Thạc Sĩ Ảnh hưởng của văn hóa dân gian đối với truyện ngắn Nguyễn Văn Thiệp

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    TÊN ĐỀ TÀI: Ảnh hưởng của văn hóa dân gian đối với truyện ngắn Nguyễn Văn Thiệp​
    Information

    MS: LVVH-LLVH018
    SỐ TRANG: 105
    NGÀNH: VĂN HỌC
    CHUYÊN NGÀNH: LÝ LUẬN VĂN HỌC
    TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM
    NĂM: 2010



    Information


    MỞ ĐẦU

    1. Lí do chọn đề tài

    Văn hóa tồn tại song song với con người. Văn hóa là tổng thể những giá trị vật chất và
    tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Là một bộ phận không thể tách rời
    của văn hóa, văn học là một hình thái đặc biệt, thuộc về văn hóa tinh thần. Vì vậy, việc vận
    dụng các quan điểm và thành tựu của văn hóa để nghiên cứu, lí giải văn học là một hướng tiếp
    cận được vận dụng khá phổ biến hiện nay.
    Nguyễn Huy Thiệp là một trong những tác giả xuất sắc, tiêu biểu của cao trào đổi mới văn
    học Việt Nam từ sau năm 1986. Ông viết ở nhiều lĩnh vực như kịch, tiểu thuyết, phê bình văn
    học, tiểu luận, . nhưng nhắc đến Nguyễn Huy Thiệp, trước hết phải với tư cách là một cây bút
    viết truyện ngắn rất thành công. Ngay từ khi vừa xuất hiện trên văn đàn, Nguyễn Huy Thiệp đã
    trở thành một “hiện tượng” văn học, có khả năng khuấy động đời sống văn học vốn đang khá
    yên ắng ở nước ta sau năm 1975. Không những thế, văn của Nguyễn Huy Thiệp như có “ma
    lực” thu hút rất nhiều độc giả với những ý kiến đánh giá, phê bình rất khác nhau, có ý kiến ca
    ngợi nức lời nhưng cũng có không ít ý kiến bài bác thẳng thừng. Tuy nhiên, sau hơn hai mươi
    năm kể từ ngày ra mắt độc giả, Nguyễn Huy Thiệp đã dần khẳng định được vị trí của mình trên
    văn đàn. Những ý kiến đánh giá về truyện ngắn của ông đã phần nào ổn định. Quả thật, Nguyễn
    Huy Thiệp đang có một vị trí vinh dự trong dòng chảy cuồn cuộn không ngừng của biển cả văn
    học Việt Nam.
    Đến nay đã có khá nhiều công trình, bài viết nghiên cứu về truyện ngắn Nguyễn Huy
    Thiệp. Trong quá trình thu thập và tìm hiểu một số tài liệu ấy, chúng tôi nhận thấy đa phần các
    ý kiến tập trung đánh giá, khẳng định những đóng góp mới mẻ của ông trên phương diện nội
    dung tư tưởng và hình thức biểu hiện trong tác phẩm. Tuy nhiên theo chúng tôi, một trong
    những đặc điểm tạo nên sức hấp dẫn thẩm mĩ cho văn Nguyễn Huy Thiệp chính là yếu tố văn
    hóa dân gian trong truyện ngắn của ông. Qua tìm hiểu bước đầu, chúng tôi thấy đặc điểm này
    cũng đã có những bài viết đề cập đến song mới chỉ trong những hiện tượng đơn lẻ, chưa thành
    một hệ thống trọn vẹn.
    Đó cũng là lí do thôi thúc chúng tôi chọn đề tài: Ảnh hưởng của văn hóa dân gian đối với
    truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp làm đề tài nghiên cứu cho luận văn này.

    2. Lịch sử vấn đề

    Đầu năm 1987, tập truyện ngắn đầu tay Những truyện kể bất tận của thung lũng Hua
    Tát của Nguyễn Huy Thiệp được khởi đăng trên báo Văn nghệ, nhưng chưa tạo được tiếng vang. Phải đến tháng 6 năm ấy, với sự xuất hiện của truyện ngắn Tướng về hưu, dư luận mới
    bắt đầu có những đánh giá luận bàn sôi nổi. Đặc biệt không lâu sau đó, bộ ba truyện ngắn “lịch
    sử giả” (chữ dùng của Đặng Anh Đào): Kiếm sắc – Vàng lửa – Phẩm tiết ra mắt độc giả đã
    thực sự tạo nên bầu không khí phê bình tranh luận văn học với nhiều ý kiến đối lập gay gắt, cực
    đoan hơn cả so các cuộc tranh luận văn học từ sau năm 1975. Nhà phê bình Phạm Xuân
    Nguyên quả quyết: “Tôi dám chắc chưa có nhà văn nào vừa xuất hiện đã gây được dư luận,
    càng viết dư luận càng mạnh” khiến cho “văn đàn đổi mới đã khởi sắc, bỗng khởi sắc hẳn”
    [59, tr.6] như Nguyễn Huy Thiệp. Trong những cuộc tranh luận văn học ấy, người khen nhiều
    mà người chê cũng không ít. Nhìn chung các ý kiến tạo nên hai xu hướng chính: khẳng định và
    phủ định, trong đó xu hướng khẳng định giữ vai trò chủ đạo. Các bài viết này được giới thiệu
    trên các tạp chí nghiên cứu văn học khoảng những năm cuối thập niên 80 của thế kỉ trước, hiện
    nay đã được nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên sưu tầm khá đầy đủ trong cuốn Đi tìm
    Nguyễn Huy Thiệp, và một số bài viết được đăng tải trên các trang mạng Internet khoảng mười
    năm trở lại đây.
    Xoay quanh vấn đề về Nguyễn Huy Thiệp và các sáng tác của ông, chủ yếu tập trung ở
    mảng truyện ngắn, đến nay đã có nhiều bài nghiên cứu phê bình của các tác giả như: Hoàng
    Ngọc Hiến, Lại Nguyên Ân, Đặng Anh Đào, Lê Đình Kỵ, Philimonova, Phạm Xuân Nguyên,
    Nguyễn Đăng Điệp, Mỗi bài viết là một cách nhìn, một quan điểm, một suy nghĩ và một cảm
    nhận riêng. Trong giới hạn nhất định, người viết tập trung vào các ý kiến nổi bật trong bài viết có
    liên quan đến mục đích và phạm vi nghiên cứu của đề tài đã chọn.
    Trước hết, tiêu biểu cho những nhận xét cho rằng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có sự
    ảnh hưởng sâu sắc, đậm đà các yếu tố văn hóa dân gian, đặc biệt là từ cảm hứng huyền thoại,
    truyền thuyết là ý kiến đánh giá của nhà nghiên cứu văn học Philimonova. Nhà nghiên cứu
    người Nga này rất hứng thú khi nghiên cứu chất dân gian trong truyện ngắn Nguyễn Huy
    Thiệp. Trong bài viết “Những ngọn gió Hua Tát” của Nguyễn Huy Thiệp như hình mẫu của
    các truyền thuyết văn học, Philimonova đã có những nhận xét mang ý nghĩa khái quát: “Yếu tố
    dân gian chiếm một vị trí to lớn trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp [ ]. Ngay lần đọc đầu
    tiên các tác phẩm của anh, đó thường là truyện ngắn, có một điểm khiến chúng ta chú ý ngay là
    việc anh rất hay sử dụng các tư liệu dân gian. Hầu như trong mỗi truyện ngắn của anh đều
    hiện diện vết tích của các huyền thoại, truyền thuyết, dân ca, tục ngữ” [59, tr.59]. Do đó có thể
    nói rằng: “Yếu tố dân gian trong các tác phẩm của anh là một đề tài độc lập rộng lớn” [59,
    tr.59-60]. Tuy nhiên trong bài viết này, Philimonova chỉ mới tập trung nghiên cứu sự ảnh hưởng của truyền thuyết trong chùm truyện Những ngọn gió Hua Tát. Tác giả cho rằng những
    câu chuyện nhỏ trong Những ngọn gió Hua Tát là những “truyền thuyết văn học; một mặt,
    chúng lưu giữ được những đặc điểm thể loại của các truyền thuyết dân gian, mặt khác, chúng
    có sự xử lí văn học rõ ràng của tác giả” [59, tr.61].
    Trong bài viết Cuốn theo chiều văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà phê bình Nguyễn Đăng
    Điệp nhận xét: Nguyễn Huy Thiệp đã “vận dụng rất khéo các yếu tố folklore vào văn học”. Tác
    giả bài viết nhận thấy rằng để phản ánh chiều sâu của hiện thực, Nguyễn Huy Thiệp “luôn luôn
    lật ngược vấn đề, thoát ra ngoài những chuẩn mực thông thường và xác định giá trị nhân thế
    bằng những tưởng tượng phong phú ken dày các huyền thoại, các biểu tượng, các yếu tố dân
    gian” [20].
    Cùng với các ý kiến trên, Văn Tâm cũng đưa ra nhận định rằng một trong những nét
    phong cách đặc thù nhất của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là cảm hứng huyền thoại mạnh:
    “sương mù huyền thoại bao phủ hầu hết những trang sách Nguyễn Huy Thiệp, không những
    bao phủ dày đặc trong hai loại truyện huyền thoại (Con gái thủy thần) và cổ tích (Những
    ngọn gió Hua Tát) mà còn bập bềnh mờ mịt giữa khá nhiều dòng truyện lịch sử (Kiếm sắc,
    Phẩm tiết) và thế sự (Chảy đi sông ơi)” [59, tr.288].
    Nhà nghiên cứu Đặng Anh Đào cũng khẳng định cảm hứng huyền thoại thể hiện rõ trong
    truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, đặc biệt là khi nhà văn này xây dựng các nhân vật ngốc
    nghếch, mồ côi, rất gần với nhân vật trong cổ tích và “đó là điểm gần gụi của truyện Nguyễn
    Huy Thiệp với cổ tích và một số truyện phổ cập ở dân gian” [59, tr.389]. Cảm hứng ấy một
    phần “nằm trong dòng chảy ngầm của tinh thần phạm thượng bắt nguồn từ dân gian. Những kẻ
    dị dạng này nhiều khi làm nên điểm sáng nhân hậu, trí tuệ anh minh của câu chuyện” [59,
    tr.391]. Song bên cạnh đó, tác giả bài viết Biển không có thủy thần lại thừa nhận ở các nhân
    vật kể trên luôn ẩn chứa một “nghịch lí phản cổ tích” [59, tr.390], đó là điểm sáng tạo mới mẻ
    trong nhiều thiên truyện của Nguyễn Huy Thiệp.
    Cùng với quan điểm của Đặng Anh Đào, trong bài viết Ảnh hưởng thần thoại và cổ tích
    trong cách xây dựng nhân vật văn xuôi hôm nay, Bùi Thanh Truyền nêu vấn đề: “Xây dựng
    nhân vật thần thoại, cổ tích, hầu hết các cây bút văn xuôi hôm nay đều lồng vào đó thế giới
    quan mới mẻ, cái nhìn ‘lạ hóa” của người hiện đai. Vì thế có thể xem đây là những truyện cổ
    tích, thần thoại đời mới” [104, tr.45]. Để làm rõ nhận định, tác giả bài viết đã đi sâu tìm hiểu
    nhân vật Trương Chi trong truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Huy Thiệp. Từ đó, Bùi Thanh
    Truyền khẳng định: lấy cảm hứng từ nhân vật trong cổ tích dân gian nhưng Nguyễn Huy Thiệp không có cái nhìn nhất phiến về giai thoại cổ. Cho nên “nếu bi kịch của Trương Chi “bốn ngàn
    năm trước” là bi kịch tình yêu xuất phát từ sự mâu thuẫn giữa tài năng thiên phú và nhân diện
    xấu xí thì bi kịch của chàng Trương bốn ngàn năm sau chủ yếu là xung đột giữa hoàn cảnh xã
    hội và thân phận con sâu cái kiến của kiếp người” [104, tr.46].
    Bài viết Đối thoại với văn học dân gian và bản lĩnh của người viết của Lê Đình Kỵ
    cũng đi sâu vào nghiên cứu sự sáng tạo trên cơ sở kế thừa tiếp nối truyện cổ dân gian trong
    sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, nhất là về phương diện xây dựng nhân vật. Trong truyện
    Trương Chi, Lê Đình Kỵ đánh giá Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp “không còn là một
    Trương Chi cam chịu, âm thầm nhận lấy số phận của mình” [44, tr.30]. Mặc dầu vậy: “Dù là
    Trương Chi truyền thống hay Trương Chi “hiện đại” thì đó cũng đều là lời nhắn gởi, là tiếng
    kêu khắc khoải sao cho nghệ thuật, cho tiếng hát và tình yêu không bị cách lìa, mà được hòa
    giải, hòa diệu vào nhau” [44, tr.31].
    Bàn về thế giới nhân vật nữ trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, nhiều nhà nghiên
    cứu nhận thấy những nhân vật này thường toát lên vẻ đẹp trong trẻo, hồn hậu, mang vẻ đẹp mẫu
    tính vốn có của người phụ nữ Việt Nam. Nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến tỏ ra là người có
    những phát hiện trước nhất và mới mẻ hơn cả. Trong bài viết Tôi không chúc bạn thuận buồm
    xuôi gió, Hoàng Ngọc Hiến nhận xét: “Những người đàn ông trong tập truyện của Nguyễn Huy
    Thiệp hầu hết là đốn mạt, chí ít là những kẻ bất đắc chí, vô tích sự, nói chung là không ra gì.
    Ngược lại, trong các nhân vật nữ có những con người ưu tú, nhiều người đáng gọi là liệt nữ.
    Nó là sự hiện thân của nguyên tắc tư tưởng tạo ra cảm hứng chủ đạo của tác giả, có thể gọi đó
    là nguyên tắc tính nữ hay thiên tính nữ” [59, tr.15-16]. Theo nhà nghiên cứu này thì “thiên tính
    nữ” trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp “trước hết là tinh thần của cái đẹp và tất
    cả những nhân vật này đều đẹp, mỗi người một vẻ” [59, tr.16], không chỉ thế nó còn là “tinh
    thần vị tha và đức tính hi sinh” [59, tr.17]. Vẻ đẹp ấy tỏa ra ánh sáng dịu dàng, huyền diệu,
    lung linh trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Thiên tính nữ là điểm tựa quan trọng của tác
    giả. Thiếu nó, văn ông sẽ mất đi chiều sâu và chất trữ tình.
    Cũng cùng với quan điểm trên là ý kiến đánh giá sắc sảo của nhà nghiên cứu Văn Tâm:
    Nguyễn Huy Thiệp viết nhiều về cái xấu xa, cái ác nhưng “cảm hứng tích cực, tinh thần nhân
    bản cũng bất giác được mã hóa qua một hiện tượng nổi bật: tuyệt đại đa số những nhân vật
    nữ đều có phẩm chất ưu mĩ tuyệt vời” [59, tr.301–302). Qủa thực, trong truyện của Nguyễn
    Huy Thiệp, nhà văn luôn dành giọng điệu ngợi ca vẻ đẹp nữ tính của những nhân vật nữ. Những nhận xét, đánh giá trên phần nào đã cho ta thấy các nhà nghiên cứu có những phát
    hiện, khẳng định yếu tố trọng âm, trọng nữ trong tín ngưỡng của người Việt trong nghệ thuật
    xây dựng nhân vật nữ trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Tuy nhiên, các đánh giá này chỉ
    nêu vấn đề có tính chất gợi mở chứ chưa minh định cụ thể trên cả bề rộng lẫn bề sâu.
    Bàn về chất thơ trong văn Nguyễn Huy Thiệp, trong bài viết có nhan đề Thơ trong văn
    Nguyễn Huy Thiệp, nhà nghiên cứu Philimonova cho rằng một trong những đặc điểm nổi bật
    của văn xuôi Nguyễn Huy Thiệp là việc thường xuyên sử dụng thơ. Đặc biệt hơn hết là trong
    truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp thường xuất hiện các đoạn kể bằng văn vần là các bài ca
    dao, đồng dao xen kẽ lời kể bằng văn xuôi. Philimonova lí giải sở dĩ có hiện tượng này là do
    Nguyễn Huy Thiệp “chịu ảnh hưởng văn xuôi cổ điển vùng Viễn Đông” và việc vận dụng thủ
    pháp cũ này khiến văn ông trở nên “rất đặc biệt, rất dễ nhận ra” [59, tr.168]. Nguyễn Vy
    Khanh cũng có cùng ý kiến trên khi cho rằng: “Nhờ thể huyền thoại, Nguyễn Huy Thiệp có
    những đoạn truyện như là thơ, một thứ thơ dân gian, xa chốn văn minh giả tạo và dối trá” [59,
    tr. 380].
    Bùi Việt Thắng nhận xét: “Nguyễn Huy Thiệp đã đưa vào truyện ngắn các hình thức
    khác như đồng dao (Huyền thoại phố phường), hát dỗ em (Những người thợ xẻ), thơ dịch
    (Nguyễn Thị Lộ), thơ trữ tình (Những bài học nông thôn), chuyện thơ (Thương nhớ đồng quê)”.
    Từ đó, nhà nghiên cứu cho rằng: “việc đưa thơ vào truyện ngắn làm cho “sự kể chuyện” thêm
    linh hoạt, phong phú” [75, tr.386] này vốn đã có truyền thống trong văn học. Thành công của
    nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là sự vận dụng, kế thừa văn học truyền thống, từ đó có những cách
    tân, sáng tạo nhưng vẫn không xa rời với truyền thống.
    Về nét mới trong cách dựng truyện, nhà thơ Diệp Minh Tuyền đánh giá: Nguyễn Huy
    Thiệp đã “kết hợp giữa hiện thực và huyền thoại” [ ]. Rõ ràng ở đây ta thấy dấu ấn của văn
    học hiện đại châu Mỹ la – tinh. Nhưng sự tiếp thu này ở Nguyễn Huy Thiệp không sống sượng
    bởi nhờ trước đó anh đã vốn có lối tư duy huyền thoại thuần thục biểu hiện trong chùm truyện
    Những ngọn gió Hua Tát”, [59, tr.399]. Chính sự kết hợp này đã khiến cho văn ông vừa mới
    mẻ, hiện đại lại vừa gần gũi bởi chúng được bắt nguồn từ bề sâu truyền thống thẩm mĩ của
    người đọc Việt Nam.
    Về cách kể chuyện của Nguyễn Huy Thiệp, Đoàn Hương ví von ông là “Người kể
    chuyện cổ tích hiện đại”. Đoàn Hương nhận định truyện của Nguyễn Huy Thiệp hấp dẫn độc
    giả chính là ở “cái cách kể chuyện đơn giản bằng chính ngôn ngữ của nhân dân là một thi pháp
    đã có từ trong truyền thống như đã từng có trong truyện cổ tích Việt Nam” [33, tr.621]. Cũng theo nhà nghiên cứu Đoàn Hương, dấu ấn của truyện cổ dân gian trong sáng tác
    của Nguyễn Huy Thiệp còn biểu hiện rõ qua cách thức mở đầu và kết thúc truyện. Đoàn Hương
    nhận thấy rằng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp “vốn ưa cấu trúc một cốt truyện đơn giản như
    chẳng có gì”. Bởi thế mà truyện của ông có những “cái kết thúc đẹp đẽ mang tính biểu tượng
    của một kết thúc có hậu của truyện cổ tích” [33, tr.622].
    Còn theo Nguyễn Vy Khanh thì chính bởi một số truyện của Nguyễn Huy Thiệp sáng tạo
    từ thể huyền thoại dân gian nên nhà văn hay “úp mở, gợi tưởng tượng. Hay không thật sự kết
    thúc, vì không có kết; hay kết cũng huyền hoặc như dẫn đưa của đầu và thân truyện” [59,
    tr.386]. Từ đó, tác giả đi đến nhận xét truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thường có những đoạn
    kết rất đặc biệt, tạo được sự hấp dẫn riêng.
    Bằng nhãn quan tinh tế và tấm lòng trân trọng, thấu hiểu tài năng của Nguyễn Huy
    Thiệp, Hoàng Ngọc Hiến đã có nhận xét rất sâu sắc: “Dẫu kể chuyện cổ tích, Nguyễn Huy
    Thiệp trước sau viết về cuộc sống ngày hôm nay. Và tác giả đã nhìn thẳng vào sự thật của đời
    sống thực tại. Tác giả đã không ngần ngại nêu lên những sự bê tha, nhếch nhác trong cuộc
    sống, kể cả những sự thật rùng rợn, khủng khiếp” [59, tr.9-10].
    Đoàn Hương cũng cho rằng một số truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có thể gọi truyện cổ
    tích hiện đại vì cái chất “hiện đại” của nó. Nhưng, nhà nghiên cứu này khẳng định: “nó vẫn là
    cổ tích vì cái đẹp nhân bản của nó” [33, tr.626].
    Nhà nghiên cứu văn học người Úc, Greg Lockhart, lí giải lí do vì sao ông đã chọn dịch
    tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp sang tiếng Anh. Ông ca ngợi: tác phẩm của Nguyễn Huy
    Thiệp là “một đóng góp quan trọng cho văn học Việt Nam” và cũng là “đóng góp cho văn học
    thế giới hiện đại” vì tính chất nhân bản mà nhà văn nêu lên trong truyện là vấn đề lớn mang tầm
    nhân loại [59, tr.110-111].
    Mở rộng hơn, một số nhà nghiên cứu còn nhận thấy dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại
    trong những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Tác giả La Khắc Hòa khẳng định rằng
    có thể tìm thấy trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp những câu chuyện thể hiện tâm trạng và
    cảm quan hậu hiện đại. Xuyên suốt toàn bộ sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp là “câu chuyện về
    một thế giới vô nghĩa, vô hồn”. Đọc truyện ngắn của ông, ta thấy “có những dấu hiệu về một
    cuộc chia tay với nguyên tắc dụ ngôn cùng với những vị ngữ bất biến, quen thuộc của nó [ ].
    Khi sự hồ nghi tồn tại đã thấm sâu vào cảm quan nghệ thuật, chắc chắn nhà văn sẽ tìm đến
    nguyên tắc lạ hoá làm nền tảng cấu trúc hình tượng”. Tuy nhiên, dù đổi mới sáng tạo đến đâu
    đi nữa thì “loại hình tư duy ấy gắn với những nguyên tắc kiến tạo hình tượng, tổ chức văn bản của đồng dao, câu đố có nguồn cội từ thời tiền văn học, trong sáng tác dân gian” [29]. Thêm
    vào đó, La Khắc Hòa còn nhận xét rất xác đáng rằng sự xuất hiện của chủ nghĩa hậu hiện đại
    trong văn học Việt Nam nói chung, trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp nói riêng “chắc chắn
    không phải là hiện tượng vay mượn, ngoại nhập”, mà do những điều kiện lịch sử, xã hội trong
    vòng 30 năm nay đã làm nảy sinh tâm trạng, cảm quan và loại hình văn hoá hậu hiện đại trong
    văn học Việt Nam.
    Như vậy, theo các nhà nghiên cứu, mặc dù là nhà văn luôn có những cách tân táo bạo
    trong nghệ thuật xây dựng truyện ngắn trong giai đoạn văn học thời Đổi mới, nhưng sáng tác
    của Nguyễn Huy Thiệp vẫn bắt nguồn từ truyền thống văn hóa - văn học dân gian đa dạng và
    phong phú của dân tộc.
    Tóm lại, từ trước đến nay, vấn đề về: Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp và yếu tố văn hóa
    dân gian trong truyện ngắn của nhà văn vẫn luôn là vấn đề lý thú, không ngừng thu hút được
    sự quan tâm, tìm hiểu của đông đảo học giả, các nhà nghiên cứu, các giới phê bình văn học, độc
    giả trong và ngoài nước. Các bài nghiên cứu, phê bình mà chúng tôi có điều kiện tìm hiểu ở trên
    phần nào đã phân tích, đánh giá, khẳng định sự ảnh hưởng của văn hóa dân gian trong truyện
    ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và có tính chất gợi mở cho người viết tìm hiểu sâu hơn về
    vấn đề này. Tuy nhiên, do tính chất về đối tượng, mục đích và phạm vi nghiên cứu khác nhau
    nên sự quan tâm ở những bài viết trên mới chỉ dừng lại ở đôi lời nhận xét, nhận định khái quát;
    hoặc thu hẹp khi khảo sát trong một vài tác phẩm cụ thể hoặc khái quát khi tiến hành khảo sát
    trên toàn bộ sáng tác của nhà văn dưới góc nhìn phong cách học. Vì thế như một lẽ tất yếu, các
    bài viết chưa có điều kiện tập trung một cách sâu sắc và toàn diện về sự ảnh hưởng của văn hóa
    dân gian đối với truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Qua luận văn này, người viết sẽ cố gắng đưa
    đến một cách hiểu, một cách nhìn nhận, đánh giá mang tính hệ thống và đầy đủ hơn về sự ảnh
    hưởng này trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

    3. Phạm vi nghiên cứu

    Giới hạn ở đề tài nghiên cứu, luận văn sẽ tiến hành khảo sát, nghiên cứu toàn bộ truyện
    ngắn Nguyễn Huy Thiệp, bao gồm 42 truyện. Người viết sử dụng văn bản sau để tiến hành
    nghiên cứu:
    Nguyễn Huy Thiệp (2006), Tuyển tập truyện ngắn, Đỗ Hồng Hạnh tuyển chọn và hiệu
    đính, Nxb Văn hoá Sài Gòn.
    Về ảnh hưởng của văn hóa dân gian đối với truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có nhiều vấn
    đề cần nghiên cứu. Tuy nhiên trong phạm vi điều kiện cho phép, luận văn chỉ đi vào khảo sát, phân tích, nhận định một số yếu tố của văn hóa dân gian như văn học dân gian, tín ngưỡng dân
    gian, ngôn ngữ dân gian ảnh hưởng đến việc xây dựng cốt truyện, nhân vật và ngôn ngữ, giọng
    điệu trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.

    4. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài nghiên cứu

    Người viết rất hi vọng kết quả mà luận văn gặt hái được có thể là những đóng góp hữu ích
    như sau:
    - Góp phần khảo sát và lí giải một cách có hệ thống, khách quan, mới mẻ về sự ảnh hưởng
    của văn hóa dân gian đối với truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Qua đó góp phần khẳng định
    cách tiếp cận văn học từ góc độ văn hóa dân gian là một trong những hướng nghiên cứu cần
    thiết trong nghiên cứu văn học hiện nay.
    - Luận văn này cũng có thể dùng làm tư liệu tham khảo cho việc nghiên cứu, giảng dạy về
    tác giả Nguyễn Huy Thiệp nói riêng, và văn học Việt Nam hiện đại nói chung.

    5. Phương pháp nghiên cứu

    Để triển khai đề tài Ảnh hưởng của văn hóa dân gian đối với truyện ngắn Nguyễn Huy
    Thiệp, chúng tôi đã vận dụng những phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau:

    5.1. Phương pháp văn hóa học:

    Người viết sử dụng phương pháp này khi nghiên cứu luận văn nhằm vận dụng các quan
    điểm và thành tựu văn hóa nói chung, đặc biệt là văn hóa dân gian để tìm hiểu, lí giải truyện
    ngắn Nguyễn Huy Thiệp trên một số phương diện như cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ và giọng
    điệu.

    5.2. Phương pháp hệ thống:

    Người viết sử dụng phương pháp này nhằm xem xét các yếu tố văn hóa dân gian biểu
    hiện qua nội dung và nghệ thuật làm nên diện mạo chung cho truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
    trên tinh thần hệ thống. Từ đó phân tích sự kế thừa, sáng tạo các yếu tố ấy tạo nên sức hấp dẫn
    thẩm mĩ trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp.

    5.3. Phương pháp phân tích - tổng hợp:

    Trong quá trình thực hiện luận văn, người viết tiếp cận và khảo sát trực tiếp văn bản, từ
    đó phân tích để đưa ra những luận điểm tổng hợp, khái quát của luận văn về sự ảnh hưởng của
    văn hóa dân gian trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp trên các phương diện như cốt
    truyện, nhân vật, ngôn ngữ và giọng điệu. Những phương pháp nghiên cứu này sẽ được người viết vận dụng một cách linh hoạt
    trong quá trình nghiên cứu. Ngoài ra, để có cái nhìn toàn diện, khách quan khi đánh giá vấn đề,
    người viết còn sử dụng phối hợp các phương pháp khác như: phương pháp so sánh, đối chiếu,
    phương pháp thống kê, với chừng mực nhất định mà mục đích cuối cùng là làm rõ sự ảnh
    hưởng của văn hóa dân gian trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.

    6. Cấu trúc luận văn

    Luận văn bao gồm 138 trang. Ngoài phần Mở đầu (12 trang), phần Kết luận (4 trang), phần Nội dung của luận văn (122 trang) được tổ chức thành ba chương:
    Chương 1: Những tiền đề lí luận và thực tiễn
    Chương 2: Cốt truyện và nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
    Chương 3: Ngôn ngữ và giọng điệu trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...