ổn định tình hình chính trị, bảo
    vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Chính vì vậy,
    giải quyết khiếu nại của công dân là một vấn đề được Đảng, Nhà nước và nhân dân đặc biệt
    quan tâm. Trong những năm qua, công tác giải quyết khiếu nại đã có nhiều chuyển biến tích
    cực, việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại đúng pháp luật, góp phần phát huy dân chủ, tăng
    cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của
    công dân, cơ quan, tổ chức.
    Tuy nhiên, thực tiễn công tác giải quyết khiếu nại cho thấy mặc dù các cơ quan nhà
    nước đã có nhiều cố gắng trong công tác giải quyết khiếu nại nhưng hiệu quả giải quyết các
    vụ việc chưa cao, nhất là việc giải quyết các khiếu nại về đất đai. Tình hình đơn thư khiếu
    nại gửi tràn lan, vượt cấp và việc giải quyết đơn thư khiếu nại còn chậm không được dứt
    điểm, kịp thời, vì thế số vụ việc khiếu nại tồn đọng còn nhiều. Nguyên nhân của tình trạng
    trên là do nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Thậm chí còn có hiện tượng không ít cơ
    quan, cá nhân có thẩm quyền ban hành những quyết định giải quyết khiếu nại không đúng
    hoặc vi phạm quyền lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất đai.
    Hệ luỵ của tình trạng trên trong điều kiện công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước
    là tình hình khiếu nại, tố cáo nói chung và khiếu nại về đất đai nói riêng có chiều hướng gia
    tăng cả về số lượng, quy mô và mức độ, phức tạp về tính chất. Điều đó trở thành vấn đề hết
    sức bức xúc xã hội gây ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh, chính trị, trật tự và ổn định xã
    hội ở một số địa phương trong cả nước; có nơi đã trở thành điểm nóng xã hội, thậm chí đã
    có dấu hiệu chuyển sang điểm nóng chính trị- xã hội.
    Vấn đề cơ bản hiện nay là phải hoàn thiện các quy định pháp luật về khiếu nại và
    giải quyết khiếu nại về đất đai; khắc phục những điểm bất hợp lý, những bất cập về cơ chế,
    thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết các khiếu nại khiến cho việc áp dụng các quy định
    pháp luật vào thực tế gặp những khó khăn, vướng mắc. Nâng cao hiệu quả của việc giải
    quyết khiếu nại bằng các giải pháp hữu hiệu. Thực tiễn cho thấy không ít trường hợp làm
    cho vụ việc trở nên gay gắt, kéo dài là do việc áp dụng pháp luật chưa đúng, chưa phù hợp.
    Điều này không những chưa bảo đảm tính đúng đắn, nghiêm minh của pháp luật mà còn
    chưa bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Áp dụng pháp luật trong giải
    quyết khiếu nại về đất đai không chỉ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân mà còn
    giữ vững lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự động thuận giữa Đảng,
    Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay.
    Hải Dương là tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng đất nông nghiệp chiếm phần lớn,
    nông dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên rất gắn bó với đất đai. Những năm gần đây thực
    hiện chủ trương của Đảng về mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút các nhà đầu tư trong
    và ngoài nước đến đầu tư phát triển kinh tế. Vì thế đã kéo theo một phần không nhỏ diện
    tích đất nông nghiệp được chuyển mục đích sử dụng thành đất công nghiệp, dịch vụ và xây
    dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cộng với tình hình bùng nổ dân số dẫn đến nông dân càng
    thiếu đất sản xuất. Quá trình đó phát sinh những tranh chấp, lấn chiếm đất đai thường xuyên
    xảy ra. Do vấn đề quản lý nhà nước về đất đai ở địa phương có lúc, có nơi còn chưa chặt
    chẽ dẫn tới việc khiếu nại, tố cáo của nhân dân trong tỉnh có chiều hướng gia tăng, thậm chí
    có những vụ việc Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo giải quyết để làm dịu
    tình hình.
    Nhận thức những vướng mắc cần phải được chấn chỉnh, tháo gỡ cũng như tầm quan
    trọng của việc áp dụng pháp luật trong giải quyết khiếu nại về đất đai nói chung và của Uỷ
    ban nhân dân tỉnh Hải Dương nói riêng. Đồng thời đó cũng là những trăn trở của tác giả
    được đúc kết từ thực tiễn và quá trình học tập, vì thế tôi chọn đề tài “Áp dụng pháp luật
    trong giải quyết khiếu nại về đất đai của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương” làm luận văn
    thạc sỹ luật học.
    2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
    Vấn đề đất đai, quản lý nhà nước về đất đai luôn là mối quan tâm nghiên cứu của
    nhiều nhà khoa học, nhà quản lý. Vì thế mà những năm gần đây đã có nhiều công trình khoa
    học được công bố liên quan đến lĩnh vực đất đai, được nghiên cứu ở nhiều góc độ khác
    nhau. Các công trình tiêu biểu được chia thành các nhóm vấn đề sau:
    Nhóm công trình khoa học nghiên cứu quản lý nhà nước về đất đai; pháp luật về đất
    đai có các công trình như:
    - Các công trình khoa học đăng tải trên các tạp chí: Một số vấn đề quản lý nhà nước
    về đất đai trong giai đoạn hiện nay của tiến sĩ Nguyễn Đình Bồng, Tạp chí Quản lý nhà
    nước, 4/2001; Phạm Hữu Nghị với bài viết tiêu đề Về thực trạng chính sách đất đai ở Việt
    Nam, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, 8/2002; Ths Trần Quang Huy với bài Luật đất đai
    năm 2003 và vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế, Tạp chí luật học số 3/2005; Ths Trần Văn
    Sơn với bài Tăng cường giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan hành chính
    nhà nước- giải pháp tăng cường pháp chế XHCN, Tạp chí Lập pháp tháng 8/2005
    - Các công trình khoa học là Luận án Tiến sĩ, Luận văn Thạc sĩ theo mã số chuyên
    ngành Lý luận lịch sử nhà nước và pháp luật: Luật án tiến sỹ luật học của tác giả Nguyễn
    Cảnh Quý, năm 2001 với đề tài Hoàn thiện cơ chế điều chỉnh pháp luật đất đai ở Việt Nam;
    Luận văn Thạc sỹ luật học của tác giả Tô Văn Châu, năm 2003 với đề tài Tăng cường quản
    lý nhà nước bằng pháp luật đối với đất đai ở Việt Nam hiện nay; Luận văn Thạc sỹ luật học
    của tác giả Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2003 với đề tài Quản lý nhà nước bằng pháp luật đối
    với đất đai qua thực tiễn tỉnh Thái Bình; Luận văn Thạc sỹ luật học của tác giả Trần Xuân
    Long, năm 2003 với đề tài Tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với đất đai ở
    tỉnh Vĩnh Phúc; Luận văn Thạc sỹ luật học của tác giả Đỗ Thị Phượng, năm 2005 với đề tài
    Vi phạm hành chính về đất đai ở Thái Bình thực trạng và giải pháp khắc phục; Luận văn
    Thạc sỹ luật học của tác giả Lê Văn Thành, năm 2008 với đề tài Quản lý nhà nước bằng
    pháp luật đối với đất đai ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay
    Nhóm công trình khoa học nghiên cứu thực hiện và áp dụng pháp luật có các công
    trình tiêu biểu như:
    - Các công trình khoa học đăng tải trên các tạp chí: TS Trần Kim Cúc và Ths
    Nguyễn Thị Phượng với bài Khiếu kiện về đất đai thực trạng và giải pháp, Tạp chí quản lý
    nhà nước, tháng 10/2003; Nguyễn Thị Mai với bài Những quy định mới của Luật đất đai
    năm 2003 về khởi kiện vụ án hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai,
    Tạp chí Luật học số 4/2005; Phạm Thanh Hải Toà án nhân dân huyện Đan Phượng, Hà Tây
    với bài Trao đổi thêm về việc áp dụng Điều 136 Luật Đất đai năm 2003, Tạp chí Toà án
    tháng 5/2005; Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường với bài Những vấn đề cần trao đổi khi áp dụng
    Điều 136 Luật Đất đai năm 2003, Tạp chí toà án nhân dân tháng 9/2005;
    - Các công trình khoa học là Luận án Tiến sĩ, Luận văn Thạc sĩ theo mã số chuyên
    ngành Lý luận lịch sử nhà nước và pháp luật: Luận văn Thạc sỹ luật học của tác giả Nguyễn
    Thị Tú, năm 2006 với đề tài Nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong giải quyết các
    tranh chấp quyền sử dụng đất tại toà án nhân dân hiện nay; Luận văn Thạc sỹ luật học của
    tác giả Hà Văn Khanh, năm 2007 với đề tài Áp dụng pháp luật trong quản lý hành chính
    nhà nước về đất đai ở thành phố Hà Nội; Luận văn Thạc sỹ luật học của tác giả Trần Nam
    Khởi, năm 2008 với đề tài Áp dụng pháp luật trong giải quyết tranh chấp đất đai của cơ
    quan hành chính nhà nước ở cấp huyện tỉnh Bạc Liêu hiện nay .
    Với những công trình khoa học đã được nghiên cứu, đề cập của nhiều nhà khoa học,
    nhà quản lý liên quan đến đất đai nêu trên đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề cả lý luận và
    thực tiễn về chính sách quản lý nhà nước đối với đất đai, về hoàn thiện pháp luật và áp dụng
    pháp luật trong quản lý nhà nước về đất đai. Các công trình đó đã luận chứng cơ chế điều
    chỉnh pháp luật đất đai dưới góc độ lý luận chung về nhà nước và pháp luật hoặc để phản ánh,
    phân tích, làm rõ về thực trạng áp dụng pháp luật trong giải quyết tranh chấp, khiếu kiện về
    quyền sử dụng đất của hệ thống cơ quan tư pháp. Những công trình khoa học như đã nêu ở
    trên là những tư liệu sống động, có giá trị tham khảo tốt trong quá trình đầu tư nghiên cứu và
    thực hiện hoàn thiện luận văn này. Những vấn đề đã được nghiên cứu nêu trên cũng cho thấy
    chưa có đề tài nào đi sâu nghiên cứu để làm sáng tỏ về hoạt động áp dụng pháp luật trong giải
    quyết khiếu nại về đất đai của ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương. Do đó, đề tài luận văn là
    công trình khoa học đầu tiên được nghiên cứu tương đối có hệ thống, hoàn chỉnh về áp dụng
    pháp luật trong giải quyết khiếu nại về đất đai của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương.
    3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn
    - Mục đích luận văn:
    Góp phần làm rõ cơ sở lý luận về áp dụng pháp luật trong giải quyết khiếu nại về
    đất đai và đánh giá thực trạng áp dụng pháp luật trong giải quyết khiếu nại về đất đai của
    Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương. Từ đó đề xuất các giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu
    quả việc áp dụng pháp luật trong giải quyết khiếu nại về đất đai của Uỷ ban nhân dân tỉnh
    Hải Dương hiện nay.
    - Nhiệm vụ luận văn: Để thực hiện mục đích trên, luận văn có nhiệm vụ:
    + Làm rõ cơ sở lý luận áp dụng pháp luật trong giải quyết khiếu nại về đất đai.
    + Đánh giá thực trạng, chỉ ra những kết quả đạt được và những hạn chế, yếu kém,
    tồn tại và nguyên nhân trong áp dụng pháp luật giải quyết khiếu nại về đất đai của Uỷ ban
    nhân dân tỉnh Hải Dương từ 2004- 2008.
    + Đề xuất các giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả việc áp dụng pháp luật
    trong giải quyết khiếu nại về đất đai của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương hiện nay.
    4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn
    - Đối tượng nghiên cứu:
    Các quan hệ pháp luật về đất đai phát sinh giữa Uỷ ban nhân dân tỉnh với các chủ
    thể khiếu nại về đất đai, trong đó nghiên cứu chủ yếu về hoạt động áp dụng pháp luật của
    Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương, tập trung vào khái niệm, đặc điểm áp dụng pháp luật
    trong giải quyết khiếu nại về đất đai. Đồng thời luận chứng giải pháp nâng cao chất lượng
    hiệu quả áp dụng pháp luật trong giải quyết khiếu nại về đất đai của Uỷ ban nhân dân tỉnh
    Hải Dương hiện nay .
    - Phạm vi nghiên cứu:
    + Áp dụng pháp luật được giới hạn trong phạm vi giải quyết khiếu nại về đất đai
    của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương.
    + Về không gian: đánh giá thực trạng áp dụng pháp luật trong giải quyết khiếu nại về
    đất đai trên địa bàn tỉnh Hải Dương chủ yếu là việc áp dụng pháp luật của Uỷ ban nhân dân tỉnh
    Hải Dương, tuy nhiên có khái quát tình hình áp dụng pháp luật trong giải quyết khiếu nại của
    cấp xã và cấp huyện thuộc tỉnh Hải Dương.
    + Về thời gian: Khi đánh giá thực trạng chỉ khảo sát ở Hải Dương với tư cách là
    điển hình để làm cơ sở luận giải cho những vấn đề chung trong khoảng thời gian từ 2004
    đến nay.
    5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận văn
    - Cơ sở lý luận: Luận văn được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận chủ nghĩa Mác-
    Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật. Các quan điểm, đường lối của
    Đảng cộng sản Việt Nam về pháp chế và xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do
    nhân dân và vì nhân dân, nhất là quan điểm chỉ đạo của Đảng về chính sách quản lý nhà
    nước về đất đai và giải quyết khiếu nại về đất đai. Đồng thời luận văn còn dựa trên những
    vấn đề lý luận chung về áp dụng pháp luật xã hội chủ nghĩa.
    - Phương pháp nghiên cứu: Luận văn sử dụng các phương pháp của triết học duy
    vật biện chứng, duy vật lịch sử, trong đó chú trọng các phương pháp phân tích, tổng hợp,
    phương pháp lịch sử và các phương pháp của các bộ môn khoa học khác như so sánh, thống

    6. Đóng góp mới về khoa học của luận văn
    Luận văn là công trình khoa học đầu tiên nghiên cứu về áp dụng pháp luật trong
    giải quyết khiếu nại về đất đai của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương. Vì vậy có thể đóng
    góp khoa học mới ở góc độ sau:
    - Đưa ra khái niệm áp dụng pháp luật trong giải quyết khiếu nại về đất đai; chỉ ra
    được các đặc điểm áp dụng pháp luật trong giải quyết khiếu nại về đất đai; các giai đoạn áp
    dụng pháp luật trong giải quyết khiếu nại về đất đai.
    - Chỉ ra ưu điểm, tồn tại và nguyên nhân của thực trạng áp dụng pháp luật trong giải
    quyết khiếu nại về đất đai của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương.
    - Đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo áp dụng pháp luật trong giải quyết khiếu nại
    về đất đai của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương.
    7. Ý nghĩa của luận văn
    Luận văn có ý nghĩa góp phần làm phong phú thêm lý luận về áp dụng pháp luật trong
    lĩnh vực cụ thể. Đồng thời luận văn cũng có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho hoạt động
    nghiên cứu hay phục vụ cho công tác giảng dạy ở các trường như: Trung cấp chính trị; quản lý
    nhà nước của tỉnh tổ chức. Đây cũng là tài liệu có giá trị nâng cao lý luận và nghiệp vụ đối với
    cán bộ làm công tác thực tiễn.
    8. Kết cấu luận văn
    Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, kết cấu luận văn gồm 03
    chương, 07 tiết.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...