Luận Văn Ảnh hưởng tư tưởng chính trị nho giáo đối với đời sống xã hội việt nam hiện nay (105 trang)

Thảo luận trong 'Hành Chính' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Chương 1: TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ CƠ BẢN CỦA NHO GIÁO

    Từ thế kỷ XI đến thế kỷ VII Tr. CN, các yếu tố đầu tiên của hệ tư tưởng Trung Quốc đã xuất hiện. Một số yếu tố đó được đúc kết và nâng cao thành đạo Nho, một số trở thành đạo của Mặc gia, Pháp gia . Trong đó đạo Nho xuất hiện sớm nhất (thế kỷ VI Tr. CN). Khổng Tử (551 - 479 Tr. CN) là người đầu tiên sáng lập đạo này. Những người kế tục nổi tiếng là Mạnh Tử (372 - 289 Tr. CN) và Tuân Tử (298 - 238 Tr. CN).

    Hơn 2000 năm của chế độ phong kiến Trung Quốc, các triều đại kế tiếp nhau đều xem Nho giáo là cơ sở tư tưởng của đạo trị
    nước. Vì vậy, khi xã hội lâm vào khủng hoảng, người ta quy cho là tại triều đại không sáng suốt, không có vua hiền tướng giỏi, không thực hiện các nguyên lý của đạo Nho. Vấn đề đặt ra là thay đổi triều đại chứ không phải thay đổi học thuyết thống trị. Điều đó làm cho Khổng Tử được xem là ông thầy của muôn đời (vạn thế sư biểu) và Nho giáo được xem là học thuyết thống trị không thể thay thế.

    Là học thuyết của xã hội phong kiến, do xã hội phong kiến sản sinh ra, bản thân Nho giáo cũng nêu lên một số nguyên lý, nguyên tắc, đường lối và phương pháp nhằm bảo đảm cho xã hội một sự ổn định để vận hành và phát triển. Mục đích lý tưởng của Nho giáo là xây dựng một nhà nước chuyên chế mạnh, duy trì kỷ cương, tông pháp, đẳng cấp; quyền lực tuyệt đối thuộc về vua. Người cai trị dùng đạo đức, lễ tiết để làm gương cho dân chúng, dùng pháp luật có mức độ, dân chúng thì tự giác làm tròn bổn phận của mình.

    Gạn lọc trong chiều sâu tư tưởng của Nho giáo, có thể thấy vấn đề về nhà nước, quyền lực nhà nước và mối quan hệ giữa nhà nước với dân được đề cập khá sâu sắc.

    1.1. TƯ TƯỞNG VỀ NHÀ NƯỚC, QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC VÀ MỐI QUAN HỆ GIỮA NHÀ NƯỚC VỚI DÂN

    1.1.1. Tư tưởng về nhà nước và quyền lực nhà nước

    Thời Xuân thu - Chiến quốc là một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử Trung Quốc (thế kỷ VII - thế kỷ III Tr.CN). Đó là thời đại quá độ từ chế độ chiếm hữu nô lệ kiểu phương Đông sang chế độ phong kiến. Ăngghen đã khẳng định: Các công xã cổ, ở nơi nào chúng vẫn tiếp tục tồn tại, thì từ hàng nghìn năm nay đều cấu thành cái cơ sở của hình thức nhà nước thô sơ nhất, tức là chế độ chuyên chế phương Đông. Trong điều kiện phương Đông cổ đại, bộ máy chính phủ như Mác chỉ ra gồm ba bộ chính:
    - Bộ quốc phòng có chức năng cướp bóc các dân tộc khác.
    - Bộ tài chính để bóc lột dân sở tại.
    - Bộ công vụ đảm nhiệm việc xây dựng và phục vụ có liên quan đến nông nghiệp.

    Tất cả điều này đã quyết định sự ra đời một hình thức nhà nước đặc biệt - nhà nước chuyên chế phương Đông với sự tập trung quản lý rộng lớn, trong đó mọi quyền lực đều tập trung trong tay một nhà chuyên chế. Nho giáo ra đời trên cơ sở tổ chức chính trị xã hội đặc biệt đó. Vì vậy tư tưởng về nhà nước, quyền lực nhà nước của Nho giáo biểu hiện rõ nét ở chỗ đề cao vai trò của ông vua chuyên chế.

    Theo Nho giáo, con người sống không thể tách rời nhau mà có muôn ngàn quan hệ gắn bó với nhau trong phạm vi những cộng đồng nhất định. Các cộng đồng đó là nhà (gia), nước (quốc) và thiên hạ. Đương nhiên ngoài phạm vi nhà và từ nhà đến nước còn có hương, quận, châu. Nho giáo cố ý đồng nhất ba thực thể nhà, nước, thiên hạ theo nguyên lý bao quát. Thiên hạ gốc ở nước, nước gốc ở nhà, nhà gốc ở thân mình. Rõ ràng Nho giáo coi "nước" chỉ là sự mở rộng của nhà. Do nước và nhà chung nhau một gốc, cho nên nhiều khi Nho giáo dùng phạm trù quốc và gia đồng nhất với nhau. Nho giáo coi mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau giữa nhà và nước là thiêng liêng và sáng tỏ muôn đời. Nói lên mối quan hệ ấy, Khổng Tử đã nhấn mạnh: muốn trị quốc trước hết phải tề gia. Nước thành ra là vật sở hữu của một số người có đức sáng, được mệnh trời, giỏi tề gia. Những hiền nhân quân tử đi từ tề gia đến trị quốc có cương vị đứng đầu cả nhà và nước thì được Khổng Tử xác nhận là kẻ có nước, có nhà hoặc là những kẻ có quốc gia để cai trị. Từ bậc thang "tề gia" đi lên, thế lực mạnh nhất, có uy tín và quyền lực lớn nhất trong giai cấp chiếm hữu tư liệu sản xuất dần dần trở thành kẻ trị quốc. Con đường đi từ nhà đến nước như vậy được Nho giáo cho là đúng đắn, hợp với đạo trời đất, đạo của người. Nhà và nước gắn với nhau, lồng vào nhau. Nước mà Nho giáo nói ở đây không chỉ là đất nước mà còn được hiểu là nhà nước. Nhà nước thời đó - thời có thiên tử và chư hầu còn có tên gọi tiêu biểu là triều đình và triều - thuộc quyền chuyên chế của cá nhân vua cùng với gia tộc và tông tộc nhà vua.

    Nho giáo quan niệm rằng đã là xã hội thì tất phải có quyền tối cao để giữ kỷ cương xã hội. Quyền ấy gọi là quân quyền. Người giữ quân quyền gọi là đế hay vương (vua). Vua phải lo việc trị nước, tức là lo sự sinh hoạt, dạy dỗ và mở mang dân. Là người chủ đất nước, nhà vua Nho giáo thống trị với một quyền uy tối thượng. Nhà vua điều hành mọi công việc của Nhà nước, sử dụng và bãi chức đối với toàn thể giới quý tộc và quan lại. Nho giáo nhắc nhở rằng: Dưới gầm trời không chỗ nào chẳng phải đất của nhà vua, trên mặt đất không người nào chẳng phải bề tôi của vua. Với tư cách là người chủ đất đai, nhà vua chỉ đạo việc sử dụng đất đai, quyết định mức thuế và sự đóng góp của nhân dân. Nắm kho tàng của Nhà nước, quản lý toàn bộ ngân khố và thóc, nhà vua là người ban ơn cho toàn thể nhân dân, được mọi người phục tùng một cách tuyệt đối. Như vậy quyền uy của nhà vua là tuyệt đối. Quyền uy ấy thể hiện trên mọi lĩnh vực. Nhà vua vừa là người trực tiếp quản lý kinh tế, tổ chức hành chính, thực hiện pháp luật, chỉ huy quân sự, giáo dục đạo đức và đứng đầu tôn giáo.

    Để quản lý lãnh thổ rộng lớn, nhà vua sắp xếp một bộ máy quan liêu từ Trung ương đến địa phương. Lúc đầu bộ máy nhà nước bao gồm những quý tộc thuộc dòng họ vua. Sau đó các quan chức triều đình được tuyển lựa trong hàng ngũ Nho sĩ đã qua các kỳ thi. Dùng bộ máy quan liêu, lựa chọn khoa cử và đội quân thường trực, ông vua chuyên chế đã tìm ra phương án tối ưu để nắm giữ quyền lực. Nho giáo từ trước đến sau luôn luôn đề cao và bảo vệ danh nghĩa, thế lực của ông vua chuyên chế đó. Để cho "chính" các "danh" của người nắm quân quyền, Nho giáo chủ trương thuyết Thiên mệnh. Thuyết này coi trời là cha chung, ngôi vua được trời lựa chọn, giao cho cai quản đất nước và thần dân. Vua cũng là cha chung. Do mệnh trời mà có mệnh vua. Nhưng Nho giáo cũng nhấn mạnh: mệnh trời không phải cho mãi một người, ai làm điều lành thì được điều ác thì mất. "Duy mệnh bất vu thường, đạo thiện tắc đắc chi, bất thiện tắc thất chi hỹ" [4, tr. 27]. Vì vậy, người làm đế vương tuy quyền uy rất to, thế lực rất mạnh, nhưng không được lạm dụng quyền ấy để làm điều tàn bạo.

    Thuyết "Thiên mệnh" với phương châm an phận theo địa vị của mình, không mong gì ở bên ngoài đã đè nặng lên đời sống tinh thần, của dân tộc Trung Hoa và các dân tộc tôn sùng Nho giáo suốt nhiều thế kỷ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tôn ti, trật tự phong kiến duy trì quá lâu, triệt bỏ sức vươn lên của con người.
    Tuy nhiên, có thể thấy tư tưởng tôn quân, thuyết Thiên mệnh đã đáp ứng được đòi hỏi bức thiết của lịch sử Trung Hoa thời bấy giờ, đó là thống nhất dân tộc, xây dựng chính quyền Trung ương tập quyền.

    1.1.2. Tư tưởng về dân và mối quan hệ giữa dân với nhà nước

    Tư tưởng về dân
    Tư tưởng về dân của Nho gia được hình thành rất sớm, trải qua quá trình đấu tranh gay gắt với Mặc gia và Pháp gia, được ổn định và được chế độ chuyên chế thừa nhận làm đạo lý, làm tinh thần lập pháp.
    Khái niệm "dân" theo Khổng Tử bao gồm: sĩ, nông, công, thương. Sự phân chia này không dựa trên tiêu chuẩn sở hữu mà theo ngành nghề. Đây cũng là bậc thang giá trị xã hội. Nó phản ánh một nền kinh tế tiểu nông khép kín, tự cấp tự túc, công thương nghiệp chưa phát triển.

    Khái niệm "dân" của Mạnh Tử lại gồm: kẻ sĩ, người cày ruộng, người buôn bán và người đi đường. Kẻ sĩ là trí thức, muốn theo đuổi địa vị để kiếm bổng lộc, người buôn bán và người đi đường thì phần đông là thương nhân kiêm địa chủ. Còn hạng mà Mạnh Tử gọi là "người cày ruộng" thực ra không còn là nhà nông mà chủ yếu là bọn địa chủ mới có nông sản đem bán. Cho nên khái niệm dân của ông chủ yếu là hạng trí thức, địa chủ và thương nhân.
    Như vậy theo quan niệm của Nho giáo, dân thông thường là những người không có địa vị gì, công vụ gì trong bộ máy thống trị, cũng có khi bao gồm cả mọi người trong một nước, trong thiên hạ nói chung. Trong kinh điển Nho gia, ta còn gặp những danh từ như: "Thứ dân", "lê dân", "thảo dân", "xích tử", "thương sinh" cũng là để chỉ đông đảo người dân lao động.
    Mối quan hệ giữa dân với nhà nước
    MỤC LỤC:
    Chương 1: TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ CƠ BẢN CỦA NHO GIÁO

    1.1. Tư tưởng về nhà nước, quyền lực nhà nước và mối quan hệ giữa nhà nước với dân
    1.2. Đường lối trị nước

    Chương 2: ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ NHO GIÁO ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG XÃ HỘI VIỆT NAM HIỆN NAY
    2.1. Đối với chính trị
    2.2. Đối với kinh tế
    2.3. Đối với đạo đức
    2.4. Đối với gia đình và giáo dục

    Chương 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP CƠ BẢN NHẰM KHAI THÁC NHỮNG GIÁ TRỊ TÍCH CỰC VÀ LOẠI BỎ NHỮNG ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ NHO GIÁO TRONG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
    3.1. Giải pháp về nhận thức
    3.2. Giải pháp tổ chức thực hiện

    KẾT LUẬN
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...