Luận Văn Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sinh kế và sức khỏe của người dân tại xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc

Thảo luận trong 'Môi Trường' bắt đầu bởi Bích Tuyền Dương, 18/11/12.

  1. Bích Tuyền Dương

    Bài viết:
    2,590
    Được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU

    Biến đổi khí hậu (BĐKH) mà trước hết là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng đang là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt trong Thế kỷ 21. BĐKH tác động lên tất cả các lĩnh vực như: tài nguyên nước, môi trường, kinh tế - xã hội đời sống và sức khoẻ con người, đe dọa sự tồn tại của Trái đất, của nhân loại và “đòi hỏi thế giới phải hành động ngay và nhanh chóng hơn bao giờ hết, khi chưa quá muộn”(Asian Development Bank, 2001 dẫn từ Phan Văn Đức 2011)[2].
    Báo cáo đánh giá lần thứ 4 (2007) của Uỷ ban Liên Chính phủ về BĐKH (IPCC) đã làm nổi bật một số tác động chính của BĐKH, trong đó bao gồm những tác động lên cây lương thực, những loại cây bị ảnh hưởng khi nhiệt độ thay đổi và năng suất phụ thuộc vào thời gian và mức độ khắc nghiệt của khí hậu biến đổi. Ở những vùng, nơi có nhiệt độ trung bình tăng từ 1 tới 3oC cùng với lượng CO2 và lượng mưa tăng có thể ảnh hưởng lớn tới sản lượng cây trồng như cây lúa mì, ngô, cây lúa nước (Easterling et al., 2007). Thậm chí ở nhiều vùng nhiệt đới, nhiệt độ trung bình tăng lên có khả năng ảnh hưởng tới năng suất của phần lớn ngũ cốc (1oC cho lúa mì và ngô, 2oC cho lúa nước). Nếu nhiệt độ tăng lên trên 3oC thì sẽ gây ra tình trạng căng thẳng cho tất cả các loại cây trồng ở tất cả các vùng (Fisher et al., 2002; Rosenzweig et al., 2001 dẫn từ Phan Văn Đức 2011)[2].
    Cộng đồng các nhà khoa học trên thế giới đều công nhận BĐKH là một hiểm họa môi trường và xã hội mà loài người phải đối mặt trong thế kỷ 21, đe dọa đến cuộc sống và môi trường trên quy mô toàn cầu, đến nền sản xuất nông nghiệp, sức khỏe và an ninh lương thực. Theo dự báo nếu nước biển dâng cao 1m đến năm 2100, nhiều quốc gia ven biển sẽ chịu hậu quả nặng nề, nhiều hòn đảo sẽ bị nước biển nhấn chìm đe dọa đến sự sống của hàng trăm triệu người trên khắp hành tinh (Koko Warner et al, 2009). Nhiều thành phố của các quốc gia ven biển đang đứng trước nguy cơ bị nước biển nhấn chìm do mực nước biển dâng - hậu quả trực tiếp của sự tan băng ở Bắc Cực và Nam Cực (IPCC, 2007) [22].
    Việt Nam một trong những quốc gia bị ảnh hưởng bởi nóng lên toàn cầu và nước biển dâng. Thậm chí Việt Nam nằm trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi BĐKH ở khu vực châu Á Thái Bình Dương cũng như trên thế giới. Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu qua phân tích và phỏng đoán các tác động của nước biển dâng đã công nhận ba vùng châu thổ được xếp trong nhóm cực kỳ nguy cơ do sự biến đổi khí hậu là vùng hạ lưu sông Mekong (Việt Nam), sông Ganges - Brahmaputra (Bangladesh) và sông Nile (Ai Cập). Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc – UNDP (2007) đánh giá: “Khi nước biển tăng lên 1m, Việt Nam sẽ mất 5% diện tích đất đai, 11% người dân mất nhà cửa, giảm 7% sản lượng nông nghiệp (tương đương 5 triệu tấn lúa và 10% thu nhập quốc nội.), đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ có khoảng 2 triệu ha nằm dưới mực nước biển” (Lê Anh Tuấn, 2009 dẫn từ Phan Văn Đức, 2011)[2].
    Trên thực tế, sinh kế của hàng chục triệu người Việt Nam đang bị đe dọa với những ảnh hưởng của BĐKH. Vấn đề này và những hệ quả của nó đang khiến cho cuộc sống người nghèo và những người cận nghèo Việt Nam ở vùng núi, vùng biển, vùng đồng bằng bị đe dọa nghiêm trọng. Triều cường là một trong những hệ quả của biến đổi khí hậu, đang tác động không nhỏ đến sinh kế người Việt ở ĐBSCL. Lượng mưa thất thường và luôn biến đổi. Nhiệt độ tăng cao hơn, tình hình thời tiến khốc liệt hơn. Tần suất và cường độ của những đợt bão lũ, triều cường tăng đột biến. Các dịch bệnh xuất hiện và lan tràn . Tình trạng thiếu hụt nước tăng cao. Diện tích rừng ngập mặn cũng bị tác động. Phân bố rừng nguyên sinh, thứ sinh có thể dịch chuyển. Nguy cơ tuyệt chủng các loài động thực vật gia tăng. Nguy cơ cháy rừng, phát tán dịch bệnh ngày càng hiển hiện. Nguồn thủy, hải sản bị phân tán (Phan Văn Đức, 2011).
    Thừa Thiên Huế nằm trong vùng duyên hải miền Trung đã, đang và đối mặt với những thách thức liên quan đến vấn đề BĐKH, đặc biệt là các địa phương ven biển, cửa sông và đầm phá có địa hình trũng thấp. Nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản ở Thừa Thiên Huế là hai ngành thường xuyên bị tác động bởi những thảm họa về khí hậu. BĐKH tác động đến sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực rất lớn. BĐKH gây biến động về năng suất sản lượng cây trồng và vật nuôi, thay đổi cơ cấu, thời vụ cây trồng vật nuôi, biến đổi về nhu cầu nước. Nước biển dâng làm suy giảm diện tích đất canh tác (vùng đầm phá). Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, những tác động của thiên tai, cụ thể là bão lụt, hạn hán và gần đây là rét đậm kéo dài thường gây thiệt hại không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp.
    Vinh Hiền là xã nghèo vùng ven đầm phá, ven biển của huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hầu hết người dân sinh sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Hàng năm, người dân ở đây thường xuyên chịu ảnh hưởng từ thiên tai như lũ lụt, bão nhiệt đới, hạn hán, xâm nhập mặn. Tuy nhiên, nhận thức của người dân ở đây về BĐKH vẫn còn rất thấp. Họ vẫn xem các hiện tượng thời tiết cực đoan trong những năm gần đây là bình thường nên chưa chủ động trong việc thực hiện các giải pháp thích ứng với những điều kiện mới đó. Mặt khác, do những nguyên nhân khác nhau, những nghiên cứu về ảnh hưởng của BĐKH ở những khu vực nhỏ thường bị hạn chế do thiếu sự tham gia của các nhà khoa học trong nước. Những nghiên cứu hiện nay vẫn còn mang tính chất chung chung, chưa có những phân tích, dự báo những ảnh hưởng cụ thể của BĐKH đến hoạt động sinh kế của người dân trong thời điểm hiện tại và tương lai.
    Xuất phát từ thực tiễn trên, chúng tôi đã chọn đề tài “Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sinh kế và sức khỏe của người dân tại xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và đề xuất các giải pháp thích ứng” để tìm hiểu ảnh hưởng của BĐKH lên sinh kế và sức khỏe của người dân tại xã Vinh Hiền, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp thích hợp nhằm giúp người dân ở đây có thể thích ứng với BĐKH.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...